Chi tiết tin tức

Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin Moderna

19:54:00 - 22/07/2021
(PGNĐ) -  Vắc-xin Moderna hiệu quả cao với biến thể Delta, ít các phản ứng nặng sau tiêm như viêm cơ tim, huyết khối giảm cầu, tuy nhiên không nên tiêm trộn với các vắc-xin khác.

Vắc-xin Moderna, tên khác là Spikevax, sử dụng công nghệ mRNA giống vắc-xin của Pfizer, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt ngày 30-4. Theo hướng dẫn cập nhật cuối tháng 6 của nhóm chuyên gia WHO, vaccine hiệu quả 90% ngăn ngừa được các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng.

Ưu điểm của vắc-xin Moderna là không cần bảo quản cực lạnh, giúp quá trình phân phối dễ dàng hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vắc-xin Moderna hiệu quả cao với biến thể Delta, nguồn gốc Ấn Độ.

Vắc-xin Moderna được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống Covid-19, ngày 28-6. Hơn 2 triệu liều vắc-xin Moderna do Mỹ hỗ trợ đã về Việt Nam. Mười tỉnh, thành phố miền Nam được phân bổ 505.680 liều, trong đó TP.HCM nhận 235.200 liều. Ở miền Bắc, vắc-xin Moderna được phân cho 28 tỉnh, thành, trong đó Hà Nội nhận nhiều nhất với 120.960 liều.

Khác với vắc-xin Pfizer, Bộ Y tế không cho tiêm trộn, mà mỗi người tiêm chủng sẽ được tiêm đủ 2 liều Moderna.

Phản ứng sau tiêm của vắc-xin Morderna có khác so với AstraZeneca và Pfizer?

Vắc-xin Moderna là vaccine RNA thông tin (mRNA) tương tự như vắc-xin Pfizer. Theo các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, tỷ lệ các phản ứng sau tiêm của Moderna cho người từ 18 tuổi trở lên cao hơn khoảng 10% so với vắc-xin Pfizer.

Trong đó, đau tại chỗ tiêm (92%), mệt mỏi (70%), nhức đầu (64,7%), đau cơ (61,5%), đau khớp (46,4%), ớn lạnh (45,4%), buồn nôn/nôn (23%), sưng đau ở nách (19,8%), sốt (15,5%), sưng tại chỗ tiêm (14,7%), ban đỏ tại chỗ tiêm (10%). Hầu hết các phản ứng sẽ giảm dần và mất đi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm vắc-xin.

Các phản ứng nặng như phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, huyết khối giảm cầu rất hiếm gặp.

Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin Moderna ảnh 1

Một lọ vắc-xin Covid-19 hãng Moderna - Ảnh: Sankei

Những ai nên và không tiêm vắc-xin Moderna

Vắc-xin Moderna được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Liều lượng tiêm 0,5 ml theo đường tiêm vào bắp tay. Lịch tiêm 2 mũi, cách nhau một tháng (28 ngày). Nhà sản xuất khuyến cáo mỗi người tiêm tối đa 2 mũi.

Cần thận trọng khi chỉ định tiêm chủng cho người có tiền sử viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.

Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin AstraZeneca có cần tiêm thêm 1 mũi vắc-xin Moderna?

Hiện tại WHO và Bộ Y tế Việt Nam chưa có khuyến cáo về việc bổ sung một liều tiêm nhắc sau 2 liều vắc-xin AstraZeneca. Người tiêm đủ 2 liều vắc-xin AstraZeneca thường có triệu chứng nhẹ nếu mắc bệnh, không trường hợp nào bệnh nặng cần nhập viện.

Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và tử vong do Covid-19 đều là những người chưa được tiêm vắc-xin.

Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 và nguồn cung hạn chế trên thế giới, hiện nay vắc-xin được chỉ định tiêm 2 liều.

Người đã tiêm 1 mũi vắc-xin AstraZeneca có nên tiêm mũi 2 là vắc-xin Morderna?

WHO khuyến cáo không nên trộn và kết hợp vắc-xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, tốt nhất là nên tiêm cùng một loại vắc-xin. Hiện tại, WHO và Bộ Y tế Việt Nam chỉ chấp thuận vắc-xin Pfizer có thể được sử dụng như liều thứ hai sau liều ban đầu của vắc-xin AstraZeneca, nếu vắc-xin AstraZeneca không có sẵn.

Một thử nghiệm lâm sàng do Đại học Oxford ở Anh đang tiến hành, nghiên cứu hiệu quả việc pha trộn tiêm ngừa giữa vắc-xin AstraZeneca với vắc-xin Pfizer, vắc-xin Moderna và vắc-xin Novavax.

Người có bệnh mạn tính như rối loạn đông máu, tăng huyết áp, thoái hóa khớp... có thể tiêm vắc-xin Morderna không?

Tương tự các loại vắc-xin Covid-19 khác, khi tiêm vắc-xin Morderna, những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính đã điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ, tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vắc-xin Covid-19. Ngày đi tiêm, bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân/ VnExpress

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin