Chi tiết tin tức Thích ứng an toàn với Covid-19 21:14:00 - 05/01/2022
(PGNĐ) - Đại dịch Covid-19 trong hai năm qua ảnh hưởng trầm trọng lên mọi lĩnh vực của đời sống, gây ra bao tổn thất, mất mát cho con người.
Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhưng vì nhu cầu khôi phục đời sống, xã hội buộc phải mở cửa, cùng với các khuyến cáo về biện pháp thích ứng an toàn với Covid-19. Giác Ngộ giới thiệu bài tóm tắt của Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên về vấn đề này. Hai năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta dần thích nghi trạng thái bình thường mới: sống chung với dịch bệnh. Một khái niệm đã và đang trở thành phương châm của nhiều quốc gia: thích ứng an toàn với Covid-19. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về vấn đề thích ứng an toàn dưới góc độ chăm sóc sức khỏe cá nhân bằng những phương pháp phòng bệnh phổ quát. Vì sao phải thích ứng an toàn? Chúng ta đã bị ảnh hưởng Covid-19 theo nhiều cách trực tiếp và gián tiếp. Có nhiều tác động trực tiếp như các vấn đề sức khỏe, các biến chứng bệnh lý, khó khăn trong tiếp cận chăm sóc, giảm chất lượng sống. Tác động gián tiếp có thể được đo lường bằng sự giảm sút mối quan hệ gia đình xã hội, suy giảm chất lượng giáo dục, thiệt hại kinh tế do đóng cửa... Mức độ nghiêm trọng của tác động phụ thuộc vào cách mọi người thích ứng. Những người càng thích ứng tốt trước “phép thử” của dịch bệnh thì họ càng ít bị tác động hơn. Thuật ngữ 'bình thường mới' xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Bình thường mới” để chỉ những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và xã hội, tác động đến nhận thức tập thể và lối sống cá nhân. Thuật ngữ này đã được sử dụng lại trong đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Thế giới, Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nặng nề nhất kể từ năm 1930. Đã có nửa tỷ người trên toàn thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Phục hồi kinh tế phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và sự thích ứng của người dân. Nhiều hoạt động xã hội và kinh tế vẫn phải tiếp diễn. Nhà nước hỗ trợ để mọi người dân cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các biện pháp thích ứng của cá nhân vẫn là quan trọng hơn cả. Trong đó, việc thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi của bản thân về vấn đề sức khỏe là điều kiện quan trọng nhất. Không có sức khỏe, chúng ta sẽ mất tất cả. Hai năm sau khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta đã tìm ra cách để khôi phục sức khỏe bất chấp chủng Coronavirus mới. Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố “vi-rút sẽ tồn tại lâu dài”. Đại dịch còn tiếp diễn, chúng ta sẽ phải thích ứng an toàn về mọi mặt, kể cả điều chỉnh hành vi liên quan sức khỏe của chính mình. Chuỗi lây nhiễm và cách cắt đứt Năm 1918 “bệnh cúm Tây Ban Nha” (H1N1), một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Ước tính hơn 50 triệu người trên toàn cầu đã tử vong. Sau 1 thế kỷ, đại dịch Covid-19 đang tái hiện lại những bài học xưa. Mặc dù Covid-19 bùng phát không cùng quy mô với đại dịch năm 1918, nhưng có cùng một số đặc điểm về vấn đề sức khỏe cộng đồng. Bệnh truyền nhiễm được xác định bởi bộ ba mầm bệnh, vật chủ và các yếu tố môi trường thông qua chuỗi lây nhiễm.
Chuỗi này bắt đầu với tác nhân lây nhiễm cư trú và sinh sôi trong một số ổ chứa tự nhiên: con người, động vật hoặc môi trường như đất, nước. Tác nhân lây nhiễm rời khỏi ổ chứa qua cổng ra và bằng một số phương thức lây truyền, di chuyển đến cổng vào cơ thể cảm thụ. Hiểu biết về chuỗi lây nhiễm rất quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào. Chỉ cần phá vỡ bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi sẽ ngăn chặn sự lây lan. Phá vỡ càng nhiều mắt xích chúng ta sẽ càng dễ khống chế dịch bệnh. Các biện pháp cá nhân được áp dụng càng rộng rãi thì việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh càng tối ưu. Hàng loạt các biện pháp y tế công cộng đã được áp dụng khi chống dịch Covid-19. Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản nhưng cắt đứt được 4 mắt xích: ổ chứa, ngõ ra, phương thức lây, ngõ vào. Khẩu trang giúp hạn chế bớt đường ra, giảm thiểu khả năng xâm nhập mầm bệnh vào cơ thể. Khử khuẩn bề mặt giúp cắt đứt mắt xích ổ chứa, phương thức lây. Tiêm ngừa, kiểm soát dinh dưỡng và bệnh lý nền giúp cắt đứt mắt xích cơ thể cảm thụ và nguồn chứa. Các biện pháp này không chỉ hữu hiệu trong giai đoạn chống dịch mà vẫn còn nguyên giá trị khi cả xã hội chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với Covid-19. Làm thế nào để thích ứng an toàn với Covid-19? Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây truyền của bệnh truyền nhiễm. Các biện pháp này được áp dụng trong bệnh viện lẫn ngoài cộng đồng. Cho đến nay, các biện pháp phòng ngừa vẫn tỏ ra hữu hiệu trước đại dịch Covid-19. Chúng tôi xin phân tích các vấn đề về vệ sinh tay, khử khuẩn, khẩu trang, tiêm ngừa, kiểm soát dinh dưỡng và bệnh lý. 1. Vệ sinh tay Đây là một thách thức đối với vấn đề sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Nhiều báo cáo cho thấy tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay chỉ đạt dưới 50%, thậm chí trong các cơ sở y tế. Việc sử dụng găng tay trong mùa dịch Covid-19 khá phổ biến. Nhưng bạn cần nhớ dùng găng tay không thay thế vệ sinh tay. Đôi khi găng tay còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Bàn tay là nơi trung gian truyền vi sinh vật quan trọng. Ngày càng có nhiều thông điệp sức khỏe về tầm quan trọng rửa tay và các kỹ thuật rửa tay đúng cách để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Đại dịch hiện nay đã khiến việc rửa tay trở thành tâm điểm của sự chú ý. Trong giai đoạn thích ứng an toàn, chúng ta phải đảm bảo thói quen vệ sinh tay tiếp tục được duy trì. Da đóng vai trò như hàng rào bảo vệ chống lại mầm bệnh, sự mất nước, mất nhiệt. Da khỏe mạnh có các vi sinh vật thường trú bên dưới lớp sừng và ở bề mặt da giúp cạnh tranh chống các mầm bệnh. Các mầm bệnh bám lên da qua tiếp xúc trực tiếp các vật dụng sinh hoạt hoặc bề mặt bị nhiễm. Mầm bệnh tạm thời xâm chiếm các lớp da bề ngoài. Nó có thể được loại bỏ dễ dàng hơn hệ vi sinh vật thường trú bằng cách rửa tay thông thường.
Vệ sinh tay bao gồm: kỹ thuật rửa tay bằng xà phòng-nước, và kỹ thuật vệ sinh tay với cồn hoặc gel. Cần rửa tay khi tay bị lấm bẩn, dính các chất dịch cơ thể, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Các trường hợp còn lại có thể vệ sinh tay. Cần đảm bảo tất cả các vùng trên cả hai tay đều được cọ xát trong khoảng 20- 30 giây. Thời gian và đảm bảo mọi vị trí trên bàn tay đều được chà xát là hai vấn đề quan trọng nhất. Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh vệ sinh tay có thể làm giảm 50% sự lây truyền mầm bệnh. Dùng cồn khử khuẩn phổ biến từ thời cổ đại. Cồn khử khuẩn nhờ đông tụ các protein bề mặt vi sinh vật. Cồn dưới 50 độ diệt khuẩn kém. Cồn trên 90 độ làm đông tụ các protein của vi sinh vật ngay lập tức và bay hơi quá nhanh. Do đó, cồn 70 độ được ưu tiên dùng hơn cả. Tuy nhiên, dùng chất sát khuẩn chứa cồn thường xuyên sẽ làm trôi lớp dầu trên bề mặt da khiến da bị khô. Dầu tiết ra từ tuyến bã nhờn chứa các axit béo tự do có hoạt tính kháng vi-rút tự nhiên. Hơn nữa, da bị khô dễ nứt nẻ sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập. Ngược lại, rửa tay bằng xà phòng tốt hơn vì nó không có nguy cơ cháy nổ như cồn và không làm khô da. 2. Khử khuẩn bề mặt Tùy vào chất liệu, độ pH, nhiệt độ và độ ẩm, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt từ 1-9 ngày. Ví dụ ở đồ đồng là 4 giờ, bìa cứng là 24 giờ, nhựa, thép không gỉ là 3 ngày. Các bề mặt tiếp xúc có nguy cơ cao như tay vịn, tay nắm cửa, bảng điều khiển… cần được lau khử khuẩn thường xuyên.
Chúng tôi xin giới thiệu hai chất khử khuẩn phổ biến là cồn và nước Javel. Cồn etanol (78–95%) và iso-propanol (70–100%) có hoạt tính diệt vi-rút mạnh và ít tác dụng độc hại trên da người. Tất cả vi-rút được bao bọc bởi vỏ lipid sẽ bị bất hoạt bởi cồn trong vòng 2 phút. Nước javel là chất khử khuẩn có tính oxy hóa. Nước javel phá hủy tế bào vi rút và tiêu diệt mầm bệnh. Dung dịch nước javel pha loãng nồng độ 1/100 dùng để lau các bề mặt trong 10 phút. Khử trùng các vật dụng bằng cách ngâm với nước javel thì cần 30 phút. 3. Khẩu trang Khẩu trang là công cụ hiệu quả để hạn chế lây nhiễm Covid-19. Việc mang khẩu trang thường xuyên mà không còn cảm giác ngộp thở là một bằng chứng thích nghi của cơ thể.
Khẩu trang y tế hoặc N95 dùng trong các khu vực nguy cơ cao. Khẩu trang vải nhiều lớp thì phổ biến nhưng hiệu quả thấp hơn nên được sử dụng ở các nơi nguy cơ thấp. Người nhiễm Covid-19 cũng nên mang khẩu trang vì nó cũng giúp hạn chế các hạt mang mầm bệnh phát tán. Mặt ngoài khẩu trang là nơi bám dính mầm bệnh. SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên mặt ngoài khẩu trang đến 7 ngày. Vì vậy, sau khi sử dụng, nhất là các khẩu trang y tế cần phải được xử lý một cách cẩn thận. 4. Giữ khoảng cách, không tụ tập đông người Sự lây truyền qua giọt bắn xảy ra trong phạm vi dưới 1 mét với người bệnh bị ho, hắt hơi. Vì vậy, giữ khoảng cách 2 mét giúp bảo vệ bản thân với người xung quanh. Hiện nay, có người nhiễm Covid-19 không triệu chứng nên việc giữ khoảng cách lại càng cần thiết. Tụ tập đông người khiến bệnh lây lan nhanh và nhiều hơn. Môi trường kín dễ gây xuất hiện chuỗi siêu lây nhiễm Covid-19. Khả năng lây trong môi trường kín cao hơn 18,7 lần so với ngoài trời. Vì vậy, chúng ta nên chú ý tránh hội họp đông người nhất là trong những không gian kín, chật hẹp.
Cần giữ cho môi trường nhà cửa luôn thông thoáng và có đối lưu không khí sẽ giúp loại bỏ hoặc pha loãng nồng độ của hạt lây nhiễm xuống dưới liều lây nhiễm. Khẩu trang cũng là “màng lọc” trước khi không khí vào đường thở. Nếu cần thiết phải ra ngoài, bạn nên tính toán lộ trình, kế hoạch di chuyển sao cho khoa học, hợp lý. Để đỡ ghi nhớ lộ trình và điểm đến, bạn nên khai báo y tế. Việc này sẽ giúp chính bạn và ngành y tế kiểm soát được chùm ca bệnh. 5. Tiêm ngừa và kiểm soát sức khỏe cá nhân Các can thiệp phòng ngừa quan trọng nhằm vào cắt đứt mắt xích cơ thể nhạy cảm trong chuỗi lây nhiễm bao gồm: tiêm vắc-xin, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, điều trị các bệnh tiềm ẩn hay bệnh hiện mắc. Suy dinh dưỡng là yếu tố nguy cơ cao gây bệnh tật và tử vong. Vòng lẩn quẩn tồn tại: nhiễm trùng dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm chức năng miễn dịch, từ đó làm nhiễm trùng nặng hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ, sử dụng thực phẩm an toàn rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ con khỏi các bệnh truyền nhiễm. Các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động bình thường. Chú ý bổ sung vitamin A và kẽm vì giúp làm giảm một số bệnh nhiễm trùng. Tiêm vắc-xin nhằm kích thích cơ thể tạo ra trí nhớ miễn dịch với dịch bệnh như Covid-19. Hiện nay, nhiều quốc gia trong đó có nước ta đã triển khai mũi tiêm vắc-xin Covid-19 tăng cường cũng là nhằm kích hoạt trí nhớ miễn dịch hiệu quả hơn. Vì vậy, đừng chần chừ trong việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Giãn cách xã hội và dịch Covid-19 đã làm gián đoạn việc tiêm chủng của các bệnh lý khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván…, nhất là việc tiêm chủng cho trẻ em. Điều này đang làm dấy lên sự lo ngại: Covid-19 là cơ hội cho các bệnh nhiễm trùng đã khống chế được trước đây sẽ quay lại do việc tiêm chủng không đầy đủ. Vì vậy, việc tiêm chủng các bệnh lý khác vẫn nên được duy trì dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), việc duy trì các biện pháp dự phòng phổ quát nêu trên giúp giảm hơn 30% các bệnh nhiễm trùng. Nước ta đã tóm tắt những nguyên tắc này qua “thông điệp 5K” rất dễ nhớ, dễ thuộc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn lây nhiễm thì việc tuân thủ thông điệp “5K+ vắc-xin” là lựa chọn duy nhất để chúng ta thích ứng an toàn cùng dịch bệnh. Tóm lại, Covid-19 là đại dịch thứ hai của thế kỷ XXI gây ra hàng trăm triệu ca nhiễm và tử vong. Mặc dù chưa thể dự đoán được ngày kết thúc, nhưng chúng ta đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Bình thường mới này là thực sự mới hay là sự nhắc lại của những bài học cũ? Thích ứng với “bình thường mới” phụ thuộc vào việc thay đổi kiến thức- thái độ - hành vi về sức khỏe của chúng ta. Khi đại dịch còn tiếp diễn, chúng ta thường xuyên đối mặt với câu hỏi: thói quen hàng ngày cần thay đổi gì để thích ứng an toàn với Covid-19?
Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |