Chi tiết tin tức

Tri ân “Người nằm xuống” từ góc độ một người học Phật

20:30:00 - 04/08/2022
(PGNĐ) -  “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,Toát hơi may lạnh buốt xương khôNão người thay buổi chiều thu,Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…”.Bài Văn tế Thập loại chúng sanh của Nguyễn Du đã nhắc ta nhớ về những anh hùng đã mãi mãi nằm xuống vì độc lập, tự do và hạnh phúc cho đất nước và dân tộc. 

Ngoài ra, một hình ảnh tiêu biểu khác là hình ảnh người mẹ già nua, da nhăn nheo, chi chít những vết đồi mồi ngồi bên cạnh mâm cơm nghi ngút khói hương cùng với 12 chén cơm và những giọt nước mắt nhẹ rơi nơi gò má hao gầy. Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010), sinh tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Bà là người phụ nữ có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là Liệt sĩ. Mẹ Thứ đã dành những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời và gia đình cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gìn giữ độc lập dân tộc cho non sông gấm vóc. Mẹ Thứ đã trở thành bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tại Quảng Nam trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. 

Sự hy sinh của Mẹ Thứ là một trong vô vàn sự hy sinh của những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng hay của những đứa con thơ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Không biết tự bao giờ, có lẽ từ khi các vua Hùng dựng nước, trong lòng người con đất Việt luôn có lòng yêu nước, quyết giữ vững non sông, từng tấc đất của cha ông ta. Cũng chính vì thế, mà trong suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trải qua không biết bao cuộc khởi nghĩa, kháng chiến và đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập. Nhưng dân tộc ta là dân tộc yêu chuộng hòa bình, ta phải vùng dậy đấu tranh để giữ nền độc lập, tự do cho muôn đời, để cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng phi nghĩa.

Bác Hồ từng dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy ấy phản ánh sâu sắc tinh thần của dân tộc ta đã không tiếc của cải, thời gian, công sức và cả thân mạng chính mình để quyết tâm giữ từng tấc đất của cha ông, quét sạch quân xâm lược khỏi đất nước, giữ yên bờ cõi. Nhưng than ôi! Để hoàn thành sứ mệnh này, đã có không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả mạng sống của các anh hùng, liệt sĩ trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Biết bao người đã nằm xuống để chúng ta ngày nay có được cuộc sống bình yên.  

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy rằng: “Có hai hy vọng này, này các Tỳ kheo, khó được từ bỏ. Thế nào là hai? Hy vọng được lợi dưỡng và hy vọng được sống. Hai thứ này, này các Tỳ kheo, là hai hy vọng khó từ bỏ được” [1]. Những anh hùng đã nằm xuống họ cũng có hy vọng được sống như chúng ta nhưng trên hết họ muốn được sống trong nền hoà bình, tự do và muốn mọi người đều sống trong sự tự do ấy. Có lẽ vì thế, họ đã dám hy sinh thân mình mà trao hy vọng sống đó cho các thế hệ mai sau của đất nước. Đúng thật, hy vọng được sống là thứ khó từ bỏ nhất trong đời. Vì suy cho cùng, tất cả mọi người dù làm gì cũng chỉ nhằm một mục đích chung là được sống. Thế nhưng, những chiến sĩ của chúng ta đã từ bỏ hy vọng sống của riêng mình chỉ vì một mục tiêu, một hoài bão, một ước mơ lớn lao hơn, đó là độc lập – tự do cho dân tộc Việt Nam.

Thiết nghĩ, các chiến sĩ ấy đang thực hành theo tinh thần Bồ tát đạo mà trong nhà Phật thường nói. Vì họ đã làm một việc mà bất cứ vị Bồ tát nào cũng thực hiện đó là hành pháp Bố thí. Các chiến sĩ ấy, bố thí cả thân mạng của mình, cả tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Thế Tôn dạy: “Có ba sợ hãi, này các Tỳ kheo, mẹ không tìm được con, con không tìm được mẹ, làm chia rẽ mẹ con” [2]. Chiến tranh đã làm biết bao nỗi sợ hãi xuất hiện và trong đó nỗi sợ hãi khi xa cách người thân yêu của mình lại càng được lo lắng, nâng cao hơn cả. Nhưng chiến tranh đã càng làm cho nỗi sợ hãi này dâng cao tột độ, không mất mát và đau xót nào hơn khi cuộc chiến đi qua nhưng những người mẹ vẫn không biết con mình ở nơi nào? Thiết nghĩ, các chiến sĩ ấy đang thực hành theo tinh thần Bồ tát đạo mà trong nhà Phật thường nói. Vì họ đã làm một việc mà bất cứ vị Bồ tát nào cũng thực hiện đó là hành pháp Bố thí. Các chiến sĩ ấy, bố thí cả thân mạng của mình, cả tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Nhưng trên tất cả, họ đang thực hiện Vô uý thí, tức là kháng chiến thắng lợi, bảo vệ đất nước, lập lại hòa bình, giúp mọi người không phải chịu những nỗi sợ hãi về mất mát người thân. Tất cả những điều tươi đẹp, vui vẻ và hạnh phúc nhất họ đã dành lại cho các bạn bè, đồng đội, đồng bào, nhân dân và các thế hệ mai sau. Đây thật là một điều vô cùng vĩ đại và đáng được trân quý! Họ đã vượt lên nỗi sợ của chính mình để giúp mọi người ngày nay không còn phải sống trong cảnh chia lìa và mất mát.

Nhưng ngọn nguồn nào đã làm ra cảnh chiến tranh loạn lạc, cửa nhà ly tán, mẹ con chia lìa kia? Đức Phật dạy: “Ngày nay, này các Bà-la-môn, loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm và bị ác tham chinh phục, bị tà kiến chi phối. Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, vì bị ác tham chinh phục, vì bị tà kiến chi phối, chúng cầm gươm sắc bén giết hại lẫn nhau. Do vậy nhiều người mạng chung” [3]. Lời Phật dạy quả thật vô cùng sâu sắc, cho thấy ngọn nguồn của chiến tranh phi nghĩa, đó là do lòng tham con người, họ không làm chủ được và từ đó đã bị chính lòng tham của mình chi phối, đưa đến chiến tranh và các hệ luỵ khác. Điều ta có thể làm là phải biết tri ân và báo ân những người nằm xuống để thế hệ hôm nay được sống trong hoà bình, được nhìn thấy ánh ban mai mỗi sáng sớm.

Từ ngàn xưa, dân tộc ta có tục ngữ nằm lòng của mọi đứa trẻ rằng: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhằm nhắc nhở những người đi sau hãy luôn ghi nhớ công ơn của các bậc cha ông đi trước đã không tiếc hy sinh xương máu để giành lại nền độc lập dân tộc. Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: “Có hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời” [4]. Trong lời dạy này của Đức Phật, ta thấy các chiến sĩ đã hy sinh có thể gọi là “Người thi ân trước”. Bởi họ đã nhớ đến ơn của Tổ quốc, cha mẹ, đồng bào,… và trả ơn ấy bằng chính sinh mạng của mình. Còn chúng ta là thế hệ tiếp nối, phải là “Người biết nhớ ơn đã làm”, cái ơn của các chiến sĩ đã không tiếc xương máu giành lại nền độc lập. Đó là cái ơn mà mỗi người con nước Việt phải nhớ lấy, không bao giờ được quên. 

Không phải chỉ mỗi khi đến ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), người con Phật mới nhớ đến các anh hùng liệt sĩ mà hằng ngày khi tu tập đều phải tâm niệm, nhớ nghĩ và hồi hướng công đức tu tập của mình đến với họ.

Lời Đức Phật dạy vô cùng phù hợp với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” hay “Tri ân và Báo ân” của dân tộc ta. Có lẽ vì thế, đạo Phật đã tồn tại và phát triển cùng với dân tộc trong suốt các quá trình lịch sử. Đức Phật không chỉ dạy học trò tu tập lợi ích cho cá nhân và giúp ích cho người khác, mà Ngài còn dạy các đệ tử phải luôn có lòng tri ân và biết ơn, như trong kinh, Ngài gọi ấy là người khó tìm được ở đời: “Sự xuất hiện của ba hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là ba?”, “Người tri ân, người biết ơn, khó tìm được ở đời” [5].

Với người đệ tử học Phật và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống đó là phải luôn tri ân và báo ân, thường được nhắc đến đó là “Tứ trọng ân”. Trong đó, ân quốc gia thuỷ thổ hay ân đất nước là một điều không thể thiếu của một người đệ tử học Phật. Vận dụng lời dạy ấy, ngày nay chúng ta thường thấy các Khoa nghi Chẩn tế, Trai đàn Giải oan bạt độ, Cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử trận nạn vong,… diễn ra hàng năm ở khắp nơi. Đây chính là nét đẹp tri ân, báo ân của người con Phật đối với các anh hùng – liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc.

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát

Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi

Muôn nhờ Đức Phật từ bi

Giải oan cứu khổ độ về Tây phương” [6].

Nếu như ai đã một lần đến viếng nghĩa trang liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc, ắt hẳn sẽ thấy có rất nhiều ngôi mộ “chưa biết tên” hoặc các ngôi mộ gió.   

“Hỡi hồn phách trong cơn binh lửa,

Chết phong ba chết giữa núi non!” [7].

Giờ đây khi đất nước thanh bình, lòng người tĩnh lặng hiệp với tiếng kinh lời kệ của chư Tôn tịnh đức trong pháp đàn, mọi người đồng lòng, nhất tâm, nguyện cầu cho những anh linh chiến sĩ:

“Nhờ phép Phật siêu sanh Tịnh độ

Phóng hào quang cứu khổ độ u

Rắp hoà tứ hải quần chu

Não phiền trút sạch oán thù rửa không” [8].

Điều mà người con Phật có thể làm trong giờ phút thiêng liêng và sâu lắng này chính là mong các anh hùng liệt sĩ nương nhờ ánh sáng từ quang của chư Phật, mà hiện thời là Đức Phật A Di Đà, đang được toàn thể đại chúng nhất tâm cầu nguyện hướng về các vị. Mong Đức Phật phóng ánh sáng hào quang cứu khổ từ nơi tăm tối, nhờ ánh sáng ấy mà phiền não của các vị và hơn hết là những ai oán của chiến sĩ trận vong sẽ được hóa giải. Bởi không ít trường hợp các anh hùng hy sinh trong lòng vẫn mong muốn, chờ đợi ngày được quay về đoàn tụ bên gia đình, bên cạnh những người thân thương của mình, để hoàn thành lời hứa năm xưa: “Khi nào hoà bình con sẽ về”, “Khi hết chiến tranh ta sẽ lấy nhau”, “Con ở nhà với mẹ chiến tranh kết thúc bố sẽ về với hai mẹ con”, …

Giờ đây, nơi pháp đàn, những người thân của các vị, những người đồng bào, những thế hệ đi sau đang hướng lòng về các vị, mong các vị nương nhờ oai lực Tam bảo cùng sự gia trì, chú nguyện của pháp hội được về dự tiệc pháp, được nhìn lại quê hương đất nước thanh bình của chúng ta sau những tháng ngày chiến tranh, được dùng một bữa cơm thanh đạm thấm đượm tình quân dân,… Sau đó, các vị hãy trút bỏ gánh nặng ưu phiền trong lòng mình bao năm qua. Bao nỗi căm hận, uất ức giờ đây nhờ ánh sáng từ quang và dòng nước thanh tịnh kia mà xoá sạch đi tất cả, nhẹ lòng tiễn các vị dời gót về cảnh giới an lành, yên vui, thoát khổ. 

Đức Phật dạy: “Có hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai: Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời”.

Ngoài pháp hội, ngày nay nhìn lại, chúng ta còn nhận thức được sâu sắc hơn lời dạy của Đức Phật. Ngài dạy những đệ tử phải biết trân quý mạng sống chính mình, mạng sống ấy không chỉ do cha mẹ cho ta mà còn có ơn của các anh hùng chiến sĩ vì nước quên thân, để ngày nay ta được sống trong hoà bình, ấm no, hạnh phúc. Vậy ta phải biết ơn những anh hùng ấy bằng các hành động thiết thực trong hiện tại. Bởi, tâm nguyện của các chiến sĩ chỉ có một điều duy nhất hướng đến đó là: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” của dân tộc Việt Nam. Những thế hệ chúng ta phải không ngừng học tập, không ngừng phát huy các giá trị truyền thống “Yêu nước và giữ nước”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để mãi mãi khắc ghi các hình ảnh cao đẹp, học tập và làm theo những tấm gương ấy.

Đối với người học Phật, chúng ta có thể thấy rất rõ phẩm tính chịu đựng, hy sinh mà trong nhà Phật gọi là Nhẫn. Các vị chiến sĩ còn có một tâm Từ rộng lớn, sẵn sàng hy sinh thân mạng, đây có thể xem là Bố thí Ba-la-mật của hàng Bồ tát ở hai phương diện là Tài thí và Vô uý thí. Đừng ngỡ rằng, ta là người học Phật thì ta chỉ nhớ ơn Tam bảo, cha mẹ, thầy Tổ mà luôn phải nhớ đến ơn của các chiến sĩ đã hy sinh cho ta có được những tháng ngày thảnh thơi nơi mái chùa, với từng lời kinh tiếng kệ. Vậy ta hãy đem hết tâm thành, dùng những lời kinh tiếng kệ kia gửi đến các chiến sĩ ấy với tất cả sự tri ân và báo ân đúng nghĩa là người đệ tử học Phật chân chính. Ngoài ra, người đệ tử học Phật qua lời dạy trong kinh điển đã biết được ngọn nguồn của chiến tranh phi nghĩa là do tham ái, vậy phải dùng những hành động, việc làm để giữ vững nền hòa bình cho mọi người, cho đất nước và thế giới, cho hôm nay và mai sau.  

Không phải chỉ mỗi khi đến ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), người con Phật mới nhớ đến các anh hùng liệt sĩ mà hằng ngày khi tu tập đều phải tâm niệm, nhớ nghĩ và hồi hướng công đức tu tập của mình đến với họ. Việc tri ân và báo ân các anh hùng chiến sĩ không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của một người mà là việc của tất cả người con mang dòng máu Lạc Hồng, của những người thuộc dân tộc Việt Nam!

 

Tỳ kheo Thích Hạnh Hoằng/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 394

Chú thích:

[1] HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương II. Hai pháp, XI. Phẩm các hy vọng, 1 – 12. Hy vọng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.160.

[2] HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương III. Ba pháp, VII. Phẩm lớn, 62. Các sợ hãi, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.319.

[3] HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương III. Ba pháp, VI. Phẩm các Bà-la-môn, 56. Người giàu có, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.286.

[4] HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương II. Hai pháp, XI. Phẩm các hy vọng, 1 – 12. Hy vọng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.160.

[5] HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương III. Ba pháp, XII. Phẩm đoạ xứ, 112. Khó tìm được, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.483.

[6] Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sanh.

[7] Sám triệu cô hồn.

[8] Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sanh.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin