Chi tiết tin tức

Ngày Thánh đản Phật A Di Đà

16:49:00 - 15/12/2016
(PGNĐ) -  Bổn nguyện của Phật A Di Đà là mong đợi tiếp rước chúng sinh về cõi Tây phương cực lạc. Chúng sinh chỉ cần tín nguyện hạnh đầy đủ thì liền được vãng sinh về cõi Tây phương cực lạc thế giới...

Di Đà Phật đại nguyện vương
Từ bi hỷ xả thật không lường
Giữa mày thường phóng hào quang sáng
Đưa chúng sinh về nơi Cực Lạc
 
Ao tám đức sen nở ra chín phẩm
Bảy lớp cây báu xếp thành hàng
Nếu ai kính ngưỡng xưng danh hiệu
Liền được sinh về chín bậc sen.
 
Phật A Di Đà còn gọi là Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Quang,…theo Bổn kinh của Ngài Cưu Ma La Thập dịch, vị Phật này có ánh sáng vô lượng, thọ mạng vô lượng cho nên gọi là A Di Đà Phật.
 
Theo bản “Phật Di Đà Và Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh” bằng tiếng Phạn chép: “Vị Phật này thọ mạng vô số, ánh sáng vô biên, cho nên gọi là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, là giáo chủ thế giới cực lạc ở Tây phương, hay tiếp rước người niệm Phật vãng sinh Tây phương Tịnh độ, cho nên gọi là Tiếp Dẫn Phật”.

Thế giới của Phật A Di Đà, theo kinh Vô Lượng Thọ, quyển Thượng chép: “Tiền kiếp của Phật A Di Đà là một vị quốc vương, đương thời có một vị Phật ra đời là Thế Tự Tại Vương, nhà vua thường đi nghe Phật Thế Tự Tại Vương thuyết pháp, trong lòng vô cùng hoan hỷ, nhân thế mà phát tâm đạo vô thượng, xả bỏ ngôi vua, xin Phật Thế Tự Tại Vương xuất gia, tên là Pháp Tạng, Ngài tinh cần tu học giới định tuệ, không chỉ để tìm cầu giải thoát cho bản thân lại con muốn cho chúng sinh đang chịu khổ mau ra khỏi biển khổ sinh tử. Do đó Ngài đối trước Phật Thế Tự Tại Vương phát ra 49 lời đại nguyện”.
 
Trong lời nguyện 18 chép: “Nếu khi con thành Phật, chúng sinh ở mười phương, dốc lòng tin tưởng, muốn sinh về nước con, cho đến trong cùng 10 niệm, nếu không được vãng sinh thì không thành chánh giác”.
 
Vì Ngài đã phát ra lời nguyện như thế cho nên siêng năng tu hành chứng thành Phật đạo, làm giáo chủ cõi nước cực lạc ở Tây phương.
 
Thế giới Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà được trang nghiêm rất đẹp đẽ, đất đai bằng phẳng, vàng ròng lót đất, cung điện đền đài, lầu gác đều do vàng bạc lưu ly, thủy tinh, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, bảy món báu làm thành, vàng ngọc chói lọi nhiều màu sắc, có nước tám công đức chảy quanh, trong ao đầy dẫy hoa sen bảy báu, hương thơm tỏ ra ngào ngạt, xung quanh có nhiều lớp lan can, lưới báu, hàng cây, muôn vật phóng hào quang, ngày đêm sáng chói kỳ diệu không gì sánh, gió thổi các hàng cây báu dao động phát ra âm thanh vi diệu giống như là có vô số nhạc khí cùng được tấu lên, cõi này khí hậu ấm áp, không khí trong lành không nhiễm ô, chúng sinh trí huệ siêu phàm, tướng mạo đoan trang, thân thể kiện khang, không có sinh già bệnh chết, ăn uống áo cơm tùy ý, nghĩ là liền có, tất cả tự nhiên đầy đủ, chúng sinh bình đẳng, không có sang hèn cao thấp.

Cũng không có địa ngục ngạ quỷ súc sinh, chúng sinh ở thế giới này không có phiền não khổ đau, chỉ có an vui vô hạn. Phật A Di Đà ở đây giảng nói Phật pháp vô thượng, đồng thời cũng tiếp dẫn chúng sinh vãng sinh về Tịnh độ. Bổn nguyện của Phật A Di Đà là mong đợi tiếp rước chúng sinh về cõi Tây phương cực lạc. Chúng sinh chỉ cần tín nguyện hạnh đầy đủ thì liền được vãng sinh về cõi Tây phương cực lạc thế giới.

 
Tín là tin tưởng, nhân vì tín là cội nguồn của mọi công đức, nuôi lớn các căn lành, không chỉ tin Phật A Di Đà mà còn phải tin Phật Pháp Tăng Tam Bảo.
 
Nguyện là mong muốn, lý tưởng, cũng chính là tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, trông mong được sinh về thế giới của Ngài.
 
Hạnh là như trong kinh A Di Đà chép: Nắm lấy danh hiệu hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì người ấy đến giờ lâm chung Phật A Di Đà cùng các thánh chúng hiện ngay trước mặt, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Phật A Di Đà.
 
Đó chính là nói: Chỉ cần chúng sinh dốc lòng thành niệm Phật niệm niệm nối nhau, nhất tâm bất loạn, trong lúc mạng chung Phật A Di Đà đến ngay trước mặt tiếp rước, nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà mà vãng sinh về thế giới cực lạc. Có 3 cách để niệm Phật:
 
1. Trì danh niệm Phật là miệng xưng danh hiệu Phật A Di Đà, niệm tụng không thôi.
 
2. Quán tưởng niệm Phật, chính là tĩnh tọa nhập định, chuyên tâm nhớ nghĩ tướng mạo của Phật ở nơi Tịnh độ trang nghiêm.
 
3. Thật tướng niệm Phật, chính là quán tưởng pháp thân, chẳng có chẳng không, trung đạo thật tướng.
 
Trong đó, xưng danh niệm Phật rất dễ thực hành, thành công rất cao, cho nên lưu hành rộng rãi, pháp môn niệm Phật là pháp môn phương tiện, rất dễ thực hành, được lưu hành rộng rãi, tín chúng tôn sùng.
 
Tín ngưỡng Phật A Di Đà đã lưu truyền vào Trung Quốc rất sớm, do đó mà có một Tông phái gọi là Tịnh độ chuyên tin pháp môn cầu vãng sinh về thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà.
 
Vào thời Đông Tấn, tại Lô Sơn có Ngài Tuệ Viễn, phát nguyện trước Phật, cầu vãng sinh về Tây phương cực lạc Tịnh độ, đề xướng quán tưởng niệm Phật.
 
Khai sáng và hoằng truyền Tịnh độ, Thiền Tịnh song tu. Pháp môn Tịnh độ lìa khổ được vui này được nhiều người hưởng ứng, bấy giờ có Lưu Di Dân, Chu Tục Chi, Tông Bính,… có hết thảy 123 tín sĩ và 3.000 người nghe phong thái ấy mà đến tại Lô Sơn, đối trước Phật phát thệ, kết hội liên xã niệm Phật, học tu theo pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà, cầu sinh về thế giới cực lạc, phong trào này làm chuyển biến lòng người và trực tiếp ảnh hưởng đến vô số người học Phật tu tập theo pháp môn Tịnh độ.

Đến đời Bắc Ngụy Pháp sư Đàm Loan nhấn mạnh công hiệu “Mười niệm nối nhau”, Ngài nêu ra “Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nguyện sinh về cõi ấy, danh hiệu của Như Lai như thế và danh hiệu của cõi nước kia, hay dừng hẳn các điều ác”.
 
Mười niệm nối nhau đó chính là từng tiếng niệm tụng danh hiệu Phật A Di Đà, trong khoảng giữa niệm, niệm trước niệm sau không có xen hở, không có tạp niệm, liên tục không dứt, trải qua thời gian lâu thành thói quen, tâm không khởi ác niệm, miệng không nói lời ác, thân không làm ác, liền được vãng sinh về Tịnh độ Phật A Di Đà.
 
Pháp sư Đàm Loan chủ trương trì danh niệm Phật mười niệm nối nhau gôm chứa thành tánh, nhân vì chúng sinh chỉ xưng danh hiệu không cần phải định tâm thấy Phật, không cần phải chứng ngộ thật tướng, thì liền được vãng sinh về Tịnh độ, phá được vô minh của tất cả chúng sinh, mãn chí nguyện của tất cả chúng sinh.
 
Đàm Loan Pháp sư chú trọng cách xưng danh hiệu Phật, cách này dễ làm dễ hiểu, khế họp với mọi căn cơ, được đại chúng hưởng ứng, được vua chúa, dân chúng tăng tục thời Nam Bắc Triều kính chuộng. Sau này Tông Tịnh độ được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc.
 
Vào thời Tùy Đường, Ngài Đạo Xước đã nỗ lực hoằng truyền tư tưởng Tịnh độ, đề xuất xưng tán tâm niệm Phật, đem pháp môn niệm Phật chia làm Thánh Đạo Môn và Tịnh độ Môn, được lưu truyền rộng rãi.
 
Đời Đường được xưng là Phật Di Đà hóa thân, Ngài Thiện Đạo Tổ thứ 2 Tông Tịnh độ, ở tại chùa Huyền Trung Sơn Tây thờ Ngài Đạo Xước làm Thầy, theo học tập pháp môn Tịnh độ, đem tất cả giáo nghĩa Tông Tịnh độ tập họp chế định lại hoàn thiện nghi thức tu hành pháp môn Tịnh độ, khiến cho Tông phái Tịnh độ được hoàn thành, chánh thức sáng lập Tông phái Tịnh độ xưng danh niệm Phật. Từ khi Ngài Thiện Đạo sáng lập Tịnh độ tông đến nay, do vì đây là pháp môn dễ làm, được tín chúng khắp nơi tín ngưỡng, nên mau chóng lưu truyền đến các nước như Nhật Bổn, Triều Tiên,…
 
Vào thời đại nhà Tống, Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ đã dốc hết sức để đề xướng pháp môn niệm Phật, phát lời thệ nguyện vãng sinh Tây phương, mỗi ngày định niệm 10 vạn tiếng danh hiệu A Di Đà Phật. Lúc chiều tối là một thời khóa kinh hành niệm Phật, người theo tu tập có đến vài trăm. Ngài lại sáng tác một bài thơ ảnh hưởng đến phong thái tứ liệu giảng:
 
Có thiền không Tịnh độ
Mười người chín lạc lối
Âm cảnh nếu hiện tiền
Mù mờ theo hắn bắt
 
Không thiền có Tịnh độ
Muôn tu muôn người đến
Chỉ thấy Phật Di Đà
Lo gì không khai ngộ
 
Có thiền có Tịnh độ
Giống như cọp mọc sừng
Hiện đời làm Thầy người
Mai sau làm Phật Tổ
 
Không thiền không Tịnh độ
Giường sắt và cột đồng
Muôn kiếp và ngàn đời
Không có ai nương tựa.
 
Do đây có thể biết Ngài đã Thiền Tịnh song tu là pháp môn đặc biệt trong Phật giáo. Sau này ảnh hưởng đến vô số hành giả. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ được người ta cho là hóa thân của Phật A Di Đà.
 
Nhân thế, sau này lấy ngày sinh của Ngài là 17 tháng 11 Âm lịch làm ngày Đản thần của Phật A Di Đà. Về sau các Tông phái khác cũng tiếp nhận tư tưởng pháp môn niệm Phật. Phổ biến nhất là đem kinh A Di Đà đưa vào nội dung thời khóa buổi chiều, đồng thời lại phổ biến khắp quần chúng qua câu nói: “Nhà nhà Di Đà Phật” truyền đến ngày nay. Trong tự viện ngày nay, chúng ta có thể thấy bốn chúng thường đem câu: “A Di Đà Phật” để làm câu chào hỏi, cám ơn,…
 
Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ chép: “Phật A Di Đà ở thế giới cực lạc Tịnh độ, ngồi trên đài sen, có hai vị đại Bồ tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí hầu cận hai bên trái phải, ánh sáng rực rỡ, dù cho trăm ngàn sắc vàng Diêm Phù đàn cũng không thể sánh ví”.
 
Lại theo kinh Ban Chu Tam Muội chép: “A Di Đà Phật có 32 tướng ánh quang minh soi sáng vô cùng đẹp đẽ không gì sánh”.
 
Chúng ta thông thường thấy hình tượng Phật A Di Đà qua tư thế ngồi hoặc đứng. Tượng ngồi thường được thờ tại bảo điện bên phải Phật Thích Ca, thân đắp ca sa, hai tay kết Di Đà định ấn. Trong bàn tay có một đài sen hoặc bảo bình, ngồi trên đài hoa sen. Còn tượng đứng thì trong tư thế tay phải duỗi xuống kết thí nguyện ấn, tay trái cầm đài sen cao ngang ngực là để biểu thị hạnh nguyện tiếp dẫn chúng sinh vãng sinh về Tây Phương. Hai bên trái phải của Phật A Di Đà có Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, cách thờ tự này trong Phật giáo gọi là Tây Phương Tam Thánh.
 
Trên đây đã lược nêu về hạnh nguyện của Phật A Di Đà, là một vị Phật phát nguyện tiếp rước chúng sinh về miền Cực lạc, ngày ngày hành giả tu Tịnh độ luôn xưng niệm trong cách chào hỏi, bạch thưa…nhằm để đánh thức tiềm năng Tịnh độ trong tự tánh của mỗi con người.
 
Thích Thiện Phước
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin