Chi tiết tin tức

Hạnh phúc trong cuộc sống với triết lý nhà Phật

20:53:00 - 22/03/2022
(PGNĐ) -  Hạnh phúc là gì? Đây có lẽ là câu hỏi vô cùng khó để định tính và định lượng. Ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, định nghĩa về “Hạnh phúc” cũng sẽ từ đó mà dịch đổi.

Thông qua ca dao – tục ngữ, có thể thấy từ thời xa xưa, ông bà ta quan niệm hạnh phúc chỉ đơn giản là một gia đình thuận hoà, biết kính trên nhường dưới:

“Nhà em có vại cà đầy,

Có ao rau muống, có đầy chum tương.

Dù không mỹ vị, cao lương,

Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.

Một nhà vui vẻ êm đềm,

Đói no tùy cảnh, không thèm lụy ai”.

Đến thời kỳ kháng chiến, “Hạnh phúc là đấu tranh” như Karl Marx từng nói. Hay như trong Thi ca từng viết:

“Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt”.

(Bài thơ về Hạnh phúc

– Bùi Minh Quốc)

Khi ấy, hạnh phúc không chỉ đơn thuần là của “Cái tôi” từng người mà trở thành hạnh phúc của “Chúng ta”. Niềm hạnh phúc của hoà bình trở thành ước mơ, hạnh phúc của từng người. Hoặc, như lời bài hát “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng từng viết: “Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp”. Mà cuộc đời vẫn cần những trái tim biết yêu thương. Nói thế để thấy, trong hành trình đi tìm hạnh phúc, mỗi người sẽ có những trải nghiệm và định nghĩa khác nhau. Thế nên, ở đây chúng ta sẽ không xoáy sâu vào việc trả lời câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?”. Thay vào đó, ta sẽ cân nhắc các phương thức giúp thân tâm chạm đến hạnh phúc ngay ở cuộc sống đời thường với các triết lý nơi cửa Phật.

BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC VỚI SỰ HẠNH PHÚC TỰ THÂN

Để bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc, có lẽ chúng ta nên khởi nguồn với một tâm hồn hạnh phúc tự thân. “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy luyện tập tâm từ bi. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy luyện tập tâm từ bi”. Câu nói này của đức Đạt-lai-lạt-ma càng minh chứng cho việc vạn dặm bắt đầu từ một bước chân, con đường đi đến hạnh phúc cơ bản ở chính bản thân mỗi người. Để rồi ta ngộ ra, hạnh phúc không phải ở cuối con đường mà ở ngay mỗi giây phút ta thực sự tỉnh thức. Cũng như không điều gì tự dĩ vốn có mà đều phải trải qua “luyện tập”. “Nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn hảo. Độc dược tham – sân – si luôn tồn tại trong bản thân mỗi người dù ít hay nhiều, vì phàm ở đời và chưa thành chánh quả, đó là điều ta không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân khi trải dài tâm Từ bi, ta thực chất đang tự chữa lành tâm hồn mình. Thế nên việc luyện tâm từ chính là đang mang đến lợi lạc cho bản thân. Hạnh phúc không nằm ở hoàn cảnh biến thiên ngoài kia, hạnh phúc là điều bất biến trong chính tâm khảm mỗi người. Chỉ cần ngồi xuống, hít vào và thở ra trong tĩnh lặng đã là hạnh phúc.

Thế rồi đến một giây phút nào khi đã tỉnh thức, ta cũng chẳng hề câu nệ đi tìm hạnh phúc là gì. Ta chỉ thấy thật phước phần vì những ngày tháng được sống trong an yên bên lời kinh, tiếng kệ.

Ta có thể dối người, dối mình bởi vẻ ngoài bóng bẩy hay lời nói rằng tôi đang hạnh phúc và rất ổn. Tuy nhiên, tâm hồn cùng những điều vốn rất tinh túy từ chính thân thể này lại không biết nói dối và khoa học đã chứng minh điều đó. Năm 1939, kỹ sư người Nga – Valentina Kirlian và vợ tiến hành nghiên cứu việc chữa trị bằng liệu pháp điện. Vô tình họ quan sát thấy có một tia chớp sáng xuất hiện giữa da của bệnh nhân và điện cực của máy. Họ chụp hiện tượng này và thu được trên ảnh một ánh sáng kỳ lạ. Cuối cùng, hai vợ chồng đã tạo ra một phương pháp chụp hình mới cho phép con người ghi lại nguồn năng lượng trong các cơ thể sống, gọi là “hào quang”. Sau đó, hai nhà nghiên cứu người Mỹ là Lynn Schroeder và Sheila Ostrander đã xuất bản một cuốn sách mang tên: “Psychic Discoveries Behind the Iron Curtain”. Trong đó đề cập những lợi ích từ việc chụp ánh hào quang với phương pháp Kirlian. Những màu sắc và cường độ sáng tối của vòng hào quang này có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe, bệnh tật, tâm tư, tình cảm hay phản ánh tư tưởng, ký ức và nguyện vọng mỗi người. Tới năm 1975, nhà khoa học Victor Adamenko đã viết một luận án phân tích hào quang trong các bức hình Kirlian và thu được nhiều kiến thức hấp dẫn. Các thí nghiệm của Adamenko đã cho thấy, sự thay đổi hào quang liên quan tới sức sống của vật thể. Điển hình là khi dùng phương pháp Kirlian để chụp hai lá cây khác nhau, một lá đang ở trên cây và một lá vừa được ngắt ra khỏi cành. Ánh sáng phát ra từ lá đã lìa cành yếu ớt hơn nhiều so với lá đang nằm trên cây. Một thời gian sau, lá lìa cành càng khô thì hào quang từ nó cũng biến mất [1].

Có thể nói, với các giác quan hữu hạn, con người nhìn nhau qua thị giác, lắng nghe qua thính giác. Nhưng song song đó vẫn tồn tại nhiều cách nhìn khác nhau, vi tế và chân thật hơn rất nhiều. Tâm hồn không biết nói dối. Thực nghiệm khoa học đã chứng minh bản thân mỗi sinh vật và ngay cả những vật vô tri vô giác đã là ánh sáng. Vậy làm thế nào để ta luôn giữ được cho mình ánh sáng của hạnh phúc, an lạc và tràn đầy yêu thương. Từ bi và luyện tập để nuôi dưỡng trái tim Từ bi – đó chính là câu trả lời. Hãy luôn là nguồn ánh sáng chói ngời để sưởi ấm chính bản thân, giúp bước chân ta luôn vững vàng trên hành trình sinh sống, học tập và tu sửa. Phật giáo luôn có các phương pháp hỗ trợ những bản thể sẵn sàng quay về nương tựa dưới ánh đạo vàng như: Thiền định, đọc kinh, trì chú… mà ai cũng dễ dàng thực hiện được trong cuộc sống hằng ngày.

Hay như Bát Nhã Tâm Kinh từng dạy:

Từ nhãn đến ý thức

Không hề có vô minh

Không có hết vô minh

Cho đến không lão tử

Cũng không hết lão tử

Không khổ, tập, diệt, đạo

Không trí cũng không đắc

Vì không có sở đắc

Khi một vị Bồ tát

Nương Diệu Pháp Trí Ðộ.

(Bát Nhã Ba La Mật)

Thì tâm không chướng ngại

Vì tâm không chướng ngại

Nên không có sợ hãi

Xa lìa mọi vọng tưởng

Xa lìa mọi điên đảo

Ðạt Niết bàn tuyệt đối.

(Bản phổ thơ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh của cố Hòa thượng Thích Nhất Hạnh)

Việc điều ngự được cái tâm đầy chướng ngại của bản thân đã là hạnh phúc ở đời này. Cũng như có học Phật mới hiểu: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” [2]. Nói rằng bản thân mỗi người đều có tính xấu cũng đúng, mà mỗi người là hoa sen thuần khiết với cái tâm trong sáng không vấy bùn nhơ cũng không sai.

LAN TỎA SỰ HẠNH PHÚC CỦA BẢN THÂN BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP ĐẦY TỪ BI

Sau khi đã căn bản hiểu và lắng yên được cái tâm dễ xao động với những điều nhỏ nhặt và thường tình để chính bản thân hít thở bầu không khí hạnh phúc do mình tạo nên, bước kế tiếp ta nên mở rộng hơn nữa trái tim yêu thương đến với tha nhân. Không ai tồn tại được khi đứng riêng rẽ và khi sinh ra, ta đã mang ơn quá nhiều cuộc đời này. Ta nợ mẹ thiên nhiên nơi mà ta ở, thực phẩm ta dùng, nước ta uống, không khí ta thở. Ta nợ tổ tiên, ông bà, cha mẹ sự yêu thương vô bờ bến cũng như sự sống mà ta đang có. Ta luôn nợ rất nhiều từ cuộc sống vì bản ngã ích kỷ luôn cho rằng đó là điều hiển nhiên có được. Rồi bản ngã ấy lại lập luận: “Ta không giàu thì lấy gì để cho đi”. Người đời cũng thường hay dè bỉu: thân mình lo chưa xong lại đi lo chuyện bao đồng. Nhưng tất cả cũng chỉ là cái cớ để bao che cho sự vị kỷ của bản thân, vì ta luôn có dư thừa để cho đi nếu ta muốn.

Theo thống kê của đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, đến ngày 16/02/2022 tổng số đơn đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời đơn vị tiếp nhận được đã vượt qua con số 24033. “Trong muôn vàn bông hoa, lương thiện là bông hoa đẹp nhất. Trong muôn vàn món quà, thương nhau là quý giá nhất”. Quý hơn nữa là tình yêu thương này còn vượt qua cả giới hạn của sự phân biệt thân sơ để có thể cho đi những bộ phận cơ thể mình đến những người chưa từng quen biết khi đăng ký hiến mô tạng. Thật vô cùng xứng đáng để tôn vinh, vì không phải ai cũng sẵn sàng cho đi những thứ ấy. Điều đó cũng dễ hiểu, vì tập tục khiến chúng ta tin rằng người mất đi phải mồ yên mả đẹp, thân xác phải được tươm tất và vẹn toàn.

Thế nhưng, khi nghe những lời nói từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta thực sự thấy điều đó chẳng còn quan trọng nữa. “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao? Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các Sư chú và các Sư cô đều có Thầy, trong các vị Cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy! Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy”.

Giá trị thực sự của một con người đâu nằm ở thân xác phàm phu này. Có chăng, đấy chỉ là công cụ để chúng ta tận dụng mà tu sửa cái tâm bên trong, thông qua các hoạt động hướng về tâm linh. Cũng như việc tình nguyện và hoan hỷ đăng ký hiến mô tạng khi còn sống, để khi mất đi, những bộ phận ấy được đến nhanh nhất với người cần là một minh chứng hùng hồn cho việc bạn đã đủ hạnh phúc, tỉnh thức và từ bi ở ngay chính cuộc sống thường nhật của mình.

Theo thống kê của đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, đến ngày 16/02/2022 tổng số đơn đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời đơn vị tiếp nhận được đã vượt qua con số 24033.

Và chúng ta đừng suy nghĩ mình không có gia tài để cho đi khi còn sống. Theo thống kê của Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP. Hồ Chí Minh, có những người tình nguyện hiến máu đến hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Đó chẳng phải là gia tài vô cùng quý giá hay sao?! Những giọt máu ấy đã mang lại sự sống cho biết bao con người. Còn ta, vẫn cảm thấy tràn trề hạnh phúc dù chẳng được người nhận cảm ơn hay thậm chí cũng chẳng cần ai biết đến việc tốt của mình mà ca xướng. Hoá ra, việc sống và làm theo những giáo lý nhà Phật chẳng phải khó khăn gì cho kham. Vì Đạo Phật là đạo của tình thương, mà tình thương căn bản luôn ở trong mỗi trái tim con người chúng ta.

“Lấy từ bi, lấy ôn hòa

Thắng cơn nóng giận bùng ra thét gầm

Lấy hiền lành, lấy thiện tâm

Thắng lòng hung ác bất nhân khó lường

Lấy tâm bố thí cúng dường

Thắng hàng keo kiệt, thắng phường tham lam

Lấy chân thật để đập tan

Những trò hư ngụy, dối gian ở đời”.

(Kinh Pháp Cú 223)

Cái tâm Bố thí ấy còn có thể là những hành động như: Bố thí ái ngữ, nụ cười, sự quan tâm, trí tuệ… Thế nên, việc phát tâm từ bi để cho đi được xuất phát từ cái tâm vốn hạnh phúc của mỗi cá nhân thì sẽ luôn có cách để mang hạnh phúc đến cho mọi người.

HẠNH PHÚC CHÂN THẬT LÀ SỰ BIẾT ĐỦ, SỐNG AN LẠC VÀ TỈNH THỨC TRONG TỪNG PHÚT GIÂY

Một lần, Đức Phật hỏi một vị Tỳ-kheo đã từng chơi đàn trước khi ông xuất gia:

“Dây đàn mà chùng quá, có đàn ra tiếng không?

Thưa không.

Nếu dây quá căng thì sao?

Thưa, dây bị đứt.

Nếu lên dây đàn vừa phải thì sao?

Thưa, có thể đàn lên những nốt nhạc tuyệt vời”!

Sống ở đời cũng vậy, luôn tham lam, mải mê vật chất cũng chỉ khiến thân tâm thêm áp lực và khổ sở. Cũng như người chỉ biết so đo, luôn thấy mình thiếu thốn hơn người khác nên lúc nào cũng muốn có thêm mà không muốn lao động, rồi lại thấy mình phần số thiệt thòi không may, từ đó sinh tâm ganh đua, tị nạnh cũng chẳng thể nào có được sự an yên. Kinh Pháp Cú số 249 đã chỉ dạy rõ điều này:

“Do lòng tin, bởi niềm vui

Người người bố thí, nơi nơi cúng dường

Kẻ mà tâm xấu buông lung

Thấy ai được hưởng, trong lòng ghét ganh

Ngày đêm sẽ mãi quẩn quanh

Không hề an tịnh tâm mình được lâu”.

Hạnh phúc thực sự là khi tâm ta đã quy về Từ – bi – hỷ – xả, để ta được sống ngay chính cuộc sống này ở mỗi giây phút còn tồn tại. Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Ðức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức “Bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Chúng ta đều biết viết thì ngắn, nói thì dễ nhưng để thực hành được bốn tâm này có khi phải trả bằng cả sự tu tập một đời người. Vậy nên, khi cuộc sống đã quá hữu hạn, chúng ta hãy thôi sống quẩn quanh trong vòng ích kỷ, tham ái. Chính chúng ta là người nắm giữ chiếc chìa khoá để mở hòm báu vật hạnh phúc bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng là ta có tin ta thực sự đang hạnh phúc dù trong hoàn cảnh nào hay không.

Thế rồi, đến một giây phút nào đó khi đã tỉnh thức, ta cũng chẳng hề câu nệ đi tìm hạnh phúc là gì. Ta chỉ thấy thật phước phần vì những ngày tháng được sống trong an yên bên lời kinh, tiếng kệ. Ta thấy ta cùng những sự lắng sâu trong những thời thiền định, trong từng bước đi, từng hơi thở. Ấy vậy đã là hạnh phúc, và rồi ta biết ơn vô cùng vì đời này, kiếp này lối ta đi được soi sáng dưới ánh đạo vàng của Đấng Từ Tôn.

 

Hoàng Hữu Công/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 385

 

Chú thích:

[1] https://khoahoc.tv/giai-ma-phuong-phap-chup-anh-linh-hon-con-nguoi-54418.

[2] Trích bản tụng Hán Việt Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin