Chi tiết tin tức

Cho phép tiêm vaccine Covid-19 mũi ba sau mũi hai 3 tháng

22:05:00 - 17/12/2021
(PGNĐ) -  Bộ Y tế ngày 17/12 cho phép tiêm liều vaccine thứ ba sau mũi cuối của liều cơ bản 3 tháng; người khỏi Covid-19 được tiêm ngay mà không chờ 6 tháng như trước.

Như vậy, so với hướng dẫn hôm 1/12, lần này Bộ Y tế rút ngắn khoảng cách tiêm liều nhắc lại xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai). Đối với những người đã mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Đây là điểm mới của hướng dẫn này. Trước đây, người sau khi khỏi Covid-19 được yêu cầu chờ 6 tháng sau mới tiêm vaccine. Hướng dẫn mới dựa theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước.

Liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Theo đó, Bộ Y tế cho phép tiêm liều bổ sung cho người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.

Họ sẽ được tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Loại vaccine để tiêm là cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Tiêm vaccine cho người dân tại Cung Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Tiêm vaccine cho người dân tại Cung Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc; hoặc liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Họ sẽ được tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vetor virus (vaccine Astrazeneca).

Vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt, liều lượng tiêm theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Các địa phương quyết định nhóm tiêm phù hợp thực tế, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12, căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm, hoàn thành bao phủ mũi một cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi hai cho người đã tiêm mũi một đủ thời gian. Địa phương đã đạt được độ bao phủ vaccine cao cần rà soát và tổ chức tiêm vét. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, chiều 16/12, cũng yêu cầu "thần tốc" hơn nữa trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Mục tiêu đến tháng 1/2022 phải hoàn thành tiêm mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi.

TP HCM là địa phương đầu tiên cả nước triển khai tiêm mũi 3 cho người trên 50 tuổi, bệnh nền, lực lượng chống dịch... từ ngày 10/12. Nhiều tỉnh, thành phía Bắc chuẩn bị tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, đồng thời tăng tốc phủ vaccine phòng Covid-19 với trẻ 12-17 tuổi.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tuần trước cho biết ngành y tế đặt mục tiêu giữa năm 2022 cơ bản tiêm xong mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong năm 2022, ngành y tế sẽ tập trung tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành, tiêm vét cho nhóm bị tạm hoãn hay chống chỉ định...; tiếp tục tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Ngành cũng xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi và triển khai theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chiến dịch tiêm phòng đã được triển khai tại Việt Nam từ tháng 3 cho các nhóm ưu tiên và mở rộng ra các nhóm khác. Đến hết ngày 16/12, Việt Nam tiêm được hơn 135 triệu liều, đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt. 77% dân số trưởng thành cả nước được tiêm mũi 1, 60% dân số được tiêm mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia, Brunei).

Bộ Y tế cho biết trung bình một ngày cả nước tiêm 1-1,5 triệu liều vaccine, tốc độ tiêm trong tháng 11 đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Lê Nga/vnexpress.net 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin