Chi tiết tin tức

Làm thế nào để thân tâm được an lạc?

21:10:00 - 19/08/2014
(PGNĐ) -  (Buổi nói chuyện tại CLB 4T Viện Y Dược học Dân tộc ngày 9-8-2014) BS Đỗ Hồng Ngọc Người ta ai cũng mong cho “thân tâm thường an lạc”, tức thân thì luôn luôn (thường) AN còn tâm thì luôn luôn LẠC! Mà ta biết thân thì bất tịnh, tâm thì vô thường… nên rất khó mà an lạc được. Tuy vậy, cũng có thể đạt đến một mức nào đó nếu biết cách.

Một nhà báo phỏng vấn cụ già trên 100 tuổi bí quyết sống trường thọ mà vui khỏe, cụ nói có bí quyết gì đâu, chẳng qua sáng nào thức dậy tôi cũng tự hỏi mình hôm nay mình nên sống ở “thiên đàng” hay ở “địa ngục”? Rồi lưỡng lự một chút, tôi chọn “thiên đàng”!

blank

 

Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thân và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”. Như vậy để “thân tâm thường an lạc” rõ ràng phải gồm cả 3 yếu tố: thể chất (physical), tâm thần (mental) và xã hội (social). Thân an lạc tức thể chất (physical) an và lạc. An và lạc đây hiểu là một trạng thái well-being. Ta biết thân là do “tứ đại” đất nước gió lửa hợp thành, sự hòa hợp của tứ đại là điều kiện để thân được an lạc. Cơ thể ta có hơn chục ngàn tỷ tế bào hình thành, luôn luôn biến dịch. Các chất liệu trong cơ thể tương tác, tương ứng với nhau nếu điều hòa thì sẽ “an lạc”, còn không thì ta mắc bệnh.
 
Còn tâm an lạc là cái “mental well-being” trong định nghĩa nói trên. Tâm vốn nhảy nhót như khỉ như ngựa (tâm viên ý mã), không lúc nào dừng lại để được yên nên khó mà an lạc! Hai ngàn sáu trăm năm trước, đệ tử đã hỏi Đức Phật “Làm sao để an trụ tâm? Làm sao để hàng phục tâm?” (kinh Kim Cang), Phật bảo “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nghĩa là đừng có “trụ” vào đâu cả để mà sinh cái tâm! Nhưng “bất thủ ư tướng như như bất động” là rất khó. Chỉ có thể thấy biết khi ta hiểu được Vô thường, Khổ, Vô ngã, Không, Duyên sinh… và điều này có thể thực hiện từng bước trong Thiền định. Nhưng không dễ vì ta sống trong một xã hội quay cuồng, điên đảo mộng tưởng, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, tràn ngập thông tin… nên tâm càng bất an.

 

 

 
An lạc về mặt xã hội càng quan trọng. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ giữa chòm xóm và rộng ra trong cộng đồng… giúp ta có một đời sống hạnh phúc. Một thì dụ: mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân cũng góp phần làm cho bệnh tật tăng hay giảm! Yếu tố xã hội phải được quan tâm nhiều hơn vì chính nó tạo ra môi trường sống của ta. Bây giờ ra đường kẹt xe, khói bụi mù trời, đi bộ trên lề đường cũng cảm thấy bất an… Bhutan, một xứ nhỏ ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn đã có một chính sách bảo vệ môi trường thật tốt để mang lại hạnh phúc cho người dân. Cả môi trường thiên nhiên và môi trường xã hôi. Họ không đo đạc sự phát triển kinh tế bằng GNP như các quốc gia khác mà đo bằng Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH = Gross National Happiness).

 

Điều quan trọng để được an lạc thân tâm chính là yếu tố bên trong của mỗi chúng ta. Xã hôi ngày nay bệnh hoạn nhiều là do Stress, sự căng thẳng, mất quân bình trong lối sống, do môi trường sống, do thực phẩm… Stress là một phản ứng sinh học, giúp con người thoát hiểm trước thú dữ, hòn tên mũi đạn ngày xa xưa. Thế nhưng trong thời buổi hiện đại, stress chính là sự căng thẳng trong đời sống, khiến cơ thể lúc nào cũng căng cứng, phòng vệ, không thư giãn được trong một thế giới vật chất đua đòi, đấu đá tranh giành nên tình trạng stress đã âm thầm dẫn tới những tác hại đến thân tâm. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy từ 60-90% các trường hợp bệnh đến bác sĩ là do có nguồn gốc sâu xa từ stress. Bác sĩ có thể chữa được cái đau trước mắt nhưng cái khổ chập chùng đằng sau thì bác sĩ không quan tâm. Mà con người thì đau và khổ luôn gắn với nhau, cái này sinh cái kia và ngược lại. Nhờ những tiến bộ “vật chất” mà nay ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, có thể “cân đẩu vân” tứ phương và có đủ 72 phép thần thông chỉ trên một bàn tay với vài cái nút bấm… Vấn đề là ở con người, nhận thức nó ra sao, “thấy biết” (tri kiến) nó ra sao để có thể hạnh phúc.“Biết tự tại để sống hạnh phúc”. Tự tại là sự tự do bên trong, quay về bên trong, nương tựa chính mình, bởi « bác sĩ tốt nhất là chính mình ». Kiên trì, nhẫn nại để rèn tập. Vượt thoát những ràng buộc, dính mắc.
 
Có một lời khuyên của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) nên theo, đó là SAFE, chữ viết tắt của các biện pháp giúp tránh bệnh tật hoặc làm giảm bệnh tật:

 

Smoking (không hút thuốc lá),
Alcohol (không uống rượu),
Food (dinh dưỡng đúng cách),
Exercise (rèn luyện thể lực).
Sau này tôi thêm chữ R thành SAFER, nghĩa là an toàn hơn:
Chữ R đó là Respiration (thở đúng phương pháp, tức Thở bụng).

 

Tuệ Tĩnh, thầy thuốc, thiền sư thế kỷ XIV nước ta cũng đã khuyên:

 

Bế tinh dưỡng khí tồn thần 
Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình

 

Phật hoàng Trần Nhân Tông thì khuyên:

 

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên 
Cơ tắc xan hề không tắc miên 
Gia tung hữu bảo hưu tầm mích 
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

 

 

Bác sĩ tốt nhất là chính mình. Đúng vậy!
Biết sống “từ bi hỷ xả” và trước hết hãy từ bi hỷ xả với chính mình.

 

ĐHN

(Ghi chú: Theo yêu cầu của BTC, tôi phải “nộp” trước bài này để các hội viên CLB 4T gồm các bệnh nhân mang bệnh mạn tính và ung thư tham khảo. Khi trình bày, tôi nói: Vì tài liệu đã gởi trước đến qúy vị, cho phép tôi được trình bày những gì không có trong tài liệu này…! Nhờ vậy, buổi nói chuyện đã sôi nổi và hào hứng với những thí dụ cụ thể trong đời sống thường ngày…)

 
Nguồn: PGVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin