Chi tiết tin tức

Phật giáo góp phần đem lại hạnh phúc cho xã hội phương Tây

20:56:00 - 17/05/2022
(PGNĐ) -  Một trong những giá trị của Đạo Phật mà người phương Tây (châu Âu và Bắc Mỹ) đã và đang nghiên cứu ứng dụng, đó chính là thiền.

THIỀN TRONG PHẬT GIÁO Ở PHƯƠNG TÂY

Một trong những giá trị của Đạo Phật mà người phương Tây (châu Âu và Bắc Mỹ) đã và đang nghiên cứu ứng dụng, đó chính là thiền. Thực tế, thiền của Đạo Phật đã giúp họ giải quyết nhiều vấn đề nan giải trong xã hội, nổi bật nhất là vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và giáo dục đạo đức.

TỪ GÓC ĐỘ KHOA HỌC 

Về mặt khoa học, có nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh Đạo Phật nói chung và thiền Phật giáo nói riêng đóng góp tích cực vào việc cải thiện sức khỏe tinh thần và phát triển đạo đức con người trong xã hội phương Tây. Một đối tượng khá đặc biệt được các nhà nghiên cứu quan tâm, chính là cảnh sát. Hơn 600 cảnh sát ở các hạt Avon và Somerset, Bedfordshire, Cambridgeshire, Hertfordshire và South Wales của nước Anh đã được tổ chức cho hành thiền trong 06 tháng. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh kết quả với nhóm đối chứng là nhóm cảnh sát không được tập thiền và rút ra kết luận là thiền có thể giúp cho cảnh sát thư giãn và tăng khả năng chịu đựng [1]. Một nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia đến từ các trường Đại học của Mỹ [2] cũng cho thấy thiền đã giúp cảnh sát giải quyết áp lực căng thẳng do tính chất nghề nghiệp gây ra. Một nghiên cứu khác thực hiện ở Brasil cũng chứng minh thiền không chỉ giúp cảnh sát giải tỏa áp lực căng thẳng, giảm trầm cảm, lo âu mà còn tăng chất lượng sống và phát triển được lòng từ bi [3]. Nghiên cứu tiến hành ở cảnh sát Tây Ban Nha và cũng cho kết quả tương tự [4].

Bên cạnh đó, thiền còn đem lại lợi ích tích cực trong việc cải tạo phạm nhân ở các nhà tù phương Tây. Báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu về ứng dụng thiền trong nhà tù ở Mỹ của Lyons và Cantrell (2016) phản ánh có hơn một nửa số tù nhân bị nghiện các chất gây nghiện và thiền được sử dụng như một liệu pháp can thiệp hiệu quả trong việc kéo giảm tình trạng trên. Đồng thời, hai tác giả cũng đề xuất cần thiết thành lập các cộng đồng tu tập thiền trong và ngoài nhà tù [5]. Cũng trong bối cảnh nghiên cứu tại các nhà tù ở Mỹ, Morley (2018) kết luận thiền đã giúp cho tù nhân tăng trưởng lòng từ bi và giảm tính bốc đồng [6]. Trong bối cảnh nghiên cứu tại Hà Lan, nghiên cứu của Bouw và cộng sự (2019) cũng chứng minh thiền đã giúp cho tù nhân cân bằng cảm xúc, giảm sân giận và hành vi bạo lực [7].

Mặt khác, Phật giáo cũng được ứng dụng vào giáo dục nhằm giúp giới trẻ hoàn thiện đạo đức.

Vấn đề tệ nạn xã hội như nghiện ngập cũng là một vấn nạn ở phương Tây và có bằng chứng chứng minh thiền Phật giáo có khả năng tham gia tích cực trong việc giải quyết vấn đề này. Theo nghiên cứu của Weerasinghe và Bartone (2016) tiến hành tại một tỉnh ở Canada, thiền có thể sử dụng như một trong những liệu pháp giúp con người cắt cơn nghiện, nhờ vào sự tự phản tỉnh của chính mình [8]. Hai kết quả tổng quan tình hình nghiên cứu về vấn đề liên quan đến thiền và nghiện chất gây nghiện ở Mỹ của Priddy (2018), Rosenthal (2021) cũng thể hiện khuynh hướng tích cực nêu trên [9-10].

Mặt khác, Phật giáo cũng được ứng dụng vào giáo dục nhằm giúp giới trẻ hoàn thiện đạo đức. Theo báo cáo của UNESCO, tình trạng bạo lực học đường, gồm bạo lực về thể chất, tâm lý và tình dục, đang trở nên rất nghiêm trọng và xảy ra ở hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới [11]. Có lẽ vì vậy, các nước phương Tây tìm mọi giải pháp để giải quyết vấn đề nan giải trên và việc ứng dụng những giá trị Đạo Phật là một trong những giải pháp của họ. Nghiên cứu của Franco và cộng sự (2016) về tác dụng thiền đối với hành vi ứng xử của học sinh Tây Ban Nha [12], kết quả đã chứng minh thiền có khả năng làm giảm những hành vi bốc đồng và gây hấn trong lớp. Hòa thượng Thanissaro (2018), một học giả nghiên cứu về Phật học, đã nghiên cứu tác dụng của không gian thờ Phật tại nhà đối với thanh thiếu niên ở nước Anh. Sau khi phân tích số liệu, Hòa thượng kết luận không gian thờ Phật tại nhà khuyến khích được các em thực hành (tọa thiền, lễ Phật, tụng kinh) thường xuyên hơn. Nhờ vào thực hành, các em kính trọng cha mẹ hơn, thân thiện với mọi người hơn và có thái độ tránh xa việc sử dụng các chất gây nghiện [13]. Feruglio và cộng sự (2022) cũng nghiên cứu về tác dụng của thiền đối với thanh thiếu niên ở Ý và kết luận thiền có thể sử dụng như một biện pháp can thiệp để giúp cho thanh thiếu niên nâng cao tinh thần hợp tác, hoàn thiện tính cách và giảm những biểu hiện tiêu cực về cảm xúc [14].

Ở GÓC ĐỘ THỰC TIỄN 

Về mặt thực tiễn, có nhiều câu chuyện ứng dụng Đạo Phật trong xã hội phương Tây đáng được lưu tâm. Theo bài viết của tác giả Rachel Bugh trên tờ The Guardian [15], vấn đề nghiêm trọng cảnh sát Anh phải đối mặt chính là sức khỏe tinh thần. Một bộ phận ở trong tâm trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Tác giả đã đưa ra số liệu để chứng minh như sau: Năm 2010, có 4.544 cảnh sát ở Anh xin nghỉ phép vì lý do về các vấn đề tâm lý nêu trên và con số đã tăng lên 35%, tương ứng là 6.129 trường hợp vào năm 2015. Thiền giúp họ giảm căng thẳng và lo âu trong công việc, giúp kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc khi làm việc. Một nam cảnh sát cho biết thiền không phải là một viên thuốc thần kỳ, nó chính là “người” tiếp thêm sức mạnh cho anh và đồng nghiệp trong việc đối mặt nguy cơ bị tấn công, đôi khi chỉ một mình. Một nữ cảnh sát cũng đã chia sẻ rằng trong nghề cảnh sát, không ai biết trước mình sẽ đối mặt với việc gì trong một ngày, có thể từ những vụ án giết người đến những vụ trộm cắp, thiền đã giúp cô đi vào thế giới bé nhỏ của riêng mình và khi bước ra với một cảm giác nhẹ tênh. Một cảnh sát trưởng cho biết đối với nghề cảnh sát thì sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất đều quan trọng. Bà thực sự muốn cảnh sát khi ra ngoài giải quyết những xung đột phải có lòng từ bi và sự tỉnh thức sẽ giúp cảnh sát làm đúng vai trò của mình. Bà cũng giải thích thiền chỉ là một sự ứng dụng và thực hành, chứ không có gì là huyền bí cả.

Thiền cũng đã có tín hiệu tích cực trong việc giáo dục phạm nhân. Bài viết của Stephanie Chen [16] phản ánh những chuyên gia nghiên cứu về Phật giáo ở Mỹ cho biết, thiền đã giúp cho phạm nhân bình tâm lại trong môi trường nhà tù vốn dĩ đầy bạo lực và phức tạp, từ đó họ có cơ hội tự xem xét lại hành vi phạm tội của mình, vượt qua cảm giác tội lỗi và tự chuyển hóa trong quá trình cải tạo để hòa nhập lại cộng đồng. Bài viết cũng phân tích trường hợp cụ thể để chứng minh như sau. Trại giam Donaldson ở tiểu bang Alabama nổi tiếng vì tình trạng tù nhân gây bạo hành. Một nhóm tù nhân trong đó có cả những người phạm tội giết người đã hành thiền và nhân viên quản giáo ở đây đã ghi nhận mức độ bạo lực giảm đi đối với những tù nhân thực hành thiền. Kenneth Brown, 62 tuổi, đã từng bị kết án 20 năm tù vì tội cố ý đốt nhà. Khi đó, ông thấy mình mất tất cả nào là vợ, con cái và cảm thấy mình là một kẻ tội đồ mang tiếng xấu muôn đời. Nhưng thiền của Đạo Phật đã giúp ông vượt qua và cải tạo tốt. Vì vậy, ông được giảm án xuống còn 09 năm. Khi ra tù, cũng chính nhờ thiền đã giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn do thất nghiệp vì án tích. Tuy nhiên, ông khoe rằng đã có được rất nhiều thứ nhờ con cháu và thiền.

Về vấn đề giải quyết tình trạng nghiện ngập trong xã hội phương Tây, bài viết của Dipananda [17] đã kể lại một vài câu chuyện thực tập thiền để cắt cơn nghiện có hiệu quả như sau: Larry Lowndes, một Phật tử và cũng là Trợ lý Giám đốc Quỹ Second Wind thực tập chánh niệm để cắt cơn nghiện rượu và ma túy. Bài học quan trọng nhất mà anh học được từ việc thực tập thiền chánh niệm để cai nghiện là chánh niệm không kiểm soát niệm mà chánh niệm giúp anh nhận ra niệm không thể kiểm soát anh. Còn Mike, một điều dưỡng tại một trung tâm y khoa, bị nghiện rượu từ hồi anh học lớp 8. Anh đã thành công trong việc thực tập thiền để cai nghiện. Judi cũng là một người nghiện rượu suốt 45 năm. Bà đã bỏ được thói quen uống rượu, sau khi có một giáo viên giới thiệu cho bà đến với thiền. Hiện mỗi buổi sáng bà thiền từ 15 đến 20 phút. “Nó hữu ích. Thỉnh thoảng tôi tỉnh giấc trong tâm trạng cáu gắt, và chỉ có thiền mới làm cho tôi trầm tỉnh trở lại trước khi tất cả sự chấn động bùng lên trong đầu tôi”, bà chia sẻ.

NHẬN XÉT

Như vậy, xét cả về góc độ khoa học và thực tiễn, Phật giáo nói chung và thiền Phật giáo nói riêng đã được nghiên cứu ứng dụng khá rộng rãi trong xã hội phương Tây. Chắc chắn rằng giá trị của Đạo Phật không chỉ dừng lại ở thiền mà còn nhiều giá trị khác nữa, nhưng qua tổng quan nêu trên có thể thấy rằng người phương Tây có thiên hướng về thiền. Vì vậy, rất cần có nhiều nghiên cứu về ứng dụng các nội dung giáo lý của Đạo Phật để làm phong phú thêm phương pháp ứng dụng. Bên cạnh đó, hầu hết các nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc sử dụng phương pháp định lượng, thiếu phương pháp định tính để có thể lý giải vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện hơn. Bài viết này đã phải khảo lược thêm một số trường hợp ứng dụng thiền trong thực tiễn để bổ trợ. Do đó, việc kết hợp phương pháp định lượng và định tính trong nghiên cứu về ứng dụng Phật giáo để giải quyết các vấn đề xã hội là rất cần thiết.

Trở lại câu chuyện hạnh phúc của người phương Tây, việc vận dụng Phật giáo của họ trong phạm vi bài viết phản ánh dù chưa giúp họ đạt đến hạnh phúc tột cùng theo quan niệm của Đạo Phật, nhưng giải quyết được vấn đề có thể sẽ là một động lực giúp họ có niềm tin và tiếp tục nghiên cứu để thực hành. Theo quan niệm của tác giả Yew-Kwang Ng trong một quyển sách mới xuất bản gần đây, một người có được hạnh phúc là lúc nào cũng có được nhiều cảm giác an lành và ít cảm giác khổ đau [18, tr.02]. Đây có thể là một quan niệm phù hợp để lý giải cho hạnh phúc mà người phương Tây đạt được khi tiếp cận với Đạo Phật trong những trường hợp nêu trên.

Từ kinh nghiệm ứng dụng những giá trị của Đạo Phật trong phạm vi bài viết khảo sát, có thể gợi mở cho việc nghiên cứu và ứng dụng Phật giáo giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh Việt Nam. Rõ ràng những vấn đề xã hội thì ở đâu cũng có, nhưng quan trọng là làm sao nghiên cứu và ứng dụng thành công để tham gia giải quyết được các vấn đề, đem lại hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội thì mới thực sự thể hiện hết tinh thần đạo pháp vì dân tộc.

 

 NCS. Lê Tấn Lộc/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 389

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Lê Tấn Lộc – Nghiên cứu sinh Phật học, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

  1. Booth, R. 2019. “Stop and breathe: police staff offered meditation lessons.” The guardian, ngày 05-11. Truy cập tại địa chỉ https://www.theguardian.com/uk-news/2019/nov/05/mindful-policing-uk-staff-to-receive-meditation-lessons.
  2. Grupe, D. W., J. L. Stoller, C. Alonso, C. McGehee, C. Smith, J. A. Mumford, M. A. Rosenkranz, and R. J. Davidson. 2021. “The impact of mindfulness training on police officer stress, mental health, and salivary cortisol levels.” Frontiers in Psychology. DOI: 10.3389/fpsyg.2021.720753.
  3. Trombka, M., M. Demarzo, D. Campos, S. B. Antonio, K. Cicuto, A. L. Walcher, J. García-Campayo, Z. Schuman-Olivier, and N. S. Rocha. 2021. “Mindfulness training improves quality of life and reduces depression and anxiety symptoms among police officers: Results from the POLICE Study—A multicenter randomized controlled trial.” Frontiers in Psychology. DOI: 10.3389/fpsyt.2021.624876.
  4. Navarrete, J., M. A. García Salvador, A. Cebolla, and R. Baños. 2022. “Impact of mindfulness training on Spanish police officers’ mental and emotional health: a non-randomized pilot study.” Mindfulness. https://doi.org/10.1007/s12671-022-01827-5.
  5. Lyons, T. and W. D. Cantrell. 2016. “Prison meditation movements and mass incarceration.” International Journal of Offender Therapy and Comparative Criminology, 60(12): 1363-1375.
  6. Morley, R. H. 2018. “The impact of mindfulness meditation and self-compassion on criminal impulsivity in a prisoner sample.” Journal of Police and Criminal Psychology, 33(2): 118-122.
  7. Bouw, N., S. C. J. Huijbregts, E. Scholte1, and H. Swaab. 2019. “Mindfulness-based stress reduction in prison: Experiences of inmates, instructors, and prison staff.” International Journal of Offender Therapy and Comparative Criminology, 63(15-16): 2550–2571.
  8. Weerasinghe, S. and Bartone, S. 2016. “Mindfulness for addiction recovery: A cognitive disciplinary preventive approach to avoid relapse into substance abuse.” Journal of Basic & Applied Sciences, 12: 81-91.
  9. Priddy, S. E., M. O. Howard, A. W. Hanley, M. R. Riquino, K. Friberg-Felsted, and E. L. Garland. 2018. “Mindfulness meditation in the treatment of substance use disorders and preventing future relapse: neurocognitive mechanisms and clinical implications.” Substance Abuse and Rehabilitation, 9: 103-114.
  10. Rosenthal, A., M. E. Levin, E. L. Garland, and N. Romanczuk-Seiferth. 2021. “Mindfulness in treatment approaches for addiction – Underlying mechanisms and future directions.” Current Addiction Reports, 8:282-297.
  11. UNESCO. 2019. Behind the numbers: Ending school violence and bullying. Paris: UNESCO.
  12. Franco C, Amutio A, López-González L, Oriol X and Martínez-Taboada C (2016) Effect of a Mindfulness Training Program on the Impulsivity and Aggression Levels of Adolescents with Behavioral Problems in the Classroom. Frontiers in Psychology. 7:1385. DOI: 10.3389/fpsyg.2016.01385.
  13. Thanissaro, P. N. 2018. “Buddhist shrines: bringing sacred context and shared memory into the home.” Journal of Contemporary Religion, 33(2): 319-335.
  14. Feruglio, S., S. Pascut, A. Matiz, A. Paschetto, and C. Crescentini. 2022. “Effects of mind-body interventions on adolescents’ cooperativeness and emotional symptoms. Behavioral Sciences, 12(33). https://doi.org/10.3390/bs12020033.
  15. Pugh, R. 2016. What can mindfulness teach the police force? The guardian, ngày 14-6. Truy cập tại địa chỉ https://www.theguardian.com/society/2016/jun/14/mindfulness-police-rising-stress-anxiety-depression.
  16. Chen, S. 2009. Prison inmates go Zen to deal with life behind bars. Truy cập ngày 02/6/2018 tại địa chỉ http://edition.cnn.com/2009/CRIME/10/09/prison.meditation/.
  17. BD Dipananda. 2017. Refuge recovery groups in the US use mindfulness and meditation to fight addiction. Buddhistdoor, truy cập tại địa chỉ https://www.buddhistdoor.net/news/refuge-recovery-groups-in-the-us-use-mindfulness-and-meditation-to-fight-addiction
  18. Ng, Y. 2022. Happiness-concept, measurement and promotion. Singapore: Springer.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin