Chi tiết tin tức

Bốn Nỗi Khổ Tinh Thần

08:00:00 - 24/10/2014
(PGNĐ) -  Cuộc sống này có rất nhiều nỗi khổ niềm đau, do chúng ta tham ái và chấp ngã mà ra. Càng coi trọng bãn ngã, càng tham muốn nhiều thì nỗi khổ niềm đau sẽ có cơ hội phát sinh. Nhất là những người có sắc đẹp, hình tướng dung mạo dễ coi, họ sẽ đau khổ nhiều khi bị người khác coi thường khinh chê. 

YÊU THƯƠNG XA LÌA KHỔ

Kế đến còn bốn thứ khổ về tâm nữa, tổng cộng vừa thân tâm là tám thứ. Nếu kể tiếp theo thì thứ năm là “yêu thương xa lìa khổ”: khổ do thương mến nhau mà phải bị mất mát, bị xa lìa. Trong cái tình yêu thương giữa vợ chồng, con cái, anh em đang mặn nồng, thắm thiết mà bị chia ly, thì thật không có gì đau đớn hơn. Sự chia ly có hai loại: sanh ly và tử biệt.  

 

 

Sanh ly khổ: Một gia đình đang sống trong cảnh đàm ấm vui vầy, bỗng bì hoàn cảnh bắt buộc, hay vì một tai họa thình lình xảy đến, như giặc giã, bão lụt, hỏa hoạn... làm cho kẻ ở đầu này trông đợi, người ở góc kia nhớ chờ. Thật đau lòng xót dạ!

Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, ta càng thấy rõ. Biết bao thanh niên xa gia đình người thân dấn thân nơi chiến trận chết chóc đau thương không ngày gặp mặt. Người ở nhớ thương, kẻ đi sầu khổ não nề ... Ái nhiều thì khổ nhiều, nếu không có ái thì khổ không thành. Bởi vì đâu phải ai đi xa mình cũng khổ, chỉ người mình thương yêu nếu đi xa ta mới khổ đau trong nhung nhớ. Khổ này gốc từ tham ái mà ra. Do khao khát, mong muốn được sống gần người mình thương yêu mà phải xa lìa cho nên khổ. Ðó là cái khổ của "Sinh ly".  

Chết vĩnh biệt khổ: Nhưng mặc dù xa cách nhau người sống còn có ngày gặp gỡ; chứ chết rồi bao thuở được vum vầy! Chính vì vậy, đứng trước cảnh chết chóc đau thương, kẻ ở người đi thương tiếc ngậm ngùi. Do đó, lâm phải cảnh tử biệt này, có người đã xót thương rầu rĩ đến quên ăn, bỏ ngủ, có người đau đớn, khổ sở cho đến tuyệt vọng muốn chết theo người quá cố.  

Trong bốn hiện tượng của vô thường; sinh, già, bệnh, chết thì "chết" là cái làm cho mọi người lo lắng sợ hãi nhất. Những người không được may mắn nên bị bịnh nan y như ung thư, bịnh hủi, sida sống thêm một ngày là khổ thêm một ngày, thế mà những người bạc phước ấy cũng vẫn muốn sống đời mà thôi.  

 

Chúng ta thấy một người bệnh khi hấp hối bị hành hạ xác thân đau đớn trong khổ sở rồi mới biết cái chết là đáng sợ. Người sắp chết, mệt mỏi thở không ra hơi, méo miệng, uốn mình, giăng tay, bẻ chân... Chúng ta thử rờ vào người chết, thì thấy lạnh ngắt như đồng, thân thể cứng đơ như khúc gỗ.

 

Con người đang trong cảnh thương yêu mặn nồng, chẳng ai muốn xa lìa nhưng hoàn cảnh trớ trêu kẻ ở người đi trong nỗi nhớ niềm thương! Cái khổ phải biệt ly đối với hai người thương yêu nhau như thế nào, thì cái khổi phải hội ngộ đối với hai người ghét nhau cũng như thế ấy.  

 

OÁN GHÉT MÀ GẶP NHAU HOÀI CÀNG KHỔ HƠN

 

Thứ sáu là “oán ghét mà gặp nhau hoài khổ”. Ngược lại với mến thương là oán ghét. Người mình ghét mà cứ hiện diện trước mặt hoài, ta rất bực bội khó chịu, muốn họ đi đâu cho khuất mắt. Nhưng ngặt nỗi, trên đời này người mình thương thì cứ phải chịu xa lìa, còn kẻ mình ghét thường hay gặp gỡ. Cái khổ oán ghét này gốc từ sân hận mà ra. Do sân hận nên chúng ta rất khổ sở khi làm việc chung với người mà mình oán ghét.

 

Chưa nói đến trường hợp những người xa lạ, ngay trong gia đình bà con quyến thuộc, giữa vợ chồng, anh em, khi vì một lý do gì đó, sanh ra bất hòa với nhau, cũng đủ khó chịu rồi. Muốn lánh mặt nhau, mà mỗi khi đi ra đi vào lại phải gặp nhau mãi! Quyết không nói chuyện với nhau, mà nhiều khi bắt buộc nín không được, phải nói ra với sự ngượng ngùng khó chịu.

 

Oán tắng hội khổ, tức là đối với những người mình không ưa thích hay ghét cay ghét đắng, muốn tránh cho khuất mắt mà không thể tránh được, vì phải làm việc và sống chung với nhau. Trong cuộc đời ai cũng có người mến thương ưa thích, nhưng cũng có người thù hằn ghét bỏ vì một lý do nào đó.

 

Ngược lại với thương yêu là sự thù hằn, ghét bỏ. Không có gì đau khổ bằng thù ghét mà gặp nhau hoài. Thương và ghét là hai vế đối nghịch nhau, đã thương thì không ghét, đã ghét thì không thương; nhưng vì ta hay ích kỷ, hẹp hòi, nên khi thương không được thì sinh ra thù hằn, ghét bỏ, và từ sự ganh ghét đó mà mình có thể hãm hại người kia bằng mọi cách.  

 

Thù ghét sẽ làm cho ta xấu xí, khổ đau hơn, vì tâm niệm ích kỷ, oán giận, hờn mát trong lòng, nên lúc nào cũng mong muốn người ấy bị hại, bị khổ, bị mất mát, bị đau thương, thậm chí còn muốn người đó mau chết đi càng sớm càng tốt.

 

Khi ta thù ghét ai, trước tiên ta khổ trước, vì thái độ bực tức không bằng lòng với hiện tại. Người kia chưa khổ, nhưng ta đã tự tàn phá sắc đẹp của mình, thậm chí có khi ta không giằng được cơn nóng giận, nên đánh đập, hành hạ người thân, vì không biết cảm thông và tha thứ. Ta cứ muốn người kia như bản sao của mình, khác đi một chút thì mình không chịu, mình bám víu, chấp trước, thậm chí nhiều khi mình còn ngoan cố, ép buộc người kia phải làm theo.

 

Ta bây giờ đâu phải như đứa trẻ khi còn tấm bé, ta đang lớn khôn và trưởng thành, nên khi mất mát hay bị tổn thất vấn đề nào đó, ta phải biết bình tĩnh để suy xét, nhận định. Nhờ vậy, mình không bị mê mờ bởi thói quen ích kỷ, hẹp hòi mà sinh ra thù ghét.

 

Thế giới con người do không có tình thương chân thật, nên lúc nào cũng oán giận, thù hằn, ghét bỏ nhau mà sinh ra chiến tranh, binh đao, tàn sát, giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Có khi ta nhân danh đấng thần linh thượng đế để trừng phạt thiên hạ, tạo ra biết bao nỗi khổ niềm đau, làm tổn hại cho nhau.

 

Vì ta thương yêu trong ích kỷ, hẹp hòi do không có hiểu biết, nên mình dễ dàng hành hạ, đánh đập người thân khi không làm chủ được cơn sân hận. Ai có tâm niệm thù ghét như thế sẽ không bao giờ tìm được sự an lạc nội tâm, vì trong lòng lúc nào cũng chất chứa bao phiền muộn, đau khổ.

 

Khi ta thương yêu, quý trọng lẫn nhau một cách chân tình, tình thương đó có sự bù đắp lâu dài, nên mình tìm cách bảo vệ và gìn giữ chúng, đến khi cảm thấy bị người phụ bạc, ruồng bỏ, tìm đến người bạn khác, mình cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng giữa chợ đời yêu thương, nên tiếc nuối, khóc lóc, hờn giận và cuối cùng dẫn đến thù hằn, ghét bỏ.

 

Một khi ai đã ôm cảm xúc đó vào lòng, thì giống như một lưỡi dao bén đang từ từ cứa vào thân thể, làm ta thất vọng, đau khổ đến tột cùng. Ta không còn sáng suốt nữa mà điên cuồng trong vô vọng. Nếu đã dùng hết cách mà không chuyển hóa được cảm xúc thù ghét, ta phải biết rằng, mình đang rơi vào hố sâu của ngục tù tội lỗi.

 

Ai dại gì phải chịu như thế trong khi ta có trái tim biết yêu thương, hiểu biết, trái tim tha thứ, biết cảm thông. Ta chỉ nhớ, biết mình như thế thì bao nhiêu cảm xúc oán giận, thù hằn, ghét bỏ không có chỗ ẩn núp. Như ta đã biết, mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình có trái tim hoàn hảo và đẹp nhất, tại sao phải tự trói buộc lấy nhau vì tâm niệm thù ghét đó, để làm cho gia đình, người thân, bè bạn không có cơ hội gần gũi, sống yêu thương nhau.

 

Một khi đã thù ghét nhau rồi thì thế giới bao la sẽ trở thành một góc trời đen tối, nhỏ hẹp. Gặp một người mà ta hằng oán ghét bấy lâu nay muốn tránh xa mãi lại cũng không sao tránh được. Hoàn cảnh này nếu nằm trong gia đình người thân thì lại càng thống khổ hơn nữa.

 

Thương và ghét là hai điều kiện có thể làm cho con người khổ đau hay hạnh phúc, thương quá sinh nhớ nhung bi lụy cũng khổ, ghét quá mà ngày nào cũng gặp càng khổ hơn. Đúng ra ta rất khó thương một người chưa từng thương mình, có khi họ thù ghét mình và đã làm cho mình đau khổ. Thương yêu là bản chất của con người, nhưng đa số chỉ thương yêu trong sự ích kỷ, hẹp hòi và có điều kiện, nên không bao giờ có lòng khoan dung, độ lượng, cảm thông và tha thứ. Chính vì sự thương yêu hẹp hòi đó mà dẫn đến ghen tuông, ganh ghét rồi làm khổ cho nhau.

 

Trong cuộc sống, khi con người không có tình yêu thương chân thật với nhau, mà chỉ sống trong căm ghét, hận thù, thì thế gian này sẽ là bãi chiến trường đẫm máu, vì ai cũng muốn tranh danh, đoạt lợi, mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau.

 

Ai nắm được chiếc chìa khóa của sự yêu thương và ghét bỏ nhờ biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, sống thành thật, biết sẻ chia và quý kính, tôn trọng lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống, thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.

 

MONG CẦU KHÔNG ĐƯỢC NHƯ Ý KHỔ

 

Thứ bảy là “mong muốn mà không được như ý khổ”. Những gì mình muốn mà không được thì khổ. Ví dụ đi thi mong muốn được đậu, mà lỡ rớt thì sao? - Khổ quá. Ngoài việc thi cử ra, còn bao nhiêu thứ cầu mong khác nữa. Như trong công việc làm ăn, trong tình cảm… nhiều người muốn tự vận vì cầu mong mà không được toại nguyện.

 

Con người khổ khi không được toại nguyện, như ý do tham muốn, khao khát quá đáng những nhu cầu cần có của bản thân. Chẳng hạn như lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc đầy đủ, lúc no lại muốn giàu sang phú quý có kẻ hầu người hạ.

 

Ngoài ra còn có những nỗi khổ trong cuộc sống. Ở đời nếu được những việc như ý thì người ta vui, không như ý thì buồn, buồn tức là khổ. Mỗi người chúng ta thử nhìn lại cuộc đời mình xem được nhiều điều như ý hay  bất hạnh khổ đau? Người có diễm phúc thì điều bất như ý ít hơn, nhưng tất cả đều có gặp việc bất như ý. Đã bất như ý thì khổ hay vui? Đương nhiên là khổ. 

 

Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những thứ mà không thích hoặc oán ghét. Người ta ở đời, hễ hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Bất luận trong một vấn đề gì, số người được toại nguyện thì quá hiếm hoi, mà kẻ bất như ý, thì không sao kể xiết. Muốn được kết quả tốt đẹp, người ta phải vận dụng không biết bao nhiêu năng lực, lao tâm, tổn trí, mất ăn, bỏ ngủ, chỉ mong sao cho chóng đến ngày thành công. Thế rồi, chẳng may những điều mong ước ấy không thành, sự đau khổ không biết đâu là bờ bến. Dưới đây, xin nêu lên vài thí dụ về những thất vọng mà người đời thường gặp nhiều nhất. 

 

Thất vọng vì công danh: Trong đời, danh vọng thường là một miếng mồi ngon mà phần đông người đời ưa thích. Nhưng miếng mồi ấy, phải đâu dễ giành giật được? Không nói gì đến những kẻ nhảy dù, muốn làm quan tắt, nên phần nhiều hay thất bại, chỉ nói đến trường hợp những kẻ mong cầu danh vọng một cách chánh đáng, bằng năng lực, tài trí, học hỏi của mình. Ðối với những hạng người này, cũng phải nếm bao mùi thất bại, cuối cùng may ra mới được thành công.

Thất vọng vì phú quý: Số người thất vọng vì công danh đã nhiều. Nhưng số người thất vọng vì phú quý cũng không phải ít. Muốn cho mau giàu, nhiều người tìm mưu này chước nọ để lừa phỉnh người ta; nhưng rồi mưu gian chước lận đỗ bể ra, tài sản bị tịch thu, bản thân bị tù tội, gia quyến bị nhục nhã theo, thực là khổ!  

Thất vọng vì tình duyên: Tình duyên cũng là một điều làm cho bao người phải điêu đứng, khổ sở. Trong trường tình ái, thử hỏi đã mấy ai được toại nguyện? Nhan nhãn trên báo chí hằng ngày, những câu chuyện tình duyên trắc trở đưa đến sự quyên sinh, thật không sao kể xiết. Ðấy là "Cầu không được cho nên khổ".

THÂN NĂM ẤM KHÔNG HÒA HỢP KHỔ

Điều thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ, tức sự khổ về năm ấm hưng thịnh. Năm ấm là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm hay còn gọi là phần tinh thần.

Điều thứ tám này bao quát bảy món khổ trước: thân thì sanh, già, bịnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn; tâm thì buồn giận,  thương ghét, phải quấu, tốt xấu, đúng sai, trăm điều phiền lụy.

Khổ do thân năm ấm này chung hợp lại. Vì sự chung hợp này được kết nối bởi các nhân duyên có khuynh hướng trái nghịch, bên trong luôn mâu thuẫn, chống trái nhau. Vì vậy mà khổ. Nhiều người còn trẻ nghe nói thân này khổ không tin, vì họ nghĩ đến tương lai hạnh phúc, làm sao khổ được? Có người nói rằng khi nào xúc chạm phải những điều trái ý mới khổ, nếu xúc chạm những điều như ý thì đâu có khổ. 

Phật nói thân này là gốc của khổ. Tại sao? Tại vì thân này vô thường đổi thay nên rồi ai cũng sẽ già, bệnh và cuối cùng là chết. Quý Phật tử khi ba mươi tuổi ít ai nhớ rằng mình sẽ già chết, mà cứ nhớ hồi còn mười tám, hai mươi.

Phật nói thân này biến hoại vô thường cho nên khổ, chớ không có cái vui lâu dài. Thật ra Phật dạy khổ không có nghĩa để chúng ta ôm ấp nỗi khổ đó suốt đời. Phật nói khổ để mình biết rõ nguyên nhân để tìm cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Khổ không phải tự dưng mà có, chính tập đế là những cội gốc của phiền não, là tập nhân tạo thành nên quả khổ. Cội gốc phiền não đó còn được gọi là căn bản phiền não. Có sáu thứ: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Sáu thứ này là nhân tạo thành quả khổ cho con người. Nếu ai diệt hết sáu thứ đó sẽ hết quả khổ.

Cho đến ngã mạn tức thấy ta cao, ta quan trọng. Do thấy như thế nên khi sắp mất rất khổ. Bây giờ nếu thấy ta là hư giả, tạm bợ thì có phách lối với ai không, thân này sắp hoại có khổ không? Sở dĩ chúng ta khinh người là vì thấy mình cao quí quá, quan trọng quá. Bây giờ thấy mình là tạm bợ, giả dối thì đâu có gì quan trọng. Không trọng mình nên đâu có khinh người. Rõ ràng chỉ cần chúng ta có một chút trí tuệ thấy đúng như thật, thì khổ về sinh già bệnh chết từ từ sẽ giảm bớt. 

Nếu lý giải bằng trí tuệ thì thật thân này không có gì quan trọng hết. Chẳng qua chỉ là một nhóm nhân duyên tụ hội lại chớ có gì đâu. Nhiều người thường vỗ ngực xưng tôi, nhưng hỏi cái gì là tôi thì trả lời không chạy. Nếu da thịt là tôi thì khi nó bệnh bác sĩ mổ bỏ đi, cái tôi đó thành gì? Chỉ cần da thịt có vết thương hôi thối, lúc đó mình quí hay muốn bỏ? Khi còn lành lặn ta thấy quí, khi nó hư hoại xem không ra gì, bỏ đi không chút thương tiếc. Rõ ràng cái ta không phải những gì mình đang mang đây. 

Lúc nào mình cũng thấy cái ngã là quí là thật nên khổ vì nó. Nếu chúng ta biết cái ngã không thật, không quí thì bỏ nó một cách dễ dàng, không đau khổ tí nào hết. Còn ngã mạn vì thân là còn đau khổ, hết ngã mạn mới hết đau khổ. Đó là năm ấm xí thạnh khổ.

Con người vì lòng ham muốn quá mức như giếng sâu không đáy, khi chưa được thì muốn cho bằng được, khi được rồi thì lại sanh nhàm chám muốn tìm thứ khác. Người biết tiết chế được lòng tham thì cuộc sống an nhàn và thảnh thơi không bị cuộc sống ràng buộc.

 

Từ nghiệp nhân ngu si mê muội, mà nhân loại đã tạo ra từ vô thủy kiếp đến nay nếu chúng ta không có duyên và may mắn gặp được thầy lành bạn tốt thì cuộc đời của ta có thể rơi vào ngõ cụt, đó là một sự thật.

 

Do si mê, tham đắm chấp thân-tâm làm ngã, từ đó muốn chiếm hữu về mình nên suy nghĩ, hành động sai lầm, thấy có ta, người và muôn loài, muôn vật nên bám chấp vào đó. Ý là đầu dây mối nhợ của phiền não, nó thường hay suy tư, nghĩ ngợi nên gọi là ý nghĩ; nó hay nhớ nghĩ về quá khứ hoặc hiện tại gọi là ý niệm; nó hay tưởng tượng, mơ mộng hão huyền nên gọi là ý tưởng và nó có công năng phân biệt, hiểu biết nên gọi là ý thức.

 

Do phân biệt, hiểu biết sai lầm nên ý thức không rõ được thực tướng của các pháp là vô ngã, không chủ thể cố định, từ đó sinh ra thấy biết sai lầm mà chấp ta, người, chúng sinh. Sự bám víu vào “cái ta” rồi đến “cái của ta” như vợ ta, con ta, nhà ta, tài sản của ta, đất nước của ta. Dưới cái nhìn của người thế gian như thế đâu có gì sai quấy, thế gian này nếu không bám víu vào “cái ta” và “của ta” thì con người sẽ sống ra sao?

 

Vì cuộc sống này như vậy nên chúng ta không thể làm khác được, còn sự sống là còn có tham muốn, nhưng ta phải tham muốn thế nào cho phải lẽ. Ở đây Phật vì lòng từ bi chỉ cho ta biết thân-tâm này không thật ngã để mọi người bớt luyến ái, chấp trước mà làm khổ cho nhau. Thật ra, đã làm người khó có ai muốn ít biết đủ, chỉ một bề mong cầu được nhiều mà không bao giờ nhàm chán. Tham muốn càng nhiều thì tội lỗi càng phát sinh, càng gây ân oán, hận thù cho nhau không có ngày thôi dứt.

 

Do vô minh mà sinh ra vọng động. Do có vọng động mà sinh ra vọng thức. Do có vọng thức mà sinh ra phân biệt có đủ thứ ta, người, chúng sinh. Do có sự phân biệt ta người, mà sinh ra xúc chạm. Do có sự xúc chạm mà sinh ra cảm thọ. Do có cảm thọ mà sinh ra tham ái, luyến tiếc, và từ đó bám víu, dính mắc vào sự hiện hữu của nó, nên sống chết, khổ não, ưu sầu, buồn lo đủ thứ.

Chữ sân trong Hán cổ biểu hiện một môi trường sống, như khi con người cảm thấy không hài lòng, vừa ý, bực tức, xung đột, bất bình dẫn đến mâu thuẫn đối kháng, gây hận thù và làm khổ đau cho nhau. Sự tức giận của con người có nhiều cấp độ khác nhau, như nói lời mỉa mai, cay cú, hằn học, mắng chửi, giận dữ, quát tháo, hờn mát, oán thù, đánh đập, chửi bới, hù dọa, triệt tiêu và hủy diệt nhau.

Sân hận là âm Hán Việt, là từ ngữ chỉ chung cho loại phiền não có tính cách bốc lửa. Sân có nghĩa là nóng giận, mỗi khi có sự việc bất bình không được hài lòng, vừa ý là nó bộc phát mạnh ra bên ngoài. Hận có nghĩa là hờn mát âm ỉ sôi sục bên trong, nói cho đủ là giận hờn.

Một khi con người sân hận, cộng với giận hờn mà không đủ khả năng hóa giải, thì lâu ngày trở thành thù ghét, do đó lúc nào cũng muốn tìm cách trả thù hay rửa hận. Giận là lời nói tắt của từ nóng giận, hờn là từ nói tắt của chữ hờn mát, gọp chung lại là giận hờn.

Sân hận có nghĩa là giận hờn. Khi chúng ta giận hờn ai đó mà cứ ghìm mãi trong lòng thì lâu ngày trở nên thù hằn, ghét bỏ, âm ỉ tìm cách trả thù thích đáng, khi có cơ hội là ra tay liền. Giận hờn là một thói quen xấu có tính cách hại người, hại vật, dù nặng hay nhẹ thì chắc chắn cũng làm tổn hại đến những người xung quanh. 

Không phải ai khi đã thức tỉnh chỉ một lúc là các tập khí, thói quen xấu dứt trừ được hết. Kết quả còn tùy theo sự huân tập tật xấu nhiều hay ít của mỗi người.

Trong khi đó, Phật dạy thân này do bốn chất đất, nước, gió, lửa hòa hợp lại mà thành, nên không có gì là thực thể cố định cả. Cái được gọi là ta, là của ta, nó cũng không thật, ai chấp vào đó thì sinh ra luyến ái, bám víu mà lầm tưởng là thật ta, nên mới chấp ngã rồi từ đó sinh ra chiếm hữu, ai nghĩ và làm như vậy tức là người vô minh nên lúc nào cũng sống trong đau khổ lầm mê.

 

Còn tâm suy tư nghĩ tưởng, hết nhớ chuyện này đến nhớ chuyện kia, không lúc nào dừng nghĩ. Khi thì nghĩ tốt, lúc thì nghĩ xấu, có khi thì hiền như nai tơ, có lúc thì lại dữ như cọp sói. Như người có chút ít công phu do kiên trì, bền bỉ, biết cách buông xả vọng niệm, nên có khi ngưng bặt mọi suy nghĩ.


Từ cái thấy thân kiến là cái thấy sai lầm về thân, tức chấp vào sự hiện hữu của cơ thể con người là tôi, là của tôi, nên từ đó bắt đầu chiếm hữu. Ai đụng đến cái tôi này thì có sự phản kháng mãnh liệt, do đó dấy khởi phiền não tham sân si, mà dẫn đến tranh đấu giành phần thắng lợi về cho riêng mình để loại trừ lẫn nhau.

 

Quan niệm về thân kiến này sẽ trường tồn mãi mãi và chỉ có hai con đường để ta chọn lựa, một là lên thiên đàng hưởng phước báo tối cao, hai là xuống địa ngục chịu khổ đau lâu dài. Đó là cái thấy sai lầm do không có sự thể nghiệm thực tế, không có sự trải nghiệm bản thân, mà làm cho con người mất hết quyền làm chủ chính mình trong cuộc sống hiện tại.

 

Biên kiến là cái thấy một bên, nghĩa là có một linh hồn bất tử sống đời không thay đổi, tức là thường còn mãi mãi và quan niệm chết là hết, tức là không còn gì nữa, chỉ có một đời sống hiện tại mà thôi. Linh hồn bất tử là cái hồn sáng không bao giờ mất, nói như vậy có phù hợp với chân lý hay không?

 

Thường thì con người thế gian lấy bản ngã làm tâm điểm, nhân danh đấng thần linh thượng đế, để tạo ra sự bất công và muốn chiếm hữu, nên đã gây ra nhiều tội lỗi cho muôn loài vật.

 

Tất cả những điều này là do cái thấy biết sai lầm của một số người thế gian, họ lạm dụng sự thiếu hiểu biết của nhân sinh mà áp đặt số mệnh, để con người phải chấp nhận phục tùng một cách mù quáng như một tín đồ, mà không có quyền góp ý xây dựng trên tinh thần yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia, để cùng nhau sống với trái tim hiểu biết.

 

Ý thức được khổ đau do sự si mê chấp ngã gây ra, mà con người đành lòng nhẫn tâm giết hại lẫn nhau để bảo tồn cái thân vô thường bại hoại này. Chúng ta thử lắng dừng tâm tư một chút, để nhìn thấy rõ cuộc đời là một dòng trôi chảy biến thiên, không dừng hẳn ở một phút giây nào, không đứng mãi một vị trí nào.

 

Quan niệm cố giữ và chiếm hữu, là nguyên nhân của sự thấy biết sai lầm do sự si mê chấp ngã mà ra. Thân này rồi cũng phải già nua mà chúng ta muốn trẻ mãi không già, thân này bệnh hoạn đau nhức mà chúng ta muốn sống hoài không bệnh, thân này thở ra mà không còn thở vào thì coi như bị ngủm cù đeo mà chúng ta muốn sống hoài không chết. Một sự thật quá rõ ràng mà ít ai nhìn thấy, chúng ta thử quán chiếu cuộc đời này với những cái có hình tướng, coi nó có mãi trường tồn hay không.

 

Thân này sinh già bệnh chết, mà chúng ta muốn nó không già bệnh chết làm sao được? Chúng ta thường xuyên quán chiếu về thân như thế và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có nhân duyên, nhờ vậy những tâm niệm tham sân si dần dần rơi rụng bớt theo thời gian cho đến khi, ý không còn suy nghĩ xấu nữa mà hay làm các điều thiện lành và không bám víu vào việc làm tốt đó, thì thành tựu viên mãn công hạnh Bồ tát.

 

Tám cái khổ đó không phải tự có mà do các thứ bệnh sinh ra. Bệnh tham, bệnh sân, bệnh si, bệnh mạn, bệnh nghi, bệnh ác kiến. Riêng nghi có chia ra hai thứ: một, nghi do phân vân không quyết đoán điều hay lẽ thật, cái nghi này làm chướng ngại việc tu; hai, trong nhà thiền thường dùng câu “đa nghi đa ngộ”, nghĩa là nghi nhiều ngộ nhiều. Tại sao? - Vì cái nghi của nhà thiền là nghi để phăng tìm. Do phăng tìm mới sáng lên, còn cứ một bề nghe sao hay vậy, không thắc mắc gì cả thì không bao giờ hiểu thấu đáo được. Cho nên nói đa nghi đa ngộ. Cái nghi này là nghi tốt, giúp cho chúng ta tiến trên con đường tu. 

Cuối cùng là bệnh ác kiến. Đây là bệnh rất trầm trọng. Chữ kiến là nhận định, chữ ác là sai lầm. Khi nhận định và thấy biết sai lầm, ta lại cố chấp nhận định của mình là đúng thì trở thành ác, gây ra tội lỗi. Vì nhận định sai lầm mà cố chấp vào đó sẽ dẫn đến dám làm những điều tai họa cho nhân loại. Do đó ác kiến là cái nguy hiểm nhất. Song ở thế gian lại có nhiều ác kiến. 

Ví dụ chúng ta nghĩ tu là được vui, được sinh về các cõi lành hoặc được giải thoát, vì thế cứ tu cho mình mà không nghĩ tới những người chung quanh như cha mẹ,  anh em v.v... Không cần biết tới mọi chuyện trong sinh hoạt hằng ngày. Ai sao mặc, miễn ta yên ổn tu là được. Nếu có người khuyên bảo, nhắc nhở trách nhiệm, liền đổ quạu bảo Ma vương phá không cho tu. Nghĩ vì mình nhiều quá nên càng tu mọi người chung quanh càng chán mình. Bởi họ thấy ta ích kỷ. Tu mà để cho người ta phiền hà khó chịu cũng là cố chấp. Cho nên ác kiến cũng là một trở ngại trên đường tu của chúng ta. 

Phật gọi sáu thứ bệnh đó là sáu thứ phiền não căn bản. Nếu dẹp sạch sáu thứ này mới được an vui thật sự. Như vậy Phật nói khổ không phải để chúng ta chịu khổ, mà nói khổ để chúng ta biết cách chuyển hóa hết gốc khổ đau, thì được an vui hạnh phúc.

Cho nên mới có đế thứ ba là Diệt đế, nghĩa là diệt sạch hết nhân khổ. Khi hết khổ, Phật nói hết khổ chớ không nói vui. Tại sao? Thường thường chúng ta cứ mắc kẹt trên từ ngữ đối đãi khổ vui. Nhưng sự thật hết khổ là vui rồi, vì cái vui này trong tỉnh giác nên thấy biết đúng như thật.

Chúng ta nên biết khổ vốn không tự có mà do nhân tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến mới có. Nếu những nhân làm cho mình khổ diệt hết thì chúng ta sẽ an vui hạnh phúc. Phật dạy ngay nơi thân này sẵn có tánh sáng suốt thanh tịnh mà hằng chiếu soi muôn sự vật. Chúng ta muốn tánh sáng suốt thanh tịnh hiển bày thì phải chuyển hóa tâm phiền não tham sân si.

Chính bản thân mình phải tự gạn lọc những nhân xấu ác gây ra đau khổ khi chúng ta chuyển hóa hết nhân đau khổ thì tự nhiên được an vui tự tại. Diệt hết các nhân khổ gọi là diệt đế tức hết khổ.

Đạo đế là những phương tiện, những cách thức để chúng ta ứng dụng tiêu diệt các nhân khổ theo lời Phật dạy. Như vậy bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật rất cụ thể, rất thực tế, không có gì gọi xa rời thế gian. Đó là vấn đề cần được nêu lên để chúng ta thấy rõ cái gì thực, cái gì hư mà tìm cách gạn lọc và tu tập.

Người học Phật phải thấy rõ chủ yếu của đạo Phật là giúp mọi người thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sống chết. Muốn cứu khổ thì phải chỉ cái khổ cho người ta thấy, kế đó ta chỉ rõ nhân gây ra đau khổ để tiêu diệt nó. Nhân đau khổ hết thì quả đau khổ cũng hết theo. Muốn thế phải có phương pháp cụ thể, ứng dụng một cách thiết thực, chớ không phải cầu nguyện suông mà được.

Hiểu sâu sắc quy luật duyên sinh và nhân quả, con người sẽ hạn chế được rất nhiều nỗi khổ, niềm đau xảy ra cho mình và người khác. Nếu chúng ta bớt tham lam thì không có khổ của sự mong cầu quá đáng, bớt ái ngã thì không có khổ khi xa lìa người thân.

Đức Phật rất thực tế, cụ thể, không viển vông mơ hồ. Chúng ta tu theo Phật không bao giờ tin suông. Khi nào xét thấy rõ ràng, nhân quả tương ưng như thế ta mới tin và làm theo. Ví dụ Phật dạy tám cái khổ trên là do sáu nhân phiền não căn bản mà có.

Thật ra thân và tâm có mối tương quan mật thiết với nhau, do đó những nỗi khổ ở thân sẽ dẫn đến những nỗi khổ ở tâm và ngược lại, những nỗi khổ ở tâm cũng dẫn đến những nỗi khổ ở thân. Ví dụ, khi thân đau nhức thì tâm trạng khó chịu, bực bội, dễ sinh nóng giận. Khi tâm âu lo, buồn phiền, căng thẳng thì cơ thể uể oải, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên.

 

Tuy nhiên có thể nói đau đớn là những gì khó chịu nơi thân và nỗi khổ là những gì khó chịu nơi tâm. Bởi vì có nhiều trường hợp có đau nhưng không  khổ, hoặc chỉ khổ chút ít thôi. Điều này còn tùy thuộc vào sự tu tập của mọi người, ai hiểu đạo chỉ đau ở thân chứ không khổ ở tâm.

 

Như người lớn vô tình bị đứt tay chỉ có đau chứ không có khổ, nhưng trẻ em đứt tay thì có cả nỗi khổ niềm đau. Những vị tu hành có định lực và  tuệ giác, có sự quán chiếu thâm sâu thì những nỗi khổ niềm đau không chi phối được người đó.

 

Cuộc sống này có rất nhiều nỗi khổ niềm đau, do chúng ta tham ái và chấp ngã mà ra. Càng coi trọng bãn ngã, càng tham muốn nhiều thì nỗi khổ niềm đau sẽ có cơ hội phát sinh. Nhất là những người có sắc đẹp, hình tướng dung mạo dễ coi, họ sẽ đau khổ nhiều khi bị người khác coi thường khinh chê.

 

Nỗi khổ niềm đau cũng dễ bị khuếch đại, làm tăng thêm sự chấp ngã do cái “tưởng” của con người. Tưởng là tri giác, hồi ức, nhớ lại những gì mình thấy nghe hay biết. Ví dụ một người bệnh không đến nỗi nào, nhưng cứ nghĩ mình bị bệnh nan y nên ngày đêm lo sợ, khiến cho anh ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần mệt mỏi, bệnh tật càng trở nên trầm trọng. Tất cả đều do “tưởng” mà ra. Khi chúng ta rõ biết cuộc đời vui ít khổ nhiều là do lòng tham muốn quá đáng, chúng ta sẽ biết cách tiết chế dục vọng bằng phương pháp "muốn ít biết đủ". 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin