Chi tiết tin tức

Pháp luật và góc độ Phật Giáo về quái thai dị dạng

21:51:00 - 14/09/2013
(PGNĐ) -  “Pháp luật hình sự quy định tính mạng sức khỏe, nhân phẩn của con người đều được bảo vệ và đứa trẻ dù sinh ra bị quái thai thì vẫn là một con người”, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, đoàn luật sư TP Hà Nội. 

Trong trường hợp người mẹ sinh con ra nhưng đứa con bị quái thai, dị tật nặng, do áp lực của gia đình và sợ dị nghị của xã hội nên đã bỏ mặc đứa bé cho tới chết thì có bị xử lý hình sự không? Và trách nhiệm ra sao?

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời về vấn đề này

Về mặt pháp luật  không có bất cứ quy định cụ thể nào cho phép việc từ bỏ con bị quái thai cả. Pháp luật hình sự quy định tính mạng sức khỏe, nhân phẩn của con người đều được bảo vệ và đứa trẻ dù sinh ra bị quái thai thì vẫn là một con người

 

Người mẹ sinh con quái thai, có được quyền ‘từ bỏ’?

Ảnh minh họa.

 

Vì thế, có thể hiểu rằng việc từ bỏ (giết) con bị quái thai là một hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Việc từ bỏ hầu hết sẽ dẫn đến cái chết của đứa trẻ, và có thể quy về tội Giết con mới đẻ hoặc tội Giết người tùy theo mức độ, tính chất cũng như điều kiện, dấu hiệu cụ thể của hành vi phạm tội.

Bộ luật hình sự đã quy định tại điều 94 về việc “người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Về mặt thực tế mặc dù khoa học kỹ thuật đã tiến bộ, có thể siêu âm để tìm ra dị tật, dị dạng của thai nhi nhưng trường hợp sinh con quái thai vẫn có thể xảy ra. Và đã có trường hợp người mẹ từ bỏ đứa con của mình bởi nhiều lý do khác nhau. Khi đó việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này cũng không phải “thẳng tuột” là cứ mang pháp luật ra để xử “tù” bởi phần nào xã hội cũng có cái nhìn đồng cảm hơn cho hoàn cảnh của người mẹ.

Thực tế tôi cũng chưa thấy trường hợp từ bỏ con quái thai nào bị xử lý hình sự đến mức phải ngồi tù cả. Hoặc có thể xảy ra ở địa phương nào mà tôi chưa biết.

“Cần phải nói là pháp luật hiện hành nghiêm cấm xâm hại tới sức khoẻ, tính mạng của người khác dưới mọi hình thức (trừ trường hợp thi hành án đối với người phạm tội bị tuyên án tử hình bằng một bản án có hiệu lực pháp luật)

Theo hướng dẫn tại nghị quyết 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thì người mẹ do chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (như: khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú, hoặc trước dư luận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa v.v…) hoặc bị hoàn cảnh khác quan đặc biệt chi phối (như: đứa trẻ sinh ra có dị dạng…) mà giết hại con mới mới sinh ra trong bảy ngày trở lại thì sẽ bị xử lý về tội giết con mới đẻ theo quy định tại điều 93 Bộ luật hình sự. Nếu đứa trẻ sinh ra đã được nuôi dưỡng sau 7 ngày thì bị người mẹ giết chết thì người mẹ bị xử lý về tội giết người với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội đối với trẻ em.”

Luật sư Trần Anh Dũng, công ty luật Đại Phúc

Theo Quan Điểm Phật Giáo :
 

Hỏi: Bạch thầy, con đang ở tột đỉnh của sự bất hạnh, đau đớn. Ngay sau khi sinh em bé được 1 thời gian ngắn, các bác sĩ đã chẩn đoán con trai của con (cháu đích tôn của nhà chồng con) bị hội chứng Down, cách đây không lâu con phát hiện ra ngoài Down cháu còn mắc hội chứng Tự kỷ. Con đã buồn rầu vô cùng, thương con chỉ biết khóc ròng. Nhưng vào lúc mà con cần sự quan tâm, chia sẻ động viên nhất thì nhà chồng và cả chồng con nữa lại quay lưng lại với con và cháu bé. Họ nhiếc móc con hết lời, họ nói do kiếp trước con và cha mẹ con làm những điều xấu xa nên giờ mới sinh ra quái thai như vậy, họ còn tỏ thái độ đuổi con và cháu bé về bên ngoại cho khuất mắt. Quê con ở tận Lạng Sơn, gia đình con nghèo lắm, bố mẹ con lại già yếu, bây giờ mà con đưa cháu bệnh tật về làm khổ ông bà ngoại thì con không nỡ nhưng nếu cứ tiếp tục sống trong gia đình nhà chồng thì bữa nào con cũng “Cơm chan nước mắt”. Cháu bé là dòng giống nhà họ, nỡ nào họ đối xử tệ bạc đến vậy? Nếu không phải vì con của con thì con đã quyên sinh rồi, nhưng nếu con làm vậy ai sẽ chăm lo cho bé. Mong thầy cho con lời khuyên để giúp con thêm nghị lực vượt qua thử thách khắc nghiệt này. Con xin cảm ơn thầy!

(Lò Thị Sao Mai, Cầu Giấy, Hà Nội)

Không nên đổ lỗi cho kiếp trước

Dù chủ trương có kiếp luân hồi, theo đó, kiếp trước và kiếp sau là có thật trong mối quan hệ nhân quả nhất định với kiếp hiện tại, đạo Phật không cho rằng tất cả những nỗi khổ niềm đau và sự bất hạnh của ta ở kiếp này là hậu quả của kiếp trước. Đổ lỗi cho kiếp trước sẽ làm cho bất hạnh trở nên phức tạp hơn, khó kết thúc hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiện tại nhiều hơn.

Theo đức Phật, tìm kiếm nguyên nhân và hỗ trợ duyên của những đau khổ và bất hạnh ở hiện tại sẽ giúp ta giải quyết các vấn nạn một cách có hiệu quả và dứt điểm. Áp dụng công thức “Truy tìm nguyên nhân để khắc phục hậu quả” này vào trường hợp con chị bị hội chứng Down và hội chứng Tự kỷ, trước nhất chồng và ông bà nội không nên đổ lỗi cho người mẹ bất hạnh và gia đình bên vợ “Làm những điều xấu xa nên giờ mới sinh ra quái thai như vậy”. Sự ngộ nhận và thái độ quy kết sai lầm này chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và người mẹ khổ tâm sẽ bị suy sụp tinh thần, sống trong trầm cảm và bế tắc nhiều hơn.

Theo khoa học, hội chướng down thường xuất hiện với các bà mẹ trung niên như là kết quả của sự dư thừa một nhiễm sắc thể số 21 (thay vì 2 mà trở thành 3) ở thai nhi, làm suy yếu khả năng nhận thức và sự phát triển thể chất của trẻ, kéo theo một số chứng bệnh khác. Tự kỷ là hội chứng rối loạn tâm thần về tương tác xã hội và rập khuôn trong các hành vi ứng xử, tạo ra sự thờ ơ, ít quan tâm đến người khác và ứng xử khác lạ với người xung quanh. Nếu có hỗ trợ tích cực từ cha mẹ và người thân, hội chứng tự kỷ có thể được khắc phục ở mức độ tương đối, người bệnh có thể hồi phục chức năng ứng xử và đời sống xã hội bình thường.

Do đó, thay vì đổ lỗi, quy tội cho người mẹ khổ đau và gia đình vợ, tốt nhất gia đình hai bên nên thể hiện sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn trẻ hội chứng Down và Tự kỷ hơn các các trẻ bình thường khác, nhằm giúp cháu được quyền sống như một con người có nhân phẩm.

Nhu cầu được làm người và được tôn trọng

Phật giáo không khích lệ các hình thức phá thai, ngay cả trong tình huống phôi bị dị tật bẩm sinh, bị hội chứng Down và Tự kỷ, mà sau khi sinh ra, trẻ phải bị lệ thuộc vào sự chăm sóc của người thân và xã hội trọn đời. Phật giáo tôn trọng sự sống và cho rằng sự sống của con người là quý giá hơn hết. Đừng vì lý do con bị dị tật cha mẹ và người thân của trẻ quyết định hủy hoại mạng sống của người vốn có nhiều bất hạnh và đáng thương hơn những người khác.

Cần nhận thức rõ, người có hội chứng Down và Tự kỷ cũng là một con người, với đầy đủ các quyền và nhu cầu cần được tôn trọng, như tất cả mọi người khác. Nhân phẩm, hạnh phúc và sự phát triển của người bị hội chứng Down và Tự kỷ lệ thuộc vào quan niệm, thái độ, cách chăm sóc, giáo dục và kinh nghiệm ứng xử của cha mẹ và họ hàng hai bên. Do đó, đừng vô tình hay nỗ lực tạo thêm bất kỳ bất hạnh nào đối với người bị bất hạnh kép gồm hội chứng Down và Tự kỷ. Các em bé và người lớn bị hai hội chứng này cần có nhu cầu được yêu thương, chăm sóc đặc biệt và phụ trội hơn những người bình thường.

Cha mẹ và gia đình hai bên, thay vì đổ lỗi cho nhau, gây sự bất hòa, hãy chung vai sát cánh giúp trẻ dị tật được thương yêu, chăm sóc, học hỏi và phát triển, nhằm bù đắp lại những bất hạnh đã có trên cơ thể trẻ.

Các tiến bộ về chăm sóc y khoa hiện đại có thể giúp cho trẻ có hội chứng Down và Tự kỷ khắc phục được các yếu kém về sức khỏe, nâng cao khả năng nhận thức và học tập để hòa nhập cộng đồng, có đời sống xã hội bình thường, được đi học, sống độc lập, được làm việc, có người yêu, thậm chí có thể kết hôn lành mạnh và sống hạnh phúc.

Các trợ giúp từ gia đình, người thân và cộng đồng trong tình huống này sẽ tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được học tập và chăm sóc sức khỏe đặc biệt để trẻ có thể trở nên tự tin, hướng ngoại, thích thể thao, thưởng thức thẩm mỹ, như người bình thường trong quá trình trưởng thành.

Hãy xóa bỏ mặc cảm thua thiệt và tội lỗi

Tâm lý khá phổ biến của một số bà mẹ và người thân của người bị hội chứng down và hội chứng tự kỷ là sống trong những cảm giác thua thiệt, sợ hãi và tội lỗi. Từ sự thiếu hiểu biết về khoa học và nhân quả, nhiều người đã vô tình làm tổn thương chính mình và những người thân thương trong gia đình, đặc biệt là người mẹ bất hạnh.

Với tư cách làm cha, chồng chị không nên mặc cảm về đứa con không như ý, dù sau thì đó cũng là một phần máu thịt của anh. Sự đồng cảm và nâng đỡ tinh thần của chồng trong tình huống này rất cần thiết, một mặt giúp vợ vượt qua khổ đau, mặt khác giúp gia đình mình không “quay lưng lại” với đứa con bất hạnh. Thái độ “hài lòng” với hiện thực về đứa con dị tật sẽ giúp cho người cha thương yêu và chăm sóc cho con cái nhiều hơn, thay vì ghét bỏ máu mủ của mình, từ đó, “Giận cá chém thớt” với người vợ từng chia ngọt sẻ bùi trong đời sống gia đình.

Với tư cách là ông bà, cha mẹ chồng không nên phân biệt đối xử với đứa cháu có hội chứng down và tự kỷ. Hãy ứng xử bình đẳng đứa cháu bất hạnh này như bao nhiêu đứa cháu khác. Hành động hiểu biết và khôn khéo này có giá trị xây dựng hạnh phúc cho con trai và con dâu của mình. Thái độ “đối xử tệ bạc” và “nhiếc móc hết lời” con dâu và đứa cháu bất hạnh, cũng như hành động “đuổi con dâu và cháu bé về bên ngoại cho khuất mắt” không phải là giải pháp, mà ngược lại chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và nghèo nàn về tình người, vốn còn tệ bạc hơn bệnh down và tự kỷ ở đứa cháu vốn không có được sự lựa chọn sức khỏe cho chính mình khi còn là phôi và lúc được sinh ra. Khi hiểu được cháu nào cũng là cháu mình, ông bà nội nên thương cháu khuyết tật nhiều hơn, sống có tình nghĩa hơn và thể hiện tình thương đặc biệt với đứa cháu bất hạnh hơn.

Trong khi chờ đợi sự mầu nhiệm về hạnh phúc có mặt trở lại trong gia đình, với tư cách làm mẹ, vì là máu mủ của mình, chị hơn bao giờ phải trân quý mạng sống của con mình, không nên để cảm giác tiêu cực như “buồn rầu”, “khóc ròng” ngự trị trong tâm khảm. Cảm giác tuyệt vọng chẳng những không thể làm thay đổi hiện thực về đứa con có hội chứng down và tự kỷ, mà còn làm cho chị trở nên khổ đau bội phần và trầm cảm nhiều hơn. Từ đó, chị có những suy nghĩ tiêu cực và đòi “quyên sinh” vốn là điều nên tránh. Thực tập thiền từ bi trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy mỗi ngày, sẽ giúp chị có thêm nhiều nghị lực, vượt qua nỗi đau nghiệt ngã, đồng thời tăng trưởng tình thương yêu và chăm sóc con chị đặc biệt với nỗi niềm hạnh phúc của một người mẹ có tình thương và trách nhiệm. Lối sống từ bi này trước sau gì cũng góp phần thay đổi nhận thức tiêu cực của chồng và gia đình chồng.

Chúc chị sớm vượt qua khổ đau và thành công trong việc tìm được sự hiểu biết và thương yêu của chồng và gia đình chồng.

TT.Thích Nhật Từ



 

Nguồn: phatgiaovnn.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin