Chi tiết tin tức

Chuyện con vẹt biết niệm Phật

21:21:00 - 16/01/2016
(PGNĐ) -  Tôi kiên trì lặp đi lặp lại câu A-di-đà Phật nhiều lần cho hai con vẹt nghe trong những ngày tiếp theo. Khoảng một tuần sau, một buổi sáng thức dậy, khi đi ngang chuồng vẹt tôi bỗng nghe tiếng niệm A-di-đà Phật nho nhỏ; giật mình tôi quay lại nhìn thì con vẹt lớn tiếp tục lớn tiếng: A-di-đà Phật, A-di-đà Phật…Tôi mừng quá, bao nhiêu ngày kiên trì nay đã thành công.

Cách đây hơn mười năm, đứa con gái duy nhất của tôi mới vừa tám tuổi. Một hôm, sau khi xem chương trình thế giới hoang dã trên ti vi, thấy hình ảnh các con vẹt xinh đẹp và rất khôn ngoan, con tôi bỗng ước ao có được một con vẹt để nuôi; nó cứ lẽo đẽo theo tôi đòi mua cho bằng được. Vốn là một Phật tử lâu năm, lại từng tham dự nhiều buổi lễ phóng sanh, nên tôi không đồng ý việc đòi hỏi của con; vì tôi không muốn tạo nghiệp “cá chậu, chim lồng”. Mặc dù tôi đã nhiều lần từ chối, con bé vẫn cứ nhắc hoài ao ước đó suốt cả năm trời. Một dạo nó bị bệnh, chữa ở nhà không bớt nên tôi phải đưa con vào nằm điều trị tại bệnh viện. Những lúc mê sảng vì sốt cao, có lúc nó nói mê, nhắc tôi mua cho nó con vẹt, rồi nó cười bảo con vẹt đẹp quá ba ơi. Thấy con trong cơn mê sảng vẫn mơ ước có được con vật đó, tôi chảy nước mắt vì sự cứng lòng, chặt dạ của mình. Tôi lay con tỉnh lại, bảo con ráng hết bệnh, ba sẽ mua cho con một con vẹt để nuôi, nó nghe nói, mừng lắm. Đêm đó, nó bắt đầu bớt sốt, ngủ yên.

Làm cha mẹ, nói thì phải giữ lời. Nhưng việc thực hiện lời hứa cũng không phải dễ dàng vì nhà tôi ở vùng sông nước miền Tây, chim chóc có rất nhiều loại nhưng những loài như vẹt, két thì dù đã lớn tuổi mà tôi chưa thấy chúng ở ngoài hoang dã bao giờ. Thỉnh thoảng đi công chuyện trên thị xã, đôi lần tôi gặp một chiếc xe gắn máy chở rất nhiều chim trong lồng đi bán dạo, có cả những con két, chúng kêu la rất chói tai. Để chứng tỏ là mình giữ lời hứa, tôi chở con đến nhà một người bạn là thợ sửa xe ở ven huyện lộ, nhờ người đó khi nào thấy xe chở két bán dạo nhớ kêu tôi giùm để tôi mua cho con bé một con. Tôi cố ý nói với bạn như thế cho con nghe được, nhưng trong thâm tâm, tôi biết chưa bao giờ có xe bán chim dạo nào xuống tận đây để bán vì nơi này cách trung tâm tỉnh rất xa; nếu không có người bán thì tôi không mua mà vẫn giữ được lời hứa với con mình và giữ được giới cấm. “Không phải ba không muốn mua nhưng do không có, nên không mua được”, tôi dự định sau một thời gian sẽ nói như thế để an ủi nó. Nào ngờ, lúc ấy có thằng con trai của người hàng xóm bạn tôi đang ngồi chơi kế bên. Nghe tôi dặn người bạn như vậy, thằng bé liền nói nó có cặp vẹt, nếu tôi muốn mua nó sẽ bán cho. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi sao nó có; thằng bé bảo anh nó đi chơi ngoài miền Đông, người ta cho đem về, nuôi hoài chỉ thấy nó ăn rồi ị chứ chẳng biết hót gì cả nên chán muốn bán đi cho rảnh nợ. Tôi hỏi nó định bán bao nhiêu, nó bảo bán cả lồng là tám chục ngàn. Người bạn thợ sửa xe của tôi cự với thằng bé: Hôm trước tao trả mày một trăm ngàn mà mày không bán, bây giờ sao bán cho người khác có tám chục. Thằng bé cười láu lỉnh: Bán kế bên nhà rủi tiếc thì mang tức sao, chẳng thà bán xa cho khuất mắt, có rẻ chút cũng hổng sao. Tôi nghe nó phân tích mà buồn cười nhưng có lý, cái thằng lém thiệt. Thế là tôi phải móc tiền ra mua cặp vẹt đó đem về nhà, nhìn con mừng tíu tít, tôi thấy vui vui một chút nhưng sau đó lại rầu trong bụng vì đã không giữ được hạnh phóng sanh. Thôi thì nuôi một thời gian cho con nó vui, sau đó tìm cách thả ra chắc cũng không sao, tôi chặc lưỡi nói thầm.

Do bị thằng bé nhốt chung một lồng, con vẹt nhỏ đã bị con vẹt lớn cắn khiến lông lá tả tơi, tôi phải mua thêm một cái lồng nữa rồi cặp sát vào lồng cũ, tách hai con ở riêng, thế mà thỉnh thoảng hễ con vẹt nhỏ vô ý để lông đuôi ló sang lồng bên kia liền bị con vẹt lớn cắn vặt đứt lông liền, mỗi lần bị vặt lông như vậy con vẹt nhỏ kêu nghe rất thảm. Khi xảy ra chuyện như vậy, tôi thường cầm que khỏ vào lồng con vẹt lớn cho nó sợ mà chừa, thế mà nó chẳng ngán, cứ rình để vặt lông con vẹt nhỏ hoài.

Sau một thời gian tích cực phụ tôi chăm sóc hai con vẹt, con gái tôi do tánh con nít mau chán, nó bỏ hẳn việc săn sóc đó cho tôi. Một mình, mỗi ngày phải thay nước, lấy thức ăn để vào hộp, hốt dọn phân cho chúng, đôi khi thấy bực mình vì bận bịu, tôi trách mình do thương con mà tạo nghiệp nên giờ phải lãnh quả báo. Tôi dự định một thời gian nữa sẽ tìm cách thả chúng đi. Cũng may, chúng rất dễ ăn, chúng ăn đủ thứ, cái gì mình ăn được chúng đều ăn được; ngoại trừ thịt cá, những thứ như lúa, bánh, chuối và các thứ trái cây khác… chúng đều rất khoái. Cái mỏ khoằm cứng như thép, với lực cắn khủng khiếp, thức ăn nào vào mỏ chúng đều bị cắn nát thành bột. Đặc biệt, cả hai con đều rất mê ăn ớt, chúng cầm trái ớt hiểm bằng chân giống như người ta cầm ổ bánh mì, rồi chậm rãi lựa từng hột ớt ra nhâm nhi. Ai không quen tới gần, ngửi mùi ớt là nhảy mũi sặc sụa trong khi chúng tỉnh bơ cắn cái thứ cay xé họng đó. Thật là lạ.

Một hôm, ngồi nhìn cặp vẹt, tôi chợt nhớ lúc còn nhỏ, mẹ tôi có kể cho tôi nghe, bà ngoại tôi ngày xưa có nuôi một con nhồng biết nói. Do cậu tôi tên Hoành hay quậy phá, ngoại tôi thường la: “Hoành a, cái đồ hư…”. Con nhồng nghe riết rồi cũng nói : “Hoành a, cái đồ hư…”. Ai nghe cũng buồn cười. Chừng cậu tôi lớn lên, một hôm vừa mới dắt người yêu về nhà lần đầu, con vẹt theo thói quen, thấy cậu tôi liền la “Hoành a, cái đồ hư…”. Cậu tôi mắc cỡ với người yêu, chiều đó, lén bóp con nhồng chết tươi. Bà ngoại tôi từ việc đó giận cậu ấy cả tháng trời, không thèm nói tới mặt. Nhớ đến chuyện xưa, tôi chợt nảy ra ý tưởng là dạy cho hai con vẹt niệm Phật. Tôi liền đến gần chiếc lồng rồi nói A-di-đà Phật, A-di-đà Phật… Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần bốn chữ đó. Con vẹt nhỏ chẳng hề chú ý, vẫn nhẩn nha ăn bánh; còn con vẹt lớn lúc đó đang cắn hạt bắp bỗng dừng lại, nghiêng đầu nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe như chú ý lắng nghe, rồi nó phát ra tiếng rù rì gì đó trong cổ họng, một lát sau quay lại cắn hạt bắp tiếp.Tôi kiên trì lặp đi lặp lại câu A-di-đà Phật nhiều lần cho hai con vẹt nghe trong những ngày tiếp theo. Khoảng một tuần sau, một buổi sáng thức dậy, khi đi ngang chuồng vẹt tôi bỗng nghe tiếng niệm A-di-đà Phật nho nhỏ; giật mình tôi quay lại nhìn thì con vẹt lớn tiếp tục lớn tiếng: A-di-đà Phật, A-di-đà Phật…Tôi mừng quá, bao nhiêu ngày kiên trì nay đã thành công. Thật là vui. Tôi gọi cả nhà đến xem, ai nấy đều thích thú khi nghe tiếng niệm Phật của con vẹt. Con vẹt lớn càng ngày càng niệm Phật rõ ràng hơn, còn con vẹt nhỏ tối ngày chỉ biết ăn rồi kêu “chè, chè…”, rung rung đôi cánh như con chim non đòi mẹ cho ăn, dẫu rằng nó đã già cống khú đế. Sau đó, thấy con vẹt lớn đã thuần thục trong niệm Phật A-di-đà, tôi bèn dạy nó niệm các danh hiệu khác như Thích-ca Mâu-ni Phật, Quan Thế Âm Bồ- tát, Di-lặc Bồ- tát… Lúc này, chắc đã quen phát âm nên con vẹt lớn học rất nhanh, nó đọc đủ các danh hiệu Phật, Bồ-tát mà tôi đã dạy. Nhiều người nghe nó đọc các danh hiệu Phật và Bồ-tát, đều rất ngạc nhiên trầm trồ khen ngợi. Khi anh em chúng tôi tụ họp đầy đủ ở nhà trong những dịp cúng giỗ cha mẹ, lúc rảnh, mọi người vui vẻ xúm lại nghe nó niệm Phật, có người còn lấy máy quay phim ra quay nó để dành làm kỷ niệm hoặc khoe với bạn bè.

Một hôm, nhà có tiệc giỗ, trong những khách mời có một người anh họ chuyên nuôi chim hoàng yến và anh ta có nuôi một con nhồng, con nhồng này cũng biết nói, nhưng do anh họ tôi là đệ tử lưu linh, bạn bè rủ nhậu tối ngày, con nhồng nghe riết nên chỉ biết nói có một câu: “Bác Bảy ơi, nhậu!”. Nhiều người nghe nó kêu như vậy, cười lăn ra bảo đúng là thầy nào trò đó. Lúc ấy, anh ta thấy con vẹt của tôi chỉ nói toàn Phật hiệu nên muốn phá, anh ta kê miệng hôi rình mùi rượu sát vào lồng, lặp đi, lặp lại một câu tục tĩu cho con vẹt học, không ngờ nó la một tiếng “két” thật lớn rồi cắn một phát như trời giáng vào môi anh ta, ông anh họ tôi ôm môi chảy máu, bỏ về một nước. Tôi cười, bảo đáng cái đời đi dạy tầm bậy!

Một hôm, vào buổi trưa tháng Tư, ngoài trời có nhiều tiếng chim hót ríu rít, tôi thấy hai con vẹt ngừng ăn, nghiêng nghiêng đầu như chú ý lắng nghe, thỉnh thoảng con vẹt nhỏ lại kêu lên vài tiếng thánh thót, rồi vỗ cánh đập lạch xạch trong lồng… tôi chợt giật mình nhớ lại, thắm thoát mới đây đã gần một năm trôi qua. Lúc mới nuôi, tôi định vài tháng sau sẽ thả cho chúng về thiên nhiên nhưng do bận bịu đủ thứ chuyện nên quên khuấy đi. Chiều hôm đó, tôi nói với con gái tôi việc thả hai con vẹt, tuy nó tiếc lắm nhưng do được tôi đưa đi chùa, dự lễ phóng sinh vài lần, nó hiểu chuyện nên đồng ý nhưng dặn tôi đợi nó đi học hãy thả cho nó khỏi tiếc. Ngày rằm tháng Tư âm lịch năm đó, tôi quyết định thả cặp vẹt để đón mừng lễ Phật đản.

Khi hai cửa lồng chim được mở ra, con vẹt nhỏ liền nhanh chóng bước đến khung cửa rồi lẹ làng bay vút vào không trung mất dạng, tôi nhìn nó ra đi như vậy, chợt thấy buồn một chút, mình săn sóc, lo lắng cho nó gần cả năm trờì, thế mà ra đi không thèm ngoái lại một lần… Đúng là cái đồ bạc bẽo!

Còn con vẹt lớn, thấy cửa lồng mở, nó lò dò đến khung cửa rồi đứng đó, thò cái đầu ra nghiêng nghiêng, ngó ngó. Một lát sau, nó trèo hẳn ra ngoài, dùng mỏ và vuốt chân, móc vào các thanh của khung chuồng, leo vòng quanh bên ngoài chuồng hai, ba vòng rồi quay trở về cửa chuồng vào trở lại bên trong, tiếp tục cắn thóc trong lọ. Tôi hết sức ngạc nhiên vì hành động của nó, tôi nghĩ chắc nó còn lạ cảnh bên ngoài nên sợ không dám rời đi nên tôi cứ để cửa lồng như vậy cả buổi chiều đó nhưng nó vẫn ở mãi trong lồng như không có chuyện gì xảy ra cả. Bắt đầu từ hôm ấy, tôi không bao giờ đóng cửa lồng nữa.

Từ đó về sau, tôi với con vẹt lớn như hai người bạn, khi nào thấy tôi xách xe định đi đâu nó lại kêu “két” một tiếng thật lớn như muốn hỏi đi đâu đó? Nếu tôi nói “Đi chợ” là nó làm thinh, còn nếu tôi không trả lời là nó la “két két” liên tục khiến cả nhà lùng bùng lỗ tai cho đến khi tôi lên tiếng nó mới ngừng lại.

Tối đến, tới thời công phu, khi tôi mặc áo tràng lam, thắp hương và gõ chuông, cứ sau tiếng chuông “boong” là nó kêu “két”một tiếng rõ lớn, lúc tôi lạy Phật, tọa thiền, tụng kinh thi nó cũng rì rầm đọc các danh hiệu của chư Phật và Bồ-tát. Trong khói hương thơm dìu dịu, một người, một súc sanh lặng lẽ tu tập. Cứ như thế gần mười năm trời đã trôi qua. Và cửa lồng chim luôn rộng mở nhưng con vẹt chẳng buồn rời khỏi cửa, chắc nó đã tìm được nơi an trú thanh bình. Đất lành chim đậu mà!

Có một Phật tử khi nghe con vẹt của tôi niệm Phật liền nói, theo một câu chuyện Phật giáo, sau này khi con vật chết đi, lưỡi của nó sẽ không bị tan hoại, nếu đem chôn xuống đất nơi đó sẽ mọc lên một loài hoa sen rất quý. Tôi thì không biết chuyện đó có xảy ra cho con vẹt này hay không bởi khi con vẹt này mà chết thi tôi cũng tan xác lâu rồi vì theo các nhà động vật học bảo loài vẹt có thể sống gần tới ba trăm năm. Hiện tại tôi chỉ biết có một chuyện kỳ lạ là từ ngày con vẹt này bắt đầu niệm danh hiệu Phật thì ngày nào nó cũng được ăn một loại bánh ngon đắt tiền, bánh này không phải do tôi mua mà do người khác mang đến tặng nhưng ác có một điều là hễ tôi ăn vào thì bị tăng huyết áp nên chẳng dùng được, (người ta tặng, không lẽ chê, chẳng nhận), thế là con vẹt cứ tàng tàng thưởng thức “tiêu chuẩn” của tôi suốt bao nhiêu năm qua. Đó chẳng phải là biểu hiện của phước báo cho việc niệm Phật của nó sao? Và tôi nghĩ, việc con vẹt đến với tôi rồi được tôi dạy cho nó niệm Phật, âu cũng là một cái duyên tiền kiếp. ■„

 

HƯƠNG ĐỨC

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 190

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin