Chi tiết tin tức

Triết lý sống tri ân của người Việt

15:56:00 - 24/11/2023
(PGNĐ) -  Nền tảng triết lý sống đạo đức của người Việt được mở đầu bằng huyền sử cội nguồn dân tộc Việt Nam, cha già Lạc Long Quân kết hôn với người mẹ hiền Âu Cơ sinh ra 100 người con trong cái bọc. Trên mảnh đất quê hương yêu dấu được mệnh danh là rừng vàng biển bạc, cái gia đình đầu tiên đó mới chia 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển để xây dựng và phát triển cộng đồng dân tộc Việt.
Khi Phật giáo truyền vào nước ta thì nếp sống tri ân và báo ân người Việt cũng được hòa nhập vào giáo lý nhà Phật, được thực thi hóa thành bốn ân mà Đức Phật chỉ dạy qua giáo lý của Ngài. Bốn ân chính là cơ sở nền tảng bước vào thế giới hạnh phúc an lạc. Phật dạy các hàng đệ tử phải báo đáp bốn cái ân, là ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia, và ân chúng sanh.

Xuất phát từ cội nguồn như thế, người Việt ứng xử với nhau trong mối quan hệ của một đại gia đình, chung sống với nhau trong tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khái niệm “đồng bào” (cùng được sinh ra trong một cái bọc), lớn lên trưởng thành trong ý niệm “đồng tâm” và “đồng chí” (cùng một tấm lòng, cùng một ý chí) để tự mình hoàn thiện bản thân, xây dựng hạnh phúc gia đình, đất nước hưng thịnh, xã hội an bình.

Cho nên, một trong những triết lý sống đạo đức của người Việt nổi trội hơn hết là thái độ sống thực thi nếp sống tri ân trong đời sống bình nhật. Không phải ngẫu nhiên mà tổ tiên cha ông chúng ta thường dạy cho con cháu sống ở đời này là biết tri ân và báo ân trong muôn một. Cái triết lý đó thật dễ hiểu, dễ thực hành trong đời thường để làm hành trang đi vào đời với khát vọng tự do hạnh phúc, an lành được khắc họa qua hình ảnh giản dị, sống động của ca dao, tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”; “Đói lòng ăn nửa trái sim, Uống lưng bát nước đi tìm người thương”; “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…
Đó là cách nói của cha ông tổ tiên ta, có thể diễn đạt tri ân và báo ân là thái độ sống luôn có ý thức, suy nghĩ, tâm niệm, lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm tốt đẹp của mình để ta có thể tỏ lòng biết ơn những người, những gì người khác đã cưu mang ta, cho ta, giúp ta trong hành trình được sinh ra, lớn lên, trưởng thành và hội nhập vào dòng đời. Trong một chuỗi nhân duyên thiện lành đó, tri ân và báo ân là nguồn năng lượng, là động lực lớn lao để ta thực thi lý tưởng mà tổ tiên ông bà phó thác, cha mẹ, anh chị em gởi gắm; Bà con quyến thuộc, những người trong cộng đồng xã hội đã từng có quan hệ với mình, gián tiếp hay trực tiếp giúp đỡ, tạo thuận duyên cho mình vượt qua mọi khó khăn và thành công trong dòng sống vốn tương tục.

Cho nên, tri ân và báo ân không đơn giản là phải là cúi đầu lễ lạy cảm tạ, nói suông sáo ngữ mà cần khắc cốt ghi tâm về việc thọ ân để mà báo đáp cụ thể trong cuộc hành trình sống với thế giới thực tại muôn màu đầy biến động. Và như thế, tri ân và báo ân là nền tảng đạo đức, là triết lý sống hướng thượng cần thiết của một con người không chỉ giới hạn trong đời này và cả đời sau. Ngẫm cho kỹ thì đây là hệ quy chiếu đạo đức, nhân cách của con người trong việc thiết lập một nền văn hóa, văn minh mà bất cứ dân tộc nào, cộng đồng xã hội nào cũng hướng đến để mong chờ để nhận chân giá trị hạnh phúc an lạc. Nhất là trong thế giới hiện đại, xã hội càng văn minh, khoa học tiên tiến thì một người càng có văn hóa cao thì cần thể hiện đời sống biết sống tri ân và báo ân càng rõ nét. Biểu hiện của tâm lòng tri ân và báo ân là cần cụ thể hóa trong một môi trường sống thật lý tưởng, được thể hiện một cách chân thành qua các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với gia đình, bà con xóm giềng, cá nhân với cộng đồng xã hội.

Cần có thái độ sống tri ân những người làm nên lịch sử hào hùng dân tộc, những nông dân hiền lành làm nên hạt thóc nuôi dưỡng đời ta, những người thầy trao truyền kiến thức… cho ta khát vọng, ước mơ, một lý tưởng hóa thành hiện thực mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đúc kết trong bài thơ Đất nước: Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối ống ông cha.

Dân tộc ta là một dân tộc có 4.000 năm văn hiến, tiến trình dựng nước mở nước cha ông tổ tiên ta, đã truyền trao cho con cháu cả một gia tài tri ân và báo ân mà ai cũng nằm lòng. Đó là tri ân và báo ân cha mẹ đã sinh ra ta, cho ta cuộc đời; Tri ân và báo ân trời đất đã cho ta cuộc sống gia đình, sự thành danh, niềm hạnh phúc; Tri ân thánh thiện thần đã che chở phù hộ cho ta an lành, vượt qua tai họa; Tri ân quốc gia dân tộc đã nuôi dưỡng cuộc đời ta, cho ta sự sống và trưởng thành; Tri ân thầy tổ dạy, là người đã cho ta tri thức và trí tuệ;  Tri ân chúng sinh đã tạo nên môi trường sống cân bằng, hỗ tương cho ta; Tri ân mọi người đã giúp mình, tạo cho ta thuận duyên để hoàn thành trách nhiệm và lý tưởng. Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ đã khái quát lòng tri ân và báo ân của người Việt trong bài thơ Đất nước rất sinh động:
…Đất là nơi chim về,
Nước là nơi rồng ở,
Lạc Long Quân và Âu Cơ,
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng,
Những ai đã khuất,
Những ai bây giờ,
Yêu nhau và sinh con đẻ cái,
Gánh vác phần người đi trước để lại,
Dặn dò con cháu chuyện mai sau…

Khi Phật giáo truyền vào nước ta thì nếp sống tri ân và báo ân người Việt cũng được hòa nhập vào giáo lý nhà Phật, được thực thi hóa thành bốn ân mà Đức Phật chỉ dạy qua giáo lý của Ngài. Bốn ân chính là cơ sở nền tảng bước vào thế giới hạnh phúc an lạc. Phật dạy các hàng đệ tử phải báo đáp bốn cái ân, là ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia, và ân chúng sanh. 

1. ÂN CHA MẸ
Là một trong bốn ân đầu tiên mà con người cần khắc ghi trong lòng. Cha mẹ là người sinh ra ta và đưa ta vào đời. Chính Đức Phật từng nói tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Xem ra, giáo lý nhà Phật thiết lập nền văn hóa cho nhân loại cũng khởi đầu bằng việc tiếp nhận văn hóa hiếu hạnh. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn cũng bắt đầu từ đây. Nếu Kinh Thinói tóm tắt công đức cha mẹ qua chín chữ Cù lao như trên thì kinh Đại báo Phụ mẫu trọng ân thì trình bày công ơn sinh thành của cha mẹ và giải trình phương pháp báo đáp ân đức phụ mẫu một cách rốt ráo và cụ thể rõ ràng hơn. Có thể nêu ra đây 10 công đức của mẹ đối với con cái: 1. Chín tháng cưu mang khổ nhọc, 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh, 3. Nuôi con cam đành cực khổ, 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con, 5. Chịu ướt, nhường ráo cho con, 6. Sú nước, nhai cơm cho con, 7. Vui nhặt đồ dơ cho con, 8. Thương nhớ khi con xa nhà, 9. Có thể tạo tội vì con, 10. Nhịn đói cho con được no.

Bản Kinh Tăng Nhất A hàm còn ghi lại lời dạy của Phật về công ơn sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ: “Này các thầy Tỳ kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cho cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các thầy Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.

Bổn phận người con báo hiếu cha mẹ trong đời sống hiện tại không chỉ phụng sự, hầu hạ, đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần mà còn biết hướng dẫn cha mẹ học hỏi tu tập Phật pháp, để cho được giải thoát. Người xuất gia học đạo càng có thiện duyên báo ân cho cha mẹ bước vào lộ trình giải thoát khổ một cách thiết thực. Cho nên hình ảnh hiếu kính mẹ cha chính là hiếu kính Phật: “Cha già là Phật Thích Ca, Mẹ già là như thể Phật bà Quan Âm”.

Đến đây, chúng ta càng nhận thức rõ tri ân và báo ân mãi mãi là triết lý sống của người Việt, là nếp sống hướng thượng mà bất cứ ai hiện hữu giữa cuộc đời cũng cần thực thi, trải nghiệm hết lòng mình để báo đáp tứ ân mà Phật đã dạy, để hoàn thiện bản thân, và chắp cánh cho tương lai.

2. ÂN THẦY BẠN
Là ân thứ hai trong tứ ân mà người con Phật cần nỗ lực thực thi hành trì. Cha mẹ là người cho thân mạng hình hài, cất bước chân vào đời. Khi lớn lên trưởng thành là nhờ thọ hưởng ân đức thầy bạn trao truyền kiến thức, kỹ năng sống ở đời. Bản kinh Pháp cú đã tán thán niềm hỷ lạc vô biên khi biết tri ân, báo ân với mẹ cha, thầy tổ, những thiện hữu tri thức đã dày công chỉ dạy:
Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí
Thân cận người như vậy

Chỉ tốt hơn không xấu.
(Kệ 76)

Chính các vị thầy và bằng hữu là những người trực tiếp giúp ta tiến thân và hoàn thiện nhiều phương diện trong đời sống thực tiễn. Ca dao Việt Nam, cha ông ta từng dạy “Không thầy đố mày làm nên”, cho nên vai trò của người thầy, nhất là những vị thầy tâm linh, xuất gia học đạo, thực thi con đường giác ngộ mà bậc thánh đã kinh qua thì càng quý hóa biết chừng nào. Các vị thầy đó là những người đó là những người sống trong chánh niệm, xa lìa tâm nhiễm ái, từ bỏ dục vọng, khai sáng nguồn tâm cho mọi người:
Những ai với chánh tâm
Khéo tu tập giác chi
Từ bỏ mọi ái nhiễm
Hoan hỷ không chấp thủ

Không lậu hoặc sáng chói.
(Kệ 89)

Cho nên, hiếu kính thầy tổ là hiếu kính mọi người. Trong cuộc sống hiện hữu, những người nào giỏi, đức hạnh tốt thì có thể làm thầy mình cả. Chính vì vậy, cha ông còn dạy: “Học thầy không bằng học bạn” là vậy. Thân cận bằng hữu tốt là thân cận người thầy của mình trong đời sống bình nhật một cách hữu hiệu nhất. Vì vậy, tri ân và báo ân thầy bạn đối với người học Phật là vô cùng quan trọng. Mỗi cá thể cần thân cận thầy tốt bạn hiền để được khai mở tuệ giác, sống đúng chánh pháp trong tinh thần hòa hợp cùng nhau xây dựng niềm tin, cùng nhau thực thi lý tưởng sống hạnh phúc trong tinh thần  phụng sự chúng sanh, báo đáp thâm ân chư Phật: “Vui thay kính Sa môn, Vui thay kính hiền Thánh”.

3. ÂN QUỐC GIA
Là ân thứ ba được người Phật tử nỗ lực khắc cốt ghi tâm để thực tập hành trì trong cuộc sống nhằm báo đáp cho quê hương xứ sở nước nhà. Suy cho cùng chúng ta được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, đi vào đời trên những vùng miền khác nhau của quê hương đất nước thân yêu. Trong cuộc hành trình mà hôm nay chúng ta được sống an lạc như thế, chúng ta phải tri ân và báo ân cha ông chúng ta đã trải qua những thời kỳ lịch sử với kỳ tích làm nên con người Việt Nam, đất nước Việt Nam mà Nguyễn Trãi từng tổng kết:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.

Hay Nguyễn Đình Thi từng khắc họa một Việt Nam anh hùng, một đất nước tráng lệ, huy hoàng với tầm vóc lớn lao, kì vĩ trong thơ:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.


Nhờ vậy, mỗi người dân Việt có niềm tự hào với đất nước, với dân tộc, với quê hương xứ sở cho chúng ta sống trong một đất nước, sống yên ổn, ấm no và hạnh phúc, là điều kiện tốt nhất cho ta thực thi con đường sống đạo, giải thoát khổ đau. Tự thân người học Phật càng thấu hiểu giá trị tri ân quốc gia dân tộc để báo đáp trong cuộc hành trình hội nhập toàn cầu. Chính vì ý nghĩa đó, khi Đạo Phật du nhập nước ta, các thiền sư đã dạy cho người tăng ni Phật tử phải báo đáp ân quốc gia dân tộc bằng tuyên ngôn: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội thì giúp nước hộ dân, ngồi một mình thì phải biết tu thân” (Mâu Tử – Lý hoặc luận).

Thế nên Phật giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước và mở nước suốt chiều dài lịch sử. Phật giáo Việt luôn xác định và đặt sự tồn vong và thịnh vượng của quốc gia dân tộc trong sự tồn vong và thịnh vượng của Phật giáo. Các thiền sư, Phật tử trong quá khứ và hôm nay luôn ghi nhớ và nỗ lực đóng góp cho quốc gia dân tộc trong thời đất nước phát triển và hội nhập để hướng đdến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội.

Cho nên, tri ân và báo ân không đơn giản là phải là cúi đầu lễ lạy cảm tạ, nói suông sáo ngữ mà cần khắc cốt ghi tâm về việc thọ ân để mà báo đáp cụ thể trong cuộc hành trình sống với thế giới thực tại muôn màu đầy biến động. Và như thế, tri ân và báo ân là nền tảng đạo đức, là triết lý sống hướng thượng cần thiết của một con người không chỉ giới hạn trong đời này và cả đời sau.

4. ÂN CHÚNG SANH
Là ân thứ tư trong tứ ân mà Phật chỉ dạy cho mỗi người học Phật cần lưu tâm báo đáp. Theo lý duyên khởi, mọi chúng sinh đều có nhân duyên tương ưng với nhau. Trong kinh Tương ưng Phật dạy: “Vô thủy luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, anh chị em trong dòng chảy luân hồi. Kể từ vô lượng, vô số kiếp, thì tất cả chúng sanh đều có ân và cần phải báo đáp tất cả chúng sanh trong muôn một”. 
Vì thế, tri ân và báo ân chúng sanh là báo ân nhân loại, cho đồng bào, cho mọi loài. Huống chi Phật dạy không ai có thể sống một mình, con người có vô số mối quan hệ với các loài chúng sinh khác nhau, nương tựa lẫn nhau trong một môi trường sống lý tưởng. Cần có thái độ sống tri ân những người làm nên lịch sử hào hùng dân tộc, những nông dân hiền lành làm nên hạt thóc nuôi dưỡng đời ta, những người thầy trao truyền kiến thức… cho ta khát vọng, ước mơ, một lý tưởng hóa thành hiện thực mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đúc kết trong bài thơ Đất nước:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối ống ông cha.

Được như thế, ân chúng sanh mới hóa hiện trong đời sống thực, trong một bối cảnh cả đất nước chung tay xây dựng và bảo vệ nền hòa bình của đất nước luôn biết phát huy nền văn hóa dân tộc mà cha ông đã tạo dựng, nhất định chúng ta sánh vai với các cường quốc năm châu trong thế giới hạnh phúc, thái bình. Đến đây, chúng ta càng nhận thức rõ tri ân và báo ân mãi mãi là triết lý sống của người Việt, là nếp sống hướng thượng mà bất cứ ai hiện hữu giữa cuộc đời cũng cần thực thi, trải nghiệm hết lòng mình để báo đáp tứ ân mà Phật đã dạy, để hoàn thiện bản thân và chắp cánh cho tương lai.

 

TT. TS. Thích Phước Đạt/TCVHPG414 

 

Chú thích:
[*] Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt: Ủy viên thường trực HĐTS, Phó ban thường trực Ban Giáo dục Phật giáo TW, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP HCM.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin