Chi tiết tin tức

Những người nên và không nên tiêm vắc-xin Pfizer

20:52:00 - 09/07/2021
(PGNĐ) -  Nhóm chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một số khuyến cáo về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Covid-19 Pfizer.

Vắc-xin Covid-19 Pfizer

 

Theo hướng dẫn cập nhật cuối tháng 6-2021 của SAGE, vắc-xin Pfizer/BioNTech được đánh giá là an toàn và hiệu quả. Cụ thể, vắc-xin này có hiệu lực 95% trong việc phòng nhiễm Covid-19 có triệu chứng.

Ai nên được tiêm chủng trước?

Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin hạn chế, SAGE cho rằng cần ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người từ 65 tuổi trở lên.

Những ai khác có thể tiêm chủng vắc-xin?

Vắc-xin này cho thấy an toàn và hiệu quả ở những người nhiều bệnh lý nền, nguy cơ bệnh nặng, gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, gan hoặc thận cũng như các bệnh truyền nhiễm mạn tính đã ổn định và được kiểm soát.

SAGE cho rằng cần có thêm các nghiên cứu về tác động trên những người bị suy giảm miễn dịch. Khuyến cáo tạm thời là những người bị suy giảm miễn dịch - những người thuộc nhóm được khuyến cáo tiêm chủng - có thể được tiêm chủng sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.

Những người đang sống chung với HIV có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19 nặng. Hiện, có ít số liệu an toàn trên những người nhiễm HIV trong các thử nghiệm vắc-xin lâm sàng. Do đó, người nhiễm HIV cần được tư vấn để cân nhắc lợi ích và rủi ro trước khi tiêm chủng.

Có thể tiêm chủng vắc-xin cho người từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc-xin hạn chế nên những người này có thể hoãn tiêm phòng khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm bệnh.

Hiệu quả vắc-xin trên phụ nữ đang cho con bú được đánh giá là tương tự với người trưởng thành khác. Và họ không cần phải dừng cho con bú trong quá trình tiêm vắc-xin.

Phụ nữ mang thai có nên tiêm chủng không?

SAGE khuyến cáo sử dụng vắc-xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương, và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.

SAGE không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng, cũng không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng Covid-19.

Ai không nên tiêm chủng vắc-xin này?

Những cá nhân có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin không nên dùng loại vắc-xin này.

Hiện, không có số liệu về hiệu lực hay an toàn ở trẻ dưới 12 tuổi. Cho tới khi có số liệu này, trẻ dưới 12 tuổi không nên tiêm chủng thường quy loại vắc-xin này.

Vắc-xin này có dùng được cho trẻ vị thành niên?

Thử nghiệm giai đoạn ba ở trẻ 12-15 tuổi cho thấy, vắc-xin có hiệu lực cao và an toàn ở nhóm tuổi này, do đó đã mở rộng chỉ định độ tuổi trước đây từ 16 tuổi trở lên thành từ 12 tuổi trở lên.

Bằng chứng cho thấy trẻ vị thành niên, đặc biệt là nhóm lớn tuổi hơn, cũng có nguy cơ làm lây nhiễm Covid-19 như người trưởng thành.

Trẻ từ 12-15 tuổi mắc các bệnh đi kèm khiến trẻ có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19 nặng nên nhóm này có thể cần được tiêm chủng.

Liều dùng như thế nào?

Hiệu lực bảo vệ bắt đầu 12 ngày sau liều đầu tiên nhưng để bảo vệ đầy đủ cần phải tiêm hai liều theo khuyến cáo của WHO, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 21-28 ngày. Cần nghiên cứu thêm để hiểu hơn về khả năng bảo vệ tiềm năng lâu dài sau một liều đơn. Hiện, khuyến cáo sử dụng cùng loại sản phẩm cho cả hai liều. Các nước có tỷ lệ mắc Covid-19 cao và thiếu hụt trầm trọng cung ứng vắc-xin có thể cân nhắc trì hoãn liều 2 tới 12 tuần để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm mũi đầu cao hơn ở các nhóm ưu tiên cao.

Vắc-xin này có an toàn không?

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech vào ngày 31-12-2020. WHO đã đánh giá kỹ lưỡng chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của loại vắc-xin này và khuyến cáo sử dụng cho người trên 16 tuổi.

Ủy ban Tư vấn toàn cầu về An toàn vắc-xin là nhóm các chuyên gia cung cấp hướng dẫn độc lập và xác đáng cho WHO về chủ đề sử dụng vắc-xin an toàn, đã nhận và đánh giá các báo cáo về sự cố an toàn nghi ngờ có khả năng gây ảnh hưởng quốc tế.

Vắc-xin này có hiệu lực với các biến thể mới không?

SAGE đã rà soát lại tất cả số liệu hiện có về hiệu lực của vắc-xin này trong các thử nghiệm để đánh giá hiệu lực của chúng đối với các biến thể mới. Các thử nghiệm này cho thấy vắc-xin này hiệu quả với các biến thể mới.

Hiện, SAGE khuyến cáo sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech theo Lộ trình Ưu tiên của WHO, thậm chí nếu biến thể mới của virus xuất hiện trong nước. Khi các quốc gia đánh giá nguy cơ và lợi ích, cần cân nhắc tình hình dịch tễ địa phương.

Các phát hiện ban đầu cho thấy nhu cầu cấp thiết là phải có sự phối hợp chặt chẽ trong giám sát và đánh giá các biến thể cũng như tác động tiềm năng của chúng đối với hiệu quả vắc-xin. Khi có thêm số liệu mới WHO sẽ cập nhật các khuyến cáo.

Vắc-xin này có phòng ngừa việc nhiễm và lây truyền không?

Hiện không có nhiều số liệu về tác động của vắc-xin Pfizer/BioNTech đối với việc lây truyền hay phóng thích virus. Đồng thời, chúng ta vẫn phải duy trì các biện pháp y tế công cộng hiệu quả: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, và đảm bảo thông khí tốt.

Vắc-xin Pfizer ở Việt Nam

Ngày 12-6, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Vắc-xin này được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc-xin mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), được sản xuất tại Bỉ và Đức. Đây là vắc-xin Covid-19 thứ tư được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp, sau AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga) và Sinopharm (Trung Quốc).

Ngày 7-7, hơn 97.000 liều vắc-xin pfizer đã về sân bay Nội Bài. Đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021. Dự kiến trong tháng 7 sẽ thêm các lô vắc-xin Covid-19 khác của Pfizer về Việt Nam.

Vắc-xin Pfizer điều chế theo công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể. Vắc-xin cung cấp thông tin về "bản mẫu" của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu cho phép hệ miễn dịch làm quen mầm bệnh và tiêu diệt chúng sau này.

Hiện, vắc-xin này được sử dụng ở 103 nước.

 

Theo VnExpress

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin