Câu hỏi đặt ra là vì sao Đức Phật phải chế ra giới.
- Có phải vì Đức Phật là giáo chủ của một đạo nên chế giới để chứng tỏ mình không ?
- Hay Đức Phật chế ra giới áp đặt con người làm theo ta thì ban phước, còn không làm theo, thì ta giáng tội?
Câu trả lời là không cho tất cả những câu hỏi tượng tự như thế này, bởi vì nếu Đức Phật chế giới vì những mục đích đó thì đạo Phật không tồn tại đến bầy giờ, và Đức Phật không được tôn sùng là một đại trí tuệ và là một vĩ nhân, một bậc thầy của nhân loại.
Vậy lý do Đức Phật chế ra giới luật là gì ? Đó là vì Đức Phật đã thấy rõ được nhân quả. Thấy rõ được nếu gây nhân này, sẽ nhận lãnh quả báo như thế nào. Nên Đức Phật chỉ phương tiện chế ra giới để làm sợi dây cương, làm ranh giới để bảo vệ những người tin vào giáo pháp của ngài không phạm phải sai lầm mà phải chịu quả báo khổ đau.
Chính vì thế cho nên Phật tử chúng ta nên nhớ cho rõ và hiểu cho thấu rằng không phải chỉ những người đã phát nguyện qui y rồi, khi phạm giới mới thọ lãnh quả báo, còn chưa thọ thì không có quả báo. Tuyệt đối không nên hiểu như thế, bởi vì nhân quả không phân biệt bất kỳ ai. Đã gây ra nhân thì nhất định thọ lãnh lấy quả báo tốt hay xấu do mình gây ra.
Ví dụ : Nếu người nào đã đùng sức mạnh của mình, mà lạm sát sanh mạng của kẻ khác đều phải nhận lãnh quả báo là gia đình ly tán, bệnh tật truyền miên, chết yểu… cho dù người đó là ông gì đi nữa vẫn thọ nhận quả báo như nhau.
Ví dụ khác, khi uống rượu nhiều vào thì ông không thọ ngũ giới vẫn say, ông có thọ ngũ giới cũng say, rồi gây tai nạn, hay gây ra một hậu quả gì đó … gây ra thì phải lãnh lấy hậu quả, chứ đâu có cái lý nào mà nói có thọ giới mới có quả báo, còn không thọ giới thì không có báo ứng.
Tiếp đến, chúng tôi sẽ nói thêm về ngũ giới:
1. Không sát sanh: là không đoạn mạng các chúng sinh. Nếu từ bé đến lớn, chúng ta quen giết các con vật nhỏ như gián, kiến, mối... đến khi trưởng thành lại giết heo, gà, bò... Khi ấy, lòng từ trong ta sẽ giảm đi, ác tâm lớn dần. Mai này, khi xảy ra những mâu thuẫn, bất hoà với người khác, chúng ta có thể sẵn sàng hãm hại họ. Bên cạnh đó, ăn chay là một cách tốt để chúng ta trưởng dưỡng lòng từ bi, giảm được vay trả nợ chúng sinh.
Ăn chay giúp trưởng dưỡng lòng từ
2. Không trộm cướp: không lấy vật của người khác cho dù là cây kim, ngọn cỏ. Cướp là dùng sức mạnh dẻ cưỡng chế tài sản người khác, trộm là hành động lén lút lấy của người khác khi không được sự đồng ý của chủ tài sản. Đức Phật dạy ai đã từng có lòng tham, trộm cắp thì đời đời sinh ra nghèo khổ.
3. Không tà dâm: Ngoài đời sống tình dục một vợ một chồng thì tất cả những mối quan hệ khác đều gọi là tà dâm. Việc giữ giới này còn giúp cho các cặp vợ chồng giảm nguy cơ ngoại tình.
4. Không nói dối: nói dối bao gồm: nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói vọng ngôn. Trong gia đình, ngoài xã hội, dù ở vai trò nào, chúng ta cũng phải luôn tự trọng về lời nói của mình và phải có trách nhiệm với lời nói của mình.
5. Không uống rượu: trên nguyên tắc rượu làm từ ngũ cốc và trái cây, không phải là thực phẩm mặn nhưng Đức Phật vẫn khuyên chúng ta không nên dùng. Vì Ngài thấy được rượu là động cơ xảy ra những tội ác, những việc làm sai quấy.
Sau khi một người trở thành một Phật tử theo đúng pháp nên cố gắng thực hiện những việc sau:
- Lập bàn thờ Phật dù dưới hình thức nào như bằng giấy, gỗ, tượng….
- Mỗi tháng ăn chay ít nhất 2 lần. Giá trị của ăn chay không lệ thuộc vào ngày nào mà ăn chay đễ giúp trưởng dưỡng lòng từ bi, nhân thức được nợ máu của chúng sinh.
- Dù kết hôn với người không cùng tôn giáo thì tuyệt đối cũng không được cải đạo. Giáo lý nhà Phật không có điều luật trừng phạt nếu một người bỏ đạo. Nhưng đã là Phật tử thuần thành, chúng ta phải hiểu giáo lý của Đức Phật là chân lý, Ngài là Bậc giác ngộ được chân lý. Chúng ta biết Phật pháp, trở thành đệ tử Phật đã là một may mắn rồi thì không có lý do gì lại từ bỏ đạo Phật cả.
Tóm lại, người con Phật ta phải hiểu thấu đáo thâm ý của Phật để chúng ta không phải có những ngộ nhận sai lầm. Một khi đã hiểu thật rõ ý nghĩa của Tam Quy, Ngũ giới, chúng ta sẽ tự tin trở thành người con Phật theo đúng chánh pháp.