Chi tiết tin tức

Sáu pháp hòa kính – Nếp sống đẹp trong Tăng đoàn

18:55:00 - 04/05/2023
(PGNĐ) -  Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, “Lục hòa kính còn gọi là Lục ủy lạo Pháp, lục khả hỷ Pháp, lục hòa, hành hòa kính, sự hòa kính, thí hòa kính. Sáu thứ hòa đồng, kính ái tức sáu việc mà những người cầu Bồ đề, tu phạm hạnh phải thương yêu, kính trọng lẫn nhau; cũng tức là sáu thứ hòa đồng, kính ái giữa Bồ tát và chúng sanh của Phật giáo Đại Thừa” [2].

Xưa ông cha ta thường dạy cho hậu thế “dĩ hòa vi quý” – lấy hòa thuận làm quý báu. Câu châm ngôn tuy chỉ có bốn chữ vô cùng giản dị thôi, thế nhưng lại có một công năng khiến những người thực hành có ích lợi vô vàn. Đồng thời, chỉ có những người thực hành và thực chứng mới thấy được tầm vóc quan trọng cùng lợi ích hữu hiệu của nó. Nếu mỗi người đều lấy đó làm phương châm cho cuộc sống thực tại, thì từ việc nhỏ đến việc lớn tất cả đều thành tựu tốt đẹp và rất dễ dàng. Pháp thế gian đã cao quý hữu dụng đến thế thì sáu pháp hòa kính trong nhà Phật lại càng cao quý hơn. Sự hòa hợp trong Tăng đoàn mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả hơn, vượt lên pháp thế gian như dòng suối mát gột rửa cho chư Thiên và loài người. “Này các Tỳ kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng”[1].

SÁU PHÁP HOÀ KÍNH LÀ GÌ?

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, “Lục hòa kính còn gọi là Lục ủy lạo Pháp, lục khả hỷ Pháp, lục hòa, hành hòa kính, sự hòa kính, thí hòa kính. Sáu thứ hòa đồng, kính ái tức sáu việc mà những người cầu Bồ đề, tu phạm hạnh phải thương yêu, kính trọng lẫn nhau; cũng tức là sáu thứ hòa đồng, kính ái giữa Bồ tát và chúng sanh của Phật giáo Đại Thừa” [2]. Đó là: Thân hòa đồng trú, Khẩu hòa vô tránh, Ý hòa đồng duyệt, Lợi hòa đồng quân, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải. Sáu pháp hòa kính trên là nền tảng căn bản, nếp sống đẹp cho cộng đồng tu sĩ sống hòa hợp, hòa kính, nhu hòa và an lạc. Bên ngoài đối với điều lành của người thì hòa thuận, đồng lòng, bề trong thì tự mình khiêm nhượng ấy là kính. Chính hai yếu tố hòa kính đã toát lên vẻ đẹp đời sống Tăng đoàn – thanh tịnh và hòa hợp trên thế gian này.

THÂN HOÀ ĐỒNG TRÚ

Nói trên phương diện sinh hoạt hàng ngày trong một tổ chức, một cộng đồng, chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, phải có sự nương tựa, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là tinh thần hòa thuận trong một môi trường sống. Thân hòa là biểu hiện lối sống, oai nghi, đức hạnh của một tập thể, hội chúng. Mọi người có thể từ muôn phương tứ xứ, người đến từ “vùng đất mặn đồng chua”, người về từ vùng quê “đất cày lên sỏi đá” nhưng một khi đã quy tụ về hội chúng của đức đạo sư thì mọi điều đó đều được bỏ bên ngoài cánh cửa của “thân hòa”. Cành vàng lá ngọc như hoàng tử, công chúa, vương giả cho đến thần dân, nô lệ, tất cả thân thế gian quy ước ấy đều được hòa tan, hòa hợp trong biển pháp từ thân hòa cả thảy. 

Nhớ thuở xưa, làn sóng ngự trị của tư tưởng Bà-la-môn và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội khắc nghiệt khiến con người giai cấp thấp rơi vào cảnh thống khổ lầm than, không biết kêu cầu từ ai. Đạo Phật ra đời như là ngọn cờ tiên phong trong phong trào đòi tự do tư tưởng và bình đẳng xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Con người lúc đó được tự do gia nhập vào Tăng đoàn với ý muốn tìm cầu đời sống an lạc, thảnh thơi. Hội chúng của Đức Phật không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, chủng tộc nào, miễn ai có tâm hướng thượng thì đều được thu nạp. Đến như kẻ tiện dân như ông Ưu Ba Ly sau khi Đức Phật độ cho xuất gia, nhờ nỗ lực tu tập cũng chứng được đạo quả, mà trở thành bậc “Trì luật đệ nhất” là một trong mười đại đệ tử của Phật. Hay như tướng cướp Angulimala cũng được Phật thuần hóa trở thành vị Tỳ kheo tu tập tinh cần trong Tăng đoàn, cho đến dâm nữ Ambapali – người phụ nữ lạc bước giang hồ, cũng được Phật hóa độ xuất gia. Vậy thì, đẳng cấp xã hội hay thân thế uy quyền đều được vứt bỏ bên ngoài khi bước vào ngôi nhà chung Phật pháp. Nơi đó, không có sự sai biệt về thân mà cùng hòa hợp, cùng sống chung và cùng tu tập với nhau. 

Trong việc thiết lập tương quan với mọi người, lời nói là “sợi dây” quan trọng để kết nối giữa người này với người kia, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Cũng chính từ khẩu hòa mà ta gắn kết được nhiều người lại gần nhau hơn và chia sẻ đồng cảm hơn.

KHẨU HOÀ VÔ TRÁNH

Tức là giọng điệu từ ái của khẩu được phát ra thành âm thanh hòa nhã, ái ngữ không tranh cãi hơn thua, chỉ trích đâm thọc. Nếu có điều gì chưa thông hiểu, thắc mắc, nghi ngờ thì cùng nhau phân tích, hòa giải mà không để xảy ra chiến tranh binh khí miệng lưỡi. Nếu sự việc tranh cãi có xảy ra thì hãy cùng ngồi lại lắng nghe những khó khăn của nhau nhiều hơn là bàn tán. Trong việc thiết lập tương quan với mọi người, lời nói là “sợi dây” quan trọng để kết nối giữa người này với người kia, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Cũng chính từ khẩu hòa mà ta gắn kết được nhiều người lại gần nhau hơn và chia sẻ đồng cảm hơn. 

Một biểu hiện khác của khẩu hòa vô tránh là không nói xấu sau lưng người khác. Nói xấu người khác là một việc làm không tốt, nếu nghe được người đó sẽ rất giận và dẫn đến mất hòa khí, mất đoàn kết. Mối tương quan hòa hợp vì thế cũng không còn. Nói xấu sau lưng thường có hai trường hợp: ác ý và không ác ý. Là người nói xấu sau lưng với ác tâm hạ nhục người kia, hạ uy tín người kia. Trường hợp còn lại, không có ác ý nhưng do vô tình bằng câu nói đùa cũng khiến cho người nghe đánh giá thấp về người được nói đến. Cho nên, dù có ác ý hay không ác ý, chúng ta cũng không nên nói xấu sau lưng người khác. Khi nghe được, họ sẽ buồn và mối tương quan giữa chúng ta với họ không còn tốt đẹp nữa. Thà rằng, chúng ta cứ thẳng thắn nói chuyện cùng nhau, nếu có điều gì góp ý thì cùng nhau bày tỏ còn không thì im lặng theo tinh thần nhà Phật.

  “Cho con biết im lặng

        Không nói lỗi của người

Chỉ lặng lẽ dùng lời

     Cầu cho người hết lỗi”.

Ý HOÀ ĐỒNG DUYỆT

Đứng trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn ngược lại thì cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận. Cùng nhau cư xử với thái độ hòa nhã, tâm ý vui vẻ hòa hiệp. Muốn được tâm ý hòa hiệp, chúng ta phải tu hạnh vô ngã đó là không thấy ý kiến ta là quan trọng, ý kiến của ta là đúng nhất mà phải biết khiêm tốn đặt mình vào vị trí của người khác. Như chư Tỳ kheo thời Phật còn tại thế đã sống như vậy: “Bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: Ta hãy từ bỏ tâm của ta để sống theo tâm của tôn giả này. Và con đã từ bỏ tâm của con để sống theo tâm của tôn giả ấy. Chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm. Nhờ vậy, chúng con sống hòa hợp với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với con mắt lành, thiện cảm” [3].

Sự hòa hợp trong Tăng đoàn mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả hơn, vượt lên pháp thế gian như dòng suối mát gột rửa cho chư Thiên và loài người. “Này các Tỳ kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng”.

Nói từ bỏ tâm của mình để sống theo tâm của người khác không phải là ai nói sao mình nghe vậy, hay ai làm gì mình làm theo đó. Mà là sự vất bỏ đi cái bản ngã của chính mình, bỏ đi sự tự đại, thói quen, tập khí, tình cảm, quan niệm cá tính riêng tư của mình để hòa vào tâm ý chung của tập thể. Nơi đó, mọi người hòa vào nhau và bỏ đi tự tôn của bản thân, mà biết lắng nghe, chấp nhận ý kiến, tâm tư để đưa đến sự hợp nhất về mặt tư tưởng.

LỢI HOÀ ĐỒNG QUÂN

Khi bàn đến thanh danh và lợi dưỡng dễ khiến cho nhiều đoàn thể hoặc cá nhân nào đó xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Nếu không phải tinh thần thanh tịnh và hòa hợp của Tăng đoàn thì hội chúng dễ xảy ra xích mích và bất hòa. Nên một khi đã hoà như nước với sữa, như anh em trong đại gia đình thì đều được yêu thương, chia sẻ đồng đều không vì tình riêng thân sơ mà kẻ ít người nhiều, kẻ tốt người xấu. Giữ được tinh thần như vậy, dù hội chúng trăm ngàn vạn người vẫn cùng hoà hợp với nhau như trăm con sông đổ về biển cả.

Đối với vật chất thuộc tứ sự, tức vật thực, thuốc men, y áo, chỗ ngủ nghỉ đều được nhận đúng pháp và hợp pháp. Tất cả đều được chia đồng đều không phân biệt và xóa đi sự bất bình đẳng về lợi dưỡng. Vì thời đó, Tăng đoàn hội đủ thành phần, giai cấp trong xã hội. Có chư vị xuất thân từ vua chúa, quý tộc, tướng lãnh, trí thức; còn kẻ xuất thân từ tướng cướp, cùng đinh, nô lệ,… Họ tình nguyện sống đời an bần thủ đạo và không dính mắc tư hữu hay có thể nói là không bị tài sản vật chất chi phối. Do đó, tam y nhất bát là tài sản duy nhất cho một vị Tỳ kheo khi lên đường. Đấy là hình ảnh đẹp, là tấm gương sáng cho những ai bước đi trên con đường ly dục, tìm cầu an lạc.

GIỚI HOÀ ĐỒNG TU

Đóng góp cho sự hòa hợp và thanh tịnh trong đời sống Tăng đoàn còn có giới hòa, vì giới luật là nền tảng của Phật giáo là cốt lõi của Tăng đoàn nên rất quan trọng. Ai cũng có bổn phận về chính giới hạnh của mình, ai cũng hướng đến sự an lạc, thanh tịnh và giải thoát cho mình và người. Giới hòa đồng tu dù chia ra nhiều cấp bậc phẩm hạnh khác nhau nhưng vẫn không có ranh giới của người nói và người nghe; không khoảng cách của người trên và người dưới. Ở đây không có sự dòm ngó, chỉ trích, phê phán nhau mà nâng đỡ lẫn nhau. Người nào đều có phận sự nấy. Người nhiều giới quan tâm nhắc nhở người ít giới; người ít giới vâng lời cung kính người nhiều giới. Tất cả tạo nên không khí hài hòa, ấm cúng đạo vị; đưa đến sự tương ái, tương kính, nhất trí không xung đột và tranh cãi.

KIẾN HOÀ ĐỒNG GIẢI

Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ kheo! Trong sáu pháp cần nhiếp tất cả, phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc bậc thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau. Này các Tỳ kheo! Ví như một căn nhà có mái nhọn như ngọn tháp, có một bộ phận tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là mái nhọn”.

Tri kiến hay gọi tắt là kiến tức là chánh tri kiến – thấy biết như thật bản chất của các pháp; một sự thấy biết chơn chánh, trọn vẹn không qua cảm xúc phù du cùng tri giác bọt bèo, chủ quan, phiến diện. Như vậy, một vị Tỳ khưu sống trong Tăng đoàn, nếu thấy thành tựu được sự hiểu biết chơn thật thì phải biết san sẻ, minh giải cho các bạn đồng tu để họ cùng hiểu đúng như thật với mình. Không thể nào đưa đến sự hòa hợp được khi những kiến giải về giáo pháp bất đồng, sai lệch nhau cả từ nguyên lẫn ngữ nghĩa. Khi mà những thấy biết về giáo pháp rơi vào các quan niệm, quan điểm cá nhân thì hội chúng đó sẽ dẫn đến sự tranh luận, tranh chấp bất hòa, phân phái rồi tan rã. Cho nên, kiến hòa là cốt lõi là tinh túy, là mái nhọn của căn nhà thâu nhiếp những phần còn lại. 

TÌNH THƯƠNG LÀ GỐC CỦA SỰ HOÀ HỢP

Sức mạnh của tổ chức mà không có tình thương, không có sự trung thành, yêu thương, yếu tố đạo đức làm nền tảng thì không dễ dàng gì mà bền vững lâu dài được. Muốn sức mạnh của một đoàn thể được vững chắc, chính yếu tố tình thương là mấu chốt của sự hòa hợp. Ta đã từng thấy diệu dụng của tình thương làm nên nhiều điều kỳ diệu. Ranh giới của kẻ trên người dưới, của đẳng cấp phân biệt xã hội được xóa nhòa bởi tình thương đủ lớn; cảm hóa quy phục lòng người cũng nhờ tình thương bao dung; tạo nên sức mạnh của một đoàn thể cũng lấy tình thương làm then chốt. Tình thương không theo bất cứ lề lối nào mà nó uyển chuyển thích nghi tùy hoàn cảnh, con người. Có những trường hợp đặc biệt chúng ta không thể xử lý đồng đều được. Bởi vậy, mọi khía cạnh khác của lục hòa đều cần cái gốc của tình thương.

SÁU PHÁP HOÀ KÍNH LÀM NÊN SỨC MẠNH CỦA TĂNG ĐOÀN

Sáu pháp hòa kính nói gọn lại là biểu hiện của hai phạm trù: tự thân và cộng đồng. “Thân hòa đồng trụ”, “Khẩu hòa vô tránh”, “Ý hòa đồng duyệt” là ba pháp biểu hiện sự kiểm soát nội tại của tự thân, làm nguyên tắc cho tư tưởng và hành vi trong đời sống cá nhân. Mỗi người luôn tự thân kiểm soát thân, khẩu ý của chính mình để hòa vào thân, khẩu ý của huynh đệ. Mà không thấy có sự ngăn cách bởi màu da, giọng nói, ngôn ngữ, sắc tộc,… “Kiến hòa đồng giải”, “Giới hòa đồng tu”, “Lợi hòa đồng quân” là sự tuân thủ về phép tắc xử sự trong cộng đồng, về vật dụng ăn, mặc, ngủ, nghỉ trong Tăng đoàn. Hai phạm trù này được thực thi triệt để chính là tạo nên sức mạnh trong Tăng đoàn. 

Sức mạnh đó là bỏ qua mọi sự khác biệt để hướng đến cái tương đồng. Nếu chúng ta tự tạo ra sự khác biệt cho chính mình hay ranh giới cho tự thân thì người với người không tìm ra được điểm tương đồng nào. Hoặc cố tìm sự khác biệt, chúng ta sẽ thấy giữa người với người sống với nhau đầy rẫy sự khác biệt. Trước hết là sự khác biệt về ngoại hình: người cao người thấp, người mập người ốm, người có khuôn mặt đẹp người trông lại khó coi,… Hay như giọng nói, mỗi địa phương sẽ có một chất giọng riêng biệt, có vùng nói giọng rất dễ nghe, có nơi giọng đậm chất hơn. Từ đó, dựa vào giọng nói người ta sẽ có cảm tình với người này, người kia.

Tuy rằng có nhiều sự khác biệt nhau như vậy, nhưng nếu chúng ta vẫn cố gắng tìm kiếm sự tương đồng sẽ thấy con người đâu có sự khác biệt mà còn vô số điều tương đồng. Sự tương đồng lớn nhất đó là nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ. Máu là biểu trưng cho sự sống. Trên đời này, ai cũng quý sự sống và nơi sự sống đáng quý này tất cả mọi người đều bình đẳng, không có sự hơn kém. Không phải vì người này giàu người kia nghèo mà sự sống này quý hơn người kia. Nước mắt tượng trưng cho sự đau khổ. Ai trong cuộc đời này cũng phải trải qua sanh già bệnh chết, phải chia ly với người thân yêu, phải gặp mặt những người mình ghét. Nghĩa là những đau khổ trong cuộc đời này rất giống nhau, những giọt nước mắt chảy ra từ cuộc đời cũng rất đồng nhau. Đó là điểm tương đồng trước hết mà chúng ta cần nên ghi nhận để thương yêu, hòa hợp với nhau trong cuộc sống.

Tiếp đến là lý tưởng tu hành nên tất cả mới quy tụ trong ngôi nhà Phật pháp, cùng ngồi chung một thiền đường, miệng đồng vang câu niệm Phật, cùng sống chung bầu không khí thanh tịnh của Phật đường. Như trăm con sông chảy vào biển cả, như nước hòa vào với sữa thì làm gì có sự tách biệt ra được. Chính những điểm tương đồng như vậy, mà không một thế lực nào, những quan điểm dị lập của cá nhân nào có thể phá vỡ tinh thần hòa hợp và thanh tịnh của đệ tử Phật. Mà những người đồng chung lý tưởng lại cùng tìm đến hòa hợp với nhau hơn. “Này các Tỳ kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa” [4].

Lần nữa, sáu pháp hòa kính không chỉ làm cho hội chúng được hạnh phúc, an lạc hiện đời và mai sau mà chư Thiên và loài người cũng tăng phần lợi ích và an vui. 

Hạnh phúc là chúng Tăng,

Ðược sống trong hòa hợp,

Giúp đỡ, ưa hòa hợp,

Thích hòa hợp, trú pháp

Không rơi rớt, vượt khỏi,

An ổn khỏi khổ ách,

Kẻ tạo được hòa hợp,

Giữa Tăng chúng Tỳ kheo,

Trọn kiếp được an vui,

Trong cảnh giới chư Thiên [5].

Diệu dụng của sáu pháp hòa kính không chỉ có tác dụng trong cộng đồng tu sĩ mà bất kì một tổ chức nào đều có thể áp dụng. Nếu biết đưa lục hòa vào trong cuộc sống gia đình, thì cha mẹ sẽ thấu hiểu lắng nghe con cái, ngược lại, con cái luôn kính mến cha mẹ thì mái nhà sẽ ấm êm, hạnh phúc hơn. Nếu áp dụng trong đời sống tập thể, tổ chức thì tổ chức ấy sẽ thêm lớn mạnh, hưng thịnh và đoàn kết. Rộng hơn nữa là áp dụng vào một đất nước, thì dân tộc ấy sẽ được giàu mạnh, văn minh và tiến bộ. Đó chính là công năng và tác dụng của sáu pháp hòa kính. 

 

Nguyệt Đông/TCVHPG408

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp, tr.308

[2] Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang.

[3] Hòa thượng Thích Minh Châu (2020), Kinh Trung bộ, Tiểu kinh Rừng sừng bò, tr.230.

[4] ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp, tr.308.

[5] ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp, tr.308.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin