Chi tiết tin tức Tôi đã “giác ngộ” đạo Phật như thế nào? 09:19:00 - 20/06/2015
(PGNĐ) - Thiếu thành thật, phản lại sự thật thì mọi giá trị đều sụp đổ kể cả những gì gọi là linh thiêng nhất trên cõi nhân gian này…
Năm 1950, gia đình tôi ở miền Bắc chỉ thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ chỉ dành cúng ông nội, ông cố. Bà nội tôi vốn theo Tứ phủ, tức đạo Mẫu. Thế nhưng có lẽ để cầu phúc, thỉnh thoảng bà nội bảo cả nhà cùng tụng kinh A Di Đà. Như vậy gia đình tôi đã có dịp gieo duyên với Phật pháp từ khá lâu. Nhưng chị Hai tôi bảo rằng dù có ngồi tụng kinh, gõ mõ cũng chỉ mong bà nội cho oản, cho chuối chứ thật tình chị cũng chẳng hiểu kinh A Di Đà nói gì. Cũng lạ, trong chương trình tiểu học bấy giờ, dù môn lịch sử được giảng dạy nhưng dường như không môn nào nói đến lịch sử các tôn giáo có mặt tại Việt Nam, nhất là Phật giáo vốn đã hiện diện trên đất nước này ngót hơn 1.500 năm với một quá khứ khá huy hoàng. Năm 1954, khi đất nước tạm chia đôi bởi vĩ tuyến 17, gia đình tôi di cư vào Nam. Sau vài năm thì cuộc sống cũng tạm ổn. Từ một người không biết thần thánh là gì - mẹ tôi - không hiểu do phúc duyên nào, cùng với một bà bạn hàng xóm thường xuyên đi lễ chùa Phổ Quang ở Phú Nhuận. Sau một thời gian kiên nhẫn thuyết phục bố tôi đi chùa, bàn thờ Phật được thiết lập trang nghiêm ở nhà. Tuy nhiên kiến thức Phật giáo của tôi lúc này vẫn là con số không, cho đến ngày 1-11-1963. Cùng ngày ấy, sau khi chế độ độc tài gia đình trị, chuyên đàn áp tôn giáo của Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Phật giáo như một thân cây khô héo được kích thích bởi nắng xuân ấm áp bèn đâm chồi nảy lộc. “Ý thức Phật giáo” tưởng chừng như đã tàn lụi trong lòng dân tộc, bỗng bừng lên trong lòng mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên, sinh viên. Gia đình tôi vốn nghèo, cư ngụ trong khu lao động, mái tôn vách ván nên buổi trưa rất nóng nực, vả lại tiếng máy thu thanh của hàng xóm lúc nào cũng oang oang cho nên ngoài thời gian ở giảng đường Luật khoa, tôi thường tìm vào các tàng cây ở công viên hoặc sân chùa để có nơi yên tĩnh học bài. Chính tại sân chùa Xá Lợi của Sài Gòn ngày ấy, tôi đã gặp một “báu vật” khai mở trí tuệ, đó là bài pháp của Đại đức Narada Maha Thera. Và tôi biết đến cuốn sách nhỏ nhan đề “Cốt tủy của đạo Phật” của vị Đại đức kia. Nội dung cuốn sách thật ngắn gọn nhưng đầy đủ và thuyết phục trong đó có một câu nói của Đức Phật: “Kinh giáo của Ta như ngón tay chỉ mặt trăng”. Vừa đọc xong câu này, tôi vội xếp cuốn sách lại và trong tôi liền bừng vỡ một niềm sung sướng lẫn cảm phục: “Trời ơi, sao ông Phật này chân thật quá chừng!”. Với vốn kiến thức ít ỏi về tôn giáo của tôi lúc ấy thì đối với các đạo thờ thần không có thứ gì không thuộc về vị giáo chủ. Chẳng hạn họ hay nói: “Vũ trụ này do Ta sáng tạo. Ánh sáng này do Ta mà có. Bóng tối cũng thuộc về Ta. Cả trí khôn hay trí tuệ của loài người cũng do Ta mà ra. Chân lý ở trong Ta. Ta là hiện thân của công lý. Miếng cơm manh áo các người đang ăn, đang mặc kia cũng do Ta mà có. Ta bảo chết là chết, bảo sống là sống…”. Theo đó tóm lại, loài người hoàn toàn trần trụi, không sở hữu thứ gì. Tất cả thuộc về thần linh giáo chủ. Trong khi đó ngược lại, Đức Phật không “vơ vào” những gì không phải của mình. Luật Vô thường không phải của Đức Phật. Sinh-lão-bệnh-tử không do Phật bày. Cái chết không do Phật thiết kế. Niết-bàn không phải đặc hữu của Phật mà bất cứ chúng sinh nào, nếu chịu nương theo giáo lý của Phật cũng sẽ đạt được. Cuộc sống vui, buồn, sướng, khổ của thế giới này không phải do Phật hóa phép mà do nghiệp lực vận chuyển từ vô thủy của chúng sinh. Trước khi Phật ra đời con chim ăn con sâu. Khi Đức Phật ra đời con chim tiếp tục ăn con sâu. Khi Đức Phật thành đạo con chim vẫn ăn con sâu. Khi Đức Phật nhập diệt con chim vẫn ăn con sâu. Tóm lại Đức Phật không hề thay đổi thế giới vật lý này. Đức Phật không dạy cách biến cát thành cơm, biến người chết thành người sống, biến kẻ tội ác thành thánh hiền, biến kẻ đui mù thành mắt sáng, biến kẻ què cụt thành lành lặn… mà Đức Phật chỉ dạy phương pháp khiến con người thoát khỏi khổ đau và sống cuộc đời thánh thiện. Đức Phật cũng không chủ trương đời đời độc quyền thống ngự thế giới. Đức Phật luôn luôn nói lời chánh ngữ, nói lời chân thật. Đức Phật không bao giờ nói lời lừa mị, lời gian dối, lời hoang tưởng, lời không thể kiểm chứng và cũng không nói lời tiên tri phỏng đoán vu vơ, mâu thuẫn. Đức Phật không bao giờ tự phong mình là quan tòa để phán xử ai. Ngài chỉ nói về Nhân quả chứ không bao giờ đe dọa trừng phạt ai. Kinh giáo của Đức Phật dù trải qua hơn 2.500 năm không bao giờ phải sửa chữa, thay đổi lại cho hợp thời thế. Các Giáo hội Phật giáo trên toàn thế giới cũng chẳng bao giờ phải tạ lỗi với nhân loại về những tội ác hoặc những sai lầm gây tạo trong quá khứ... Và đó là lý do khiến tôi trở thành Phật tử. Vậy thì xem ra yếu tố đầu tiên khiến tôi “giác ngộ” với đạo Phật là vì thấy giáo lý của Ngài quá chân thật. Theo tôi, chân thật chính là tiêu chuẩn đạo đức cao quý nhất của con người. Thiếu thành thật, xa rời sự thật, phản lại sự thật, che giấu sự thật thì mọi giá trị đều sụp đổ kể cả những gì gọi là linh thiêng, thánh thiện nhất trên cõi nhân gian này… Nguyễn Sinh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |