Chi tiết tin tức Cái tâm biết yêu thương và hoà hợp 17:50:00 - 14/08/2015
(PGNĐ) - Từ ngàn xưa cho đến nay, con người sở dĩ tồn tại là nhờ biết sống hòa hợp với nhau. Tương tự như thế, mắt-tai-miệng-chân-tay nhờ biết cảm thông nên sống vui vẻ, hòa thuận, không bao giờ biết tranh cãi hay hơn thua một điều gì! Nhờ biết sống hòa hợp với nhau nên suốt một thời gian dài họ sống an lạc hạnh phúc, bổng dưng một bữa nọ do tâm ganh ghét nên xảy ra một chuyện như sau:
“Anh em, dòng họ chúng tôi từ trước đến nay có tiếng là biết sống yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau, tuy có rày rà đôi chút nhưng không đáng kể. Bởi tôi là đứa con gái duy nhất trong nhà, nên lúc nào cũng hay làm duyên, làm dáng với đôi mắt bồ câu làm say đắm lòng người. Tôi được mọi người công nhận là cửa sổ tâm hồn, là nơi thu nhận tất cả mọi hình ảnh đẹp xấu trong cuộc đời. Mỗi ngày sau khi làm việc chăm chỉ, tôi cũng có được những giây phút ngắn ngủi để nghỉ ngơi, ngắm nhìn và say mê, thích thú vẻ đẹp của muôn loài vật; có khi vì ham muốn quá mà không được, tôi bị căng thẳng và mệt mỏi vô cùng. Bên cạnh chúng tôi còn có bác Tai luôn biết cảm thông mọi âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, cho đến những lời hằn học, khó nghe. Bác hay lắng nghe tiếng nói của tha nhân, tùy duyên giúp đỡ mọi người, nên họ hàng nhà tôi ai cũng yêu thích bác hết. Riêng hai cậu Chân và Tay lúc nào cũng phải siêng năng cần mẫn, cậu Chân gánh đỡ cả con người và hoạt động đi lại, để anh Tay làm việc phục vụ bên ngoài mà có tiền nuôi sống bản thân nhờ vào ăn uống. Ngày nào nhu cầu công việc cũng tiếp nối và cần thiết nên làm cho hai cậu Chân và Tay vất vả nhọc nhằn. Do vì kế sinh nhai của cuộc sống, chúng tôi phải tất bật làm việc mỗi ngày, không có thì giờ ngơi nghỉ từ mờ sáng tinh sương cho đến khi chiều tối. Thỉnh thoảng, gia đình chúng tôi cũng ngồi lại bên nhau để họp mặt, bàn bạc, trao đổi, rút tỉa kinh nghiệm trong cuộc sống. Những lần như vậy, tôi hay ngồi lim dim vì mệt mỏi, hai cậu Tay và Chân cũng lừ đừ, chẳng buồn trò chuyện với ai. Riêng bác Tai nhà chúng tôi phải chăm chỉ chú tâm vào công việc, tuy không vất vả nặng nhọc như tôi, mất sức như hai cậu Tay và Chân, nhưng có khi bác bị đau và ê ẩm hết mình mẩy vì những ngôn từ chát chúa, thô lỗ, tục tằn, hằn học và khó nghe… Tuy nhiên, tất cả bốn người chúng tôi đều cố gắng siêng năng, tích cực làm việc, nhờ vậy mà cuộc sống có phần cơm no ấm áo, không phải lao đao, lận đận như những gia đình khác. Nhưng thời gian trôi qua, chúng tôi về sau lại sinh tâm so đo, tính toán quá nhiều; vì thấy anh chàng Miệng là sung sướng hơn hết, chẳng thèm làm gì mà vẫn được ăn sung mặc ấm, suốt ngày chỉ thong dong, đi chơi hết đầu trên xóm dưới, tán dóc, nói chuyện đâu đâu. Anh ta chờ chúng tôi làm việc xong, đến giờ cơm là chỉ việc xơi tái một cách ngon lành. Anh ta ăn một cách an nhàn, thoải mái, làm chúng tôi càng thêm tức tối, ganh tị và bực bội vô cùng. Chúng tôi làm việc cực nhọc, vất vả như vậy mà có bao giờ thưởng thức được món ngon, vật lạ nào, cuối cùng chỉ để cho anh chàng Miệng ăn không ngồi rồi, hưởng trọn vẹn hết; thử hỏi làm sao chúng tôi không tức tối, bực bội cho được. Vì suy nghĩ ích kỷ, không tới nơi, tới chốn, tôi tức giận quá, bèn rũ bác Tai và hai cậu Tay, Chân nói với anh chàng Miệng, chúng tôi từ nay không thèm làm gì hết, mọi việc để anh ta tự làm, tự sống. Bắt đầu từ hôm đó, chúng tôi không làm gì nữa mà chỉ ngồi chơi xơi nước. Rồi một ngày, hai ngày trôi qua, chúng tôi cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, cảm thấy trời đất như đang quay cuồng, không còn thấy rõ mọi thứ được nữa; riêng hai cậu Chân và Tay không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như xưa, chỉ muốn nằm lỳ một chỗ, không nhúc nhích, cục cựa gì. Lúc này, bác Tai không còn nghe rõ chính xác mọi âm thanh, chỉ nghe thấy tiếng ù ù như tiếng cối xay đá vậy. Chúng tôi sống như vậy gần suốt hai tuần lễ, nên tất cả gần như hết xí quách, ai cũng ủ rũ, rã rượi như kẻ mất hồn, nếu kéo dài thêm thời gian chắc sẽ chết hết cả đám. Đến giờ phút này, tôi mới nhận ra sai lầm lớn lao của mình, vì so đo tính toán quá nhiều nên sinh tâm bất mãn, bỏ liều hết mọi công việc, xuýt chút nữa tôi đã hủy diệt cả dòng họ, anh em mình; đúng là khùng tới nơi vậy, mọi việc đang trôi chảy, bình thường, tốt đẹp, tôi lại nảy sinh ý định oán giận, thù hằn, ganh ghét anh chàng nhà Miệng làm chi, để đến nỗi phải chịu khốn khổ, thân tàn ma dại như thế này. Tôi ăn năn và hối hận vô cùng. Tuy anh chàng Miệng làm việc nhẹ nhàng hơn chúng tôi, chỉ có nhiệm vụ nhai thôi nhưng rất quan trọng, thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Ngoài việc ăn để tiếp năng lượng cho chúng tôi, anh còn nói năng, chỉ đạo, sắp xếp mọi việc được vuông tròn, tốt đẹp. Không có anh, chúng tôi sẽ không biết cách làm việc chừng mực, giữ được sức khỏe để dấn thân, phục vụ lâu dài. Thế nên, vì hành động dại dột, thiếu ý thức, hiểu biết của mình, cả bọn chúng tôi đi nhanh đến nhà anh Miệng để nói lời xin lỗi. Thấy chúng tôi đến, anh Miệng mừng quá nói chẳng ra lời, vì đôi môi đã tái mét, tím sạm, chắc anh đã đợi chúng tôi từ lâu. Hai cậu Chân và Tay nhanh trí hơn nên vội tìm thức ăn cho anh Miệng; ăn xong, anh dần dần tỉnh lại, vui vẻ cười nói huyên thuyên như người chết đi, vừa sống lại. Lúc bấy giờ, chúng tôi cảm thấy vui tươi, phấn khởi lạ thường, như người ốm nặng đã lâu vừa được hồi phục. Kể từ đó, chúng tôi sống thân thiện, hòa hợp với nhau nhiều hơn, vì đã hiểu được nguyên lý duyên khởi theo lời Phật dạy, “trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài vật đều phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống”. Nhờ vậy, chúng tôi bây giờ luôn thầm cảm ơn lời dạy của Phật, biết sống hết lòng bằng trái tim hiểu biết mà chan hòa tình yêu thương, cùng san sẻ nâng đỡ cho nhau, cùng nhau chia vui sớt khổ với tấm lòng biết ơn lẫn nhau. Riêng tôi thì rất xấu hổ vì đã gây ra biết bao lầm lỗi do tham lam, ích kỷ, ganh ghét, hẹp hòi, xém chút nữa tôi đã hại hết dòng họ nhà mình. Chính vì thế, tôi càng ý thức hơn trong việc kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, để đến với nhân loại bằng tất cả tấm lòng từ bi rộng lớn. Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, chúng ta đã rút ra được một bài học quý báu về cuộc đời, không ai một mình có thể tự sống dù tài giỏi đến đâu. Dù ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, không dệt vải nhưng vẫn có quần áo mặc, không phải thợ hồ, thợ mộc nhưng vẫn có cửa nhà để ở, chỉ vì con người luôn nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau cùng vui sống hài hòa. Ai cũng có khả năng, sở trường riêng để đóng góp, phục vụ cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình, không có ai là người vô tích sự nếu biết trân quý, tận dụng thời gian để dấn thân đóng góp, an ủi và sẻ chia. Vì tham lam, ích kỷ, si mê, nên chúng ta sinh tâm giận hờn, ghét bỏ, để cuối cùng tìm cách triệt hại, bức giết lẫn nhau. Con người từ vua quan cho đến thứ dân bần cùng, ai cũng có trách nhiệm và bổn phận. Mỗi người đều có một việc làm tùy theo khả năng và sự hiểu biết, để dấn thân đóng góp và phục vụ, đem lại lợi ích thiết thực cho gia đình và xã hội. Người nông dân phải phơi mình một nắng hai sương, đầu trần chân đất, chân lấm tay bùn, mới làm ra những hạt gạo thần tiên, giúp mọi người được sống no đủ. Kẻ thương gia sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng mọi mặt. Người bán hàng quán, thức ăn, thức uống thì đáp ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho con người mỗi ngày. Người chiến sĩ phải hy sinh hạnh phúc gia đình riêng để bảo vệ biên cương bờ cõi, có khi phải chịu đau thương, chết chóc, hay bệnh hoạn, tật nguyền. Người lãnh đạo đất nước phải có tinh thần trách nhiệm, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp trên tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Người tu sĩ thì giữ gìn phẩm chất đạo đức, làm cơ sở gương mẫu giúp mọi người ý thức được, sống là phải nương nhờ lẫn nhau, cùng san sẻ, giúp đỡ mỗi khi có việc cần thiết. Chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, biếng nhác, chây lười, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, nên dễ rơi vào vòng tệ nạn, làm khổ người thân, gây thiệt hại cho gia đình, xã hội. Mỗi chúng ta là viên gạch tình thương xây nên căn nhà bao dung, độ lượng, sẻ chia và hiến tặng. Chính vì vậy, ai cũng có bổn phận và trách nhiệm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Cụ thể như gia đình nhà cô Mắt, nếu cứ sống thân thiện, hòa hợp với nhau, mỗi người đều có trách nhiệm riêng, cùng hỗ trợ cho nhau, thì cuộc sống này an lạc, hạnh phúc biết dường nào. Cũng vậy, ta đang sống với bản tâm thanh tịnh sáng suốt, để được hưởng những giây phút an nhàn, siêu thoát thì lại không chịu, cứ khởi vọng động phân biệt, so đo, tính toán, nên vô tình làm tổn thất và thiệt hại cho nhau. Nếu cô Mắt có nhiệm vụ thâu nhận hình ảnh trung thực như thế nào thì biết rõ thế ấy, không thêm vào một thứ nào khác, thì cuộc sống này là thiên đường hạnh phúc. Hai cậu Chân, Tay thì lao động, làm việc, giúp thân này đóng góp công ích vào phúc lợi xã hội. Bác Tai phải điều hòa âm thanh lớn nhỏ cho nhẹ nhàng, êm thắm. Anh Miệng ngoài nhiệm vụ ăn để tiếp nguồn dinh dưỡng, giúp mọi người có sức khỏe mà sống yêu thương, còn phải nói năng, hướng dẫn để mọi người biết sống tốt hơn. Nói tóm lại, cuộc sống trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài vật đều phải nương nhờ lẫn nhau. Cho nên, chúng ta phải có trách nhiệm dìu dắt, nâng đỡ để cùng nhau dấn thân đóng góp, cùng sẻ chia với tất cả mọi người.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |