Chi tiết tin tức Bốn oai nghi của người xuất gia dưới góc nhìn y học: Bài 1: Đi nhẹ như gió 22:02:00 - 08/02/2022
(PGNĐ) - Bốn oai nghi là pháp thực hành, một trong những yếu tố làm nên phẩm chất của một vị tu sĩ Phật giáo, được hướng dẫn từ thuở mới vào chùa.
Mỗi bước chân bạn đi sẽ gây ra lực tác động lên chính cơ thể. Điều tiên quyết để bước chân đi nhẹ nhàng, ít tạo ra phản lực có hại chính là việc khoảng cách mỗi sải chân nên ngắn
Bốn oai nghi tạo nên hình ảnh đẹp của Tăng đoàn vốn có từ thời Đức Phật và được truyền thừa cho đến ngày nay. Đi - đứng - nằm - ngồi tuy là những hoạt động thường ngày nhưng đó cũng là một phương cách để rèn luyện thân tâm. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích bốn oai nghi dưới góc nhìn y học. “Đi để mà đi” “Đây là lần đầu tiên chú Svastika rời bỏ quê hương. Nghe nói phải đi đến mười hôm mới tới được thành Rajagaha. Bụt và các thầy khất sĩ đi thật khoan thai. Đi như thế này thì lâu đến là phải. Nhưng Svastika cũng chậm bước lại. Bước chân Svastika cũng trở nên khoan thai. Lòng Svastika bây giờ bình yên… Svastika có cảm tưởng là Bụt đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới. Đoàn khất sĩ đi theo Người cũng vậy. Không ai tỏ vẻ nóng ruột hoặc hấp tấp muốn cho chóng tới Rajagaha. Mọi người bước những bước vững chắc, chậm rãi và thanh thản. Đi như là đi chơi”. (Trích “Đường xưa mây trắng” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh) Trong nhịp sống hối hả ngày nay, những bước đi chậm rãi, khoan thai như mô tả ở trên phải chăng chỉ còn trong các buổi thiền hành? Sự vội vã, tất bật khiến con người phải tranh thủ thời gian trong từng bước chân thoăn thoắt. Các nghiên cứu đã cho thấy, mỗi bước chân ta nện xuống đất càng mạnh thì chính ta cũng sẽ nhận lại phản lực lên cơ thể càng lớn. Đây chính là lý do các vi chấn thương ở hệ cơ xương khớp xuất hiện từ trong chính sinh hoạt hàng ngày. Những vi chấn thương này quá nhỏ để chúng ta có thể nhận ra tức thì và điều chỉnh. Nhưng chính sự lặp đi lặp lại và tích lũy theo thời gian, nó sẽ gây các tác động tiêu cực lên hệ cơ xương khớp, nhất là ở chi dưới. Chúng tôi có thể điểm qua các bệnh lý có liên quan đến việc đi đứng như viêm cân gan chân gây đau nhức lòng bàn chân, viêm điểm bám gân gót gây đau ở mặt sau gót chân, vẹo trục cổ chân và thoái hóa khớp cổ chân, rách sụn khớp cổ chân và khớp gối, vẹo trục và thoái hóa khớp gối, đau khớp háng hay thậm chí là ảnh hưởng lên cột sống… Các bệnh lý nêu trên thường dễ chuyển sang mạn tính và hay tái đi tái lại. Một nguyên nhân quan trọng của vấn đề này là người bệnh không nhận diện được các thói quen sai lầm trong việc đi đứng và thay đổi nó. Thuốc men có thể giúp họ cắt cơn đau, nhưng nếu không điều chỉnh lối sống thì việc tái lại là điều gần như chắc chắn. Đó cũng chính là lý do khi thăm khám cơ quan vận động, các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh đi đứng để phát hiện các rối loạn ở dáng đi. Bạn nên trao đổi với thầy thuốc về các biện pháp điều chỉnh thói quen sinh hoạt sao cho đúng. Bởi lẽ đây chính là điều chúng ta có thể thay đổi được và có thể làm hàng ngày, còn thuốc men chỉ là phương tiện ngắn hạn để kiểm soát các triệu chứng. Đi nhẹ như gió Tư thế đi chuẩn hầu như ai cũng có thể mô tả được, nhưng nhớ thực hành hàng ngày mới là điều quan trọng. Khi bước đi, chúng ta cần giữ lưng và vai thẳng, đầu cũng ngay thẳng, mắt nhìn về phía trước, không vung tay quá rộng, không lê chân trên sàn, không gây ra tiếng ồn. Tạo cho dáng đi nhẹ nhàng được người xưa nhắc bằng câu “hành phư phong” nghĩa là đi nhẹ như gió. Việc giữ cho đầu, lưng vai thẳng ngoài việc đảm bảo trục cơ thể không bị lệch còn liên quan đến sự thăng bằng khi vận động. Điều này có vẻ ít quan trọng ở người trẻ. Bởi khi còn trẻ, hệ thống điều chỉnh sự thăng bằng và sức cơ còn khoẻ thì cơ thể có thể tự bù trừ được. Nhưng đối với người cao tuổi, khi cơ thể bị lệch trục do vấn đề gù cột sống và tình trạng thoái hóa các khớp ở chi dưới, cộng với sức cơ suy yếu thì việc điều chỉnh thăng bằng không còn tốt nữa. Đây chính là nguyên nhân người cao tuổi thường có dáng đi lắc lư và không vững. Tất cả những điều này là yếu tố quan trọng dẫn đến té ngã ở người cao tuổi. Đến lúc cơ thể đã già yếu, mỏi mòn thì muốn điều chỉnh hay thay đổi các thói quen cũ trong việc đi đứng là điều rất khó khăn. Vì vậy hãy tập cho mình dáng đi tốt ngay từ lúc còn trẻ. Khi đi đứng, việc giữ cho mắt nhìn về phía trước giúp cơ thể quan sát có chủ ý về đường đi và các chướng ngại vật. Thường chúng ta luôn làm tốt việc quan sát khi di chuyển trên những con đường lạ. Các thống kê cho thấy, nơi thường dễ xảy ra té ngã trong sinh hoạt hàng ngày hay tai nạn giao thông là trong chính ngôi nhà của mình và trên những cung đường chúng ta hay đi. Thêm vào đó, việc “nhìn dọc, liếc ngang” không làm cho trường quan sát chúng ta mở rộng thêm. Bởi trường quan sát của mỗi người tương đối hằng định. Một trong các cơ chế gây té ngã về phía sau chính là việc quay đầu đột ngột khi di chuyển. Động tác đánh tay trong khi di chuyển là một phản xạ tự nhiên để đảm bảo thăng bằng của cơ thể. Nhưng khi đi đứng mà đánh tay quá mức có thể gây đau ở khớp vai và làm tiêu tốn năng lượng của cơ thể. Việc tiêu tốn năng lượng này càng bộc lộ rõ ở người già qua việc họ bị nhanh mệt khi đi đứng nhiều. Thay vào đó, thăng bằng của cơ thể vẫn có thể được duy trì bằng việc kiểm soát bước chân và mắt như đã nêu bên trên. Mỗi bước chân bạn đi sẽ gây ra lực tác động lên chính cơ thể. Điều tiên quyết để bước chân đi nhẹ nhàng, ít tạo ra phản lực có hại chính là việc khoảng cách mỗi sải chân nên ngắn. Khi sải chân càng dài, thường bàn chân sẽ tiếp đất ở phía gót nhiều hơn. Khi đó, đi nhanh sẽ đồng nghĩa với việc đi bằng gót chứ không bằng cả bàn chân. Chính việc nện gót chân xuống đất liên tục với cách đi này sẽ gây ra hiện tượng đau ở gót chân, về lâu dài gây ra tình trạng mất cân bằng trong vấn đề chịu lực ở bàn chân. Việc quan sát da lòng bàn chân, nhìn dấu chân in trên nền, hay gián tiếp qua độ mòn của đế giày dép có thể phần nào biết được vấn đề rối loạn chịu lực ở bàn chân. Giày dép là phương tiện để bảo vệ đôi chân, nhưng cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra các vấn đề ở bàn chân. Giày có quai hậu luôn được khuyến khích sử dụng. Các loại dép xỏ ngón thường gây đau ở kẽ ngón và không che chắn được bàn chân và có thể tạo sự va đập giữa đế dép và vùng gót khi di chuyển. Chọn lựa giày dép sao cho vừa vặn với bàn chân để không gây vấp té, sao cho êm để hấp thu bớt phản lực lên bàn chân là những vấn đề nên chú ý. Từ quan điểm này, chúng ta cần quan trọng cả đôi dép mang trong nhà cho đến đôi giày đi ngoài đường đều phải thỏa mãn các tiêu chí này. Trong đạo Phật, thiền hành là một pháp môn tu tập để rèn luyện thân tâm. Dưới góc nhìn y học, đi bộ được xem là một hoạt động thể dục phù hợp nhất, dễ thực hiện nhất cho mọi lứa tuổi. Đi bộ có thể làm tăng sức mạnh cơ chân, cải thiện hiệu suất thăng bằng và điều kiện tâm lý. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Thể thao Hoa Kỳ (ACSM) khuyến cáo chúng ta nên vận động thể lực như đi bộ ít nhất 30 phút/ngày, ít nhất trong 5 ngày trong một tuần. Thực hiện được điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính phổ biến mà còn tăng cường sức mạnh và độ bền của cơ bắp, giúp ngăn ngừa té ngã. Ở các nước phương Tây, nhiều chiến dịch nâng cao sức khỏe đi bộ toàn dân đã được phát động. Để đáp ứng mục tiêu khuyến nghị, mọi người được khuyến khích đi bộ từ 7.000 đến 10.000 bước/ngày để mang lại lợi ích sức khỏe tương đương với vận động thể lực trung bình trong 30 phút. Nhiều nghiên cứu chỉ ra đi bộ <5.000 bước/ngày là ngưỡng giới hạn của lối sống ít vận động. Chính lối sống ít vận động là nguy cơ của các bệnh lý thời đại như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ… Đơn thuốc “đi bộ” nên được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe. (Còn tiếp)
BS.Võ Khắc Khôi Nguyên
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |