Chi tiết tin tức Chàng trai Tây bị ung thư và bức thư đặc biệt tri ân Việt Nam 22:21:00 - 20/01/2018
(PGNĐ) - Tôi biết đến Việt Nam qua phim ảnh nhưng không biết rằng các bạn còn là những con người giàu lòng trắc ẩn, đôn hậu và cao thượng đến như vậy...
Đây là những dòng chia sẻ xúc động trong bức thư của ông Valex Nasibov, GS ngữ văn tại trường Tổng hợp Xlava (Bacu, Azerbaijan) gửi các BS tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ và những người Việt Nam trân quý đã giúp đỡ, chăm sóc con trai ông trong suốt chuỗi ngày điều trị tại Việt Nam.
Người Việt Nam không bỏ bạn bè trong hoạn nạn
Con trai ông, Eldaniz, 25 tuổi sang Việt Nam dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Sơn La từ 2016 trong sự khuyến khích, ủng hộ nhiệt tình của gia đình.
Đột ngột giữa tháng 6/2017, Eldaniz phát hiện mắc bệnh ung thư máu thể cấp, được chuyển về Viện Huyết học Truyền máu TƯ điều trị trong tình trạng rất xấu, 2 mắt bị xuất huyết không thể nhìn thấy, tay thâm tím vì truyền thuốc.
Khi hay tin, ông Valex tức tốc xin visa, đáp máy bay tới Hà Nội khi vừa rút hết 2.000 USD tiết kiệm.
Rồi ông gặp BS điều trị Vũ Quang Hưng - “người đàn ông trạc 40 tuổi. Anh sốt sắng động viên Eldaniz. Tôi chưa từng gặp người bác sĩ nào tận tình đến thế. Tôi được xếp một giường ngủ ngay trong phòng của con trai và hôm sau gặp chủ nhiệm khoa Hoá trị - PGS.TS Nguyễn Hà Thanh”.
Ông Valex khắc họa: “Ông Thanh chừng 50 tuổi, tốt nghiêp trường ĐH Y số 1 Moscow, mang tên Xetrenov, sau đó ông được đào tạo nâng cao tại Úc. Ông sử dụng thông thạo cả tiếng Nga và tiếng Anh, là một người giản dị và rất thân thiện”.
Sau đó BS Thanh đã giải thích bệnh tình của con trai ông, cho rằng nhất thiết phải chữa trị tích cực, không thể chậm trễ.
Khi biết chi phí điều trị rất tốn kém, ông Valex đã hỏi BS có thể đưa con trai về nước được không, nhưng BS Thanh dứt khoát: “Tuyệt đối không được. Bệnh nhân không thể bay được, áp suất trên máy bay có thể gây xuất huyết não. Bệnh nhân cần được điều trị giai đoạn đầu tại đây chừng 1 tháng”.
Đang lúc hoang mang cực độ về khoản tiền phải trả, ông Valex được BS Thanh trấn tĩnh “đừng quá lo lắng, nhân dân Việt Nam không bỏ bạn bè trong hoạn nạn”. Sau đó GS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện đã kêu gọi mọi người giúp đỡ.
“Nghe vậy tôi đã bình tâm hơn, nhưng vẫn chưa dám tin. Tôi nói : 'Thưa bác sĩ, tôi có đem theo 2.000 đô la Mỹ, xin ông cứ bắt đầu điều trị cho cháu, gia đình, bạn bè tôi sẽ gửi tiền sang giúp đỡ'. Ông trả lời 'Không sao, không thành vấn đề!', ông Valex hồi tưởng đầy xúc động.
Tôi muốn viết cả cuốn sách về người Việt Nam
Bạn bè của Aldaniz tại Việt Nam cũng luôn quan tâm, hỗ trợ anh, phụ huynh và học sinh từ Sơn La cũng xuống thăm.
“Khi biết thầy giáo gần như không nhìn thấy và không phân biệt được các em thì chúng hốt hoảng òa lên khóc làm cho cả bệnh viện nhốn nháo. Rồi tôi cũng khóc cùng các em…”, ông Valex nhớ lại.
Ông cũng nhớ những ngày con trai được những bà mẹ thiện nguyện đến chăm sóc. Ông nhắc lại rành rọt tên từng người: Đó là bà Hạnh, bà Phúc (hai chị em sinh đôi), cô Lê Lan, bà Quý, cô Loan, cô Hòa, cô Thanh, cô Đỗ Lan, bà Mừng, cô May Hà cùng chồng là ông Đỗ Hỷ, cô Trang và nhiều người khác nữa.
Ông xúc động khi thấy BS tự tay cạo râu, tắm rửa cho bệnh nhân, sau đó chụp ảnh nhờ bạn bè, người thân của mình giúp đỡ.
“Bác sĩ Hưng đã làm những điều đó cho con trai tôi. Anh đã trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi. Bác sĩ trưởng khoa cũng là một người tuyệt vời, ngày nào anh cũng đến thăm hỏi sức khỏe cho con trai tôi. Còn các cô y tá thì khỏi phải nói, chân tình, dịu dàng hiếm thấy... còn vị giám đốc Viện thì thật bình dị, chân tình và thông thái”, ông Valex viết.
Ông chia sẻ, lần đầu tiên được tiếp cận một dân tộc như vậy và ông đã rất ngạc nhiên.
“Các bạn Việt Nam đã cho ta thấy mẫu hình thực sự của tính nhân văn, sự hòa hợp đa văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo. Một điều cần thiết biết bao cho thời nay”, ông Valex xúc động.
Theo ông Valex, tổng đợt điều trị đầu tiên của Eldaniz ở Việt Nam hết hơn 10.000 USD. Toàn bộ chi phí này là do các bạn Việt Nam giúp chi trả, đồng thời con trai ông còn nhận được khoản quyên góp gần 1,2 tỷ đồng để dành chạy chữa 2 đợt nữa tại quê nhà, sức khoẻ tiến triển lên nhiều.
“Không có gì mà họ không làm cho chúng tôi, những con người khác ngôn ngữ, khác tôn giáo, khác quê hương. Tôi muốn viết cả một cuốn sách về họ, về đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện này, từ vị giám đốc đến các cô y tá, điều dưỡngng viên, về tất cả những con người Việt Nam nói chung... Cám ơn tất cả những ai đã giúp đỡ chúng tôi trong những giờ phút gian nan ấy. Xin phép ôm hôn tất cả các bạn”, ông Valex viết. Thúy Hạnh Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chang-trai-tay-bi-ung-thu-va-buc-thu-dac-biet-tri-an-viet-nam-424762.html
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |