Chi tiết tin tức

Dấu hiệu nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19 cần đến bệnh viện ngay

20:23:00 - 01/08/2021
(PGNĐ) -  Theo Bộ Y tế, sau tiêm vắc-xin Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu thuộc nhóm dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, các loại vắc-xin Covid-19 hiện nay hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%. Vắc-xin Covid-19 có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm, giảm nguy cơ bị biến chứng do mắc bệnh, giảm nguy cơ phải nhập viện điều trị và tử vong.

Một số triệu chứng thông thường sau tiêm vắc-xin Covid-19 có thể gặp là sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn... Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng Covid-19.

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin Covid-19 là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...

Diễn biến nặng lên gồm sốt cao > 39°C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp...

Bộ Y tế khuyến cáo sau khi tiêm, nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Theo các chuyên gia, sau tiêm vắc-xin Covid-19, người tiêm còn có thể gặp một số dấu hiệu liên quan đến biến chứng huyết khối (đông máu) - giảm tiểu cầu, tuy nhiên rất hiếm gặp.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa - Phó Trưởng khoa Y, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nếu huyết khối mạch máu não, nội tạng và phổi bị biến chứng thì sẽ có triệu chứng nhức đầu dữ dội, đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực; thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu, hay giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ; đau ngực và khó thở; sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động.

Đối với giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng, sẽ xuất hiện các dấu hiệu như có vết bầm tím ngoài da dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu; màu đỏ tươi, tím bầm, màu vàng nhạt, khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; không đau và xuất hiện tự nhiên; chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau chải răng; chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên; tiểu máu, đi cầu phân đen hoặc máu tươi; kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài ở phụ nữ. Xuất huyết có thể biểu hiện cùng lúc dưới da, niêm mạc và nội tạng.

"Các dấu hiệu liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu thường xuất hiện từ ngày thứ 4 cho đến ngày thứ 30 sau tiêm vắc-xin. Khoảng thời gian cao điểm cho các triệu chứng ban đầu là ngày 6 đến ngày 14. Khi có các dấu hiệu trên sau tiêm ngừa từ ngày thứ 4, cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế tiêm ngừa để được thăm khám, tham vấn và trị liệu", bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.

Tỷ lệ huyết khối sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là hiếm gặp, cụ thể với vắc-xin của AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, vắc-xin Pfizer-BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Huyết khối sau tiêm vắc-xin AstraZeneca chủ yếu gặp ở nữ. Tỷ lệ huyết khối sau tiêm vắc-xin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi. Sau tiêm vắc-xin AstraZeneca tỷ lệ huyết khối dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng huyết khối sau tiêm vắc-xin AstraZeneca còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng...

Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp đông máu sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết các vắc-xin khác hay bất kể các loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể đều có phản ứng dị ứng của mỗi cá thể khác nhau, tức phản ứng phản vệ sau khi tiêm. Không có vắc-xin nào hiệu quả bảo vệ 100% phòng bệnh, không có vắc-xin nào an toàn 100%.

Vắc-xin Covid-19 hiện nay trên thế giới đã và đang sử dụng, được ghi nhận xảy ra phản ứng thông thường sau tiêm tương đương nhau để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh. Một số người xuất hiện phản ứng nặng phụ thuộc vào yếu tố cơ địa, cá thể của mỗi người.

Bà Hồng khuyến cáo trong trường hợp sốt sau tiêm, bù nước và điện giải là rất quan trọng, giúp cơ thể tránh được tình trạng háo nước, khát nước khi sốt.

Việt Nam đặt an toàn về tiêm chủng lên hàng đầu, cách triển khai tiêm chủng thực hiện cẩn thận, an toàn, chu đáo. Tất cả tuyến và các cán bộ y tế đã được tập huấn nhiều lần về xử trí phản ứng sốc phản vệ, tập huấn chuyên biệt về xử lý đông máu. Đặc biệt, với phản ứng phản vệ thì việc can thiệp từ những giây đầu tiên vô cùng quan trọng.

Trước khi đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19, người dân cần chuẩn bị chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vaccine khác... sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc IOS. Ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm, đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K trước, trong và sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, người tiêm cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi về nhà hoặc nơi làm việc, cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau tiêm.

 

Thúy Quỳnh - Lê Cầm/ VnExpress

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin