Chi tiết tin tức

Đạo Phật là đạo hòa bình

17:27:00 - 18/03/2016
(PGNĐ) -  Đơn giản, vì bản chất của đạo Phật là đạo hòa bình, từ bi và bất hại. Người ta đến với đạo Phật bằng tâm thức tự nguyện, muốn dấn thân vào con đường hoàn thiện đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Do đó, mọi hành vi vi phạm vào các nguyên tắc đạo đức của Phật giáo như cưỡng bức, ép buộc, sát hại… vốn là điều rất xa lạ với truyền thống truyền bá của đạo Phật.

Hôm ấy là một buổi chiều mùa xuân Hà Nội. Bầu trời ảm đạm, lất phất vài giọt mưa xuân. Có lẽ vì mới vào đầu giờ chiều nên chùa Quán Sứ vãn khách thập phương và phật tử đến lễ chùa.
 

Sau khi đi một vòng xung quanh chùa để đảnh lễ chư Phật, tôi trở ra cổng chính và chuẩn bị lễ tạ ra về. Lúc ấy xuất hiện trước mắt tôi là hình ảnh một vị khách nước ngoài đang đứng đảnh lễ Tam Bảo. Bà khoảng ngoài 50 tuổi, mái tóc đã chuyển màu hoa râm, chắp tay thành tâm cầu nguyện. 
 

Không gian xung quanh như lặng đi trước sự thành kính trang nghiêm toát ra từ con người của bà. Bất giác xúc động, tôi vội giơ máy lên chụp lại khoảnh khắc đó mà chưa được sự cho phép của bà.

 

Tôi thầm nghĩ, đạo Phật thật diệu kỳ biết bao! Một tôn giáo không hề phân biệt quốc gia, giai cấp hay địa vị xã hội của bất kỳ ai. Tất cả mọi người đều bình đẳng và có quyền lợi như nhau, không có ai khác biệt. 

 

Hòa bình vì Người không hề bắt ép ai phải đi theo tôn giáo của Người. Chưa bao giờ có sự phân biệt quốc gia hay dân tộc trong suốt cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của đức Phật.
 

Theo lịch sử đã ghi chép lại thì đức Phật ra đi truyền đạo vì mục đích hạnh phúc đích thực của con người. Chính vì vậy, trên con đường những bước chân ấy đi qua chưa từng có bất kì hành động phi đạo đức nào như cưỡng bức, bạo hành, tàn sát… Hay bất kỳ hình thức bắt ép nào nhằm mục đích lôi kéo các đệ tử.
 

Ngay từ khi đức Phật còn tại thế, Người đã đi qua nhiều xứ sở khác nhau của đất nước Ấn Độ lúc bấy giờ để thuyết pháp, soi sáng và khai mở tâm trí cho các đệ tử, thậm chí cả những nhà lãnh đạo của các hàng “tà giáo”, “ngoại đạo” bằng lẽ phải và lòng từ bi của mình. Chưa bao giờ đức Phật có một lời khiếm nhã để nhục mạ người khác, dù người đó có những quan điểm bất đồng hay hành vi thóa mạ Người. 
 

Nhân cách của đức Phật là nhân cách của một con người vĩ đại, sống và làm chủ hoàn toàn tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của mình.

 

Từ Ấn Độ, đạo Phật truyền sang các quốc gia khác cũng bằng con đường hòa bình. Chưa từng có một cuộc chiến tranh tôn giáo nào trên con đường truyền bá của đạo Phật suốt gần 3.000 năm qua. Đơn giản, vì bản chất của đạo Phật là đạo hòa bình, từ bi và bất hại. Người ta đến với đạo Phật bằng tâm thức tự nguyện, muốn dấn thân vào con đường hoàn thiện đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Do đó, mọi hành vi vi phạm vào các nguyên tắc đạo đức của Phật giáo như cưỡng bức, ép buộc, sát hại… vốn là điều rất xa lạ với truyền thống truyền bá của đạo Phật.

 

Cũng có lúc đạo Phật ra đời trong bối cảnh lịch sử xã hội có sự phân biệt giai cấp rất gay gắt. Nhưng với tấm lòng từ bi, không phân biệt địa vị xã hội của đức Phật đã làm thay đổi những nhận thấy sai lệch ấy. Bên cạnh đó, đạo Phật cũng chưa khi nào phân biệt điều kiện sống của bất kỳ ai. Con người dẫu thuộc thành phần nào của xã hội: vĩ nhân hay tội phạm, người nghèo, người vô gia cư hay người khuyết tật; cho đến kẻ ăn xin… đều có thể tìm đến ngôi nhà Phật giáo để cải hóa và tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn.

 

Hiện nay, trên khắp thế giới, nhiều tôn giáo đã và đang dùng nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích thu hút, thậm chí lôi kéo tín đồ. Nhiều người cho rằng Phật giáo thiếu hẳn chủ trương chống lại, hay ít nhất cũng làm chậm lại quá trình này. Thực ra, Phật giáo không cần phải có những chủ chương chống lại bất kỳ một tôn giáo nào trong chiều hướng thu hút và lôi kéo tín đồ. Mọi chủ trương chống lại bất kỳ vấn đề nào cũng đều khiến cho Phật giáo không còn giữ đúng bản chất của mình. Phật giáo đã, đang và luôn luôn là tôn giáo đặc biệt đến với con người bằng giá trị chân thật và tinh thần cao thượng của mình. 
 

Cũng giống như người phụ nữ nước ngoài tôi tình cờ gặp nơi cửa chùa. Dù cho quốc gia, ngôn ngữ hay màu da hoàn toàn khác biệt nhưng tôi vẫn thấy được sợi dây vô hình gắn kết chúng tôi lại gần nhau. Phải chăng, đó chính là sức mạnh của Phật giáo. Khơi nguồn tinh thần từ bi, bác ái với tư tưởng con người làm chủ vận mệnh của đạo Phật đã kéo mọi người ở khắp các quốc gia lại gần với nhau hơn. Với tôi, đây chính là giá trị nhân bản “vô biên” mà không phải tôn giáo nào cũng có được.

 

Thế giới này không phải của người có tiền, cũng không phải của người có quyền... Thế giới này thuộc về những người có tâm.

 

Kim Tâm (phatgiao.org.vn)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin