Chi tiết tin tức

Tinh thần tri ân và báo ân trong đạo Phật

19:35:00 - 02/09/2022
(PGNĐ) -  Ân nghĩa là truyền thống luân lý đạo đức lưu truyền từ ngàn xưa đến nay. Bất kì nền văn hóa nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng. Ông cha ta đã dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn và đền đáp công ơn là quy tắc đạo đức và cũng là một trong những hạnh nguyện lớn của người con Phật. Do vậy, những lời dạy của Đức Phật rất gần gũi, là tình thương bao la đối với mọi người và cả cỏ cây, quê hương đất nước.

Giáo lý Đức Phật đi vào lòng người vì thấm nhuần tính nhân bản. Ngài không dạy những gì cao siêu xa xôi mà chỉ cho ta nhìn thẳng vào thực tại. Ngài dạy ta về bốn trọng ân, thức tỉnh bao người con Phật phải nhớ đến bổn phận của mình. Bốn ân ấy là những đạo lý quan trọng, là nền tảng đạo đức căn bản của con người. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy rằng: “Ân của thế gian, xuất thế gian có bốn bậc: Ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc gia, ân Tam bảo. Bốn ân như thế, hết thảy chúng sanh đều bình đẳng gánh chịu”.

ÂN CHA MẸ

Trong đạo Phật, vấn đề hiếu đạo được đề cập rất nhiều trong kinh tạng như: Kinh Trường Bộ, Kinh A Hàm, Kinh Báo Ân, Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Hiếu Tử, Kinh Tâm Địa Quán… Qua đó, có thể thấy, tri ân báo ân cha mẹ là vấn đề vô cùng quan trọng, là một trong bốn ân nặng mà mỗi người phải luôn tâm niệm và khắc ghi. Cả cuộc đời cha mẹ bôn ba hy sinh, gầy dựng nên mái ấm gia đình, xây dựng nền móng cho con thành nhân. Cha mẹ là tấm gương sáng về lòng nhân ái, với nỗi lao thân khổ trí, không kể gì khó khăn vất vả đã chăm sóc, bảo bọc con từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Kinh Tâm Địa Quán có dạy:

“Công cha núi cả sánh nào

Bể sâu đức mẹ biết sao đo lường

Dù cho bão táp nhiều phương

Cũng không trả hết công ơn song đường”.

Vì thương yêu, che chở cho con mà cha mẹ không sợ hiểm nguy, lao nhọc và chẳng bao giờ cần báo đáp lại. Không khác nào mặt trời, mặt trăng rải chiếu ánh sáng nuôi dưỡng muôn loài mà chẳng cần đền đáp bao giờ. Công ơn đó nói đến bao giờ mới hết và không thể lấy gì đong đếm được. “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này” [1].

Để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục đó, bổn phận làm con phải hết lòng hiếu kính, tận tâm phụng sự những lúc cha mẹ đau yếu, luôn mong muốn cha mẹ sống hạnh phúc. Chúng ta là những người con Phật, việc đền đáp công ơn cha mẹ không những chỉ bằng vật chất mà còn có bổn phận gầy dựng đức tin, chỉ dẫn con đường giải thoát, khuyên cha mẹ siêng làm các hạnh lành, tránh xa những nghiệp ác, tạo điều kiện cho cha mẹ bố thí, cúng dường diệt trừ tâm tham, sân, si, dần dần gạt bỏ mọi khổ đau. Chỉ có thế mới mong phần nào đáp đền công ơn, thật sự đem lại an lạc cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai. “Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha” [2].

ÂN CHÚNG SINH

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều do nhân duyên tạo thành, vì thế hãy luôn nhớ rằng, mỗi vật chúng ta thọ nhận hay sử dụng hằng ngày không phải tự nhiên mà có, đều nhờ công sức của biết bao người làm ra. Mỗi người mỗi ngành nghề khác nhau, đây là mối tương quan bổ trợ không thể thiếu trong cuộc sống. Có người chọn nghề y, có người thích làm nông, có người nghiên cứu khoa học kỹ thuật, có người say mê lại dạy học… Không có nghề nào cao quý hay nghề nào thấp hèn. Tất cả đều đóng góp để cuộc sống tồn tại nhịp nhàng, liên tục. Cuộc sống này không chỉ có đơn điệu một mình ta, tất cả là một chuỗi mắt xích tương hỗ tạo nên sự thăng bằng. Bởi vậy, không một giây phút nào chúng ta không thọ nhận ân đức ấy của chúng sanh muôn loài. 

Trong kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy rằng: “Ân của thế gian, xuất thế gian có bốn bậc: Ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc gia, ân Tam bảo. Bốn ân như thế, hết thảy chúng sanh đều bình đẳng gánh chịu”.

ÂN QUỐC GIA

Chúng ta đều biết sự cao trọng của đất nước vì đó là nơi tổ tiên ta đã dày công khai phá. Để có được như ngày hôm nay, các bậc tiền nhân đã đổ bao xương máu bảo vệ từng tấc đất. Dù có bỏ thân nơi rừng thiêng nước độc, họ cũng tự lực tự cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Chúng ta được sống bình an trong một đất nước thanh bình, hạnh phúc là nhờ công ơn của những người đi trước. Do đó, ta phải hết lòng yêu thương quê hương đất nước. Bởi chén cơm ta ăn là công lao của những người lao động làm ra và mảnh đất ta ở là nhờ công lao của bao chiến sĩ giữ gìn. 

Ân quốc gia còn là ân những người có công giữ gìn bảo vệ xã hội, phát triển đất nước ngày càng hưng thịnh. Nhờ có họ mà giữ được thanh bình, độc lập dân tộc. Từ đó, nhân dân được an ổn, lạc nghiệp, tự do học tập sinh hoạt, phát triển đời sống tinh thần và phát huy nhiều tiềm năng trong cuộc sống. 

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều do nhân duyên tạo thành, vì thế hãy luôn nhớ rằng, mỗi vật chúng ta thọ nhận hay sử dụng hằng ngày không phải tự nhiên mà có, đều nhờ công sức của biết bao người làm ra.

Những người xuất sĩ tuy không trực tiếp tạo ra các sản phẩm vật chất, nhưng vẫn đóng góp cho xã hội, khi làm công tác từ thiện, giáo dục cho cộng đồng xã hội. Chính những vị ấy là những người rất tích cực vì đã không mỏi mệt làm những việc tốt như: Giúp đỡ các bệnh nhân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thăm viện dưỡng lão,… cũng như kêu gọi mọi người đóng góp để đắp cầu xây đường, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh tùy vào khả năng của mình, xoa dịu nỗi đau trong cuộc sống. Điều đó thể hiện phương châm “tốt đời đẹp đạo”. Hơn nữa, là đạo từ bi và trí tuệ, Phật giáo luôn mang đậm văn hóa truyền thống không bao giờ rời xa dân tộc. Nhà nước dùng pháp luật để giữ gìn an ninh trật tự, người con Phật cũng siêng năng trì giới, bỏ ác làm lành, làm lợi ích cho đời. Chúng ta không chỉ dùng khẩu giáo mà còn dùng cả thân giáo để khuyên bảo mọi người nên luôn sống trong tình yêu thương, gạt bỏ mọi tham, sân, si, ngã chấp để làm tốt bổn phận với gia đình, xã hội và xứng đáng là người công dân tốt. Đây là những việc làm tưởng chừng bình thường, song đã thể hiện được đạo lý đền ơn đáp nghĩa với quốc gia theo đúng tinh thần Phật giáo.

ÂN TAM BẢO

Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta mãi quanh quẩn trong sáu đường: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người và trời; mỗi lần sinh, mỗi lần tử là mỗi lần tạo nghiệp, dẫn đến quả báo đau khổ. Vì vô minh nên ta như người đi trong đêm tối không biết phương hướng, cứ đi mãi. Nếu không có ánh đuốc soi đường, chúng ta sẽ không có lối ra. Sáu nẻo luân hồi là con đường hiểm nạn. Tam bảo là ngọn đuốc soi đường, hướng chúng ta ra khỏi đường ấy đến chỗ an vui giải thoát.

Phật là bậc đã giác ngộ, giải thoát khỏi sáu đường, Ngài chỉ cho chúng ta lối ra. Pháp là ngọn đuốc sáng soi đường. Tăng là những vị thầy hướng dẫn ta đi đúng đường. Nhờ quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), chúng ta có được con đường chân chánh để chấm dứt những khổ đau của sinh tử luân hồi và hưởng hạnh phúc, an vui trong cuộc sống. Ân đức Tam bảo thiêng liêng, cao quý không thể dùng từ ngữ nào diễn tả cho hết. Để đáp đền phần nào ân đức ấy, mỗi Phật tử phải thực hành theo đúng những lời Phật dạy, hoằng truyền Phật pháp, hết lòng phụng sự Tam bảo. Đó là những việc làm thiết thực nhất của người con Phật để đáp đền ân đức cao quý của Tam bảo.

Người đệ tử Phật nếu biết sống trên tinh thần tri ân và báo ân thì được người đời kính trọng và Thế Tôn khen ngợi: 

“Nếu có chúng sanh biết báo đền, người này đáng kính, ân nhỏ còn chẳng quên huống là ân lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do-tuần, trăm ngàn do-tuần mà chẳng là xa, vẫn không khác gần Ta. Vì sao? Tỳ kheo nên biết, Ta thường khen ngợi người biết báo đền.

Có các chúng sanh chẳng biết báo đền, ân lớn còn chẳng nhớ hà huống nhỏ. Người đó chẳng gần Ta, Ta chẳng gần người đó. Ngay cho họ đắp Tăng-già-lê ở sát bên Ta, người này vẫn xa. Vì sao? Ta thường chẳng nói về người không báo đền. Thế nên, các Tỳ kheo, hãy nghĩ báo đền, chớ học không báo đền. Như thế, này các Tỳ kheo, nên học điều này” [3].

Chúng ta được sống bình an trong một đất nước thanh bình, hạnh phúc là nhờ công ơn của những người đi trước.
(Ảnh: sưu tầm)

Sự sống của chúng ta hình thành từ những mối quan hệ trùng trùng trong tinh thần đạo lý duyên sinh. Nhờ thấy rõ lý duyên sinh, một mình ta không thể tồn tại, cần phải hàm ơn tất cả từ hữu tình cho đến vô tình. Chúng ta được sống hạnh phúc ở đời là nhờ cha mẹ sanh dưỡng, nhờ mọi người trợ duyên nâng đỡ, nhờ đất nước chở che, nhờ Tam bảo soi đường.

Như vậy, khi đã hiểu bốn ân trên, chúng ta thấy tinh thần tri ân – báo ân trong đạo Phật được xây dựng dựa trên hai đặc tính cơ bản là từ bi và trí tuệ. Lòng từ bi bắt nguồn từ tình yêu thương con người, trong mối quan hệ nghĩa nặng tình sâu với cha mẹ, anh chị em, rộng hơn nữa là với xã hội và chúng sinh vạn loại. Từ những tình thương trong sáng đó ta càng hiểu sâu hơn lời Phật dạy: “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Mỗi người con Phật phải tự ý thức chuyên tâm tu tập, vun bồi trí tuệ để có đạo lực độ mình độ người. Từ đó, mỗi việc làm của chúng ta thể hiện tinh thần bao dung rộng lượng, biết ơn và kính trọng Tam bảo sâu sắc, tha thiết tưởng nhớ công ơn tổ tiên, hết lòng hiếu kính cha mẹ, biết ơn những vị anh hùng đã có công gìn giữ đất nước. Đó là chúng ta đã thiết thực đền đáp bốn ân nặng theo đúng như lời Đức Phật chỉ dạy. 

 

Liên Diệu/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 396

Chú thích:

[1], [2] HT. Minh Châu (dịch, 2021), Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Tâm Thăng Bằng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.60.

[3] Thích Đức Thắng (dịch, 2017), Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập I, Phẩm Thiện tri thức, Nxb. Phương Đông, tr.339.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin