Chi tiết tin tức

Chuyện người gác cửa

21:59:00 - 03/01/2022
(PGNĐ) -  Xưa có anh chàng giúp việc đần độn. Một ngày nọ, người chủ đi vắng, dặn dò anh ta trông coi nhà cửa cho cẩn thận, lại phải xem chừng dây buộc con lừa xem có chắc chắn không, đừng để nó sút dây chạy mất.

Anh giúp việc lại tưởng là chủ chỉ bảo mình trong chừng ba món ấy nên đã đem cánh cửa buộc lên lưng con lừa rồi ung dung đi xem hát. Khi chủ về thấy nhà cửa và tiền bạc đều sạch trơn, nổi cơn thịnh nộ trách mắng người nô bộc.

Khi đọc câu chuyện trên, chúng ta có thể thầm cười về sự dại khờ của anh chàng giúp việc. Nhưng đâu ngờ rằng bản thân mỗi người trong chúng ta đôi lúc lại chính là anh chàng giúp việc xuẩn ngốc. Ngôi nhà chứa đầy những tài sản quý chính là tâm thanh tịnh của mỗi người. Ngôi nhà ấy có sáu cánh cửa chính là sáu giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tên trộm đâu khác sáu trần cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chúng luôn trong tình trạng sẵn sàng để xâm nhập làm cho tâm trở nên ô nhiễm, bất thiện. Trong cuộc sống thường nhật, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu tâm không đủ sự chánh niệm, tỉnh thức, chúng ta dễ dàng buông xuôi theo trần cảnh, từ đó tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… và muôn nghìn phiền não khởi sinh. Khi tâm đã động niệm bởi cảnh trần, vô minh và tham ái có mặt, vòng luôn hồi sinh tử (samsara) tiếp tục xoay vần bất tận. Sự tu tập sáu căn là căn bản hành trì cho bất kỳ hành giả nào của truyền thống Đại Thừa hay Nguyên Thủy, bất cứ tông phái nào dù là Thiền, Tịnh hay Mật.

Trong kinh điển Nikaya, đức Phật thường xuyên nhắc nhở các thầy Tỳ-kheo phải hộ trì các căn. Ngài dạy:

Thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Ðại vương, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn.

hoangphap_chuyen-nguoi-gac-cua_full_27392021_113923

Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn.

(Kinh Sa Môn Quả, Trường Bộ)

Hộ trì các căn không phải là ngăn chặn các căn không cho tiếp xúc với các trần, bịt mắt, bịt tai, không ăn uống, ngửi, nếm… Hộ trì là dùng niệm và tuệ để soi thấu bản chất của căn, trần, thức. Thông thường, khi nhìn một đối tượng, ngay sau đó chúng ta đánh giá đối tượng là đẹp, xấu; khi nghe một âm thanh ta đánh giá là hay, dở; khi ngửi một mùi chúng ta đánh giá là thơm, hôi… Từ những đánh giá đó, xảy ra hai trường hợp là thích và ghét. Những cảnh thích ý vừa lòng, chúng ta khởi lên tâm tham. Những cảnh không phù hợp với sở thích, chúng ta khởi lên tâm sân. Và khi thiếu chánh niệm, nếu không tham hay sân, những cảnh vừa phải, chúng ta khởi tâm si. Cả ba trạng thái của tâm là tham, sân, si đều là bất thiện pháp. Thế nên, đức Phật dạy rằng không nên nắm giữ tướng của sự vật hiện tượng. Tướng chung là bao quát, tướng riêng là chi tiết. Ví dụ nhìn một người nào đó, tướng chung là cao, thấp, mập, ốm, đàn ông hay đàn bà, tướng riêng là mắt hai mí, môi trái tim, mũi dọc dừa… Không dính vào tướng chung hay riêng, và quán xét lại tâm mình, xem điều gì làm tâm ta dao động, khiến cho phiền não, ưu bi hay bất thiện pháp sinh khởi, thì phải lìa bỏ tướng đó, quán tất cả các tướng ấy là mộng huyễn, bào ảnh, sinh diệt, vô thường, bất toại nguyện.

Tùy theo duyên nghiệp của mỗi người có sự sai biệt mà sự dính mắc và tham chấp vào trần cảnh có sự khác nhau. Người tham cảnh sắc thì thích hoa thơm cỏ lạ, thích ngắm những người đẹp, vật đẹp. Bao nhiêu tiền dành đi du lịch ở các nơi để có thể thưởng ngoạn những cảnh vật kỳ vĩ của nhân gian. Có người nặng về khí trần, sẵn sàng chi tiền triệu cho các loại nước hoa đắt tiền. Thân thể và chỗ ở của họ lúc nào cũng phải thơm tho, với các loại tinh dầu, dược liệu. Có người nặng về vị trần, ăn uống lúc nào cũng phải ngon miệng, vì miếng ăn mà sẵn sàng sát sinh hại vật, bỏ ra hàng giờ để chế biến thực phẩm, nghe quán nào ngon là phải tìm đến, biết món nào ngon là tìm mọi cách để thưởng thức. Có người thiên hướng thinh trần, dành rất nhiều thời gian để nghe những bản nhạc hay, thích nghe những lời ca tụng ngọt ngào, thích những âm thanh nhẹ nhàng, êm ái, bị ru ngủ bởi những lời đường mật êm tai. Người khác lại thích chăn ấm nệm êm, quần áo phải là loại đắt tiền mới được, đó là hạng người bị chi phối bởi xúc trần. Người dành cả cuộc đời để chìm đắm vào những tư tưởng cao siêu, triết học và triết lý huyền diệu, những tư tưởng thâm áo, nhưng không thể vận dụng những điều cao siêu ấy vào thực tế đời sống và con đường tu tập giải thoát. Chúng sanh cứ mãi đắm chìm trong lục trần, bị cuốn trôi trong dòng chảy của cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp.

Đức Phật là bậc đã vượt qua dòng chảy bộc lưu, Ngài đứng trên bờ giác ngộ và đã chỉ dạy cho ta những phương pháp hành trì để không bị lục căn, lục trần chi phối.

Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm.

Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm.

Trong bài kinh Sáu Sinh Vật, phẩm Rắn Độc trong Tương Ưng Bộ kinh, đức Phật lấy hình ảnh sáu con vật tỷ dụ cho sáu giác quan của con người:

Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bắt được sáu sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu, người ấy cột một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con chim, người ấy cột với sợi dây vững chắc… Sau khi bắt được con chó, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con giả can, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với những sợi dây vững chắc, người ấy cột một cái gút ở chính giữa và thả chúng đi.

Này các Tỷ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình. Con rắn lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào gò mối”. Con cá sấu lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào trong nước”. Con chim lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ bay lên trời”. Con chó lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào làng”. Con giả can lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào nghĩa địa”. Con khỉ lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào rừng”. Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, khi ấy, con sinh vật nào mạnh hơn các sinh vật còn lại, được chúng đi theo, chúng tuân theo, chúng phục tùng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo thân niệm không tu tập, không làm cho sung mãn, con mắt sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái … Ý sẽ lôi cuốn nó đối với các pháp khả ái và ghét bỏ đối với các pháp không khả ái.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không hộ trì.

Thông qua bài kinh, đức Phật dạy người xuất gia phải hộ trì các căn như sau:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn… khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết các pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, an trú thân niệm, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hộ trì.

Cái cột hay cái trụ vững chắc, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân niệm. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng ta sẽ tu tập thân niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành cơ sở, an trú, tích tập, khéo nỗ lực”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập.

Khi dụng công tu tập miên mật: quán sát hơi thở, trì niệm danh hiệu Phật… là lúc chúng ta đóng năm căn môn lại, lúc này chỉ còn việc theo dõi tâm ý. Như ngôi nhà có sáu cánh cửa, năm cánh cửa đã được đóng lại, lúc này hành giả như một người gác cổng đứng ngay cánh cổng của ý căn và quán sát những ai vào ngôi nhà tâm của mình. Một tâm niệm tham khởi lên, biết rõ đây là tham, một sự sân hận, hoài nghi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, hối tiếc, dã dượi, mệt mỏi, chán nản… Tất cả những điều đó được quán sát với chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm là ghi nhận một cách sít sao, liên tục, thường xuyên. Tỉnh giác là biết rõ, thấy rõ, biết được những phiền não và động niệm sinh khởi ra sao, hoại diệt ra sao, biết nhưng không đồng hóa. Công phu hành trì như vậy thì giới, định, tuệ tăng trưởng. Ngũ căn và ngũ lực được trau dồi. Thiện pháp sinh khởi và ác pháp được lắng diệu dần dần.

Câu chuyện Người Giúp Việc Giữ Cửa đã cho chúng ta một bài học giá trị về một pháp thực hành quan trọng bậc nhất trong giáo lý của đức Thế Tôn

Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy:

Các thầy Tỷ-kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào trong năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa má của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp: tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.

Các thầy Tỷ kheo, năm thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như một kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình.

Giữ gìn sáu căn chính là giữ giới, đó là lý do ngài Buddhaghosa trong khi phân loại về giới đã xếp việc hộ trì các căn vào nhóm bốn loại giới: Giới thuộc sự chế ngự của giới bổn, giới phòng hộ các căn môn, giới thanh tịnh nuôi mạng sống, giới liên hệ đến bốn vật dụng. Thực hành hộ trì các căn chính là thực hành giới, thực hành định, và khi chánh niệm tỉnh thức có mặt trong từng khoảnh khắc của các căn khi tiếp xúc với các trần cũng chính là tuệ giác, hoa trái của sự tu tập.

Câu chuyện Người Giúp Việc Giữ Cửa đã cho chúng ta một bài học giá trị về một pháp thực hành quan trọng bậc nhất trong giáo lý của đức Thế Tôn: Hộ trì các căn. Đằng sau nụ cười vi tiếu mà bài kinh đem lại, là một ẩn ý sâu tàng của đức Phật dạy cho hàng đệ tử. Chúng ta chớ vội cười anh chàng ngốc trong câu chuyện. Bởi lẽ, khi chúng ta sống trong thất niệm, để cho những trần cảnh bên ngoài chi phối tâm, thì mình chẳng khác nào anh chàng giúp việc nọ, chạy theo cái vui trần tục, bám chấp vào những được, mất, khen, chê, vui, buồn, thành, bại của nhân gian mà mất đi những tài sản quý. Dòng thác lũ của cuộc đời sẽ khiến cho chúng ta trầm luân trong biển sanh, già, bệnh, chết. Những ngọn gió đời sẽ thổi bay tâm bồ đề non yếu của chúng ta. Những lời dạy thâm thúy của đức Phật như tiếng chuông cảnh tỉnh và nhắc nhở mỗi người hãy cẩn thận. Bến đời đục trong đầy phiền lụy, chúng ta phải khéo léo vượt qua cõi nhân gian này bằng con thuyền Bát Nhã: Gate Gate. Paragate. Parasamgate. Buddhisvāha. Chánh niệm và tỉnh thức trong từng khoảng khắc của đời sống.

 

Phố núi mùa đông, 2021.

Tâm Biện

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin