Chi tiết tin tức Nghệ thuật ăn trong chánh niệm 15:53:00 - 14/11/2015
(PGNĐ) - Jules Clancy học ngành công nghiệp thực phẩm. Cô là tác giả của quyển “5 Ingredients 10 Minutes” (5 nguyên liệu 10 phút”. Cô viết blog để giúp người đọc nấu những món chất lượng, bổ dưỡng nhất mà không cần mất nhiều thời gian nấu nướng.
Khi tôi bỏ việc vào tháng Giêng để chuyên tâm vào việc viết blog suốt thời gian, có rất nhiều chuyển biến tôi rất hào hứng muốn đem áp dụng vào cuộc sống của mình. Một trong những điều đáng nói nhất đó là về thói quen ăn uống của tôi.
Trong những tháng năm làm kẻ nô lệ ăn lương trong các công ty, điểm tâm thường là bữa tôi ăn một mình trong xe. Ăn chụp giựt, hầu như không nhai nuốt khi tôi cố vượt thoát khỏi dòng xe cộ mắc cửi trong suốt cả tiếng đồng hồ lái xe đi làm. Bữa trưa còn tệ hại hơn thế nữa. Dầu tôi mang theo thực phẩm bổ dưỡng chuẩn bị sẵn ở nhà, nhưng tôi lại không thể sử dụng chúng. Nuốt vội miếng bánh mì sandwich trước máy vi tính trong khi chuẩn bị cho buổi họp kế tiếp, tôi gần như không biết mình đang bỏ gì vào cơ thể. Không trách gì đã ăn xong mà tôi vẫn thấy đói, thấy khát. Với thời khóa biểu mới tôi quyết làm một cuộc chuyển biến. Không còn vừa ăn vừa lái xe, hay ăn lúc làm việc trước máy tính, tôi quyết bắt đầu thực hành nghệ thuật ăn trong chánh niệm. Những lợi ích khi ăn trong chánh niệm? Không ăn nhiều quá. Từ dạo đó tôi không còn đi ngủ với cảm giác no ứ, đầy hơi. Điều đó đã tốt mà còn có nghĩa là giờ tôi có thể được mặc những chiếc quần jean ưa thích vì ‘bụng béo’ đã biến mất. Có thể thưởng thức món ăn tốt hơn. Là người nghiên cứu về thực phẩm, tôi luôn coi mình là tín đồ của ăn uống. Giờ khi tôi đang trên con đường làm chủ nghệ thuật ăn uống có chánh niệm, tôi thấy có một sự ‘ngưỡng mộ’ mới mẻ đối với thực phẩm, và tôi khám phá ra được nhiều thích thú trong các bữa ăn hơn. Tiêu hóa được cải thiện. Sự tiêu hóa thức ăn bắt đầu ngay trong miệng bằng nước bọt. Nếu thức ăn không được nhai kỹ, thì các bộ phận còn lại trong hệ thống tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn. Có thể tôi tưởng tượng ra điều này, nhưng tôi nghĩ là từ khi biết ăn trong chánh niệm, tôi ít bị đầy hơi hơn. Ăn ít cũng thấy đủ. Ăn có chánh niệm phần nào cũng có nghĩa là giảm bớt việc ăn uống quá độ. Điều lợi ích ở đây thực sự là việc ta vẫn có thể cảm thấy thỏa mãn dầu ăn ít. Thí dụ, chỉ ăn một hay hai miếng sô-cô-la là ta thấy đủ, không thèm muốn ăn hết cả thanh kẹo. Do đó, ta không còn cần phải ‘cấm’ mình thỉnh thoảng được ăn nhiều hơn một chút, là điều sẽ khiến ta có cái nhìn về thực phẩm lành mạnh hơn. Như thế, bạn đã sẵn sàng để thay đổi thái độ của mình đối với thực phẩm chưa? Làm sao để làm chủ nghệ thuật ăn uống có chánh niệm? 1. Hãy bắt đầu từ từ. Cũng giống như mọi thói quen mới, tốt nhất là đặt ra những mục tiêu khả thi. Mỗi ngày chọn một bữa ăn chánh hay bữa ăn dặm, và thực sự thực hành ăn trong chánh niệm ở những thời điểm đó. 2. Lúc ăn không làm việc khác. Khó mà chú tâm vào việc ăn uống nếu cùng lúc bạn làm việc khác. Hãy dành thời gian cho việc ăn và không làm gì khác nữa. 3. Chỉ ăn ở tại bàn ăn. Một cách nữa để tránh tình trạng ăn uống thiếu chánh niệm là tập thói quen chỉ ăn khi có thể ngồi tại bàn ăn và hoàn toàn để tâm đến thực phẩm ta đang ăn. Không vừa đi vừa ăn vặt nữa. 4. Thưởng thức cách chưng bày món ăn. Khi nhìn các món ăn chưng bày hấp dẫn trên các tạp chí hay trên mạng, chúng ta thường xuýt xoa thèm thuồng, nhưng đôi khi ta lại quên nghĩ tới cái đẹp của thực phẩm mình sắp dùng tới. Dành thời gian để làm điều đó cũng giúp ta chuẩn bị tư thế ăn trong chánh niệm. 5. Chú tâm vào từng miếng ăn. Hãy để ý đến vị, kết cấu (cứng, mềm, dai…) của thực phẩm và cả âm thanh khi nhai thức ăn trong miệng. Chú tâm xem bạn thích hay không thích những cảm giác này như thế nào. 6. Nhai. Ta không cần tuân theo thông lệ cực đoan ở một số tự viện là phải nhai 100 lần trước khi nuốt, nhưng ta cần nhai kỹ để thực phẩm tan ra trước khi nuốt. 7. Dùng muỗng nĩa (đũa) và đặt chúng xuống lúc đang nhai. Khi ta dùng muỗng nĩa (đũa) ta dễ gắp miếng nhỏ hơn. Nếu ăn những món không cần sử dụng những thứ này cũng nên dừng lại giữa những lần bỏ đồ ăn vào miệng, như thế ta mới có thể chú tâm. 8. Chuyện trò và chia sẻ. Một trong những niềm vui khi ăn uống là có thể cùng ăn chung với những người mình thương yêu. Trong không khí đó, cũng khó để giữ chánh niệm, nhưng không phải là điều không thể. Hãy hướng đề tài về bữa ăn bạn đang dùng. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về mùi vị, kết cấu của thực phẩm, điều bạn thích hay không thích. Lúc đầu làm việc này có vẻ kỳ kỳ, nhưng hãy tin tôi, dần dần bạn sẽ thấy việc làm này cũng thú vị đấy. 9. Hãy chọn chất lượng thay vì số lượng. Khi chọn một phần nhỏ hơn của thực phẩm chất lượng nhất trong khả năng của mình, bạn không những sẽ thưởng thức món ăn nhiều hơn, mà còn cảm thấy thỏa mãn và không phải ăn quá độ. 10. Dành thời gian để tự chuẩn bị bữa ăn cho mình, từ những nguyên liệu tươi ngon. Quá trình chuẩn bị cũng có thể là những giây phút thư giãn, thoải mái như khi ăn. Đối với tôi, việc biết nguyên liệu nào đã được bỏ vào thức ăn của mình giúp tôi rất yên tâm, nên dẫu có vất vả, phiền phức cũng đáng công. Jules Clancy
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |