Chi tiết tin tức

Vắc xin tỉnh thức, cái giá phải trả và “virus thiện lương”

09:42:00 - 06/09/2021
(PGNĐ) -  Chính vì thế, hãy coi virus Covid-19 là sứ giả của tự nhiên, gửi đến cho chúng ta thông điệp và bài học đáng sợ, để thức tỉnh và cải biến thế giới này.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Ngày trái đất ngừng quay", có vài đoạn đối thoại rất hiện thực và đầy ám ảnh giữa 1 người ngoài hành tinh và 1 người trái đất.

NGƯỜI TRÁI ĐẤT: Anh đến đây để cứu loài người đúng không?

NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH: Không, chúng tôi muốn cứu trái đất.

NGƯỜI TRÁI ĐẤT (hoảng sợ): Vậy là anh muốn cứu muôn loài thoát khỏi con người? Nghĩa là con người phải chết?

NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH: Xin lỗi. Chúng tôi không thể mạo hiểm cuộc sống của muôn loài chỉ vì sự ích kỷ và độc ác của một giống loài.

NGƯỜI TRÁI ĐẤT: Xin hãy giúp loài người!

NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH: Chúng tôi không thể thay đổi bản chất của con người. Các bạn đối xử với trái đất giống như các bạn đối xử với nhau (tệ bạc, thù hận, đố kị, độc ác...)

Cái giá phải trả này xứng đáng với cách các bạn đang sống!

Các bạn chỉ có thể thay đổi khi nhân loại đang đứng bên bờ hủy diệt.

NHỮNG BÀI HỌC ĐẮT GIÁ

Như GS John Vũ đã đề cập trong "Muôn kiếp nhân sinh": Ai chưa học được những bài học đắt giá để tỉnh ngộ, sẽ tiếp tục phải học lại trong cay đắng ở nhiều kiếp sống kế tiếp. Đời người, chỉ là cái chớp mắt trong muôn kiếp sống mà người ta phải học, phải trả giá và tỉnh ngộ.

Chính vì thế, hãy coi virus Covid-19 là sứ giả của tự nhiên, gửi đến cho chúng ta thông điệp và bài học đáng sợ, để thức tỉnh và cải biến thế giới này.

1. MẠNH MẼ VÀ YẾU ĐUỐI

Dù tưởng mình thống trị thế giới, dù đã khiến hàng triệu giống loài tuyệt chủng dưới tay mình, nhưng loài người đã không còn là loài mạnh nhất, thông minh nhất, trái lại chủ quan nhất, yếu đuối nhất, dễ tổn thương và hoảng sợ nhất.

Điều ấy thể hiện rõ nét nhất khi con người đối diện đại dịch và thảm họa. 2/4 nhân loại hoảng loạn; 1/4 nhân loại chủ quan coi Covid-19 như cúm mùa; 1/4 còn lại hoang mang không biết theo hướng nào hoặc bình chân như vại.

2. AI ĐÁNG SỢ NHẤT?

Chúng ta đang coi Covid-19 là giặc, là địch, là kẻ thù nguy hiểm. Sự thật thì Covid-19 gần như chỉ tấn công con người, còn con người tấn công tất cả.

Con người dẫu sao còn biết tự vệ trước sự tấn công của dịch bệnh, còn hầu hết muôn loài đâu có thể bảo vệ mình trước sự hung bạo của con người?

Thế giới bàng hoàng vì có đến hơn 4 triệu người chết vì Covid-19, nhưng chỉ cần một cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, đã có 70-85 triệu người bỏ mạng, hàng trăm triệu người tàn phế.

Mỗi năm trên thế giới có tới 1.277.000 người chết vì tai nạn giao thông; hơn 800.000 người tự sát; hàng triệu động vật bị con người giết hại dã man trong các lễ hội hiến tế.

Trái đất đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6. Cứ 20 phút lại có một loài động vật hay thực vật nào đó bị tuyệt chủng. 50 năm trở lại đây, tốc độ tuyệt chủng đã tăng nhanh gấp 40 lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Sự tàn phá của con người là nguyên nhân chủ yếu khiến các loài phải rời bỏ cái nôi sự sống mà vũ trụ đã thiết lập cho tất cả chúng sinh, chứ không lập trình cho sự độc quyền thống trị của bất cứ giống loài nào.

Đến đây, chúng ta đã trả lời được câu hỏi: Ai mới là kẻ nguy hiểm nhất?

 

3. KẺ ĐỒNG LÕA VÀ KHẮC TINH CỦA COVID-19

Sự tung hoành của Covid-19 sẽ tỉ lệ thuận với sự ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm của con người. Sự thực đã chứng minh, các quốc gia chỉ bo bo lo cho mình, không chia sẻ nguồn lực và vắc xin, cũng không thể sống yên ổn.

Covid-19 không có thói quen chờ nhập cảnh ở biên giới như con người. Nếu cả thế giới vẫn điêu đứng vì đại dịch, một đất nước dẫu có an toàn vì được tiêm nhiều vắc xin, vẫn chịu tổn thất nặng nề. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, không ai thịnh vượng.

Trong từng thời điểm, con người có thể bị cách ly về khoảng cách địa lý để phòng dịch, nhưng nếu tình thương yêu, tình đồng loại, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, được nhân lên trong gian khó; sự phiền não, tổn thương của mỗi người được chữa lành… thì Covid-19 hay bất kỳ dịch bệnh nào sẽ bị đánh bại. Đó chính là khắc tinh của Covid-19.

4. CỨU AI VÀ AI CỨU?

Con người là sinh vật có khả năng nhiều nhất để thay đổi thế giới. Nhưng nếu muốn cứu con người, thì giải pháp bền vững nhất là phải cứu trái đất. Con người làm sao có thể sống bình yên trên một quả địa cầu đang bị hủy hoại từng ngày?

Có một vòng tròn, tưởng nghịch lý mà lại là chân lý: Muốn cứu được trái đất, lại phải cứu con người trước. Và muốn cứu nhân loại, mỗi người phải tự cứu mình trước. Một giọt nước trong xanh đến mấy, trôi giữa đại dương ô nhiễm, sẽ không bao giờ giữ được sự thanh sạch. Hàng tỉ tỉ giọt nước tự làm mình sạch, thì lo gì đại dương bẩn.

Cứu mình bằng cách nào? Khởi nguồn và căn bản nhất phải là thay đổi tâm thức, tìm hiểu và thấu hiểu nhân quả, từ đó sống tích cực, thiện lương, yêu thương với chính mình, người xung quanh và cộng đồng, nhân loại. Sống thuận tự nhiên.

Mỗi chúng ta có hai vũ trụ. Một vũ trụ bên ngoài và một vũ trụ bên trong. Bao nhiêu đời nay, chúng ta đều hướng ngoại.

Từ thơ bé, chúng ta đã ngước mắt lên bầu trời sao, mơ một ngày bay lên. Lớn lên, chúng ta chỉ thích đi thật xa, thật nhiều. Chỉ khi hết hơi, tàn sức mới chợt nhớ chuyện quay về, lúc ấy, thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa.

Có mấy ai được dạy và biết dừng lại, nhắm mắt lặng yên để tìm lại và chu du trong thế giới nội tâm mình; mấy ai hiểu cách trở về bản thể nguyên sơ được tự nhiên thiết lập vi diệu trong mình?

Con diều muốn bay càng cao, ngoài việc dây phải dài, thì điều quan trọng nhất là gốc càng phải chắc. Bật gốc, diều chỉ là một đồ chơi nằm trên mặt đất.

Tự nhiên vĩ đại bao giờ cũng thiết lập đối xứng hoàn hảo. Có ngày thì có đêm. Có sáng thì có tối. Có rắn thì có mềm. Có nóng thì có lạnh. Có âm thì có dương. Có hữu hình thì có vô hình…

Theo quy luật đối xứng ấy, nếu vũ trụ bên ngoài bao la không bờ bến, thì vũ trụ bên trong chúng ta, cũng không thể nghĩ bàn. Thậm chí thế giới bên trong còn mênh mang và bí hiểm hơn vũ trụ bên ngoài.

Vận tốc ánh sáng sao có thể đi nhanh bằng ý nghĩ?

Quả địa cầu có lớn cỡ nào cũng đâu thể sánh bằng tư tưởng vĩ đại của các bậc giác ngộ?

Cơ chế vận hành ma trận của vũ trụ, nếu so sánh với cơ chế vận hành cực kỳ phức tạp, khoa học và kỳ diệu của một tế bào, đâu biết ai hơn ai kém?

5. BI KỊCH CỦA KẺ TỰ LÀM MÌNH YẾU

Mỗi ngày qua đi, chúng ta đều chứng kiến hậu quả đau lòng của chiến tranh, giết chóc, bạo hành, đốt phá, giận dữ, ghen ghét, đố kị, hãm hại, chê bai, chỉ trích nhau…Thật đáng buồn là những tin tốt, những điều tử tế thường bị hố đen ấy nuốt chửng.

Trồng một hạt chanh làm sao hái được quả cam? Gieo chua không thể nào gặt ngọt. Thế giới đang được tạo lập và vận hành với năng lượng tiêu cực lớn hơn nhiều lần năng lượng tích cực, thì đương nhiên trái đất sẽ ngày càng đi dần về điểm hủy diệt.

Điểm hủy diệt ấy được đánh dấu từng chặng bằng những thiên tai, thảm họa, dịch bệnh ngày càng dày và khốc liệt. Chúng ta hủy hoại thế giới với lực thế nào thì phản lực mà vũ trụ bật lại chúng ta mạnh như thế. Phản lực dữ dội và dày đặc hôm nay, là cái giá phải trả của cả ngàn năm, trăm năm mà con người luôn sống và làm ngược lại quy luật tự nhiên.

Con người vẫn là sinh vật được thiết kế tiến hóa cao nhất trên trái đất này, nhưng chính họ đã tự làm suy yếu mình bởi "tam độc": tham lam, thù hận, u mê. Nếu bỏ được tam độc, họ sẽ mạnh vô cùng, vì thân tâm sẽ được kết nối với bản thể nguyên sơ, kết nối với sức mạnh vũ trụ.

Còn virus, chỉ được gọi là "sinh vật bên lề sự sống", vì chúng không có cả cấu trúc tế bào và không có hệ thống trao đổi chất riêng. Với cấu tạo như thế, đương nhiên virus không thể so với độ tiến hóa của con người. Chỉ có điều, hôm nay, chúng đang hạ knock out con người trong một trận chiến chưa có tiền lệ.

Virus mạnh không phải vì chúng vốn mạnh, vì con người đang tự suy yếu. "Tam độc" trong chúng ta chính là khởi nguồn căn bản dẫn đến những lệch lạc cả về thân và tâm, làm biến đổi bộ máy cơ thể - vốn đã được tự nhiên thiết kế hoàn hảo để chống lại mọi sự xâm lược của bệnh tật.

Không có điều gì hủy hoại chúng ta bằng chính chúng ta. Chính vì vậy Đức Phật dạy: "Thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình. Chiến thắng chính mình là oanh liệt nhất".

Khoa học cho rằng, vắc xin chính là vũ khí bền vững nhất để chống dịch bệnh. Còn những nhà minh triết biết rằng: Vắc xin bền lâu nhất, chính là quay về bờ giác – thức tỉnh.

Khi biết cách giải thoát khỏi khổ đau, phiền não, bệnh tật và sinh tử luân hồi, thì những kẻ địch bên ngoài không thể xâm nhập bên trong, không thể hủy hoại con người. Đó là loại vắc xin không cần tiêm, không cần uống. Đó là kháng nguyên kỳ diệu nhất.

6. TRONG HỌA CÓ PHÚC

Đại dịch Covid-19 và các thảm họa thiên nhiên khác, làm suy kiệt các nền kinh tế, khiến nhiều người mất mạng, mất việc, đói cơm rách áo, điều ấy ai cũng biết.

Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy cơ hội từ thảm họa: Phượng hoàng luôn biết cách bay lên từ đống tro tàn.

Covid-19 nhắc chúng ta về việc bảo vệ trái đất, khi chúng ta được chứng kiến kết quả ngạc nhiên về môi trường: Khí thải ô tô xe máy ít hơn, trời trong xanh hơn, những lá phổi mạnh khỏe hơn.

Covid-19 nhắc con người nhớ rằng chúng ta đã từng tiêu xài lãng phí như thế nào. "Phí của trời mười đời không có". Tất cả những thứ mà ta tiêu xài, không chỉ lãng phí về mặt tiền bạc, mà còn lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí về nhân tình và vô cảm với vạn vật. Mỗi khi chúng ta "đốt ví", mấy ai tự nhắc nhủ rằng: Trên thế giới này, mỗi phút vẫn có nhiều người chết vì đói cơm rách áo.

Covid-19 dạy chúng ta rằng, nếu biết sống một cách khoa học và chắt chiu, trân trọng những thứ mình đã có, thì kể cả phong tỏa lâu dài, không ít người vẫn sống ổn vài năm. Và như vậy, chỉ cần điều chỉnh lối sống chúng ta sẽ chẳng phải điên đảo, mưu mô, suy kiệt, đau khổ, bất hạnh vì tiền như thế. Xét cho cùng, cuộc sống tối giản mới chính là cuộc sống của những người thượng thừa. Một người siêu giàu sống trên tiền làm sao so được với một người siêu giàu sống cực kỳ giản dị và để lại tài sản cho nhân loại!

Covid-19 đánh thức chúng ta rằng, trong thảm họa, con người có thể nhân lên sự yêu thương, bản lĩnh, sự sẻ chia, kết nối nhiều hơn bao giờ hết. "Rằng trong cơn hoạn nạn, mới hiểu được lòng nhau" – câu dân ca xứ Nghệ ấy, càng thấm thía trong những thời khắc nguy khó nhất.

Thời thế tạo anh hùng, lửa thử vàng, những con người và sáng kiến thiện lương nhờ lửa mà được tôi luyện. Bình thường, chúng ta đâu thể nhìn thấy nhiều chấm sáng như thế trong một bầu không khí xã hội có nhiều phần u ám. Nếu loại "virus thiện lương" này lây lan chóng mặt thì Covid-19 đâu phải là đối thủ.

Covid-19 dạy chúng ta sống chậm và hướng nội, chứ không lao đi vun vút cả đời. Hướng về những bữa cơm gia đình, về tình cảm gia đình, về hàng xóm láng giềng và hướng về nội tâm tĩnh lặng. Tâm an định thì trí tuệ khai mở. Khai mở thì thấu suốt quy luật tự nhiên. Thấu suốt quy luật thì nỗ lực bỏ tham sân si. Bỏ tham sân si thì an vui, hạnh phúc. An vui hạnh phúc thì tâm tiếp tục an định…

Còn rất nhiều bài học như thế, mà mỗi người sẽ nhận được cho mình.

Cổ nhân nói "Con đường vạn dặm cũng phải bắt đầu từ bước chân đầu tiên".

Bước chân đầu tiên, chính là bước chân quay về chính mình, khám phá vũ trụ trong mình.

Và hãy mỉm cười hoan hỉ vì "ngày mai, đang bắt đầu từ hôm nay…."

 

Bùi Hải/soha.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin