Chi tiết tin tức

Duy trì mạng mạch Phật pháp với trí tuệ

08:57:00 - 05/07/2022
(PGNĐ) -  Ngày nay, chúng ta tu học theo đạo Phật là mong muốn tiếp nối được ngọn đèn chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà Ngài đã từng thắp sáng cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ về trước đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho cuộc đời.

Ngày nay, chúng ta tu học theo đạo Phật là mong muốn tiếp nối được ngọn đèn chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà Ngài đã từng thắp sáng cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ về trước đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho cuộc đời. Tuy nhiên, nếu chỉ tu tập và làm theo hình thức bên ngoài thì không thể đạt được kết quả. Vì Đức Phật giáo hóa chúng sanh, về thời gian cách chúng ta quá xa, về không gian những nơi Ngài du hóa cũng không giống môi trường sống, tu học, làm việc như chúng ta ngày nay. Vì thời đại này là thời công nghệ số mà mình lại sống và sinh hoạt y như thời cổ đại tại Ấn Độ hoàn toàn không phù hợp. Nhưng trên bản thể trí tuệ, giải thoát của hàng đệ tử Phật, dù ở đâu, bất cứ nơi nào khi thâm nhập được tinh hoa lời Phật dạy đều giúp chuyển hóa khổ đau. Cho nên người tu học lúc đó và bây giờ không khác nhau. Điều đó cho thấy việc duy trì Phật pháp tiếp nối sự nghiệp của Đức Phật, của chư vị tiền bối là trọng trách không chỉ của tu sĩ mà cả người cư sĩ.

KHÁI NIỆM TRÍ TUỆ

Theo Hòa thượng Thích Minh Châu trong kinh Tăng Chi cho rằng: Trí tuệ là (Paññā) mức thấp nhất là có khả năng phân biệt giữa phẩm chất thiện và phẩm chất bất thiện, vượt lên những cấu uế của tâm thức (giữ tâm ý trong sạch). Trí tuệ cao hơn dành cho cư sĩ đó là có cái nhìn minh sát thấu suốt sự sanh và diệt của các hiện tượng tâm lý dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Đây gọi là vị Thánh đệ tử có đại trí tuệ, bước vào giới vức minh kiến, là đầy đủ trí tuệ [1].

Theo kinh Trung Bộ khẳng định: “Như thế nào là được gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri, này hiền giả, nên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri gì? Có tuệ tri: Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là con đường đưa đến Khổ diệt. Vì có tuệ tri, này hiền giả, nên được gọi là trí tuệ” [2]. Như vậy, khái niệm trí tuệ được hiểu theo kinh điển Pāli là khả năng chuyển hóa, đoạn tận khổ đau, khi đã hiểu biết rõ về cách vận hành các quy luật. Sự hiểu biết này ngang qua sự thực hành thiền định có thể làm chủ được các cảm xúc, làm chủ bản thân, và làm chủ hoàn cảnh. Cho nên, mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Chỉ có trí tuệ là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát, giác ngộ [3].

Ý thức sâu sắc vấn đề này, những nhà lãnh đạo Phật giáo đã khéo léo ứng dụng lời Phật dạy một cách tinh tế để đem lại nhiều lợi lạc nhất về thân cũng như về tâm cho các hành giả tu học đặc biệt trong ba tháng An cư. Tùy theo văn hóa, tập quán mà cách sinh hoạt tại các tự viện khác nhau với văn hóa vùng miền khác nhau có phần uyển chuyển thích nghi hòa nhập vào nếp sống cộng đồng mà mình đang cư trú. Mỗi nơi có sự sinh hoạt một cách khác nhau đặc thù. Ví như trăm sông đều đổ về một biển, tuy mỗi con sông có một tên gọi khác nhau nhưng khi đổ về biển thì chỉ có một tên gọi và một vị mặn. Trong giáo pháp của Đức Phật mỗi người có sự tu tập, sinh hoạt khác nhau nhưng đều có chung một mục đích đó là tu tập để đạt được hiểu biết, giác ngộ, một vị giải thoát trong đời sống tâm linh, sự thăng hoa trí tuệ, từ bi, vô ngã, vị tha.

VUN BỒI LÒNG TIN VÀ TRÍ TUỆ

Trên bước đường tu học, người tu tập phải vun bồi lòng tin và trí tuệ. Lòng tin phải đi đôi với trí tuệ điều này quyết định sự thành bại của chúng ta trên lộ trình tu học. Bổ sung cho trí tuệ là đức tin. Đức tin và trí tuệ là hai đức tính không thể tách rời để tiến xa trên con đường tu tập [4].

Theo Hòa thượng Thiện Hoa, muốn có trí tuệ phải thật hành pháp Tam vô lậu học: Giới, định, tuệ hay văn, tư, tu [5]. Nghĩa là thực hành các điều đạo đức, như người cư sĩ có năm điều, tám điều,… Còn người xuất gia có 250 giới hay 348 giới. Hoặc nghe học giáo pháp (văn), suy nghĩ nghiền ngẫm giáo pháp (tư), thực tập trong đời sống (tu). Khi hành giả sống vào nề nếp, quy định của xã hội, tập thể thì tâm sẽ an tịnh, từ tâm lắng yên mà sanh trí tuệ sáng suốt. Như một hồ nước có gió mạnh, nước bị khuấy động thì không thể nhìn thấy đáy và các sinh vật trong hồ. Nhưng khi trời yên bể lặng, nước đứng yên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ tất cả những gì có trong hồ nước. Còn theo kinh Tăng chi cho rằng: “Có một pháp, này các Tỳ kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến đại trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến thâm sâu trí tuệ, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ hoan hỉ, đưa đến trí tuệ tốc hành, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm” [6]. Đây là bài kinh nói lên pháp thực tập thân hành niệm nhằm đưa đến trí tuệ. Đồng quan điểm này, kinh Pháp Cú cũng có kệ: “Tu thiền, trí huệ sanh. Bỏ thiền, trí tuệ diệt” [7]. Việc tu tập thiền giúp người sáng tâm, định tĩnh, sanh trí tuệ.

Phật tử cũng nên tụng kinh điển để hiểu rõ nghĩa lý kinh mình đang tụng. Lấy lời dạy quý báu đó để sửa tâm sửa tánh cho được thanh tịnh. Muốn hiểu rõ ý kinh, không ngôn ngữ nào hơn là tiếng mẹ đẻ, là tiếng Việt [8]. Muốn có được tuệ giải thoát hay văn tuệ, tu tuệ thì cư sĩ cần nỗ lực tiếp cận đến những nhiều bài kinh trong Tam tạng Thánh điển. Kinh tạng được biên tập bằng: “Lời Việt sáng trong, uyển chuyển, giàu sức gợi cảm, gợi hình, dễ hiểu, nếu được người ngâm tụng thiết tha, thấu suốt văn nghĩa, chắc chắn sẽ động lòng người, hễ cảm tất có ứng. Còn nếu không được như thế, thì ít nữa, người đọc cũng có thể thấu hiểu nội dung. Với những lý do trên, Việt dịch kinh sách Phật giáo thật cần thiết biết bao! Điều này dẫn đến một yêu cầu thiết thực khác trong sự nghiệp trí tuệ của Phật giáo Việt Nam” [9]. Đọc kinh điển bằng phương ngữ giúp người Việt tiếp cận trực tiếp lời Đức Phật dạy. Từ đó, người tu có phương pháp vượt qua những khổ đau, khiếm khuyết của bản thân, có tuệ giác như ánh mặt trời chiếu rõ mọi vật trong trời đất. Người có tuệ không còn sợ hãi nữa. Sở dĩ người ta khổ đau, vì người ta ít học, ít hiểu biết về bản chất, quy luật của cuộc sống.

Do đó, vai trò trí tuệ vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Cư sĩ có trách nhiệm bảo tồn và truyền tụng những tinh hoa trí tuệ và đức hạnh để làm lợi mình, lợi người. Người có tuệ giác sống vị tha, lợi ích cho mình, cho người và toàn thế giới, mới chính là mục đích thù thắng khi tu học chánh pháp. Để diễn tả điều này, kinh Con Đường Sai Lạc ghi:“Bậc Hiền trí, Đại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới” [10]. Trí tuệ ở đây không phải là tri thức thế gian, qua những việc học hành, tích thâu kiến thức, nên kinh Suy nghĩ nêu rõ sự sai khác của người ngu và người trí như sau: “Thành tựu ba pháp người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác. Thành tựu ba pháp, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện và ý nghĩ thiện” [11]. Theo lập trường này, kinh Sợ Hãi ghi: “Phàm có sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa, nào khởi lên, tất cả những sợ hãi, nguy hiểm, tai họa ấy đều khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí” [12]. Qua hai bài kinh, chúng ta thấy đây là xác chứng cho sự khác nhau rõ rệt giữa người ngu và người trí qua cái nhìn từ Đấng toàn giác.

Ngoài ra, sự khác nhau giữa trí thức (intellectual) và trí tuệ (wisdom). Người có trí tuệ khác người tri thức (Vijñāna) ở chỗ biết phân biệt thiện và ác, đúng và sai. Như người tri thức dù biết ma túy là độc hại nhưng vẫn dùng và bị ma túy làm cho khổ đau, tàn hại, mất mạng. Người có trí tuệ biết ma túy có hại cho thân tâm nên dù ở chỗ có người hay vắng người, họ cũng sẽ không bao giờ sử dụng dù chỉ thử một lần. Vì vậy, Đức Phật không những khen ngợi những người nam cư sĩ mà nữ cư sĩ cũng có khả năng thành tựu trí tuệ, là người có thể tự mình đoạn diệt khổ đau như sau: “Này Visākhā, nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ trí tuệ” [13]. Điều này thể hiện sự bình đẳng trong sự tu tập chuyển hóa khổ đau nhờ khai mở trí tuệ.

Để hiểu thêm điều trên, chương Một pháp, phẩm Làm bạn với thiện hữu nói lên tầm quan trọng của trí tuệ như sau: Điều khốn cùng giữa các mất mát [14] là mất mát trí tuệ, mất mát danh tiếng, mất mát tài sản cũng không bằng mất mát trí tuệ. Điều tối thượng giữa các tăng trưởng là tăng trưởng trí tuệ [15]. Không gì quý báu hơn là sự hiểu biết. Hiểu biết đến đâu tâm an vui đến đó. Đối với cư sĩ muốn có được trí tuệ phải trải qua quá trình rèn luyện đem lời Phật dạy đặt vào tâm nghiền ngẫm, để tỏa ra cách ứng xử, hành động thích hợp với chánh pháp. Là người cư sĩ thì việc học pháp, nghe pháp hết sức cần thiết để nuôi dưỡng tuệ giác cho cá nhân và đóng góp tiếng nói trí tuệ cho con người và cuộc đời. Bởi trí tuệ là sự nghiệp lớn, giải thoát con người và cuộc đời khỏi mọi sai lầm, tối tăm do lòng dục, lòng sân và si gây nên. Vì việc nghe pháp nhằm phát triển trí tuệ nên rất quan trọng đối với cư sĩ; có nghe pháp và hành pháp thì trí tuệ mới phát sinh.

Thiếu hoặc không nghe pháp, giống như người đi trong đêm tối rất khó định hướng, lối đi của mình. Đạo Phật đề cao trí tuệ, xem trí tuệ là ngọn đèn soi sáng hướng đi giải thoát của con người, giống như ngọn hải đăng luôn soi tỏ hướng đi của các con tàu trong đêm đen vậy. Nên kinh Vị Bà La Môn tán thán pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Nên pháp ấy khi thuyết giảng được ví như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng hay cầm đèn sáng vào bóng tối [16]. Ngoài việc nghe pháp và phát triển trí tuệ, người tu tập cần nuôi dưỡng thêm các đức tính như: Lòng cung kính khiêm tốn, thái độ biết đủ, biết ơn đối với cuộc đời. Đây là các đức tính đặc biệt của cư sĩ, bởi sự khiêm cung luôn là sức mạnh chinh phục mọi kiêu căng, ngã mạn của con người và mọi cám dỗ của tham dục, còn thái độ biết ơn là lòng thủy chung cao đẹp [17].

Thật vậy, kinh Nghe Ít cho rằng: Thế nào là người nghe ít, điều đã được nghe không khởi lên? Ở đây, này các Tỳ kheo, có hạng người được nghe ít về kinh: Ứng tụng, ký thuyết, các bài kệ, Cảm hứng ngữ, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu, Phương quảng. Người ấy, với điều đã được nghe ít ỏi này, không biết nghĩa, không biết pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Như vậy, này các Tỳ kheo, là người nghe ít, điều đã được nghe không khởi lên [18]. Do người ít nghe các kinh điển nên trong tâm mà khởi lên các tập khí, vọng tưởng, ký ức khổ đau, vô minh che lấp vì không có chứa đựng pháp, trí tuệ không thể sanh. Cho nên kinh Lộn Ngược diễn tả có ba loại trí tuệ như sau: Trí tuệ lộn ngược (avakujja pañño – là người không có tác ý nghe pháp từ các vị Tỳ kheo, như cái ghè bị lộn ngược không chứa được nước), hạng người với trí tuệ bắp vế (ucchaṅga pañño-có tác ý đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, như các thức ăn để trên bắp vế đứng dậy liền rơi hết xuống đất), hạng người trí tuệ rộng lớn (puthupañño-có tác ý, đoạn đầu, giữa, cuối, có nghĩa có văn, như cái ghè nước chứa đựng được nước) [19].

Bài kinh này cho thấy trí tuệ rất quan trọng trong đời sống và điều quan trọng nhất trên con đường tâm linh học đạo là trí tuệ. Tài sản quý nhất của con người là trí tuệ. Khi có trí tuệ, con người không rơi vào sợ hãi, bất an, lo lắng vì những điều mình chưa biết. Khi đã hiểu biết rộng sâu, con người tin tưởng vào những việc làm đúng với quy luật xã hội, quy luật tự nhiên, quy luật vận hành của nhân quả luân hồi, nghiệp báo. Khi ấy, Đức Phật khen ngợi đây là sự tăng trưởng tối thượng trong các sự tăng trưởng. Để có được trí tuệ phải trải qua quá trình nghe, học hỏi Phật pháp, đem những điều được học hỏi đó suy tư nghĩa lí rồi đem áp dụng vào đời sống để chúng trở thành một phần của nội tâm, như thức ăn sau quá trình tiêu hóa trở thành máu để đi nuôi cơ thể. Sự hiểu biết thấu đáo các quy luật nhân quả là kết quả của hành trì, bao gồm trì giới thiền định. Người có trí tuệ không bao giờ vi phạm giới luật đạo đức.

Niềm hy vọng thành tựu trí tuệ là con đường để đạt những mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đặt ra cho toàn bộ loài người [20]. Điều này thể hiện tầm quan trọng của trí tuệ trong thế giới ngày nay. Người có hiểu biết, có kiến thức nhiều nhưng kẹt vào những sở kiến nên dù giỏi đến đâu người khác cũng không công nhận. Văn huệ còn thuộc về phiền não, những người nói hay, biết nhiều nhưng không có niềm an lạc thực sự vì còn chưa chuyển hóa tham, sân, si. Có học, có hiểu, có suy tư nghiền ngẫm những giáo lý như người lập hạnh tu có lòng tin sâu sắc vào Tam bảo nên học hiểu đúng pháp, tư duy cùng với tu tập và hiểu Phật đem lại lợi ích thiết thực. Khiến người nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ, phát tâm Bồ-đề muốn tu học theo. Do đó, gặp việc đáng buồn mình không buồn, gặp việc đáng giận mình không giận, không thối tâm trong việc phụng sự, gánh vác Phật sự khó khăn mà không nản lòng thối chí. Trong quá trình rèn luyện sửa mình tu học, tự nỗ lực học tập để nâng cao trí tuệ mới gánh vác sự nghiệp duy trì mạng mạch của Phật pháp trường tồn tại thế gian.

Nhân mùa An cư kiết hạ, các vị cư sĩ cùng về học và đọc các bản kinh, đọc đi đọc lại những bản kinh cổ xưa, chư Tăng khắp nơi dừng bước du hóa tựu về các trụ xứ An cư tham gia giảng dạy các buổi pháp thoại. Từ đó, mới có thể thâm nhập kinh điển có như thế thì trí tuệ như biển được. Suy tư chìm vào trong pháp học, rồi bủa ra những hành động tốt đẹp, hòa nhã đưa lời Phật dạy vào đời sống để có pháp hành và sau đó thực sự chứng ngộ những tinh hoa trí tuệ của đạo Phật đó là cư sĩ đã hoàn thành được pháp hành. Như Kinh Trí tuệ [8.2], khuyến khích người siêng năng đến các đạo tràng an cư nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe; những pháp ấy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn cú nghĩa lý cụ túc, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu chánh trí [21].

Trong kinh Tăng Chi lấy trí tuệ như các ánh sáng như mặt trời, lửa, ánh trăng nhưng ánh sáng trí tuệ là cao nhất [22]. Nên lời của Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ trong lời giới thiệu của kinh Tăng Chi Bộ như sau: “Dĩ Thánh giáo vi minh cảnh chiếu kiến tự tâm, dĩ tự tâm vi trí đăng chiếu kinh u chỉ”, nghĩa là lấy Phật pháp làm tấm gương soi vào tự tâm, lấy tự tâm làm ngọn đèn trí soi tỏ chỗ thâm sâu của kinh điển. … Chính vì vậy, những Phật sự của chư Tôn đức trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đang thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc “kế vãng khai lai, truyền trì đạo mạch”, không chỉ làm cho Phật pháp xương minh, trường tồn ở thế gian mà còn góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, phát triển lên một tầm cao mới. Hy vọng mỗi hành giả chúng ta nỗ lực hơn nữa để thành tựu giải thoát và hoàn thành sứ mệnh tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” [23].

TẠM KẾT

Tóm lại, nếu người tu học muốn tiếp nối ngọn đèn chánh pháp, duy trì mạng mạch Phật pháp bằng trí tuệ thì người ấy dù là tu sĩ hay cư sĩ đều nên nỗ lực học, đọc lại, giảng giải, Tam tạng Thánh điển bằng ngôn ngữ tiếng Việt để khai sáng tâm thức. Đức Phật đã để lại rất nhiều bài kinh về việc người cư sĩ nên quán sát, tu tập nghe pháp thoại, đọc kinh điển nhằm tăng trưởng trí tuệ. Cho nên, việc tiếp cận kinh điển bằng tiếng Việt giúp người dễ học, dễ đọc, dễ hiểu, thực hành lời Phật dạy đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Do đó, trí tuệ mãi là ánh sáng dẫn đường đến thành công không chỉ cho tu sĩ mà còn cho cả cư sĩ trong mọi lĩnh vực của đời sống qua việc văn, tư, tu tuệ hay tu tập đạo đức, thiền định nhằm hướng đến tuệ giải thoát (paññā vimutti).

 

SC. Thích Nữ Huệ Cảnh/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 392

Chú thích:

* Thích Nữ Huệ Cảnh – Học viên Thạc sĩ khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, Kinh Bốn nghiệp công đức, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.333.

[2] Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Phương Quảng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.359.

Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Chín pháp, phẩm Cư trú của các hữu tình, kinh Ngựa chưa điều phục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1084.

[3] Thích Minh Châu (2012), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.70.

[4] Ayya Khema – Diệu Liên – Lý Thu Linh (2013), Vô Ngã, Vô Ưu – Being Nobody, Going Nowhere, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.128.

[5] Thích Thiện Hoa (1992), Tám quyển sách quý, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, tr.115.

[6] Thích Minh Châu (2015), kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.82.

[7] Thích Minh Châu dịch (1999), kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.87.

[8] Thích Thiện Thanh (2008), Nghi thức tụng niệm hằng ngày, Lời dẫn nhập, Nxb. Tôn giáo.

[9] Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (2012), Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo – Định hướng & phát triển, Lưu hành nội bộ, tr.214.

[10] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Bà-la-môn, kinh Con Đường Sai Lạc, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.432.

[11] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Ba pháp, phẩm Người ngu, Kinh Suy nghĩ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.94.

[12] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Ba pháp, phẩm Người ngu, Kinh Sợ hãi, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.93.

[13] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Visākhā, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.995.

[14] Chánh văn: Etaṃ patikṭṭhanti etaṃ lāmakaṃ (nghĩa điều này là thấp nhất, tồi tệ).

[15] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Một pháp, Phẩm Làm bạn với thiện hữu, Kinh số 76-80, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.14-15.

[16] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Tám pháp, phẩm Các Bà-la-môn, kinh Bà-la-môn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.145.

[17] Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.275.

[18] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Ba pháp, phẩm Người, Kinh Lộn ngược, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.117.

[19] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Tám pháp, phẩm Từ Tâm, Kinh Trí tuệ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.933.

[20] Thích Nhật Từ, Thích Đức Thiện (2014, Giáo dục Phật giáo và chương trình Đại học, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.99.

[21] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi bộ, Chương Tám pháp, Phẩm Từ Tâm, Kinh Trí tuệ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.933.

[22] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, Chương Bốn pháp, Phẩm Hào quang, Kinh Hào quang, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.398.

[23] Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (2021), kinh Tăng Chi Bộ, chương Bốn pháp, phẩm Hào quang, Kinh Hào quang, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.398.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin