Chi tiết tin tức Triết lý hành động trong đạo Phật 20:52:00 - 08/11/2022
(PGNĐ) - Thế gian là nơi nguy hiểm, khó khăn, đầy dẫy thách thức và cơ hội cho mọi người thực hành hạnh Bồ tát, vì chính nơi ấy mà người ấy chuyển hóa được cái thấy bất tịnh của mình thành cái thấy thanh tịnh, những phiền não trùng điệp của mình thành ánh sáng giác ngộ.
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ 1/ Thế giới là môi trường thực hành hạnh Bồ tát Trong Jataka, tức là những câu chuyện tiền thân của Đức Phật khi ngài còn là một Bồ tát, ngài có nói về hạnh Bồ táttrong chuyện tiền thân thứ nhất Chuyện Pháp Tối thượng(Kinh Tiểu Bộ III) như sau: “Này gia chủ: Chính vì mục đích loại bỏ các nghi nan ở đời, nhờ sự thực hành trọn vẹn mười hạnh Ba la mật trải vô lượng kiếp mà Ta chứng đắc Nhất thiết trí. Hãy cẩn thậnlắng tai nghe, như thể các ông đang đổ tủy của sư tử vào một cái ống bằng vàng”. Sau khi kể câu chuyện tiền kiếp, “Ngài nhận diện tiền thânnhư sau: “Trong thời ấy, người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si là Đề Bà Đạt Đa, tùy tùng của kẻ ấy là tùy tùng của Đề Bà Đạt Đa. Còn người chủ đoàn lữ hành hiền trí là Ta, và tùy tùng của người chủ đoàn lữ hành hiền trí là tùy tùng của đức Phật bây giờ vậy”. Đối với một người sống với ý nguyện hoàn thiện cho mình và cho người khác thì mỗi cuộc đời, dầu thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều là những cơ hội để học tập và tiến bộ trên con đường đến sự hoàn thiện rốt ráo ấy. “Loại bỏ các nghi nan” cho mình, đó là tu tập trí huệ. “Loại bỏ các nghi nan cho người khác (ở đời)”, đó là tâm từ bi. Trí huệ phối hợp với từ bi là con đường Bồ tát. Mười Ba la mật là Bố thí, Giữ giới, Nhẫn, Tinh tấn, Thiền, Trí huệ, Phương tiện, Nguyện, Lực, và Trí. Mười Ba la mật là trí huệ và từ biđể “tự giác, giác tha”, và khi nào đầy đủ, trọn vẹn thì thành Phật, “giác hạnh viên mãn”. Trong tất cả các câu chuyện tiền thân dù khi làm người cao sang như làm vua, Đế Thích, cho đếnngười lái buôn, người cày ruộng…, thậm chí làm thú vật như nai, voi, khỉ, sư tử… bao giờ cũng cho thấy Bồ tát là người “khôn ngoan”, nhiều “phước đức” (vì thường làm vua loài ấy), và luôn luôn giúp đỡ, cứu giúp, bảo vệ loài chung quanh bằng sự khôn ngoan và phước đức của mình. Đó là trí huệ(khôn ngoan) và từ bi (cứu giúp), tự giác và giác tha, hai yếu tố song hành trên đường Bồ tát. Thế giới này là môi trường để thực hành hạnh (hạnh: hành động) Bồ tát trải qua nhiều đời. Chẳng hạn như chuyện số 37, Chuyện Con Chim Trĩ, bậc Đạo sư nhận diện tiền thân như sau: “Thời ấy, con voi là Mục Kiền Liên, con khỉ là Xá Lợi Phất và con chim trĩ là Ta vậy”. Những nhân duyên thầy trò và các mối liên hệ khác, dù ở trong các loài vật, cũng đã có sự nối kết từ rất xa xưa. Bồ tát là người mở rộng sự nối kết, từ những liên hệ nhỏ, đến nối kết với vũ trụ và chúng sanh bằng trí huệ và từ bi. 2/ Thực hành trí huệ, từ bi và công đức - Trí huệ: Trí huệ là trí huệ thấu suốt tánh Không, do đó giải thoát. Theo Kinh Kim Cương Năng Đoạn (Trí huệnhư kim cương cắt đứt tất cả), trí huệ tánh Không là thấu đạt “không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả”. Thực tại thì không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng. Không bị bốn tướng đó ngăn che, chia cắt, phân mảnh nên thực tại vốn là tự do giải thoát. Thực tại là tánh Không. Nhưng người ta không chỉ đạt đến thực tại bằng cách ngồi thiền bất động, mà còn bằng cách hoạt động trong thế gian (hậu thiền định), trực tiếp chạm mặt và hành động trong sắc thanh hương vị xúc pháp để thấy bản tánh của chúng là tánh Không (Bát Nhã Tâm Kinh). Kinh Kim Cương Năng Đoạn nói người ta thấy biết và chứng ngộ tánh Không khi thực hành các ba la mật trong thế gian. Chẳng hạn như thực hành bố thí ở giữa đời: “Tu Bồ Đề! Bồ tát ở nơi pháp hãy không chỗ trụ mà hành bố thí. Nghĩa là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ tát nên như vậy mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao thế? Nếu Bồ tát không trụ nơi tướng mà bố thí thì phước đức đó chẳng thể nghĩ lường”. “Không trụ nơi tướng”, đây là trí huệ tánh Không. “Bố thí”, là hành động của Từ bi. “Phước đức chẳng thể lường”, đó là Công đức. Trong chỉ một hành động bố thí, có đủ ba yếu tố chính yếu của một Bồ tát là Trí huệ, Từ Bi, và Công đức. Cho nên chính trong hành động ở thế gian mà Bồ tátthực hành Trí huệ, Từ Bi và Công đức nhập thành một. - Từ bi: Trong Kinh Đại Bát Nhã, chủ yếu nói về tánh Không, khi nói đến Đức Phật, bao giờ cũng nhắc “bốn vô sở uý, bốn vô ngại giải, mười lực, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi”. Từ bi là không thể thiếu ở một vị Phật. Để biết Bồ tát tiến bộ đồng thời trí huệ và từ bi như thế nào, chúng ta hãy xem vị thánh Bồ tát ở Sơ Hoan Hỷ địa, tức là địa đầu tiên của Mười Địa Pháp thân, trích từ Phẩm Thập Địa Kinh Hoa Nghiêm. “Chư Phật tử! Bồ tát phát khởi những tâm như vậy bèn lấy đại bi làm đầu, trí huệ tăng thượng, phương tiện thiện xảo, Phật lực là chỗ giữ gìn, sức trí huệ vô ngại hiện tiền… Phật tử! Bồ tát ban đầu phát tâm như vậy, liền vượt khỏi địa vị phàm phu, nhập vào hàng Bồ tát, sinh vào nhà Như Lai, không ai có thể nói chủng tộc của ngài lỗi lầm, lìa khỏi thế gian, nhập vào đạo xuất thế, được pháp Bồ tát, trụ chỗ của Bồ tát, vào ba đời bình đẳng, ở trong chủng tánh Như Lai, quyết định đắc vô thượng giác ngộ. Bồ tát trụ pháp như vậy gọi là trụ Bồ tát Hoan Hỷ địa, vì đã tương ưng với bất động”. Gọi là địa Hoan hỷ vì Bồ tát đã sanh vào nhà Như Lai tức là vào Pháp thân, ở trong chủng tánhNhư Lai là đã ở trong Phật tánh, tương ưng với Pháp thân bất động. Pháp thân là nền tảng, là con đường để tiến lên giác ngộ vô thượng. Hoan hỷ vì: “Vì tôi đã chuyển và lìa tất cả cảnh giới thế gian mà hoan hỷ, vì gần bậc trí huệ mà hoan hỷ, vì dứt tất cả đường xấu ác mà hoan hỷ, vì làm chỗ y chỉ cho tất cả chúng sanh mà hoan hỷ, vì thấy tất cả Như Lai mà hoan hỷ, vì sanh vào cảnh giới Phật mà hoan hỷ, vì vào trong tánh bình đẳng của tất cả Bồ tát nên hoan hỷ”. Tánh bình đẳng của tất cả Bồ tát là Pháp thân tánh Không của tất cả chư Phật và chư Bồ tát, tánh bình đẳng ấy cũng gồm từ bi, nguyện, hạnh (hạnh: hành động) cứu độ chúng sanh. Để tiến lên những địa trên, Bồ tát Hoan Hỷ địa có hai động lực lớn nhất là trí tuệ và từ bi: “Xa lìa cái thấy có tôi, không có tưởng về cái tôi, cho nên không sợ chết… Bồ tát này lấy đại bi làm đầu, chí nguyện rộng lớn không có gì ngăn ngại phá hoại được. Lại thêm siêng tu tất cả thiện cănmà được thành tựu”. Đại bi thì phát sanh đại nguyện: nguyện đối với Phật pháp: “Lại phát đại nguyện: Nguyện lãnh thọ tất cả Phật pháp, nguyện nhiếp tất cả Phật trí, nguyện hộ tất cả Phật giáo, nguyện trì tất cả các Phật pháp, rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, suốt tất cả kiếp số vị lai không thôi nghỉ…” Và nguyện đối với chúng sanh: “Lại phát đại nguyện: Nguyện tất cả cõi chúng sanh: có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng, trứng sanh, thai sanh, ẩm thấp sanh, hóa sanh, thuộc về ba cõi nhiếp vào danh sắc, trong sáu loài tất cả chỗ thác sanh, các loài như vậy tôi đều giáo hóa vào Phật pháp, dứt hẳn tất cả loài thế gian mà an trụ đạo Nhất thiết trí, rộng lớn như pháp giới, rốt ráonhư hư không, suốt tất cả kiếp số vị lai không thôi nghỉ…” Với những lời nguyện như trên, Bồ tát dấn thân vào hành động (hạnh)và như vậy tâm Bồ tát dần dần mở rộng, bao trùm thế giới và chúng sanh. Đây là điều trong các kinh thường nói, “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”. Các lời nguyện này khiến chúng ta nhớ đến những chuyện tiền thân của Phật khi còn làm Bồ tát đã ở trong các loài thế gian mà thực hành mười Ba la mật, tức là trí huệ và từ bi hợp nhất. “Rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, suốt tất cả kiếp số vị lai không thôi nghỉ”: hành động trí huệ và từ bi của Bồ tát trải khắp không gian và thời gian, không dừng dứt. Trí huệ là soi thấu bản chất của sanh tử và chúng sanh, và từ bi là ôm trùm tất cả sanh tử và chúng sanh. Thế nên nếu không có sanh tử và chúng sanh thì cũng không có con đường Bồ tát. - Công đức: Công đức là do hành động với trí huệ và từ bi tạo thành. Trí huệ phát sanh từ bi và đưa đến hành động bố thí, tức là công đức. Đoạn kinh sau đây cho chúng ta thấy điều này: “Bồ tát Hoan Hỷ địa lại nghĩ rằng: Chánh pháp của chư Phật rất sâu như vậy, tịch tịnh như vậy, tịch diệt như vậy, Không, Vô tướng, Vô nguyện như vậy, mà hàng phàm phu sa vào tà kiến, bị vô minhche mờ, vào trong đủ thứ phiền não của mười hai duyên sanh… chúng sanh thêm lớn quả khổ, ở trong đây vốn là Không, lìa cái ta và cái của ta, không biết, không giác, không làm, không thọ, như cỏ cây, đá vách, cũng như hình bóng. Bồ tát thấy chúng sanh tích tập khổ quả như vậy, không thể thoát khỏi, nên phát sanh đại bi trí huệ. Tự nghĩ rằng: tôi phải cứu với tất cả chúng sanh này đặt họ nơi chỗ rốt ráo an vui. Do suy nghĩ như vậy bèn sanh trí huệ quang minh đại từ. Chư Phật tử! Đại Bồ tát tùy thuận đại từ đại bi như vậy, dùng tâm sâu nặng trụ Sơ Hoan Hỷ Địa, với tất cả mọi vật không xẻn tiếc, cầu đại trí huệ Phật, tu hạnh đại xả. Phàm những gì mình có, tất cả đều bố thí được…” “Trí huệ quang minh đại từ”, từ bi qua hành động là một thực thể, là ánh sáng (quang minh), và ánh sáng từ bi ấy hợp nhất với trí huệ tánh Không. 3/ Thế gian là nơi học tập và thi thố hạnh Bồ tát Thế gian là nơi nguy hiểm, khó khăn, đầy dẫy thách thức và cơ hội cho mọi người thực hành hạnh Bồ tát, vì chính nơi ấy mà người ấy chuyển hóa được cái thấy bất tịnh của mình thành cái thấy thanh tịnh, những phiền não trùng điệp của mình thành ánh sáng giác ngộ. Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Phật đạo nói: “Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói với ngài Duy Ma Cật: Nếu thấy cái Vô vi (vô sanh, tánh Không) mà nhập chánh vị thì không còn có thể phát tâm Bồ đề vô thượng được nữa. Tuy nhiên, người sống giữa những cái hữu vi hợp tạo vô thường, trong những quặng mỏ phiền não, dầu chưa được thấy chân lý, cũng có thể phát tâm Bồ đề. “Ví như chỗ đất cao không thể sanh hoa sen, nơi bùn lầy thấp ướt mới sanh hoa ấy. Như vậy, thấy pháp vô vi rồi nhập chánh vị rốt cuộc chẳng còn sanh những phẩm tính Phật. Trong bùn lầy phiền não mới có chúng sanh khởi lên những phẩm tính Phật. Lại như gieo hạt giống giữa không trung rốt cuộc chẳng sanh được, ở đất phân bùn thì mới tốt tươi. Như vậy, người vào vô vi chánh vị thì không sanh ra những phẩm tính Phật. Nhưng dù người sanh khởi ngã kiến như núi Tu Di thì vẫn còn có thể phát tâm Bồ đề mà sanh ra những phẩm tính Phật. Thế nên phải biết: Hết thảy phiền não là hạt giống Như Lai. Ví như không lặn xuống biển cả thì không thể được ngọc quý vô giá, cũng vậy, không vào biển cả phiền não thì không thể được Nhất Thiết Trí quý báu”. Chính nhờ thực hành hạnh Bồ tát, tức là nguyện hạnh Bồ đề tâm mà Bồ tát có được không chỉ Pháp thân mà còn có Báo thân và Hóa thân để làm việc trong ba cõi thế gian. Và khi thành Phật thì ba thân này được khai mở, phát huy trọn vẹn.
Nguyễn Thế Đăng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |