Chi tiết tin tức Giữa vườn xuân thắp hoa Đạo lý 23:31:00 - 29/01/2017
(PGNĐ) - Vườn hoa đất nước những ngày mùa đông
Chúng ta đang sống những ngày đầu mùa đông với những bất trắc của thời tiết, có cả thiên tai và nhân tai, khi bao con người ở miền Trung đang vật lộn với những dòng lũ và những cơn mưa khốc liệt, đã có người chết, đã tổn hại biết bao hoa màu và cây trái. Còn những vùng khác trên cả nước, dù không gặp tai ương về thời tiết, vẫn đang phải đối phó với những tai họa khác: thực phẩm độc hại, không khí, nước uống ô nhiễm, kẹt xe tắc đường... Chưa kể những bất trắc rình rập quanh ta, sụp hố, cây đổ, cháy nhà, cháy chợ... Nhìn chung, chúng ta cảm thấy bất an khi đắm chìm trong ngũ trược: bao nhiêu kẻ theo tà bỏ chính, chạy theo vật chất (kiến trược); kèm theo đó là thói vô cảm, sự băng hoại lý tưởng, tính thực dụng lạnh lùng, sự trống vắng niềm tin, sẵn sàng phạm tội ác vì mê muội (phiền não trược) phản ánh qua tỷ lệ tội ác không hể giảm, với sự xuống cấp đạo đức trong đời sống, trong kinh doanh và cả trong hàng ngũ viên chức công quyền (mạng trược). Tất cả vẽ lên một bộ mặt ảm đạm tiều tụy của một vườn hoa run rẩy trong cái lạnh mùa đông với những loài cỏ dại, hoa độc hay đang bị sâu khoét rữa trên thân, trong nhụy. Một vườn hoa tiều tụy đến tội nghiệp khi chúng ta nghe hay đọc hàng ngày rất nhiều những điều bất cập, những chuyện bất nhẫn: ức hiếp, giết người vô tội vì những chuyện không đâu, doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận bất chấp tính mạng người tiêu dùng, gây nhiễm độc môi trường, xây thủy điện phá rừng vô trách nhiệm gây tai họa cho bá tánh và v.v... Thiết nghĩ nếu như chỉ khách quan đối phó thiên tai thôi cũng đã mệt mỏi dù cho người trong nước biết yêu thương, đoàn kết;đằng này chúng ta lại phải đối phó với sâu bệnh từ ngay trong từng cánh hoa, từng cành cây trong vườn nhà mà có vị lãnh đạo cấp cao đã có lần kêu lên “Một con sâu đã đủ làm rầu nồi canh mà mình lại có cả đàn đặng!” Ươm hạt mầm nào trong vườn hoa mùa xuân này? Ai đó đã ví “văn hóa là hoa của đạo lý” vì văn hóa phải sinh trưởng từ mầm đạo lý, như là cội nguồn cho mọi phẩm tính tốt đẹp sinh sôi, tăng trưởng... Những người lãnh đạo đất nước từ ngày xưa đời Lý - Trần cho đến những nhà cách mạng gần đây như các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đến những lãnh tụ cách mạng sau này đều muốn xây dựng một xã hội có văn hóa với tinh thần độc lập tự cường, một nền luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng, muốn xây dựng xã hội mà ở đó mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân đều được trân trọng cũng như phát huy dân quyền về mặt chính trị. - Xây dựng kinh tế để tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hóa. - Văn hóa là kiến trúc thượng tầng, nó phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Cuộc cách mạng văn hóa mà trước đây chúng ta chủ trương, hô hào, kêu gọi nhằm biến “một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống vui tươi hạnh phúc”(Hồ Chí Minh) bằng cách bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới chân-thiện-mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Những phẩm chất ấy hôm nay đang ở đâu? Đạo lý xã hội đang xuống cấp khi người ta mưu quyền đoạt lợi, từ chuyện lớn đến chuyện bé, những nguyên lý “ở hiền gặp lành” “gieo nhân nào gặt quả nấy” hình như không còn ai e sợ vì họ không tin vào “địa ngục” dù địa ngục đang ngự trị tâm hồn họ! Người dân Việt qua bao thế hệ đã làm lành tránh dữ, tin vào lý nhân quả nhưng sự giáo huấn từ trong gia đình ra ngoài xã hội hiện nay chểnh mảng, thiếu quan tâm. Xu hướng thực dụng trong thanh niên và cả thiếu niên giữ vai trò chính trong định hướng hành động.Chúng tôi đã từng đề cập việc phải ươm mầm “thiện” từ tấm bé (đọc bài “Gieo lại hạt từ tâm” trong NSGN) vì nếu trẻ thơ không được huân tập, tưới tẩm tâm yêu thương thì những ngộ nhận về thành công hay về quyền lực có thể khiến cậu bé ấy trở thành kẻ chỉ biết dựa vào sức mạnh để khống chế và vượt lên trên kẻ khác, thậm chí, hủy hoại hay “tiêu diệt” đối thủ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến tinh thần cạnh tranh quyết liệt ở mọi tổ chức, mọi địa phương. Con người bảo vệ quyền lợi cá nhân hay tập thể của mình bằng mọi phương tiện, kể cả triệt hạ nhằm thỏa mãn tham vọng của mình. Đức Phật nêu rõ các dục là nguồn gốc của xung đột và chiến tranh, và do vậy Ngài dạy các đệ tử phải dùng trí tuệ và thiền định để chế ngự các dục: “Này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua... mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha...” (Trung bộ I, 87). Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa mình và người, xem các người khác là bằng mình hay hơn mình, hay thua mình. Do vậy Đức Phật dạy: “Bằng, thắng hay thua ta, Như vậy đấu tranh khởi; Cả ba không dao động, Bằng, thắng không khởi lên”. (Tương ưng I, 15) Phật dạy chiến tranh xảy ra đem đến đau khổ vô lượng vô biên cho mọi người. Phương pháp hay nhất là đừng nên dùng chiến tranh dể giải quyết các xung đột, phải dùng các phương pháp hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột. Do vậy, Ngài dạy sáu pháp cần phải ghi nhớ (lục hòa) để xây dựng tình tương thân tương ái giữa chúng sanh, sống với nhau hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Ngoài ra Người còn dạy dùng Tứ vô lượng tâm “Vị ấy an trú, biến mãn một phương với lòng từ... lòng bi... lòng hỷ... lòng xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân”. Đạo đức Phật giáo đã là một nếp sống hài hòa với con người, đồng thời cũng là một nếp sống hài hòa với thiên nhiên:”Này các Tỳ-kheo, Ta không có tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta.”(Tương ưng III, 165). Tâm từ của đạo Phật mở rộng đến tất cả chúng sinh, kể cả các loài côn trùng nhỏ bé, các loài cây cỏ hữu tình. Nói như Bùi Giáng: “Trần gian ơi, cánh bướm cánh chuồn chuồn Con kiến bé, cùng hoa hoang cỏ dại, Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”. Chúng ta phải làm gì trong mùa xuân này? Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhắn nhủ: “Những vấn đề của chúng ta, dù đến từ bên ngoài, như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ bên trong dưới hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra giải pháp chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta”. Chắc chắn rằng nếu muốn những đóa hoa đạo lý ấy ra đời hay luôn tươi mát, chúng ta phải ủ mầm mới hay chăm sóc những nụ hoa, cánh hoa có sẵn, đang mọc nhưng bị cỏ dại hoa hoang chèn ép, che khuất. Sao không ai đưa vào chương trình giáo dục những nội dung thiết thực hơn như tình bạn, tình làng nghĩa xóm trước khi mở rộng ra các phạm trù lớn hơn như tình dân tộc, nghĩa đồng bào... Người ta phải trân trọng sinh mạng và tài sản kẻ khác, trước khi làm điều gì đó lớn hơn như cẩn trọng với ngân quỹ hay ngân sách! Phải lưu ý rằng cái mới ra đời trên nền cái cũ, thối nát, hôi tanh và mục đổ. Phật ở trong chốn hồng trần mà ra. Đóa hoa đạo lý ấy như những đóa sen phải sinh ra từ bùn, từ quần chúng, vượt lên bao giằng xé, đấu tranh, hy sinh để vững mạnh. Chủng tử của Phật tánh nằm ở khắp nơi trong pháp giới này, trong ta. Bao nhiêu người ngã xuống hôm qua đã luôn mơ về những hạt sương mai đã thấm đẫm ánh bình minh của ngày mới, mùa mới, dào dạt lòng người. Ngày mà văn hóa là hoa của Đạo lý, đánh thức chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết gia đình-làng xã-lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Nói như Hòa thượng Đức Nhuận: “Cuộc đời của Đức Như Lai đã thực chứng điều này. Là Phật tử, những người may mắn được kế thừa đức sáng trí tuệ của Phật tổ, chúng ta không thể làm ngơ trước những khổ đau của xã hội. Chúng ta cần trao cho thời đại một nội dung Phật giáo, nội dung từ bi mẫn nhuệ để nương vào đó con người ổn định tâm tư, ổn định cuộc sống và cùng xây dựng một xã hội vui ấm.” (Đức Nhuận, Trao cho thời đại một nội dung Phật giáo,TS Vạn Hạnh số 20, 1967). Chúng ta phải hành động bằng một chương trình thực tế, một chiến lược tổng thể song song với những chính sách văn hóa vì “Nếu đạo Phật chỉ khép mình trong những ngôi chùa, những tu viện, chỉ là một thứ tiêu khiển cho những kẻ mệt mỏi với đời, đạo Phật không thể nào sóng gió. Nhưng khốn nỗi đạo Phật đã đến nước Việt Nam, đã thấm nhuần vào miếng đất, mảnh gạch, lá cây ngọn cỏ, thấm nhuần vào tâm trí người Việt Nam, nên đạo Phật không thể là một đối tượng vô tri bất động mà phải thở, phải nói, phải trình bày, phải đi phải đứng.” (Thích Trí Thủ, Xuân Vạn Hạnh, TS Vạn Hạnh số 20, 1967). Những cái “phải” này của Phật giáo không gây bất ổn xã hội mà làm gắn kết nhân tâm, phát triển đất nước trên nền tảng hòa hợp và bình yên. Có thể minh chứng qua những triều đại rực rỡ thời Lý -Trần khi những vị minh quân đã thắp sáng vườn hoa đạo lý vì khi ấy “Xuân khứ, hoa thường tại/ Nhân lai, điểu bất kinh” (Kệ khai thị) vì xuân dù đi hoa vẫn còn ở lại, người đến gần không làm chim kinh sợ. Đó là thế giới của hạnh phúc vĩnh cửu vì đạo lý không chỉ có một thời và đó cũng là niềm lạc quan miên viễn của “Đêm qua sân trước, nhành mai nở bừng” (thơ Mãn Giác. HT.Quảng Độ dịch). Nguyên Cẩn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |