Chi tiết tin tức

"Phật trong nhà không thờ, đi thờ Phật Thích Ca ngoài đường”

15:25:00 - 25/12/2016
(PGNĐ) -  Ban thờ Phật và gia tiên ở nhà có khi cũng rơi vào tình trạng “nhang tàn khói lạnh” vì chúng ta cứ mải miết đi cầu cúng chư Phật ở khắp mọi nơi, chắc tại “bụt chùa nhà không thiêng” chăng?... 

Ai cũng biết đạo Phật giữ vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt. Và đức Phật là hiện thân của sự cao quý và chân lý tốt đẹp trên cõi trần thế. “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Phật Thích Ca ngoài đường” – câu nói tưởng chừng có phần bất kính và vô lễ nhưng thực ra lại chứa đựng rất nhiều thâm ý sâu sắc bên trong.

 

“Phật trong nhà” có thể hiểu theo hai cách. Đầu tiên, đó chính là tôn tượng đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát hay bất kỳ tôn tượng của vị Phật nào mà chúng ta phát tâm thờ tại gia. Cách hiểu thứ hai, “Phật trong nhà” chính là cha mẹ hiện tiền của chúng ta. Vì sao lại nói như vậy?

 

 

Tích truyện xưa kể rằng:
 

“Có cặp vợ chồng nghèo sống cùng mẹ già trong túp lều tranh bên bờ sông, chồng đi chài cá, vợ mang ra xóm bán đổi gạo sống qua ngày. Nghe ca ngợi tài trị bệnh thần hiệu và thông tỏ quá khứ vị lai của đức Phật nên người vợ mong mỏi được đến viếng. Một bữa để dành được chút tiền, chị mua nải chuối cau để dâng Phật. Về nhà, chị để nải chuối ở đầu giường rồi chạy ra bờ sông đón chồng mang cá đi bán. Nhìn trái chuối chín vàng, bà mẹ liền bẻ một trái ở phía ngoài, bóc ăn ngon lành. Khi về thấy vậy chị cau có, nhiếc móc: “Già gần xuống lỗ mà còn tham ăn! Chuối này để dâng Phật đó, bà ăn trước thì Phật nào chứng!”

 

Chờ chồng về, chị mang nải chuối ra kể nhà nghèo quá, chẳng còn tiền mua nải mới. Anh lặng lẽ lấy dao tiện sát cuống chuối rồi an ủi: “Mình đừng buồn, mẹ già nên lẩm cẩm. Để ngày mai dâng chuối cúng Phật cũng được”.
 

Nghe lời chồng, hôm sau chị dâng nải chuối lên nhưng Phật lắc đầu. Chị nài nỉ xin đức Phật nhận lễ.
 

- Nhà chị có Phật sao không thờ? – Phật hỏi khiến chị rất ngạc nhiên.
 

- Dạ thưa Phật, nhà con đâu có?
 

- Vậy ai ăn mất trái chuối?
 

- Thưa Phật, chính là mẹ chồng con. Bà già cả nên sơ suất, mong Phật hỉ xả. Chị vội phân trần.

 

Phật mỉm cười dạy rằng:
 

- Bà lão có lỗi gì chứ. Từ nay có món ngon vật lạ thì phải dâng lên mẹ trước. Vì mẹ chính là Phật sống đó. Hãy về phụng dưỡng, chăm sóc cho mẹ tận tình, ân cần. Đừng dùng những lời lẽ trách mắng nặng nhẹ như hôm qua”.

 

Từ tích truyện cổ trên, ta có thể thấy đức Phật luôn nhắc nhở mỗi người con rằng, cha mẹ của mình chính là hai vị Phật sống. Trong các bộ kinh đức Phật để lại, Người cũng nhắc rất nhiều đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và khuyên răn người con phải có bổn phận chăm sóc và kính dưỡng mẹ cha của mình. 

 

“Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy.” (Kinh Tâm Địa Quán)

 

Sang vế thứ hai của câu nói, “Phật Thích Ca ngoài đường” có thể hiểu là tôn tượng các vị Phật được thờ ở các ngôi chùa, hay hiểu rộng ra đó là việc đến chùa tụng kinh, niệm Phật hay khấn vái cầu xin của mọi người. “Ngoài đường” có chăng là cách nói ẩn dụ như vậy.

 

Vậy cả câu nói “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Phật Thích Ca ngoài đường” nên hiểu thế nào cho đúng? 

 

Việc đi chùa đã trở thành một tập tục tốt đẹp của dân tộc ta. Mọi người thường đi lễ chùa vào ngày Rằm, mùng Một, hay thậm chí có nhiều người còn đi lễ giống như “đi tour”, nghĩa là đi được càng nhiều chùa càng tốt. Mà quên mất hai vị Phật “sống” đang ở nhà mòn mỏi chờ đợi các con về ăn chung một bữa cơm, hay chỉ đơn giản là vài ba câu thăm hỏi sức khỏe mỗi khi cha mẹ đau ốm. 

 

Ban thờ Phật và gia tiên ở nhà có khi cũng rơi vào tình trạng “nhang tàn khói lạnh” vì chúng ta cứ mải miết đi cầu cúng chư Phật ở khắp mọi nơi, chắc tại “bụt chùa nhà không thiêng” chăng?... Đi chùa lễ Phật là điều tốt, nhưng trước hết chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ mình, hãy tự suy xét liệu chúng ta đã làm tròn bổn phận của một người con hay chưa? Nếu chưa, thì dù có đi lễ Phật ở trăm ngàn ngôi chùa chăng nữa thì chúng ta cũng không có chút mảy may công đức nào. 

 

Mục đích của đạo Phật là hướng con người tới một cái tâm tốt đẹp hơn. Tu gì thì tu, nhưng trước tiên là phải tu tâm, phải làm tròn bổn phận của mình đối với gia đình và xã hội. Đặc biệt, nước Việt ta là một dân tộc coi trọng đạo hiếu, nên việc chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ càng phải được coi trọng. Chính điều này đã lý giải vì sao tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam vẫn được gìn giữ và bảo tồn qua hàng nghìn năm lịch sử.

 

Câu nói “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Phật Thích Ca ngoài đường” thật đúng là lời nhắc nhở đầy nhẹ nhàng và ý nhị dành cho mỗi người, nhất là với người con Phật. Mong sao mỗi người đều biết trân quý hai vị Phật sống trong gia đình của mình, không phải mải miết chạy đi thờ vái tứ phương mà tốn công vô ích.

 

“Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”

 

Kim Tâm 

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin