Chi tiết tin tức

Vai trò người Thầy trong trọng trách duy trì mạng mạch Phật pháp

18:52:00 - 03/07/2022
(PGNĐ) -  Đức Thế Tôn đã Niết bàn hơn 26 thế kỷ, song giáo pháp của Ngài vẫn tỏ rạng khắp năm châu, suối nguồn chánh pháp được khơi dậy từ ngàn xưa nhưng vẫn chảy với thời gian bất tận. Được như thế là nhờ những vị Thánh tăng, Tổ sư qua từng thời kỳ mang trách nhiệm quan tâm đến việc gìn giữ, truyền bá lời Phật dạy.

 

DẪN NHẬP

Đức Thế Tôn đã Niết bàn hơn 26 thế kỷ, song giáo pháp của Ngài vẫn tỏ rạng khắp năm châu, suối nguồn chánh pháp được khơi dậy từ ngàn xưa nhưng vẫn chảy với thời gian bất tận. Được như thế là nhờ những vị Thánh tăng, Tổ sư qua từng thời kỳ mang trách nhiệm quan tâm đến việc gìn giữ, truyền bá lời Phật dạy. Ngày nay, thừa hưởng ân đức cao sâu của chư vị Tổ sư, là sứ giả Như Lai, chúng ta phải ý thức được bổn phận và trách nhiệm của bản thân trong trọng trách duy trì và phát huy suối nguồn chánh pháp đó, ngỏ hầu báo Phật ân đức và không phụ chí xuất gia.

TIẾP TĂNG ĐỘ CHÚNG LÀ SỨ MỆNH QUAN TRỌNG 

Có thể nói, việc tiếp Tăng độ chúng là một trong những sứ mệnh quan trọng để duy trì mạng mạch Phật pháp. Vai trò của người thầy trong việc nuôi chúng, dạy điệu, hướng dẫn môn sinh phải được quan tâm, đầu tư hơn hết. Bởi người đệ tử chính là sự tiếp nối, là hình bóng của vị thầy mà nói rộng hơn là sự truyền thừa, truyền đăng tục diệm, kế tục mạng mạch chánh pháp. Chính những đệ tử hiện tại là những vị thầy tương lai và là những người lãnh đạo, phát triển đạo pháp sau này. Rõ ràng, sự giáo dưỡng đệ tử và vai trò của người thầy là nền tảng căn bản trong sứ mệnh duy trì mạng mạch mà Đức Thế Tôn đã khai mở, chư vị Tổ sư đã truyền thừa.

Phật pháp muốn xương minh, phát triển vững chãi không thể không có sự tham gia của các Tăng Ni tài đức. Một người xuất gia đóng góp thiết thực cho sự hưng thịnh của đạo pháp không những thông hiểu căn bản về giáo lý, hành trì mà còn phải có giới đức, hạnh kiểm. Có hiểu biết mới có thể trao truyền kiến thức, hướng dẫn đệ tử tu học theo đúng chánh pháp; có giới hạnh mới có thể nhiếp phục đệ tử, trở thành chỗ nương tựa vững chắc, quy ngưỡng cho đệ tử. Ngoài ra những hành động, cử chỉ, lời nói đều phải chuẩn mực và oai nghi bởi đó là bài pháp thiết thực nhất, là hình ảnh tuyệt vời để đệ tử học tập và kính ngưỡng. Đặc biệt, tất cả phải được soi chiếu bởi từ bi và trí tuệ.

Tuy nhiên, để đào tạo ra một tu sĩ như vậy cần cả một quá trình đầu tư, chú trọng ngay từ buổi đầu tiên bước chân vào chùa, nương thầy, nương chúng tu học. Tre già măng mọc, không ai có thể đảm bảo đạo pháp sẽ đi về đâu khi người sau không tiếp nối, kế thừa được những bước chân của người đi trước và lịch sử đã cho thấy điều này. Chúng ta đều biết, Phật giáo từng suy vi trên chính quê hương Ấn Độ do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó có việc truyền trao gia tài Phật học từ thế hệ trước cho thế hệ sau bị ngắt quãng.

LỜI PHẬT DẠY VỀ NGƯỜI THẦY

Nhìn về quá khứ để đánh thức thực tại, bài học lịch sử vẫn còn đó để cảnh tỉnh chúng ta. Ngay chính trong thời Đức Phật, vấn đề quan tâm đến đời sống sinh hoạt tu tập của những vị xuất gia nhỏ tuổi đã được Đức Phật quan tâm. Điển hình là câu chuyện của ngài La-hầu-la (Rāhula) trong kinh Tiểu Bộ, Chuyện tiền thân Tipallatthamiga [1].

La-hầu-la xuất gia trở thành vị Sa-di năm 7 tuổi, lúc Đức Phật về thăm Kapilavatthu lần đầu tiên sau khi giác ngộ. Với tính ham học, La-hầu-la luôn mong muốn nhận được sự chỉ dẫn từ những người thầy của mình. Mỗi sáng, vị Sa-di nhỏ tuổi thức dậy thật sớm, bốc một nắm cát trên tay và nói: “Hy vọng ngày hôm nay, tôi sẽ được những vị thầy cho nhiều lời dạy như những hạt cát trong lòng bàn tay này” [2]. Hạnh vâng lời, sự ưa thích học hỏi đó của La-hầu-la được các vị Tỳ-kheo khen ngợi, thương mến nên tiếp đón tôn giả vào phòng của mình. Nhưng khi Đức Thế Tôn chế giới Tỳ-kheo không được ngủ cùng người chưa thọ đại giới, các Tỳ-kheo sợ vi phạm nên không cho La-hầu-la ngủ chung và bảo cậu đi tìm chỗ khác để ngủ. La-hầu-la không đến chỗ Đức Phật là thân phụ của mình, cũng không đến chỗ Xá-lợi-phất là Giáo thọ sư của mình hay đến chỗ ngài Đại Mục-kiền-liên là bậc Sư trưởng của mình mà lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn. “Vì các Tỳ-kheo bảo tìm lấy chỗ ở, chỉ vì tôn trọng lời khuyên bảo, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy” không chút phàn nàn, đòi hỏi. Khi Đức Phật hỏi nguyên do ngủ trong nhà vệ sinh, La-hầu-la trả lời: “Vì nghĩ rằng đây là chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây”. Nghe câu trả lời đầy khiêm cung, kham nhẫn như vậy, Đức Phật xúc động mạnh vì chánh pháp và nhắc nhở các bậc Trưởng lão phải quan tâm đến những người trẻ mới xuất gia: “Này Xá-lợi-phất, nếu các ông vứt bỏ La-hầu-la như vậy, thì đối với các lớp trẻ mới xuất gia, có gì các ông không làm được? Nếu sự việc là vậy, những ai xuất gia trong giáo pháp này sẽ không ở lại”. Sau đó, Ngài chế định vị Tỳ-kheo, cho người chưa thọ đại giới ở chung một hay hai ngày; đến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ.

Qua đó cho thấy, Đức Phật rất quan tâm đến đời sống sinh hoạt, tu tập của những vị xuất gia trẻ chưa thọ đại giới. Đồng thời, Ngài cũng đưa ra những tiêu chuẩn và nhiệm vụ cần có của một người thầy khi nuôi dạy và truyền thụ giới pháp cho chúng đệ tử.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật chỉ ra mười tiêu chuẩn của một người thầy đúng nghĩa khi muốn truyền trao giới pháp hay nhận nuôi dạy Sa-di. Đó là: “Vị Tỳ-kheo đó có giới, sống được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha; đầy đủ uy nghi chánh hạnh thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp; là người nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, cất chứa điều đã được nghe… khéo thông hiểu, khéo quyết định, theo kinh, theo chi tiết; Vị ấy có khả năng nuôi dưỡng bệnh nhân hay khiến người nuôi dưỡng; có khả năng làm cho tịnh chỉ bất mãn hay khiến tịnh chỉ bất mãn; có khả năng đoạn trừ đúng pháp ác tác khởi lên; có khả năng phân biệt chỉ trích tà kiến khởi lên; có khả năng khích lệ trong tăng thượng giới; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tâm; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tuệ” [3]. Những tiêu chuẩn, tư cách của một vị thầy cũng được nói đến trong các bộ luật với hai khía cạnh là “Tư cách lý tưởng và Tư cách chung”.

Về tư cách lý tưởng, trong Tứ Phần luật (34, tr.806b) nêu rõ, nếu chưa thành tựu năm pháp sau thì chưa thể truyền cụ túc cho người. Năm pháp đó là:

1. Giới chưa thành tựu;

2. Định chưa thành tựu;

3. Tuệ chưa thành tựu;

4. Giải thoát chưa thành tựu;

5. Giải thoát tri kiến chưa thành tựu.

Còn Thập tụng (21, tr.149b) nêu rõ thành tựu 5 pháp: tín, giới, đa văn, xả, tuệ..

Về tư cách chung, Tăng kỳ luật (28, tr.457c) nêu rõ người thầy phải thành tựu 10 pháp mới được độ người xuất gia, thọ cụ túc. Đó là:

1. Trì giới;

2. Học rộng A-tì-đàm;

3. Học rộng Tì-ni;

4. Học giới;

5. Học định;

6. Học tuệ;

7. Biết rõ pháp xuất tội;

8. Đủ khả năng chăm sóc người bịnh;

9. Có khả năng giải quyết những khó khăn cho đệ tử;

10. Tuổi đủ 10 hạ.

Bàn về tư cách người thầy, còn được ghi chép rõ ràng trong các bộ luật khác nhưng tựu trung có năm điều chủ yếu:

1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.

2. Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.

3. Kiến thức phải rộng rãi.

4. Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.

5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.

Qua những gì trích dẫn, cho thấy làm một người thầy tiếp Tăng độ chúng không dễ dàng chút nào mà phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn. Trong đó, yếu tố đề cập trước hết là phải có sự hành trì giới luật, tức những nguyên tắc căn bản về chuẩn mực đạo đức, oai nghi tế hạnh, mọi cử chỉ đều là mô phạm cho người đệ tử. Song song với giới luật là sự hiểu biết, tri thức rộng rãi và chuyên sâu để có thể giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử, “huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt” [4].

Hơn thế, theo lời Phật dạy, một người thầy đúng nghĩa phải có chất liệu của tình yêu thương trong việc nuôi dưỡng, chỉ dạy đệ tử. Điều này được diễn tả cụ thể trong Ưu-bà-tắc giới kinh, phẩm Thâu phục đệ tử. Ở đây, Đức Phật khuyên dạy những phương cách nuôi dạy, nhiếp phục đệ tử với tâm thế: “Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình”.

Một người xuất gia theo một vị thầy để học đạo có thể với nhiều lý tưởng khác nhau, nhưng đều mang trong mình một nhân duyên với Phật pháp, nhân duyên với bản thân vị thầy đó. Cho nên, người thầy khi đã nhận vị đệ tử đó phải hết lòng dạy bảo, giúp đệ tử hiểu rõ đúng sai, chánh tà, thực hành và nếm được một phần hương vị an lạc chốn thiền môn. Đức Phật dùng hình ảnh so sánh: “Xem họ như đứa con của mình”. Nếu ở thế gian, cha mẹ là những người cho họ sắc thân trần tục, thì ở cửa không môn, những vị thầy là “cha, mẹ” mở đường, khai thị cho họ biết được chánh pháp. Cao quý thiêng liêng hơn nữa, người thầy dạy bảo cho đệ tử bằng tất cả khả năng của mình “mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình”. Một sự chỉ dạy vô ngã, không mong cầu, vị kỷ. Từ đó, vị trí của người thầy trở nên thiêng liêng và thánh thiện trong lòng đệ tử.

Bên cạnh những tiêu chuẩn để hoàn thiện một người thầy mẫu mực, đúng nghĩa, Đức Phật còn chỉ dạy những người thầy cần phải sử dụng nhiều phương cách tuỳ căn cơ, hiểu rõ tâm sinh lý của đệ tử, “phải nên tùy lúc mà dạy dỗ khuyên răn. Khéo biết căn cơ của đệ tử là lợi căn, trung căn hay độn căn. Dạy đệ tử độn căn làm cho họ sinh lòng tin đối với Phật pháp, đối với người trung căn, dạy dỗ làm cho họ thuần thục, đối với người lợi căn, dạy dỗ làm cho họ được giải thoát”. Người thầy không những phải có trách nhiệm truyền trao, hướng dẫn đệ tử tu học mà còn chú trọng chăm sóc đời sống sinh hoạt. “Khi đệ tử bệnh phải chăm sóc cho họ, mà không sinh tâm chán ghét”. Không phải vị đệ tử nào cũng nghe lời, cũng bắt đầu với lý tưởng tìm cầu giải thoát, mà đâu đó có những vị xuất gia nhưng tâm trí còn lắm bụi trần phàm tục. Tuy nhiên, khi xuất gia hẳn đã có duyên với Phật pháp và hữu duyên với người thầy, cho nên, bằng cách này hay cách khác, người thầy cần giữ lòng bao dung, kham nhẫn để hướng dẫn đệ tử thay đổi tâm tính, thuần hoá trong chốn thiền môn.

Ưu bà tắc giới kinh có nói rõ: “Chẳng thà thọ ác giới, trong một ngày giết vô lượng chúng sinh, quyết không nuôi dưỡng đệ tử ác mà mình không thể dạy dỗ. Vì sao? Phạm giới ác, chỉ liên hệ đến thân mình, còn nuôi đệ tử ác mà không dạy dỗ, có thể khiến cho vô lượng chúng sinh làm ác, có thể làm chúng sinh hủy báng vô lượng pháp lành vi diệu, phá hòa hợp tăng, làm cho nhiều chúng sinh phạm tội ngũ nghịch. Do đó, còn ác liệt hơn tội ác luật nghi”. Từ đó cũng cho thấy, sự giáo dục phẩm cách đạo đức của người xuất gia là trách nhiệm trọng đại, gian truân của những người thầy. Trong Yết ma yếu chỉ nói rằng: “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội” [5]. Khi thâu nhận một đệ tử, người thầy phải có trách nhiệm chỉ dạy người đệ tử đó. Nhận đệ tử nhưng không hướng dẫn đệ tử tu học, thực hành đời sống tâm linh hướng đến giải thoát là một tội nặng. Bởi vị đệ tử ấy sau này là sự tiếp nối, kế thừa của mình hoằng bá Phật pháp. Nhưng nếu tri thức và nền tảng đạo đức không có thì quả là một mối nguy hại cho Phật pháp.

Như vậy, về khía cạnh vật chất, người làm thầy phải có khả năng cung cấp các phương tiện sống cho đệ tử theo tiêu chuẩn thiểu dục tri túc của người xuất gia, quan tâm chỗ ăn chỗ ngủ, không gian học tập và sức khỏe cho đệ tử. Nhưng quan trọng hơn cả là những đức tính thuộc khía cạnh về tinh thần. Người thầy phải đủ khả năng hướng dẫn đệ tử hành trì giới luật, học kinh điển, có đủ kinh nghiệm để giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử. Trách nhiệm làm thầy ở đây cũng như trách nhiệm làm cha. Nhưng bổn phận làm cha phần lớn tập trung vào việc nuôi dưỡng lớn sắc thân, còn bổn phận làm thầy là phải nuôi lớn pháp thân của đệ tử, cho nên bổn phận đó còn trọng đại hơn cả người cha nữa.

Tóm lại, vai trò của người thầy hết sức quan trọng và thiêng liêng, mang tính kế thừa, truyền tục cũng như sứ mệnh duy trì mạng mạch Phật pháp. Để phát huy tốt vai trò đó, người thầy trước hết phải ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình để không ngừng trau dồi hiểu biết, tiêu chuẩn và trách nhiệm trong việc tiếp Tăng độ chúng, nuôi dạy chúng điệu. Được như vậy, suối nguồn Phật pháp sẽ mãi tuôn chảy, lan rộng trong nhân gian.

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* ĐĐ. Thích Trung Thiện – Học viên Cao học Phật học khóa V, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ III, Chuyện tiền thân Tipallatthamiga, tr. 88.

[2] “May I have today as many words of counsel from my teachers as there are here grains of sand”, G. P Malalasekera, Dictionary of Pali proper names, VoL.II, Rāhula, tr. 737, according to Anguttaratthakatha volume I.

[3] HT. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Tăng Chi Bộ 4, chương X Mười Pháp IV. Phẩm Upàli và Ànanda, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 337-338.

[4] HT. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, 31. Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 628.

[5] HT. Trí Thủ giảng thuật, Yết ma yếu chỉ – Tư cách làm thầy, Ban Tu thư Phật học Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, tr.82.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin