Chi tiết tin tức

Tinh thần hoằng dương Luật tạng của Thiền sư Pháp Chuyên vào thời nhà Lê Trung hưng

20:26:00 - 22/11/2022
(PGNĐ) -  Thiền sư Pháp Chuyên không những uyên thâm về kinh tạng mà Ngài còn chuyên nghiêm trì giới luật. Ngài đã trước tác những tác phẩm trước tác chú giải về luật học và được tôn xưng là Trung Việt Luật tông Sơ tổ. 

Ở thời nhà Hậu Lê và giai đoạn Lê Trung hưng, Phật giáo Đại Việt không còn là hệ tư tưởng chính của triều đình. Tuy vậy, đạo Phật vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các vua chúa giáo hóa dân chúng, hướng dẫn đời sống tinh thần nhân dân được an hòa, thanh bình. Phật giáo thời bấy giờ phát triển mạnh trong dân gian với nhiều tông phái, pháp môn. Nhiều vị cao Tăng, Thiền sư có công phục hưng và xiển dương Phật giáo vào thời kỳ này như: Thiền sư Hương Hải, Thiền sư Chân Nguyên, Thiền sư Nguyên Thiều, Thiền sư Liễu Quán, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, Thiền sư Pháp Chuyên, Toàn Nhật Quang Đài,… Đặc biệt, khi nghiên cứu về việc xiển dương tinh thần Luật học, có thể kể đến tấm gương của Thiền sư Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh.

Suốt 50 năm hành đạo, tổ Pháp Chuyên đã trước tác phiên dịch trên 20 tác phẩm có giá trị học thuật cao, gồm các thể loại thơ, văn, chú giải, nghi lễ và tự điển. Với một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, Ngài quả thật là một trong những tác gia lớn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII.
(Ảnh: sưu tầm)

Thiền sư Pháp Chuyên không những uyên thâm về kinh tạng mà Ngài còn chuyên nghiêm trì giới luật. Ngài đã trước tác những tác phẩm trước tác chú giải về luật học và được tôn xưng là Trung Việt Luật tông Sơ tổ. 

HÀNH TRẠNG CỦA THIỀN SƯ PHÁP CHUYÊN (1726-1798)

Theo Từ Quang Tự, Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm, Nhân Do Sự Tích Chí cho biết: Tổ sư pháp danh Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm, nối pháp đời 36 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 3 thiền phái Chúc Thánh. Ngài họ Trần, khánh sanh ngày mồng 2 tháng 4 năm Bính Ngọ (1726) tại làng Cổ Tháp, xã Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Cổ Tháp, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên). Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hiếu và thân mẫu là cụ bà Nhụ nhơn. Ngay từ nhỏ, Ngài đã không ăn được những thức ăn có mùi tanh. Người chú của Ngài xuất gia có hiệu là Lâm Hoằng Đại sư nhìn Ngài và nói với cha mẹ Ngài rằng: “Đứa bé này có tướng của bậc xuất trần thượng sĩ” [1].

Thuở nhỏ, Ngài theo nghiệp đèn sách nhà Nho, năm 18 tuổi đã thi đỗ và ra làm quan dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Nhân một buổi xem tuồng Tam Trinh cố sự và Long Hổ sự duyên, Ngài hốt nhiên nhận ra lẽ sống cuộc đời, treo ấn từ quan, tìm đường xuất gia học đạo. Ngài đến chùa Phước Lâm tại huyện Diên Phước (nay là TP. Hội An) tỉnh Quảng Nam xin xuất gia và được tổ Thiệt Dinh – Ân Triêm nhận làm đệ tử. Ngày 19 tháng 2 năm 1745, nhân ngày khánh đản Đức Quán Thế Âm Bồ tát, Ngài thỉnh cầu tổ Ân Triêm thế phát và được ban cho pháp danh Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, nối pháp đời 36 tông Lâm Tế Chúc Thánh. Đến tháng 3 cùng năm, Ngài đến chùa Bảo Lâm thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Hải Điện. Từ đó, Ngài tinh cần tu tập nên bổn sư hài lòng phú pháp hiệu là Diệu Nghiêm [2].

Sau 5 năm, Ngài xin bổn sư đến tham học với các vị Tổ sư danh tiếng đương thời như: tổ Thiệt Uyên – Chí Bảo tại chùa Bảo Lâm; tổ Thiệt Kiến – Liễu Triệt tại chùa Thập Tháp, Bình Định và học hết toàn bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên là Mạc Cửu cúng cho chùa Thập Tháp [3]. Ngài thường thọ trì Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm và phát lời đại nguyện: “Phàm hễ gặp người, không luận nam nữ già trẻ sang hèn đều giáo hoá quy kính ba ngôi Tam bảo”. Với tâm nguyện ấy, Ngài tùy cơ duyên thuyết pháp. Thể theo nhu cầu của các đạo tràng, Ngài giảng về Kinh Địa Tạng, Quy Nguyên, Pháp Hoa, Long Thơ Tịnh độ, Sa Di Oai Nghi Tăng Chú… Khắp các tỉnh Đàng Trong từ Thuận Hóa đến Phú Yên, nơi nào cũng có bước chân hoằng hóa và đều thấm nhuần pháp nhũ của Ngài [4].

Thiền sư đến hoằng pháp tại chùa Trùng Quang (Phú Yên), được chư Tăng thỉnh giảng Sa-di Oai Nghi Tăng Chú. Năm 1791, niên hiệu Thái Đức thứ 14, đời Thái Đức Hoàng đế nhà Tây Sơn. Đại sư Trí Đăng, trụ trì chùa Cổ Lâm (huyện Đồng Xuân) thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm giảng Kinh Kim Cang Bát Nhã ở chùa Bảo Toàn. Đến tháng 8, Thiền sư giảng Kinh Pháp Hoa tại am Khánh Sơn [5]. Sư Thiên Chơn thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm giảng Kinh Địa Tạng. Năm 1795, Thiền sư Pháp Chuyên được thỉnh giảng Tỳ-ni Sa-di Oai Nghi Cảnh Sách. Năm 1796, ngày 21 tháng 7 năm Bính Thìn, đệ tử ở am Khánh Sơn thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm khai đàn thuyết giảng Kinh Địa Tạng và truyền giới. Đàn giới này có sự tham dự của các Thiền sư Hoa Nghiêm, Quang Huy, Đức Lâm ở Quy Nhơn và Thiền sư Thiên Mãn ở Phú Yên. Đàn giới quy tụ trên 200 Tăng Ni tham dự và quan tổng trấn cũng như các quan viên đều hộ trì [6]. Năm 1797, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5, đời Hoàng đế Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, tháng 10, đại chúng thỉnh Thiền sư Pháp Chuyên giảng Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Di Giáo Kinh, Long Thơ Tịnh Độ tập, Địa Tạng Kinh,… và cũng năm này, Ngài xây dựng thảo am thành ngôi Phạm vũ trang nghiêm, đặt tên là Từ Quang Tự trên núi Bạch Thạch, thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên [7].

Tháng giêng năm Quý Sửu (1793), Ngài đến xã Xuân Đài thấy núi sông hòa quyện bèn lập thảo am trụ lại nơi đây. Mãi cho đến năm Đinh Tỵ (1797), Ngài mới chính thức khai sơn chùa Từ Quang tại tỉnh Phú Yên. Ngày 21 tháng 7 năm Bính Thìn (1796), Ngài khai đàn thuyết giới, truyền giới cho 200 Tăng chúng tu học. Tháng giêng năm Mậu Ngọ (1798), hoàng thái hậu thỉnh Ngài về kinh chứng minh lễ đúc Đại hồng chung. Pháp sự viên thành, Ngài được ban cà sa sắc tía. Ngày 15 tháng 5, Ngài trở về Phú Yên tổ chức lễ trai đàn bạt độ và truyền giới cho hơn 100 người [8].

Khi biết cơ duyên của mình ở chốn Ta bà đã trọn, Ngài nhóm họp đồ chúng và đọc kệ phú pháp:

Lai nhi vị tằng lai

Khứ nhi vị tằng khứ

Khứ lai bổn như như

Như như hoàn lai khứ [9].

Dịch: 

Đến mà chưa từng đến

Đi cũng chẳng từng đi

Đến đi vốn như như

Như như lại đến đi.

Ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ 1798, Hòa thượng Pháp Chuyên viên tịch, trụ thế 73 năm, hạ lạp 53 tuổi. 

Là một trong những bậc danh Tăng có công hoằng truyền để giới luật Phật giáo thời Hậu Lê phục hưng và phát triển, Thiền sư Pháp Chuyên đã góp phần làm rạng ngời Phật giáo thời kỳ này. (Ảnh: sưu tầm)

SỰ NGHIỆP TRƯỚC TÁC CỦA THIỀN SƯ

Những tác phẩm do Thiền sư trước tác có khoảng 20 tác phẩm, gồm: 1. Diệu nghiêm Lão tổ thi tập; 2. Tam bảo biện hoặc luận; 3. Chiết nghi luận tái trị; 4. Thiện ác quy cảnh lục; 5. Tam bảo cố sự; Báo ân kinh chú giải; 6. Địa tạng kinh yếu giải; 7. Quy nguyên trực chỉ âm nghĩa; 8. Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách âm chú yếu lược; 9. Tỳ ni nhật dụng thiết yếu phát ẩn âm chú; 10. Sa di luật nghi yếu lược Tăng chú quyển thượng phát ấn; 11. Quy Sơn cảnh sách chú thích y lược âm phát ẩn thiên; 12. Nhãn sở đáo âm thích tùy lục tạp thiên; 13. A Di Đà sớ sao sự nghĩa; 14. Tam giáo pháp số; 15. Tam giáo danh nghĩa; 16. Chư kinh sám nghi; 17. Hoằng giới đại học chi thư; 18. Chính truyền nhất chi [10]; 19. Đại Phương Tiện Báo Ân Kinh Chú Nghĩa; 20. Sự Nghĩa Luật Yếu Lược [11].

Suốt 50 năm hành đạo, tổ Pháp Chuyên đã trước tác phiên dịch trên 20 tác phẩm có giá trị học thuật cao, gồm các thể loại thơ, văn, chú giải, nghi lễ và tự điển. Với một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, Ngài quả thật là một trong những tác gia lớn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Nghiên cứu những công trình của Ngài, giáo sư Lê Mạnh Thát đã khẳng định Ngài có thể sánh tầm với nhà bác học Lê Quý Đôn trong nền văn học Việt Nam: “Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1726-1798) là một tác gia lớn của nền văn học thế kỷ XVIII [12]. Những gì do ông sáng tác và biên tập, cho đến nay đã phát hiện tới những 20 công trình, trong đó quan trọng và lôi cuốn nhất là Tam Bảo Biện Hoặc Luận. Đây là một tác phẩm ghi lại cuộc đấu tranh gay gắt về mặt tư tưởng giữa ý thức Tống Nho suy tàn và hệ tư tưởng Phật giáo đang lên”. Sự nghiêm trì giới luật với những tác phẩm trước tác chú giải về luật học nên Thiền sư Pháp Chuyên được người thời nay tôn xưng là Trung Việt Luật tông Sơ tổ. 

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, Tổ đình Từ Quang đã trải qua 10 đời trụ trì đều là các bậc cao tăng thạc đức, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam và tông môn Chúc Thánh. Kế thừa Tổ sư Diệu Nghiêm là các vị: Toàn Thể Linh Nguyên; Chương Niệm Quảng Giác; Ấn Từ Huệ Viễn; Ấn Thiên Huệ Nhãn; Chơn Tín Pháp Hỷ; Chơn Thật Pháp Ngãi; Chơn Thành Pháp Ngữ; Thị Chí Phúc Hộ, Thị Tín Phước Trí… Và trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Đồng Tiến, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên [13].

Kế thừa trụ trì chùa Từ Quang sau khi tổ Pháp Chuyên viên tịch là Thiền sư Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên. Tại nơi đây, ngài Linh Nguyên đã hợp với tông môn tổ chức khắc ván in lại các tác phẩm mà bổn sư Pháp Chuyên đã trước tác, chú giải để phổ biến cho chư Tăng có tư liệu tham cứu tu học. Chính nhờ vậy, các tác phẩm của ngài Pháp Chuyên còn lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Trong hàng môn đồ của Tổ sư Pháp Chuyên nổi bậc nhất là Pháp sư Toàn Nhật Quang Đài, trụ trì chùa Viên Quang, thôn Phong Niên, xã An Định, huyện Tuy An. Pháp sư Toàn Nhật Quang Đài họ Nguyễn, sinh quán tại Phú Yên. Thiếu thời theo Nho học, lớn lên đầu thiền và đắc pháp với Tổ sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm. Pháp sư kế nghiệp Thiền sư Đạo Giác làm trụ trì chùa Viên Quang, ngôi chùa do ông ngoại Pháp sư dựng nên. Tại chùa Viên Quang này, Pháp sư đã biên tập lại những tác phẩm của thầy mình cũng như san bổ, trước tác nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm rất có giá trị. Tiêu biểu nhất là cuốn Hứa Sử Truyện Vãn được chư Tăng hai miền Trung – Nam khắc ván tái bản nhiều lần [14].

Toàn Nhật Quang Đài là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Pháp Chuyên thuộc đời 37 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh. Ngài là một pháp sư uyên thâm Phật pháp, là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo nói riêng đầu thế kỷ XIX [15]. Bản văn Phật môn pháp yếu tập do tổ Pháp Chuyên Diệu Nghiêm soạn và Pháp sư Toàn Nhật Quang biên tập lại, Pháp sư đã ghi rõ những việc trong cuộc đời mình để răn dạy hàng môn đệ tinh tấn tu hành [16]. Năm 1798, Ngài thọ đại giới và cầu pháp với Thiền sư Pháp Chuyên và được bổn sư phú pháp với pháp danh là Toàn Nhật, pháp tự Vi Bảo, pháp hiệu Quang Đài. Năm 1798, Ngài thọ tam đàn cụ túc tại chùa Từ Quang do Hòa thượng Pháp Chuyên làm đường đầu, được phú pháp truyền thừa theo tông Lâm Tế [17]. Năm 1814, Ngài ngộ đạo nhờ đọc tập Phật môn pháp sự yếu tập do tổ Pháp Chuyên soạn, cảm khái và viết tựa cho sách. Năm 1818, cùng với Hòa thượng Toàn Thể Vĩ Lương Linh Nguyên trụ trì chùa Từ Quang và môn hạ chùa Viên Quang khắc in bộ Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện kinh yếu giải. Năm 1832, chứng minh sự khảo chính lại bản Đại phương tiện Phật báo ân kinh chú nghĩa của tổ Pháp Chuyên do các vị pháp điệt Chương Niệm Tuyên Trực Quảng Giác chùa Từ Quang, Quảng Văn chùa Triều Tôn, Chương Tánh Tông Tiên Quảng Nhuận chùa Linh Sơn đứng khắc in, các Đại sư Viên Giác, Hoằng Đạo và Trung Hòa khảo chính viết lời bạt [18].

Gia tài mà Đức Phật để lại cho hàng đệ tử đó là 3 tạng Kinh, Luật, Luận. Trong đó Luật Tạng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trường tồn của Phật pháp. Bởi một điều cốt lõi Đức Phật có dạy đó là: Tỳ Ni Tạng Trụ Phật Pháp diệc trụ, Tỳ Ni Tạng diệt Phật Pháp diệc diệt. Như vậy người xuất gia, đệ tử của Đức Phật tu tập lấy giới luật làm nền tảng căn bản của sự tu tập, lấy giới luật là ngọn đuốc sáng, làm thầy dẫn đường.

Gia tài mà Đức Phật để lại cho hàng đệ tử đó là 3 tạng Kinh, Luật, Luận. Trong đó Luật tạng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trường tồn của Phật pháp. Bởi một điều cốt lõi Đức Phật có dạy đó là: Tỳ Ni tạng trụ Phật Pháp diệc trụ, Tỳ Ni tạng diệt Phật Pháp diệc diệt. Như vậy, người xuất gia, đệ tử của Đức Phật tu tập lấy giới luật làm nền tảng căn bản của sự tu tập, lấy giới luật là ngọn đuốc sáng, làm thầy dẫn đường. Tăng đoàn Phật giáo thời Hậu Lê được phục hưng và phát triển với nhiều thiền phái (1. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; 2. Thiền phái Lâm Tế; 3. Thiền phái Tào Động; 4. Dòng Lâm Tế Liễu Quán; 5. Dòng Lâm Tế Chúc Thánh; 6. Phái Liên tông). Nhờ vào sự linh hoạt hòa nhập giữa văn hóa dân tộc với giáo lý Phật đà và nhờ vào công lao, đạo hạnh của các bậc Tổ sư, thiền sư truyền giáo tài ba, lãnh đạo truyền thừa các thiền phái Phật giáo vào thời kì này. Người truyền giáo có nghị lực, có tuệ giác thì bước tới đâu thế giới cũng thanh bình, đi tới đâu ngọn đuốc chánh pháp cũng rực cháy [19]. Nhờ vào tinh thần đề cao giới luật trong Phật giáo của các Thiền sư, tiêu biểu như: Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền mà Tăng đoàn Phật giáo thể hiện rõ nếp sống “thanh tịnh hòa hợp”, từ đó mọi người mới phát tín tâm đối với đạo Phật. Người phát tâm xuất gia, thọ giới cũng tăng lên, Tăng sĩ trong Phật giáo cũng ngày càng đông. Hòa thượng Vĩnh Minh có dạy rằng: “Khi tập khí bị nghiệp cảnh sai khiến, thì hiện hành sao khỏi sự trói buộc của duyên ?”, đồng thời bảo rằng: “Ngàn ngày học tập lý giải, không bằng một ngày tu trì giới luật” [20]. Như vậy, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc giới luật được hành trì đưa đến sự hưng thịnh Phật pháp.

KẾT LUẬN

Là một trong những bậc danh Tăng có công hoằng truyền để giới luật Phật giáo thời Hậu Lê phục hưng và phát triển, Thiền sư Pháp Chuyên đã góp phần làm rạng ngời Phật giáo thời kỳ này. Nước ta lúc bấy giờ bị chia đôi Đàng Ngoài – Đàng Trong, thường xuyên xảy ra nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến và bất ổn vì khởi nghĩa nông dân. Chính tinh thần hoằng dương Luật học đã trở thành nhân tố căn bản để gìn giữ, truyền thừa mạng mạch Phật pháp và làm nền tảng duy trì truyền thống văn hóa, đạo đức lối sống của cộng đồng, xã hội. Từ đó, Phật giáo đóng vai trò quan trọng, góp phần đem lại những lợi ích thiết thực cho “Đạo pháp trường tồn”, xây dựng nước nhà phồn thịnh, nhân dân an lạc.

 

SC. Thích Nữ Nhuận Mỹ/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 401

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1], [2], [3], [8] Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, tr.337, tr.338, tr.338, tr.339.

[4], [9], [12], [13], [14] TK. Thích Đồng Bổn (2020), Những tư duy đa chiều trong Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, tr.129, tr.129, tr.130, tr.131, tr.132.

[20] Trần Đình Sơn (dịch, 2000), Quảng Trí Thiền sư Thập tụng ngưu đồ tụng luận giải, Nxb. An Tiêm (Paris), tr.28.

[5], [6], [7], [11] Thích Hạnh Thành (2016), Biên niên sử Thiền tông Việt Nam (1010-2000), Nxb. Hồng Đức, tr.111, tr.112, tr.113, tr.113.

[10] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. TP HCM, tr.18-19.

[19] Thích Minh Thông (2003), Theo dấu chân xưa, Nxb. Tôn giáo, tr.113.

[15], [16] [17], [18] Thích Nữ Như Tịnh (2014), Sử liệu mới về Pháp sư Toàn Nhật Quang Đài, Tạp chí Suối Nguồn, số 14, Nxb. Hồng Đức, tr.46, tr.46, tr.58, tr.58.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin