Chi tiết tin tức Ân đức sáng ngời sự hiện diện 19:57:00 - 22/10/2022
(PGNĐ) - Từ ngày Phật giáo Việt Nam thống nhất trên cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1981-2022) đến nay đã 41 năm, với 3 vị Pháp chủ đã lần lượt nhẹ gót về Tây. Đức Đệ nhất Pháp chủ Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đức Đệ nhị Pháp chủ Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Đức Đệ tam Pháp chủ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, sự hiện diện của mỗi vị đã đóng một vai trò đặc biệt trong dòng chảy lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CÁC BẬC LONG TƯỢNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM Từ ngày Phật giáo Việt Nam thống nhất trên cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1981-2022) đến nay đã 41 năm, với 3 vị Pháp chủ đã lần lượt nhẹ gót về Tây. Đức Đệ nhất Pháp chủ Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đức Đệ nhị Pháp chủ Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Đức Đệ tam Pháp chủ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, sự hiện diện của mỗi vị đã đóng một vai trò đặc biệt trong dòng chảy lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đức Đệ nhất Pháp chủ Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lãnh đạo tối cao về Đạo pháp, làm long tượng, kỷ cương cho các sinh hoạt của Giáo hội và quy hướng cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Hoà thượng tại vị hơn hai nhiệm kỳ (1981-1993), thế rồi khi công tròn quả mãn, Ngài ra đi tự tại trong cõi đời hóa hóa sinh sinh, xem sinh tử là việc nhàn. Như Từ Minh Pháp sư đã nói: “Sinh như thể đắp chăn Đông. Thác như cởi áo Hạ nồng khác chi. Xưa nay các pháp hữu vi. Không sao tránh khỏi hiệp ly vô thường. Một khi ngộ lý chân thường. Pháp thân hiển hiện mười phương chan hòa”. Tuy Hòa thượng đã “quy Tây” nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn hiện hữu trong lòng người con Phật Việt Nam và trang sử vàng son của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kế thừa sự nghiệp cao cả của Đức Đệ nhất Pháp chủ, Hòa thượng Thích Tâm Tịch Đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1997-2005) là một sự hiện diện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tiếp tục duy trì và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, liên kết cả hai nhiệm kỳ của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI của nhân loại. Có thể thấy ân đức và sự hiện diện của Ngài vô cùng to lớn cho Phật giáo nước nhà. Từ năm 1981, Hòa thượng là thành viên của Đoàn Đại biểu Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam và trở thành một thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng là một viên gạch kiên cố, góp phần xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ, một việc làm nhỏ, nhưng giá trị vô cùng lớn lao. Chính sự hiện diện của Hòa thượng đã góp phần cùng với chư Tôn đức lúc bấy giờ xây dựng ngôi nhà chung của Giáo hội trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động và tổ chức. Từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chắp cánh tung bay trong bầu trời tự do và phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc. Quả thật như người xưa đã nói: “Xin cho tôi làm một hạt cát. Để góp thành sa mạc của thế gian. Xin cho tôi chắp cánh đại bàng. Để tô điểm trần gian thêm tươi đẹp”. Năm 1984, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay cho cố Hòa thượng Thích Nguyên Sinh đã viên tịch. Năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Hòa thượng được suy tôn vào ngôi vị Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với vị trí này Ngài đã đảm nhận một trọng trách vô cùng lớn lao trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, lãnh đạo tối cao của Giáo hội về mặt Đạo pháp và Giới luật cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Đồng thời, Hòa thượng còn đảm nhiệm vai trò Chánh Trụ trì Tòng lâm Quán Sứ, trụ sở Trung ương Giáo hội, kế thừa sự nghiệp của chư vị “Tiền bối hữu công” như: Tổ Thanh Hanh, tổ Tuệ Tạng, tổ Mật Ứng, tổ Trung Hậu, Đại lão Hòa thượng Thích Tố Liên, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, Hòa thượng Thích Trí Độ… Ngài là Tòng lâm thạch trụ, giữ vững môn phong, xứng danh con nhà họ Thích, xứ sở ngàn năm văn vật, lịch sử hào hùng, địa linh nhân kiệt. Quả thật: “Giữ gìn Tổ ấn tông phong, tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian”. Như thế không những Hòa thượng đã củng cố và tăng thêm phần “Đạo phong trác thế” đối với Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam mà Ngài còn có thể hộ trì các Phật sự cao hơn, hữu hiệu hơn trong cương vị là người phụ tá Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nói thế có nghĩa là: “Thâm tâm khấn nguyện Phật Đà. Cầu cho Đạo pháp chan hòa muôn phương”. Năm 1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Hòa thượng được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ. Bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, Hòa thượng đã tỏa ngát hương lành trong Giáo hội, là bóng đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Cũng từ đó, Hòa thượng đã in sâu sự hiện diện của mình trong tâm khảm người con Phật và trong mỗi tiến trình hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần thành công rất lớn về mặt đạo pháp và sinh lực của Giáo hội. Niềm tin của Tăng Ni, Phật tử càng được củng cố, khi hữu duyên bái kiến Hòa thượng, nhất là qua những đạo từ, thông điệp Phật đản, chúc xuân đầu năm và Thông tư, văn kiện về tình hình Giáo hội… là những âm ba bất tuyệt, là nguồn suối diệu hiền tắm mát mọi người để cùng tinh tấn, tiến lên trên lộ trình hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh, tốt đời đẹp đạo. Thế nên: “Dù cho bể cạn non mòn. Bao lời huấn thị sắt son không mờ”. Sự hiện diện của Hòa thượng đơn giản chỉ có thế thôi, nhưng ý nghĩa vô cùng quan trọng, vô cùng thẩm thấu và chan hòa bất tận. Ngài không đi nhiều, không nói nhiều, không làm nhiều nhưng chu toàn tất cả. Vì sao? Vì như người xưa đã nói: “Bậc hiền nhân trí đức, chỉ cần nhìn qua cửa sổ, nhưng đã quán thông cả thiên hạ. Chỉ cần rảo bước chốn liêu phòng, nhưng dấu ấn, âm ba chan hòa khắp cả mọi nơi”. Sự hiện diện của Hòa thượng trong liêu phòng thanh vắng, tay lần tràng hạt, niệm Phật miên mật, thân tâm thanh tịnh, là một sức sống, niềm tin cho Tăng thân và Pháp thân đại chúng, hàng môn nhơn tử đệ và những ai có duyên bái kiến Hoà thượng nơi phương trượng Tòng lâm Quán Sứ. Điều này có thể hiểu được là đồng nhất với tâm nguyện của Phổ Tịnh Đại sư: “Bao năm ngồi tịnh núi Đại Hùng. Ngẫm nghĩ thân cùng Đạo chẳng cùng. Sáu chữ chuyên trì được thọ ký. Lưu truyền sáng tỏ cả tông phong”. Những lời khuyên đơn giản, trầm tỉnh của Hòa thượng là những chất liệu quý để thẩm thấu, nuôi dưỡng Giới thân Huệ mạng của đại chúng không những đời này mà cho đến vô lượng đời sau cho đến khi giải thoát hoàn toàn. Nhất là tinh tấn hơn nữa trên lộ trình phụng sự Đạo pháp, phục vụ Giáo hội và chúng sinh, như tổ Quy Sơn đã dạy: “Nguyện bách kiếp thiên sanh, xứ xứ đồng vi Pháp lữ”. Thế rồi, thời gian cứ trôi qua, khi duyên đã mãn, hạnh nguyện đã tròn Hòa thượng đã thuận thế vô thường vào lúc 14h30 ngày 26 tháng Giêng năm Ất Dậu (nhằm ngày 6/3/2005). Tuy đã ra đi về cõi bất sanh bất diệt, nhưng sự hiện diện của Ngài trong thế giới Niết bàn lại là ý nghĩa vĩnh cửu thường hằng. Với pháp thân vô biên, pháp giới vô tận, Hòa thượng sẽ hiện diện muôn nơi, trong tất cả và siêu việt tất cả. Quả thật: “Dù cho Hòa thượng đi xa. Quê hương vẫn giữ bao la bóng Ngài. Pháp thân lồng lộng hiển bày. Bồ đề chốn Tổ hương bay ngút ngàn”. Kế thừa mạng mạch Phật pháp, truyền đăng tục diệm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, Đức Đệ tam Pháp chủ kế thừa sự nghiệp lãnh đạo tối cao về tinh thần, giới luật của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ ổn định và phát triển. Bằng giới đức trang nghiêm, đạo hạnh sáng ngời, cốt cách thiền gia của Ngài đã được ung đúc từ những bậc Tổ đức mà trong suốt cuộc đời của Ngài đã được gần gũi, học tập để hôm nay Ngài tỏa sáng hương thơm đạo hạnh trong thời gian và không gia của ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhân kỷ niệm Đại lễ Tiểu tường của cố Đức Đệ tam Pháp chủ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, để tưởng niệm ân đức sâu dày của một bậc trọn đời hy sinh cho đạo pháp, sáng ngời trí đức viên dung, đấng đống lương của Phật pháp. Với lòng kính ngưỡng, chúng tôi xin có đôi dòng cảm niệm: “Ân đức sáng ngời sự hiện diện”. HÀNH TRẠNG CỦA ĐỨC ĐỆ TAM PHÁP CHỦ Nói đến công đức tu hành và sự đóng góp cho Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Đức Đệ tam Pháp chủ, chúng ta không thể không nói đến hành trạng của Ngài. Sinh ra trong gia đình có truyền thống tin sâu Tam bảo, nên chủng tử thoát trần nơi Ngài đã sớm bén duyên, năm 1925 Ngài được xuất gia với Sư cụ Thích Đàm Cơ (trụ trì chùa Phúc Long, thôn Phú An, xã Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình), được Sư cụ cho theo học chữ Nho với cụ đồ Hiêng. Năm 1929, Nghiệp sư tế độ đưa Ngài đến làm đệ tử y chỉ với Sư tổ Thích Tâm An (trụ trì chùa Dương Phạm, tỉnh Nam Định). Đến năm 1932 được thụ giới Sa di tại Giới đàn hạ trường chùa Đống Cao. Khi vừa tròn 20 tuổi (1936), Ngài được thọ Cụ Túc giới và Bồ tát giới tại Đại giới đàn chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh do Sư tổ Thích Quảng Tốn làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau khi thọ giới, Ngài du phương học đạo tại hầu hết các sơn môn nổi tiếng thời bấy giờ, như Sơn môn Tế Xuyên, Sơn môn Hương Tích… Đến năm 1957, Ngài trở về hầu thầy tại Tổ đình Viên Minh. Năm 1961, khi Sư tổ Thích Quảng Tốn, trụ trì đời thứ hai Tổ đình Viên Minh viên tịch, Ngài kế vị làm trụ trì đời thứ ba Tổ đình Viên Minh. Trên bước đường hành đạo và hoằng đạo của Ngài, một dấu mốc đáng ghi nhớ, đó là vào năm 1987, Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận cử ba vị cao Tăng là cố Hòa thượng Thích Kim Cương Tử, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu và cố Hòa thượng Thích Tâm Thông về Tổ đình Viên Minh mời Ngài lên Hà Nội chủ trì hiệu đính Đại Tạng Kinh Việt Nam và tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội, cũng từ đó Ngài mới chính thức tham gia gánh vác nhiệm vụ Tăng sai và đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các cấp Giáo hội. Một dấu ấn quan trọng và đặc biệt trong niềm tin và sự kính ngưỡng của Phật giáo đồ Việt Nam, đó là tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), Ngài được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trở thành Đức Đệ tam Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày về cõi Phật. Đối với hạnh nguyện của Đức Đệ tam Pháp chủ là lấy việc tu học làm nền tảng và xem việc trước tác dịch thuật làm trọng, bởi theo Ngài, đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, với công hạnh này Ngài đã để lại cho hậu thế một số tác phẩm rất có giá trị về Phật học như: Đại Từ điển Phật học, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ tam kinh, Phật học là tuệ học, Kinh Di Đà Viên Trung sao, Bát Nhã Dư Âm, Luật Tỷ khiêu Ni lược ký… Ngoài các tác phẩm, Ngài còn để lại những di ngôn, huấn thị cho Tăng Ni, Phật tử làm bài học vô vàn quý báu trên bước đường tu tập. Chúng tôi hữu duyên, được tiếp cận, gần gũi với Ngài kể từ khi chúng tôi được tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, là kể từ khi Ngài được Đại hội toàn quốc lần thứ VI suy tôn lên ngôi vị tối cao Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong những dịp xuân về Tết đến hay các ngày lễ trọng, chúng tôi cùng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thường đến để đảnh lễ, vấn an sức khoẻ và xin ý kiến chỉ đạo của Ngài về các công tác Phật sự của Giáo hội. Được tiếp cận Ngài, chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc được tình cảm và sự yêu thương của Ngài đối với thế hệ hậu bối cũng như tâm huyết của Ngài đối với sự xương minh Phật pháp và sự ổn định phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quả thật! Ngài luôn tự nhận mình là “lão nông” bởi suốt cuộc đời của Ngài luôn lao động để tự trang trải trong đời sống tu hành và Ngài thực hành theo tư tưởng của tổ Bách Trượng: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, sinh thời khi được hỏi về bí quyết sống thọ Ngài dạy: “Tôi không có bí quyết gì, tuổi thọ không phải là thước đo giá trị con người, vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo…”. Khi được tôn vinh về phúc báu của Ngài, Ngài luôn tự nhủ: “Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có, phúc thì nên tích mà không nên tán, phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết, khi đó phúc trở thành họa”. Ngài thường dạy đồ chúng: “Sự học đâu cần chùa to, cảnh lớn. Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang, dù sao cũng chỉ là phương tiện, còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”. Hành trạng của đức Đệ tam Pháp chủ, dù ở cương vị nào, Ngài vẫn luôn giữ một cuộc đời bình dị, gần gũi, đạo tình với đại chúng Tăng, Ni cùng Phật tử thiện tín trong từng sinh hoạt hằng ngày, với tinh thần vì tha nhân, kiệm cần với công việc và đơn sơ trong cuộc sống… Trải qua 105 năm hiện hữu chốn Ta bà, với 85 hạ lạp, trên ngôi vị Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài trọn một đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, tận tâm góp phần to lớn vào sự nghiệp ổn định và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam và làm sáng danh đạo Phật và dân tộc Việt Nam, Ngài là tấm gương trí đức sáng ngời và là bài học thiết thực để Tăng Ni và Phật tử noi theo trên bước đường hoằng dương chánh pháp. Nhân ngày Đại lễ Tiểu tường, chúng ta hãy cùng nhau thắp nén tâm hương dâng lên pháp thể Đức Đệ tam Pháp chủ với lòng thành kính ngưỡng mộ ân đức sáng ngời của sự hiện diện Ngài trên cuộc đời này./.
* Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Tài liệu tham khảo: 1. Kỷ yếu Đại hội Phật giáo Toàn quốc kỳ 1 đến kỳ 5 (1981-2012). 2. Kỷ yếu Tang lễ Đức Đệ nhị Pháp chủ (2005). NXBTG 3. Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (THPG TP. Hà Nội, xuất bản 2010). 4. Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Văn phòng Trung ương Giáo hội xuất bản năm 2011). 5. Văn kiện báo cáo Tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022). 6. Tiểu sử và điếu văn của đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |