Chi tiết tin tức Vai trò của Giáo hội trong việc giáo dục lối sống cho thanh niên 15:06:00 - 13/09/2022
(PGNĐ) - Kể từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa tinh thần dân tộc Việt Nam. Với hệ thống giáo lý mang đậm tính nhân bản, Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, văn hóa, đạo đức của người Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Hiện nay, những hoạt động liên quan đến giáo dục đạo đức Phật giáo phát triển khá mạnh. Với sự định hướng của Giáo hội, các chức sắc Phật giáo và các phật tử, các hoạt động giáo dục Phật giáo cho bộ phận thanh thiếu niên là tu sĩ, thanh thiếu niên phật tử và thanh thiếu niên nói chung trên cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của thanh thiếu niên trong đời sống xã hội.
Vấn đề giáo dục lối sống cho thanh niên hiện nayThanh niên dưới góc độ xã hội học – dân cư được hiểu là một nhóm nhân khẩu xã hội đặc thù có độ tuổi từ 15, 16 tuổi đến trên dưới 30 tuổi, gắn với mọi giai cấp, mọi tầng lớp xã hội và có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khỏang thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”. [5, tr.277]. Như vậy, lối sống của thanh niên hiện nay là tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống của tầng lớp thanh niên. Lối sống của thanh niên hiện nay chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những yếu tố, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Giáo dục lối sống cho thanh niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Điều này xuất phát từ vai trò đặc biệt của thanh niên trong đời sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia – dân tộc. Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc.” Thanh niên là nhóm xã hội – dân cư có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, bàn giao nhiệm vụ, ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước (thế hệ già đã và đang giữ vai trò lãnh đạo gia đình – cộng đồng – quốc gia dân tộc). Vì vậy, có thể nói thanh niên chính là tương lai của toàn cộng đồng, dân tộc. Nếu thế hệ thanh niên không được chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận sứ mệnh, kế tục các thế hệ đi trước thì số phận và tương lai của tòan bộ cộng đồng quốc gia – dân tộc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chính vì vậy mà các thế hệ đi trước (của tất cả các dân tộc và trong nhiều thời đại lịch sử) đều thường rất quan tâm tới việc đào tạo, rèn luyện thanh niên bằng nhiều phương thức khác nhau, chuẩn bị để họ nhận lãnh trách nhiệm với dân tộc và cộng đồng, kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước. Trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và nhân dân ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Với bối cảnh hiện nay, giáo dục lối sống thanh niên càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Trong thời đại cách mạng 4.0, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, văn hóa được nâng cao, nhất là công nghệ thông tin phát triển vượt bậc đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày càng cao hơn. Phần lớn thanh niên ngày nay có trình độ học vấn cao, có hiểu biết đa dạng, phong phú, nhất là về khoa học, kỹ thuật… Họ năng động, nhạy bén với cái mới, có ý thức cao về cái tôi cá nhân và có khát vọng muốn khẳng định cái tôi. Tuy nhiên, dưới tác động của toàn cầu hóa và mặt trái của kinh tế thị trường, thanh niên hiện đại bắt đầu có những biểu hiện sa vào những lối sống không lành mạnh, hành vi ứng xử vượt quá chuẩn mực. Sự xâm thực của văn hóa ngoại lai cộng với sự thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh của một bộ phận thanh niên đã tạo ra một lối sống lai căng, vị kỷ. Nhiều thanh niên thiên về đời sống hưởng thụ hơn đời sống lao động, một số còn lại thích chạy đua theo vật chất (trào lưu của thời đại kinh tế thị trường), đánh mất nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thanh niên ngày nay có điều kiện vật chất, tinh thần đầy đủ hơn trước. Nhưng cũng vì vậy không ít trong số họ sống ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, sống không có lí tưởng, không có mục tiêu, lười biếng, ích kỉ, vô cảm. Các vụ vi phạm pháp luật mà đối tượng là thanh niên không ngừng tăng, bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của nhiều thanh niên đã trở thành hồi chuông báo động cho tương lai của cả dân tộc. Thực trạng như vậy khiến nhiệm vụ giáo dục lối sống cho thanh niên hiện nay trở thành nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội. Giáo dục Phật giáo và vai trò của giáo dục Phật giáo đối với thanh thiếu niênPhật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam cách đây hơn 2000 năm, trải qua thời gian, Phật giáo với nền giáo dục đạo đức, hướng thượng đã sớm nhận thức được sứ mệnh truyền bá chính pháp và nhanh chóng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua mỗi giai đoạn, Phật giáo đều có vai trò, vị trí và những đóng góp trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Với tinh thần nhập thế như vậy, trong bối cảnh hiện nay, Phật giáo tham gia tích cực vào các hoạt động cải tạo xã hội, trong đó có vấn đề giáo dục lối sống cho thanh niên. Bản chất của giáo dục Phật giáo là sống đạo đức (giới), sống có ý thức (định) và nhằm đạt trí tuệ (tuệ). Đối tượng giáo dục của Phật giáo là con người được phân thành hai giới là xuất gia và tại gia. Giới xuất gia thì đương nhiên phải nhận được sự giáo dục trong các chùa viện. Với giới tại gia nói chung và giới trẻ nói riêng, đức Phật có rất nhiều bài kinh về đạo đức nhằm giáo hóa họ trở thành những người đáng được tôn kính trong xã hội và sống an lạc hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Vậy, giáo dục Phật giáo tác động đến thanh niên như thế nào? Thượng toạ Thích Nhật Từ nói rằng trong Kinh Pháp Cú chương 11 đức Phật đã chỉ ra 4 nội dung giáo dục cho giới trẻ: – Giáo dục trí tuệ: Giáo dục trí tuệ giúp cho những người trẻ tuổi luôn luôn biết tư duy và hành động một cách đúng đắn. – Giáo dục đạo đức: Nhằm giúp cho người trẻ tuổi biết về các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, biết đóng góp cho sự phát triển của xã hội. – Giáo dục về sức khỏe: Giúp tuổi trẻ hiểu rõ về thân và đóng góp của thân cho nhân loại. – Giáo dục thiên hướng nghề nghiệp: Một người trẻ tuổi khi đến tuổi trưởng thành thì phải thông thạo nghề nghiệp để nuôi sống mình và góp phần phụng dưỡng cha mẹ và người thân. [Dẫn theo Mai Thanh Thế, 4] Như vậy có thể khái quát vai trò của giáo dục phật giáo đối với thanh niên như sau: Giáo dục Phật giáo góp phần trau dồi đạo đức, xây dựng “tâm trong” cho thanh niên. Người có “tâm trong” phải được hiểu là người luôn trau dồi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức được những đạo lý, giá trị nhân văn cao cả trong cuộc sống, luôn giữ tâm mình trong sáng, hướng thiện, từ đó khởi nguồn cho những hành động có ích cho cộng đồng và đất nước. Đạo Phật nhấn mạnh đến việc đào luyện tâm hồn con người trong sạch, gạn bỏ từng bước những chướng ngại tham, sân, si đang trú ẩn trong mỗi con người. Quan niệm “từ bi, yêu thương chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc”. Lòng từ bi, nhân ái của đạo Phật được thể hiện là sự đồng cảm, xót thương trước nỗi khổ của chúng sinh, đây là giá trị lớn góp phần khắc phục tình trạng vô cảm với những vấn đề của xã hội của một số đoàn viên, thanh niên hiện nay. Đạo đức Phật giáo kêu gọi con người hành thiện, tránh ác, từ bi, hỷ xả mang tình thương đến với mọi người.. Đạo đức Phật giáo góp phần hình thành nhân sinh qua thế giới quan tích cực cho thanh niên. Nhân sinh là sự xem sét, suy nghĩ về sự sống của con người, hoặc nói văn vẻ hơn, Nhân sinh quan là quan niệm của chúng ta về những định luật diễn hóa trong đời sống nhân loại và sự sống của con người. Thế giới quan là hệ thống tổng quát những quan điểm của con người về thế giới, về vị trí con người trong thế giới đó và về những quy tắc xử sự do con người đề ra trong thực tiễn xã hội. Phật giáo đề cao việc rèn luyện trí tuệ của con người để phục vụ nhận thức. Đức Phật thường khuyên các đệ tử, hãy tự mình để thắp lên ngọn đuốc của chính mình. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình. Vai trò của trí tuệ đưa đến sự giải thoát và giác ngộ, chính trí tuệ bằng sự thiền định để diệt trừ ác nghiệp, nhận rõ đúng sai, biết lắng nghe, chia sẻ, hoài nghi để sống tốt hơn. Cho nên trong tam học “giới- định- tuệ” thì trí tuệ đóng vai trò quan trọng nhất, đây là con đường để diệt khổ. Chỉ có trí tuệ mới giúp con người biết đâu là thiện, đâu là bất thiện. Giáo dục Phật giáo góp phần rèn luyện năng lực quản lý cảm xúc, kiểm soát hành vi trước tác động của ngoại cảnh, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tốt đẹp của thanh niên. Giáo dục của Phật giáo nhằm điều chỉnh được các hành vi hoạt động, đạo đức, lối sống đúng đắn; nâng cao trình độ kiến thức xã hội, rèn luyện các kỹ năng mềm để có thể xử lý các tình huống trong cuộc sống. Giáo hội phật giáo Việt Nam với việc giáo dục lối sống thanh niên hiện nayGiáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là tổ chức Phật giáo đại diện tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Mục đích của GHPGVN là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới. Đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống thanh niên, trong nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những hoạt động thiết thực góp phần làm giảm suy thoái đạo đức trong thanh, thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên, các hoạt động phật pháp… Thông qua đó giáo dục các em hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phước, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, biết ơn với tổ tiên, ông bà và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi pháp thoại với chủ đề ứng dụng phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, lý tưởng sống, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử v.v… Hàng năm, GHPGVN đã chỉ đạo cho các ban, viện cùng các vị tăng, ni tích cực tổ chức các Hội nghị sinh hoạt giáo lý cho phật tử vào các dịp lễ lớn của Phật giáo như Đại lễ Phật Đản, Vu Lan báo hiếu, ngày Phật thành đạo,… và phối hợp với các cơ sở chùa, tự viện, thiền viện, tịnh xá, đạo tràng tổ chức hàng nghìn khóa bồi dưỡng giáo lý đạo Phật cho tầng lớp thanh niên phật tử mỗi năm, nổi bật là phong trào khóa tu mùa hè, khóa tu sinh viên hướng về Phật pháp, khóa tu một ngày an lạc trên khắp cả nước đã thực sự thu hút được hàng trăm nghìn thanh thiếu niên tham gia và có kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2019, GHPGVN hiện có 1028 đạo tràng Bát quan trai với 254.648 phật tử sinh hoạt; 38 đạo tràng tu thiền với11.725 phật tử; 416 đạo tràng Niệm phật với 41.782 phật tử; 264 đạo tràng Pháp Hoa với 42.653 phật tử; 1.462 mô hình sinh hoạt Phật pháp khác; 118 câu lạc bộ thanh thiếu niên phật tử với 8.762 thanh thiếu niên tham dự. Trung bình mỗi khóa tu có từ 200 – 500 thanh thiếu niên tham dự tu tập, sinh hoạt. [1] Trong 41 năm qua, GHPGVN đã góp phần định hướng phát triển nền giáo dục nhân quả, nhân bản và toàn diện. Giáo dục Phật giáo luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, đem đến lợi lạc cho tha nhân, cùng cộng đồng xã hội chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng, xã hội ngày càng văn minh. Tuy vậy, hoạt động giáo dục thanh niên cho GHPGVN tổ chức vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Mặc dù đã có những trại huấn luyện, trại hè, những khóa tu mùa hè, một ngày tập tu, một tuần tập tu, khóa tu thiền, niệm Phật v.v…nhưng đa phần thanh thiếu niên vẫn chưa được tiếp cận với Phật pháp. Thực tế này phát xuất từ nhiều yếu tố khách quan trong cuộc sống hiện thực: cha mẹ chưa nhận thức đúng đắn về việc hướng dẫn con cái về với đạo pháp, chưa quan tâm giáo dục, dìu dắt con cháu đi chùa, lễ Phật, tìm hiểu giáo lý Phật đà. Hơn nữa nội dung hoằng pháp của giáo hội cũng chưa lôi cuốn, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, chưa đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của thanh thiếu niên như cần cơm ăn, áo mặc, nước uống… Những vấn đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ nơi công sở, đồng nghiệp, bạn bè, lý tưởng sống , kỹ năng sống…còn nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta cần quan tâm hơn nữa. Từ những hạn chế trên cho thấy cần phải thay đổi nền giáo dục cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Cần phải có những giải pháp hay hướng đi mới để có thể giáo dục. Giáo dục Phật giáo cần phải đẩy mạnh, tác động quyết liệt hơn nữa để có thể giúp thế hệ trẻ tuổi thay đổi, lấy lại những phẩm chất vốn có của mình. Phải có nhiều hơn những buổi diễn đàn, kiến thức chuyên sâu, làm rõ những điểm tiêu cực, để họ dễ nhìn nhận ra mặt trái qua đó tiếp thu tốt hơn. Đặc biệt với xu hướng công nghệ, ngoài việc truyền đạt trực tiếp thì cần áp dụng triệt để các kênh thông tin trên các nền tảng như: Facebook, YouTube, Instagram,… Đây là các nền tảng được giới trẻ sử dụng nhiều nhất. Đưa thông tin nhanh chính xác, mà cũng cực kì hiệu quả. Tùy vào từng điều kiện mà có thể áp dụng các phương pháp khác nhau, để đạt được kết quả tốt nhất. Các Ban, Viện của GHPGVN cần xây dựng kế hoạch phối hợp xây dựng và hoàn thiện về nội dung, chương trình thường xuyên giáo hóa thế hệ trẻ bởi: “Thân cận thiện hữu như vũ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận, ác tập ác giã trưởng ác tri kiến” (gần gũi bạn lành như đi trong sương đêm, tuy chẳng ướt áo, nhưng lâu ngày sẽ thấm, tiếp xúc với người ác sẽ dễ làm theo việc ác). Các cơ sở thờ tự cần tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, sử dụng âm nhạc, thiết lập sân chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút giới trẻ. Việc chuyển thể kinh Pháp cú từ dạng thơ kệ qua dạng bài hát đều là những phương pháp hoằng pháp cho thanh thiếu niên đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, các cơ sở thừa tự cần tiến hành nhiều hoạt động xã hội như tổ chức Tết Trung thu để khen thưởng cho con em đồng bào, phật tử học giỏi, tổ chức khen thưởng cho con cháu hiếu thảo vào ngày Vu lan báo hiếu,… có như thế mới từng bước đưa thanh thiếu niên trở về với cửa chùa. Tất cả những gì đề ra trong giáo dục Phật giáo cũng chỉ hướng đến duy nhất một mục đích đó là giáo dục triệt để nhân cách đạo đức lối sống chuẩn mực. Các hoạt động giáo dục thanh niên do GHPGVN đã và đang thực hiện đã góp phần ổn định, cải tạo xã hội, xây dựng tương lai đất nước. Qua các hoạt động đó, GHPGVN cũng tuyên truyền, giáo dục giáo lí nhà Phật, để tư tưởng Phật giáo lan tỏa, thấm sâu vào các giai tầng xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Đó cũng là cách để Phật giáo song hành và tồn tại cùng với vận mệnh dân tộc, trở thành điểm tựa văn hóa, tinh thần cho thế hệ trẻ nói riêng và nhiều thế hệ người Việt Nam.
Tác giả: Thích Nhật Minh *** Tài liệu tham khảo
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |