Chi tiết tin tức

Lễ truy điệu Bác Hồ giữa lòng địch

21:10:00 - 02/09/2013
(PGNĐ) -   Những ngày đầu tháng 9-1969, tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã gây xúc động sâu sắc đến tình cảm của mọi người con dân nước Việt. 

Từ đô thành còn chịu sự kìm kẹp của địch đến bưng biền Đồng Tháp, đất Mũi Cà Mau, từ nhà tù Chí Hòa, Côn Đảo đến chiến khu giải phóng, những người chiến sĩ cách mạng và nhân dân miền Nam, bằng nhiều hình thức, đã tổ chức truy điệu Người với lòng kính yêu vô hạn.

Nhiều nguồn sử liệu cho thấy, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Khánh Hưng, do Hòa thượng Thích Pháp Lan, khi đó là Thượng tọa trụ trì, làm chủ lễ với sự tham dự của hàng trăm người. Đây là nơi duy nhất ở Sài Gòn - Gia Định công khai tổ chức truy điệu Người mặc dù bị địch theo dõi, khủng bố gắt gao.
 

Một góc chùa Khánh Hưng.
Một góc chùa Khánh Hưng.


Chùa Khánh Hưng ngày nay ngụ tại hẻm 390 đường Cách mạng Tháng Tám (thời đó là đường Lê Văn Duyệt), phường 11, quận 3, TP Hồ Chí Minh, được khởi tạo từ cuối thế kỷ XIX, do Phật tử hai vùng Khánh Hội và Hòa Hưng góp tiền của xây nên. Năm 1947, Hòa thượng Thích Pháp Lan được cung thỉnh về trụ trì chùa. Hòa thượng pháp húy Trừng Tâm, pháp danh Thiện Hảo, thế danh là Lê Hồng Phước, sinh năm 1913, quê ở làng Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, xuất gia quy y từ năm 14 tuổi. 

Là một nhà tu hành yêu nước, trong kháng chiến chống Pháp, Hòa thượng vừa tiếp tục công việc tiếp dẫn hậu lai, vừa bí mật tham gia hoạt động cách mạng, được giao phụ trách an ninh Khu 4 - Mỹ Tho và giữ chức vụ Chủ tịch Lực lượng Phật giáo cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Năm 1953, Hòa thượng được đề cử làm Tổng Thư ký Tăng đoàn Liên tông Việt Nam. Năm 1963, cùng chư tôn giáo phẩm, tham gia trong Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, Hòa thượng đã tích cực đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Năm 1969, được tin Bác Hồ qua đời, Hòa thượng Thích Pháp Lan vô cùng đau xót, mong muốn làm một việc gì đó để tỏ lòng thành kính tiếc thương bậc đại trí, đại nhân, đại dũng của dân tộc. 

Để che mắt bọn mật vụ tay sai địch, Hòa thượng cho trang trí bàn thờ thật khéo, vừa có hình ảnh cờ đỏ sao vàng vừa bày được bài vị Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông thường bàn thờ có mâm hoa, mâm quả. Bên mâm hoa, Hòa thượng cho bày bông trang màu đỏ thay cho nền cờ và bông điệp làm ngôi sao vàng. Bên mâm quả, Hòa thượng bày quả xoài cát Hòa Lộc màu vàng làm ngôi sao và quả mận hồng đào (quả bồng bồng) làm nền cờ. Trên bàn thờ, chỗ trang trọng nhất, nơi thường đặt bài vị có mấy chữ Hán “Quốc gia tối thượng”, nghĩa là “Quốc gia trên hết”, cũng có thể hiểu đó là bài vị “Người cao nhất nước nhà”, người đó là Hồ Chí Minh. Tuy đã công phu như vậy, nhưng những người đứng ra tổ chức buổi lễ còn dụng tâm tìm cách thể hiện được tên Bác Hồ trong lễ cầu siêu. Trong hoàn cảnh chính quyền Sài Gòn o ép, khủng bố gắt gao, không cho bất kỳ cá nhân, đoàn thể nào công khai tổ chức truy điệu Cụ Hồ, Hòa thượng Thích Pháp Lan đã thức trọn đêm, nghĩ ra đôi câu đối: 

Nam Bắc toàn dân quy thượng chính
Á Âu thế giới kính tu mi.


Vế đối thứ nhất nói được tình cảm của toàn dân Việt Nam từ Nam chí Bắc đều quy phục người vĩ nhân chân chính. Vế thứ hai nói lên tình cảm của nhân dân thế giới vô cùng kính phục đấng tu mi nam tử. Nếu chú ý, cũng có thể thấy dụng ý ở hai từ cuối mỗi vế đối: Chính, Mi nói lái thành Chí Minh, tên Cụ Hồ.

Nội dung quan trọng nhất, vấn đề quan trọng nhất của buổi lễ truy điệu là bài điếu văn. Bài điếu phải nói được công lao của Bác, tấm lòng của nhân dân hướng về Bác, không dài quá để tránh bị cảnh sát, mật vụ chế độ ngụy quyền phát hiện khủng bố giữa chừng và phải linh hoạt dễ phi tang, không để địch ập vào dùng vũ lực thu mất. Bài điếu văn được Hòa thượng tẩm sáp ở mặt sau tờ giấy và cho đặt ngay sát nơi đứng chủ lễ hai ngọn nến to. Ban tổ chức cũng bố trí nhiều nhà sư, chú tiểu, các Phật tử là nam thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng làm thành hàng rào danh dự bảo vệ lễ đàn để tăng thêm vẻ trang nghiêm, tôn kính của buổi lễ và sẵn sàng xả thân đối phó với cảnh sát, mật vụ nếu chúng xông vào.

Theo “HCM Citynet” của UBND TP Hồ Chí Minh, đúng 2h chiều 9-9-1969, chỉ sau Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vài tiếng đồng hồ, Lễ truy điệu Người tại chùa Khánh Hưng bắt đầu. Nhiều trí thức có tên tuổi ở Sài Gòn như bà luật sư Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, các vị Nguyễn Long, Dương Văn Đại, Đặng Văn Ký... cùng hơn 200 thanh niên, học sinh, bà con Phật tử yêu nước đã tề tựu dự lễ. Hòa thượng Thích Pháp Lan dáng vẻ uy nghiêm, đĩnh đạc chủ lễ, giọng trầm ấm truyền cảm đọc bài điếu văn tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không khí trang nghiêm, thành kính. Đọc xong, Hòa thượng châm tờ giấy vào ngọn nến. 

Bốn ngày sau, Tổng nha Cảnh sát chính quyền Sài Gòn mời Hòa thượng đến thẩm vấn suốt từ 8h sáng đến 5h chiều. Trước lý lẽ sắc bén của Hòa thượng và áp lực của hàng nghìn người dân, Phật tử yêu nước kéo đến đấu tranh, chính quyền Sài Gòn đã phải trả tự do cho Hòa thượng. Ông tiếp tục hoạt động phụng sự đạo pháp và dân tộc, có nhiều đóng góp cho phong trào đấu tranh cách mạng, sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tôn tạo chùa Khánh Hưng ngày thêm khang trang, tú lệ. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Hòa thượng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội Phật giáo và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chiếc bàn thờ tại Lễ truy điệu Bác Hồ do Hòa thượng chủ lễ nay được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong khu Bến Nhà Rồng.

Sau cơn suy tim đột ngột, Hòa thượng đã xả báo an tường, thu thần thị tịch lúc 2h30 ngày 1-3-1994 tại trụ xứ chùa Khánh Hưng, trụ thế 81 năm, hạ lạp trải qua 59 mùa an cư kiết hạ. Hơn 50 năm hóa đạo, Hòa thượng Thích Pháp Lan đã cống hiến trọn vẹn tâm huyết, tài đức cho đạo pháp - dân tộc và lịch sử đấu tranh, phát triển nền hòa bình, độc lập, thống nhất chung cả đời và đạo. 

Không nhiều người có may mắn được biết nguyên văn bài điếu do Hòa thượng đọc tại Lễ truy điệu ngày 9-9-1969, do sau khi đọc xong Hòa thượng đã châm lửa hóa ngay văn bản này. Tại cuộc gặp mặt cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis đầu tháng 8 này, tôi được Đại tá nhà văn Nguyễn Trần Thiết cho biết, bài điếu được Hòa thượng chép làm ba bản, hai bản khác chôn ở hai nơi bí mật nên còn giữ được. Đại tá Nguyễn Trần Thiết đã tặng tôi một bản chép lại. Tôi đã cố gắng sắp xếp, trình bày ý theo thể loại văn tế, xin được đọc như sau:

Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật

Hôm nay đứng trước linh bàn, hòa vọng với khói hương nghi ngút, trước Anh linh Người vô vàn kính mến, trọn đời đã vì nước mà quên mình, vì Tổ quốc và nhân dân, Bác không sợ nguy hiểm tới tính mạng.

Nhớ linh xưa!

Bác là đấng Anh hùng vĩ nhân ái quốc đã đem từng giọt máu trừ khử loài sâu mọt, mong sao được rạng vẻ sơn hà.

Vì lẽ ấy cho nên

Bác quyết ra tay diệt giặc, phấn đấu kiên cường, đánh đuổi quân thù, oai danh lừng lẫy, trải biết bao gian lao cực khổ, lướt gió xông sương, bươn nguồn vượt suối, quyết gìn giữ giang sơn Tổ quốc

Bác là bậc hào kiệt vô song, trọng nghĩa vụ nặng hơn núi cả, tài bặt thiệp khắp toàn cầu Âu - Á, trí thông minh nổi tiếng cả Đông - Tây

Tuôn máu đỏ nhuộm cờ hồng, dựng khắp non sông đất Việt

Lấy da vàng nêu sao sáng, phất rạng bờ cõi trời Nam.

Nhớ đến Bác càng thương càng khóc. 

Thấy bọn giặc thêm hận thêm thù.

Khóc là khóc đấng thiên tài lỗi lạc, đuổi xâm lăng đòi độc lập - tự do, trọn đời mải lo âu cho dân tộc.

Quê hương còn đó, nước non còn đó, uất hận thay vật đổi sao dời.

Nghĩ mấy đoạn lệ tràn chan chứa.

Nhớ công ơn cảm động can tràng.

Ôi!

Lồng lộng trời cao mây phấp phới.

Thinh thinh bể rộng sóng vơi đầy.

Nước non còn hào kiệt vẫn còn.

Anh hùng tử khí anh hùng há tử.

Lư trầm đảnh khói hương ngào ngạt, kính cẩn lòng ngưỡng đạt trước Chân linh.

Giúp sơn hà mau được thái bình, phò Tổ quốc chóng nên độc lập

Cẩn cáo đài tiền.

Cung dung khấu thủ


Sau ngày Bác mất, kẻ thù tưởng rằng ý chí đấu tranh của nhân dân sẽ suy sụp, cách mạng sẽ đi vào thoái trào, nhưng với lòng kính yêu vô hạn lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục xốc tới giành thắng lợi trên mọi mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao. Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc với thắng lợi của chiến dịch mang tên Bác, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện Di chúc của Người: Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 

Nguyễn Năng Lực (Hà Nội Mới)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin