Chi tiết tin tức

Đảng viên và tín ngưỡng Phật giáo

16:49:00 - 22/10/2016
(PGNĐ) -  Qua một số quan điểm trên đây, là người đảng viên Đảng Cộng sản, đứng trong đội ngũ tiên phong, đòi hỏi mỗi cá nhân trong công tác nhiệm vụ của mình cùng sự tín ngưỡng, mến mộ Phật giáo cần chuyên tâm sâu sắc với từng vai trò mà mình tham gia. 

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước ta tiến hành cải cách mở cửa đã hơn 30 năm, bộ mặt xã hội, cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, nền kinh tế có những chuyển biến rõ rệt… Trong khí thế đổi thay đó, Phật giáo Việt Nam cũng khoác lên mình chiếc áo mới mẻ, chùa chiền các nơi được xây dựng, trùng tu khang trang đẹp đẽ, số lượng phật tử, người tín mộ Phật giáo ngày một tăng lên với đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần trong các tầng lớp khác nhau. Trong đó có sự đóng góp sức lực, vật chất không nhỏ của những cán bộ, công chức, đảng viên Đảng Cộng sản có tín ngưỡng, mến mộ đạo Phật. 
 

Những hình ảnh đảng viên, cán bộ, công chức tín ngưỡng, mến mộ Phật giáo hiện nay không còn là điều mới mẻ so với xã hội trước kia. Điều đó phản ảnh đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý. Thể hiện cách nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển xã hội và đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, khẳng định chính sách luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi công dân trong xã hội.

 

Tinh thần đó được Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp qua từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau như Nghị quyết số 24/NQ - TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi dấu son về sự đổi mới đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, xác định:… Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”; Quy định số 123 - QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo ngày 28/9/2004 cũng là một chính sách nổi bật, phù hợp xu thế nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phát triển đảng viên là người có đạo, tạo ra sự phấn khởi trong đảng viên và quần chúng ưu tú trong các tôn giáo; Hướng dẫn số 40 - HD/BTCTW ngày 8/4/2005 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định số 123 - QĐ/TW “Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo” v…v…. 
 

Các chủ trương, chính sách đó hoàn toàn đúng đắn, phù hợp lòng dân bởi một số nguyên nhân sau:    
 

Thứ nhất, sự xuất hiện của Phật giáo là một dạng văn hóa có tính lịch sử với đặc thù riêng. Trải qua hàng nghìn năm phát triển qua bao thăng trầm, Phật giáo trở thành một trong ba tôn giáo lớn nhất của thế giới và là tôn giáo có lượng tín đồ, người kính ngưỡng lớn nhất tại nước ta hiện nay, có được sự đón nhận rộng khắp như vậy đương nhiên có tính hợp lý và ý nghĩa thiết thực trong đời sống của tôn giáo này.
 

Thứ hai, trong đời sống chính trị tại Việt Nam, chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tín ngưỡng về chính trị, còn sự sùng kính, mến mộ, tín ngưỡng đối với Phật giáo lại được hiểu như giá trị trực quan và thế giới quan về cuộc sống, tinh thần của con người. Các kinh điển Phật giáo ngoài giá trị thực tiễn trong học thuyết còn có tác dụng tích cực lên cách hành xử của con người với xã hội, của con người với con người, thúc đẩy phát huy sức sáng tạo, chân, thiện, mỹ của mỗi người dân trong đời sống hàng ngày, tạo môi trường sống hài hòa, ngày một tươi đẹp hơn.
 

“Phật pháp bất ly thế gian giác”, luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái, gắn bó với dân tộc Việt Nam bằng tinh thần cứu khổ, cứu nạn của đức Phật. Giáo lý Phật giáo quan niệm con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xả, đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, định hướng hoạt động của Phật giáo cho con người và vì con người, nếu mỗi vị cán bộ lãnh đạo, mỗi một đảng viên sống trọn vẹn với tâm hạnh đó thì những tệ nạn, sự xa rời quần chúng, thờ ơ nỗi đau của dân thường… không còn xảy ra trong hiện thực hàng ngày. Triết lý tốt đẹp đó không khác nhiều so với lý tưởng của Đảng, của Nhà nước Việt Nam vì ấm no, hạnh phúc của mọi người dân. Như tại Báo cáo Chính trị của Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Bảo đảm an sinh xã hội… trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương”. Nét đồng điệu trên cũng là một trong những cơ sở then chốt, là cơ duyên để Phật giáo phát triển, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của cha ông ta.
 

Thứ ba, Phật giáo Việt Nam trải qua hàng nghìn năm hòa hợp với văn hóa xã hội, đã hình thành nên một hệ thống đặc sắc, rõ nét, phù hợp với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thế giới quan Phật giáo nhà Phật được coi như là một học thuyết hay triết học nghiên cứu, suy xét về vũ trụ, con người, nhân sinh quan của Phật giáo Việt Nam xây dựng trên thế giới quan ấy luôn chứa đựng những nét nhân bản, nhân văn cao cả. Phật giáo Việt Nam trong khoảng hơn 2000 năm phát triển đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, là thành tố quan trọng chung dựng nên nền văn hóa Việt Nam, mà như Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, trong bài "Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam" đã ghi lại lời khẳng định của Bác Hồ với một nhà báo nước ngoài: "Nhà nước chúng tôi luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam với dân tộc gắn bó như hình với bóng, tuy hai mà một”.
 

Có người cho rằng, đã là đảng viên thì không được tín ngưỡng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng theo yêu cầu bắt buộc hoặc không chính thức, nhưng tại Việt Nam qua thời kỳ giữ nước, xây dựng đất nước, có biết bao sự đóng góp xương máu, sức lực của các cá nhân, tăng ni phật tử, của những người được cho là tín ngưỡng chủ nghĩa duy tâm. Thời thế hội nhập, mở cửa cũng đã thay đổi những định kiến đó, sự truyền bá, giao lưu tư tưởng văn hóa, tôn giáo đôi khi còn nhanh hơn cả sự phát triển về kinh tế. Do vậy, yêu cầu cởi mở đối với vấn đề tín ngưỡng Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung trong tình hình hiện nay là điều cần thiết, là kết quả tất yếu của sự phát triển thời đại mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nắm bắt và có chính sách, chủ trương điều chỉnh phù hợp.
 

Mặc dù như vậy, là một đảng viên tín ngưỡng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng không vì thế mà gạt bỏ những quy định, yêu cầu khắt khe đối với những điều đảng viên không được làm, trong đó điều 18 quy định rõ đảng viên không được “Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói). Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi vì mục đích cá nhân.
 

Là đảng viên nếu không học tập chăm chỉ, hiểu thấu đáo sẽ dễ sa vào sự mê tín mơ hồ không hay biết, nói không chừng sẽ bước vào con đường phủ định chủ nghĩa Mác Lênin, như vậy sẽ không còn là một người đảng viên chân chính nữa.
 

Nói như vậy, không có nghĩa rằng người đảng viên vì lo sợ mà từ bỏ quyền, né tránh tự do tín ngưỡng của mình, đảng viên Đảng Cộng sản chân chính có thể tín ngưỡng Phật giáo theo ý mình mong muốn nhưng luôn luôn phải thức tỉnh lý trí bản thân trong việc vấn đề nhận biết rạch ròi giữa niềm tin Phật giáo một cách chánh tín, có khoa học. Do đó, đảng viên cần:
 

1. Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng: luôn học tập để có kiến thức cơ bản về thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học; nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; quán triệt và trung thành với tôn chỉ, mục đích, Cương lĩnh đường lối chính trị của Đảng; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo.
 

2. Không làm trái chính sách Đảng và pháp luật Nhà nước; không ngộ nhận, cả tin vào các giáo lý mà phai mờ hoặc xem nhẹ thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học; không sa vào mê tín, hủ tục và phải có thái độ kiên quyết; dứt khoát đấu tranh với các hiện tượng đó.
 

3. Không né tránh dấu hiệu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng; là tấm gương cho quần chúng noi theo; phối hợp với quần chúng, với những tín đồ khác cùng thực hiện, tuân thủ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong đời sống và các hoạt động xã hội.
 

Qua một số quan điểm trên đây, là người đảng viên Đảng Cộng sản, đứng trong đội ngũ tiên phong, đòi hỏi mỗi cá nhân trong công tác nhiệm vụ của mình cùng sự tín ngưỡng, mến mộ Phật giáo cần chuyên tâm sâu sắc với từng vai trò mà mình tham gia. Vừa tăng cường nhận thức quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin về tín ngưỡng Tôn giáo, về chủ nghĩa duy vật biện chứng để làm nền tảng tư tưởng trong mọi hoạt động của bản thân trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tôn giáo, đồng thời vừa tham gia sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo làm tốt đời, đẹp đạo, phân tích, làm rõ giá trị nhân sinh quan từ - bi - hỉ - xả của nhà Phật, nhìn nhận Phật giáo dưới góc độ khoa học, là một triết học mang lợi ích nhân sinh, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, làm tốt quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc và Đạo pháp.
 

Nguyễn Thắng 

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5/2016

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin