Chi tiết tin tức Đóng góp của vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán và các vị Tăng sĩ ngoại quốc đối với PGTT (thế kỷ VIII) 15:22:00 - 15/04/2023
(PGNĐ) - Phật giáo du nhập vào Tây Tạng từ thế kỷ VII dưới thời vua Tùng-Cán-Can-Bố (Songtsen Gampo), sau đó trải qua pháp nạn lớn, mãi đến thời vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán mới được phục hồi và phát triển vững mạnh, tạo thành nền tảng vững chắc cho quá trình Phật giáo trung đại ở Tây Tạng. Bài viết khảo cứu những đóng góp của vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán và các ngài đại sư Tịch Hộ, Liên Hoa Sanh để phục hồi và xiển dương Phật giáo trên các mặt chính sách hộ pháp, xây dựng Tăng đoàn, phiên dịch kinh điển và tranh biện Phật học.
DẪN NHẬP Ấn Độ là chiếc nôi của Phật giáo, nhờ được truyền bá cũng như sự giao thoa mà Phật giáo truyền đi các nước trên thế giới, trong đó Tây Tạng cũng có duyên tiếp nhận Phật giáo vào khoảng thế kỷ VII. Ở đất nước này, nếu vua Tùng-Tán-Can-Bố là người đầu tiên tiếp nhận và giúp Phật giáo có mặt tại Tây Tạng, thì người đã có công trong việc làm cho phát triển trong giai đoạn đầu này không ai khác chính là vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán cùng các vị Tăng sĩ người Ấn Độ. Có thể nói, thời gian giữa thế kỷ VII đến cuối thế kỷ VIII là giai đoạn nền tảng Phật giáo thời trung đại của Tây Tạng. BỐI CẢNH LỊCH SỬ Vua Tùng-Tán-Can-Bố (Songtsen Gampo) là vị vua đầu tiên lập nên một đế chế hùng mạnh của xứ Tây Tạng. Tân Đường Thư (Thổ Phồn Truyện) đánh giá: “Từ Hán, Ngụy đến nay đây là thời Tây Nhung thịnh chưa từng thấy” [1]. Ông cũng là người khơi nguồn cho sự bén rễ của Phật giáo ở Tây Tạng nhờ hai vị hoàng hậu mến chuộng Đạo Phật trong hoàng cung. Sau khi vua Tùng-Tán-Can-Bố qua đời, Phật giáo ở Tây Tạng bước vào thời gian bị suy vi vì chính sách bức hại của triều đình. Nhiều Tăng sĩ bị trục xuất, các tượng Phật ở Tây Tạng phải di dời đến Nepal. Tình hình bi đát đến nỗi “Các tu viện biến thành lò mổ gia súc và quán bán thịt” [2], triều đình cấm mọi hoạt động sinh hoạt đại thể liên quan đến đạo Phật. Đây là pháp nạn đầu tiên của Phật giáo kể từ lúc du nhập và truyền bá vào Tây Tạng. Đến thời vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán (Khri Srong Ide Btsan) trị vì giai đoạn năm 755-794, Phật giáo mới khởi sắc trở lại. Vua lên ngôi từ nhỏ nên chưa nắm được quyền lực, Phật giáo rơi vào thế suy vi, vua rất đau lòng bởi ông sinh ra trong gia đình Phật tử. Đến khi trưởng thành, vua vận dụng trí tuệ để nắm lấy thực quyền. Vua bắt đầu có những đóng góp to lớn và giúp Phật giáo phục hồi và tiến đến giai đoạn phát triển cực thịnh. Có thể nói, đây là một sự thay đổi ngoạn mục của vị vua trẻ tuổi hết lòng vì đạo pháp. THỈNH CÁC CAO TĂNG NGOẠI QUỐC ĐẾN TÂY TẠNG Vì chưa có người xuất gia, việc khôi phục Phật giáo phải nhờ vào các bậc danh Tăng ngoại quốc nên trước hết, vua mời các Tăng sĩ ngoại quốc đến Tây Tạng. Vua thỉnh ngài Tịch Hộ, ngài Liên Hoa Sanh cùng các vị cao Tăng khác đến Tây Tạng để hoằng pháp. Kể từ khi đạo Phật du nhập giữa thế kỷ thứ VII, mặc dù Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi đến mọi tầng lớp xã hội và hình bóng Tăng sĩ cũng có mặt tại Tây Tạng, nhưng để hình thành một cộng đồng Tăng sĩ có đời sống sinh hoạt, tu học đúng với truyền thống Phật giáo như Ấn Độ thì Phật giáo Tây Tạng chưa thực hiện được. Nên nhà vua đã bắt tay vào việc xây dựng việc sinh hoạt của Tăng sĩ có hệ thống rõ ràng cho đúng với thiết chế Phật giáo. Giai đoạn này có những thuận lợi nhất định, bởi văn hóa Tây Tạng đã có chữ viết, kinh sách dịch ra được dân chúng tiếp cận. Tư tưởng Phật học được các Tăng sĩ ngoại quốc truyền bá, nâng cao hiểu biết Phật giáo trong nhân dân. Ông không những là một vị vua anh minh, lo cho dân cho nước, mà còn là vị hộ pháp đắc lực đúng nghĩa khi làm tròn bổn phận của người Phật tử tại gia, vua tuyên bố lấy Phật giáo làm quốc giáo vào năm 779. Từ đây, Phật giáo chính thức trở thành tôn giáo chính cho đất nước này, để người dân có được đời sống tâm linh thiết thực trong niềm tin chánh pháp. ĐẠI SƯ TỊCH HỘ Ngài Tịch Hộ (Śāntarakṣita) (725-788) sinh tại Ấn Độ, lớn lên xuất gia tu học và đã trở thành một vị cao tăng của Phật giáo Ấn Độ. “Ngài là một nhà thông thái Phật học Đại thừa” [3] rất giỏi về Trung Quán và Duy Thức, đã thành lập phái Du già Trung quán và từng là giảng sư tại Viện Đại học Na-lan-đà ở Magadha thuộc Ấn Độ. Có thể nói, ngài Tịch Hộ không chỉ đóng góp cho nền Phật học Ấn Độ ở thế kỷ VIII mà còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển nền tư tưởng Phật học và đường hướng tu học cho Phật giáo Tây Tạng. Đến năm 763, nhận lời thỉnh cầu của vua Tây Tạng qua vị quan là Pah-sa, Ngài cùng với các vị tăng sĩ Ấn Độ đến xứ sở này. Sau khi đến Tây Tạng, phái Bổng giáo bày ra những trò siêu nhiên ma quái nhưng vẫn không thể làm hại ngài Tịch Hộ. Trước sự ấy, ngài Tịch Hộ ẩn trong cung suốt 4 tháng để giảng kinh cho vua và quần thần. Đức Phật dạy bảy phương pháp đoạn diệt phiền não, trong đó có phương pháp tránh né: “Có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ” [4]. Là một bậc đại sư tinh thông Trung Quán và Duy Thức, vì nhận thấy tình hình thực tế của Phật giáo Tây Tạng đương thời đã mất đi nền tảng căn bản nhất trong Phật giáo, mà những vấn đề căn bản đó lại là sự cần thiết nhất đối với nền tảng cho sự giải thoát, nên Ngài quyết định chủ trương chỉ xiển dương tư tưởng Phật học này, với ý định để Phật giáo Tây Tạng dần phục hưng và chuyển mình theo chiều hướng tốt đẹp nhất. Có thể nói, sự xuất hiện của ngài Tịch Hộ là biểu tượng quan trọng cho sự giao thời bởi phái thủ cựu trong triều đình, không muốn nhà vua tiếp xúc với người ngoại quốc và họ mang tâm tưởng bài xích đạo Phật. Sau khi quán xét cơ duyên, ngài Tịch Hộ nhận thấy chưa đến thời cơ để phục hưng Phật giáo, nên đã trở về Ấn Độ. Trước khi về, Ngài tâu vua thỉnh ngài Liên Hoa Sanh đến Tây Tạng để cứu dân, độ thế. Ngài Tịch Hộ được mời sang Tây Tạng lần thứ hai (khoảng sau năm 769), cùng với Ngài có ngài Liên Hoa Sanh. Ngài Tịch Hộ chuyên tâm khai triển giáo lý, tư tưởng triết học và Phật học để giúp cho người học Phật phát huy được kiến thức về Phật học, phát huy được nhận thức và nâng cao đời sống ý thức của bản thân. Ngài còn tự mình biên soạn cuốn “Nhị Đế Phân Biệt Kinh Thích, tuyên dương giáo lý của phái Trung Quán” [5], được đánh giá rất cao. Các nhà nghiên cứu khi nhìn nhận hành trạng đã nhận định, “khảo sát về mặt lịch sử cho thấy Tịch Hộ là một học giả đúng hơn là một nhà tôn giáo” [6]. Thật vậy, Ngài truyền bá tư tưởng triết lý của Phật giáo hơn là thể hiện tư tưởng của một nhà truyền đạo. Bản thân Ngài là một học giả nghiên cứu và giữ vai trò giảng sư của Viện Đại học Na-lan-đà. Ngài Liên Hoa Sanh Bấy giờ, theo lời yêu cầu của ngài Tịch Hộ, vua đã trực tiếp thỉnh ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) đến Tây Tạng giúp trừ khử các phù phép ma quái do phái Bổng giáo tạo ra. Đồng thời, Ngài cùng vua và các tăng sĩ ngoại quốc phục hồi, làm cho Phật giáo ở Tây Tạng có vị trí vững chắc. Tiểu sử Ngài không được ghi lại rõ ràng. “Tương truyền rằng Liên Hoa Sanh sinh ra trong một hoa sen tại miền linh địa Ô-trượng-na, một vùng tây bắc Kashmir (nay thuộc Pakistan)” [7]. Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy có 4 loại sanh là “Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh” [8]. Trong đó, hóa sanh là cao quý nhất, dành cho những bậc đạt tới cấp độ tu tập vô nhiễm mới hóa sanh được. Mà sanh ra từ hoa sen là sự thanh khiết cho nên ngay cả tên gọi cũng nói lên Ngài là bậc xuất chúng. “Đại sư Liên Hoa Sanh lại là người đại thành tựu về Mật giáo, ông mang đến Tây Tạng những Đà La Ni và Nghi Quỷ Chơn Ngôn. Ông dùng thần chú để hàng phục ác ma, yêu mị…, khiến ai gặp cũng sinh lòng kính phục” [9]. Chính vì Ngài đắc được pháp thần thông, nên khi qua Tây Tạng, Ngài đối trị các thế lực siêu ma quái của Bổng giáo. Lúc đầu, ngài Liên Hoa Sanh đem Mật giáo từ Ấn Độ truyền vào Tây Tạng, hệ thống Mật giáo này thuộc phái Kim Cương thừa Thời Luân Tôn của Mật giáo Ấn Độ. Ngài lần lượt thâu phục các đạo sĩ Bổng giáo và chiến thắng. “Ngài Liên Hoa Sanh có 25 vị đệ tử chuyên phiên dịch kinh điển từ Phạn ngữ sang Tạng ngữ và biên tập thành Đại Tạng Kinh Cam-châu nhĩ của Tây Tạng” [10]. Sau đó, cùng ngài Tịch Hộ bắt đầu truyền bá Phật giáo. Khi hàng phục quỷ thần ở Tây Tạng xong, đại sĩ Liên Hoa Sanh liền truyền ba bộ thế gian pháp như: “Sai Khiển Phi Nhân, Mãnh Chú Trớ, Thế Gian Cung Tán để bảo hộ chánh pháp. Vì vậy, có những học giả cho rằng ba bộ này là Mật pháp của Tây Tạng” [11]. Cũng từ đó, mật pháp này được hành trì ở Tây Tạng, nhờ Ngài đã hướng dẫn, nên người dân họ luôn có cảm giác được bình yên trong cuộc sống. Như vậy, ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Sanh đều là những hành giả của Du già và có sở đắc về Mật giáo. Các Ngài bổ túc nhau, làm cho Phật giáo phát triển ở Tây Tạng. Sự có mặt của hai vị đã hàm chứa hai khả năng khác nhau, phản ảnh tinh thần hoằng pháp được thực hiện trên hai phương diện giáo lý và hành trì. Sự việc này giúp chúng ta liên tưởng, một con chim muốn bay cao cần có đủ hai cánh, người học Phật muốn thông hiểu phải vừa học pháp vừa hành pháp. Bởi, “những thuyết hành động chủ trương giáo dục con người bằng lý thuyết và thực hành” [12]. Điều đó, thể hiện tính thực dụng thông qua năng lực huyền bí để đối trị thực tế của cuộc sống. Đại sư Padmasambhava đối với dân Tây Tạng đã trở thành một thiên thần, một vị Phật. Họ gọi Ngài là “Guru Rimpoche” [13], nghĩa là vị thầy tôn quý. SINH HOẠT PHẬT GIÁO Trong cuộc sống, muốn tồn tại một đoàn thể cần phải có tổ chức sinh hoạt để giữ gìn và truyền trao ngọn lửa nhiệt huyết cho nhau. Phật giáo cũng vậy, cần có những sinh hoạt cụ thể, khuôn khổ, phép tắc, thành lập hệ thống Tăng già, dịch thuật kinh điển,… thì mới ổn định và tồn tại lâu dài. Thành lập hệ thống Tăng già tại Tây Tạng Sau khi Phật giáo đã có nền tảng, vua cho xây dựng chùa Tang Duyên, thỉnh ngài Tịch Hộ làm phương trượng, “lập chùa Bsam-yas cũng gọi là chùa Tang-da hay Tang-duyên, ở phía nam thủ phủ Lhasa để hoằng truyền chánh pháp” [14]. Sự có mặt của chùa Tang Duyên với ba lối kiến trúc khác nhau biểu trưng cho mối giao lưu văn hóa, phương diện kiến trúc mỹ thuật của văn minh Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng. Ngài Tịch Hộ nhận thấy Tây Tạng chưa có người xuất gia để duy trì Phật giáo, nên đã gợi ý vua mở Giới đàn thọ giới để đào tạo nhân lực. Giới trường được kiến tạo, thỉnh các vị Tăng Ấn Độ sang truyền giới. Lúc bấy giờ, Tây Tạng chưa có người xuất gia, nên vua đã tuyển chọn được bảy vị là con nhà quý tộc xuất gia dưới sự chứng minh của ngài Tịch Hộ. Những vị tăng sĩ Ấn Độ được ngài Tịch Hộ mời qua Tây Tạng truyền giáo giới. Ngài Tịch Hộ xuống tóc và Giới được truyền cho các vị dựa theo Thập Tụng Luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Cho nên, về đại thể ngày nay, Phật giáo Tây Tạng hành trì theo Thập Tụng Luật. Như vậy, Tăng già Tây Tạng lần đầu tiên được thành lập và các vị Tỳ kheo này hoàn toàn là người bản xứ. Nhờ sự cố vấn của ngài Tịch Hộ và sự phát tâm của nhà vua, nền tảng Phật giáo Tây Tạng đã hình thành vững chắc. Sinh hoạt tư tưởng Trước thời ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Sanh, Phật giáo Tây Tạng chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Sau khi hai Ngài đến Tây Tạng và phục hoạt Phật giáo, ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đến Tây Tạng rất lớn. Nhà vua cho chuẩn mực hóa công việc phiên dịch và biên soạn, ra sắc lệnh mở dịch trường, thỉnh Tăng sĩ ngoại quốc cùng dịch thuật. “Những di cảo tìm thấy tại Đôn Hoàng, hiện nay được bảo quản tại cổ viện Luân Đôn và Paris cho ta thấy trong giai đoạn đầu khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng, các bậc cao Tăng dùng nhiều thì giờ phiên dịch kinh điển” [15]. Ngoài ra, vua cho thành lập Hội đồng Tôn giáo là tổ chức quản lý sinh hoạt Tăng đoàn đầu tiên của Tây Tạng, đồng thời có chức năng giám sát hoạt động truyền giáo ở Tây Tạng. Vua ban hành chế độ ưu đãi Tăng già. Bởi Thế Tôn từng dạy: “…Các Tỳ kheo cần phải thường xuyên tụ họp và tụ họp trong đông đảo để giảng luận Chánh pháp, khiến cho có sự hòa hợp trên dưới của các Tỳ kheo…” [16]. Tất cả những việc vua làm đều phát xuất từ niềm tin và sự thành kính của nhà vua đối với Tam bảo. Đây là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, các hoạt động phiên dịch kinh sách và giao lưu Tăng sĩ được coi trọng. Sau khi ngài Tịch Hộ qua đời, vua thỉnh hai vị cao Tăng Trung Hoa là Ma Ha Diễn và Đàm Khoang về Tây Tạng truyền bá Phật giáo. Thiền tông Trung Quốc được truyền bá rộng ở đây. Cho nên, thời điểm này sinh hoạt Phật pháp ở tại Tây Tạng xuất hiện tình trạng thú vị là sự tồn tại xen kẽ giữa “Phạn tăng” và “Hán tăng” với tư tưởng có những đặc thù riêng. Để giải quyết tình trạng này, nhà vua tổ chức cuộc tranh biện Phật học mang tên “Lạp Tát” [17], nhằm tìm giải pháp thích hợp để ứng dụng cho sự tu học của Phật tử Tây Tạng, chọn ra một khuynh hướng chủ đạo để tình trạng sinh hoạt Phật giáo đi vào ổn định, chứ không phải phê phán, so bì giáo lý cao thấp, hay dở. Cuộc tranh biện Lạp Tát Cuộc tranh biện Lạp Tát được tổ chức ở chùa Tang Duyên, một ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt Tăng già, dưới sự chủ trì của vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán. Những người tham gia phải có trình độ kiến thức về Phật học, mỗi bên chọn ra một số vị đại diện để tranh biện. Về phía Ấn Độ, người đứng đầu là ngài Liên Hoa Giới – Kamalasīla (Ka-ma-la-thập-la), học trò của ngài Tịch Hộ, là giảng sư Đại học Siêu Nham (Vikramasila) ở Ấn Độ. Vikramasila là trung tâm phát triển về Mật Tông dưới sự bảo trợ của vương triều Pala và Gutta. Đây là trung tâm học thuật nổi tiếng mà Liên Hoa Giới lại là giảng sư của trường đại học này nên Ngài rất giỏi về Luận lý học, tư tưởng Trung Quán và gần gũi với triết học. Về phía Trung Hoa, Hòa thượng Ma Ha Diễn (Đại sư Ma Ha Diễn) là người đại diện. Ngài là một vị Thiền sư đến từ Đại Đường. Thiền tông Trung Hoa ở giai đoạn đầu, dựa vào Kinh Lăng Già làm cơ sở để hành trì và phát huy nội dung tư tưởng “Bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” [18]. Các vị thiền sư đưa ra công án, thoại đầu, dạy hành giả luôn quán tâm từ thô đến tế, hoát nhiên đại ngộ, nên chủ trương bất lập văn tự. Đến thời ngài Lục Tổ Huệ Năng trở về sau, y cứ trên nội dung của Kinh Kim Cương với ý chỉ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm [19] không nương vào bên trái – bên phải – bên ngoài – bên trong,… chỉ tại trong tâm thì chơn tánh mới hiển bày. Đây là khuynh hướng đòi hỏi người tu học phải có căn cơ rất cao. Phải làm như thế nào để tâm mình vô tướng – vô sự. Lúc bấy giờ, Thiền tông Trung Hoa có sức ảnh hưởng rất lớn trong nước. Qua hai năm (792-794), các cuộc tranh biện Phật học đã xoay quanh nhiều vấn đề hệ trọng. Đứng về phương diện học thuật, ở Ấn Độ, “ngài Liên Hoa Giới rất tinh thông phép biện luận của Nhân Minh Học, vì vậy Ngài đã vận dụng phép biện luận, phân tích đúng sai, giỏi đánh giỏi đỡ, lập luận chặt chẽ, không có khe hở” [20]. Còn ở Trung Hoa, thời kỳ này thiền học rất phát triển, nội dung của thiền học Trung Hoa là Tổ Sư Thiền, dành cho người có căn cơ trình độ cao mới tiếp thu được. Từ hai phương diện học thuật khác nhau, phía đoàn Ấn Độ lại giỏi phép biện luận nên kết quả là nhà vua công nhận ngài Liên Hoa Giới thắng. Nghĩa là, Phật giáo Ấn Độ trở thành dòng chủ lưu cho sự tu học của người Phật tử Tây Tạng, nên ngài Ma Ha Diễn và các đệ tử đều về nước, mặc dù giáo lý của thiền sư rất hay, nhưng lại quá cao siêu không phù hợp với người Tây Tạng trong giai đoạn này. Nhà vua chọn Phật giáo Ấn Độ làm nền tảng cho Tăng sĩ và Phật tử tu tập, lấy luật của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ hành trì. Trong đó, ngài Liên Hoa Giới đại diện cho cả ba giai đoạn Phật học Đại thừa: Trung Quán, Duy Thức và Nhân Minh Học. KẾT LUẬN Phật giáo Tây Tạng tuy du nhập trễ so với các nước trên thế giới, nhưng người Tây Tạng đã sớm nhận ra giá trị đích thực và tầm quan trọng của Phật giáo đối với đạo đức con người cũng như phát triển đất nước. Phật giáo dưới thời vua Cật-Phiêu-Song-Đề-Tán đã phục hồi và phát triển lên tầm mức mới. Ông như một vị vua chánh pháp, đã có những công trạng đưa Phật giáo phát triển sau khi đạo Phật truyền bá. Sự phát triển này đặt nền tảng lâu dài cho dòng chảy tư tưởng Phật giáo Tây Tạng. Với những công trạng dành cho Phật giáo, Ngài được tôn xưng là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, là vị vua chánh pháp của Phật giáo Tây Tạng.
Tỳ kheo Ni An Hưng/TCVHPG407
Chú thích: [1] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch, 2013), Lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Nxb. Phương Đông, tr.30. [2] Sđd, tr 64. [3] Thích Thái Hòa (2015), Giấc mơ Tây Tạng, Nxb. Phương Đông, tr.195. [4] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trung Bộ, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. [5] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.283. [6] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, (2013), Lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Nxb. Phương Đông, tr.65. [7] Nguyễn Tường Bách (2016), Mùi hương trầm, Nxb. Phương Đông, tr.330. [8] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Đại Sư Tử Hống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.106. [9] Sdd, tr 66. [10] Thích Thái Hòa (2015), Giấc mơ Tây Tạng, Nxb. Phương Đông, tr.35. [11] Sdd, tr 77. [12] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1969), Tư Tưởng số 4, Nxb. Thư viện Đại học Vạn Hạnh, tr.41. [13] Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Tây Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.159. [14] Thích Thái Hòa (2015), Giấc mơ Tây Tạng, Nxb. Phương Đông, tr.195. [15] Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Tây Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.156. [16] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2017), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Nxb. Tôn giáo, TP HCM, tr.278. [17] HT. Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch, 2013), Lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Nxb. Phương Đông, tr.65. [18] Tuệ Sỹ (2007), Huyền thoại Duy-Ma-Cật, Mục: Thiên Nữ Tán Hoa, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.222. [19] HT. Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông 3, Khóa XII. Kinh Kim Cang, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.508. [20] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.288.
Thư mục tham khảo: 1. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2017), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, TP HCM. 2. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Tương Ưng Bộ 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 4. HT. Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông 3, Kinh Kim Cang, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội. 5. Thích Thái Hòa (2015), Giấc mơ Tây Tạng, Nxb. Phương Đông. 6. Nguyễn Tường Bách (2016), Mùi hương trầm, Nxb. Phương Đông. 7. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb. Khoa học Xã hội. 8. Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch, 2013), Lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Nxb. Phương Đông. 9. Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Tây Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 10. Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1969), Tư Tưởng số 4, Nxb. Thư viện Đại học Vạn Hạnh. 11. Tuệ Sỹ (2007), Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, Mục: Thiên Nữ Tán Hoa, Nxb. Phương Đông, TP HCM.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |