Chi tiết tin tức

Đại lễ VESAK 2014 và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc

21:54:00 - 24/11/2013
(PGNĐ) -  Chủ đề VESAK 2014 " Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc” là vấn đề mang tầm vóc quốc tế. Việc lựa chọn chủ đề này cho thấy sự nhập thế của Phật giáo, sự gắn bó máu thịt của Phật giáo với nhân loại, với đất nước mình và nhân dân của mình.

Ảnh minh họa - từ internet

Năm 2008, lần đấu tiên Đại lễ VESAK đã được tổ chức tại Việt Nam và đã để lại một dấu ấn mang tầm vóc quốc tế. Đây là một sự kiện Phật giáo lớn nhất trong suốt hơn 2 nghìn năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam.

 Đề tài chính của ngày Đại lễ Phật đản LHQ VESAK 2008 là "Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đã có hơn 600 phái đoàn Phật giáo với hơn 4000 đại biểu từ 78 nước trên thế giới và hàng chục nghìn Tăng Ni Phật tử tham dự.

Cùng với đại lễ chính được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình thì trong các tình thành trong cả nước cũng diễn ra lễ hội Phật giáo với sự tham gia của hàng chục vạn Phật tử tạo nên một cao trào Phật giáo chưa từng có trên đất nước ta. 
 
Suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử gắn bó cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên từ phạm vi quốc gia đã bước ra vũ đài quốc tế với không ít khó khăn và bỡ ngỡ. Chưa bao giờ trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, Phật Việt Nam lại phải đối mặt với một nhiệm vụ đối ngoại to lớn như thế.
 
Nhưng rồi với sự cố gắng của hàng nghìn con người, Đại lễ VESAK 2008 đã thành công vượt xa mong đợi mang lại niềm vui mừng và tự hào chính đáng cho hàng triệu Tăng Ni Phật tử cũng như sự kinh ngạc và thán phục của bạn bè quốc tế
 
Năm 2014 tới đây, Phật giáo Việt Nam lại có niềm vinh dự to lớn là tổ chức Đại lễ VESAK lần thứ hai. Theo thông báo của ban tổ chức thì VESAK 2014 sẽ diễn ra tại chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 12 tháng 5 năm 2014 với khoảng 10.000 người tham dự.
 
Không còn bỡ ngỡ như lần tổ chức ban đầu nhưng do nhiều lý do khác nhau mà khó khăn chưa phải là đã hết. Bên cạnh đó sự thành công vô cùng hoành tráng và ngoạn mục của VESAK 2008 cũng là một sức ép tâm lý không nhỏ đối với các nhà tổ chức nhằm hướng đến một Đại lễ VESAK thành công hơn nữa.
 
Chủ đề Đại lễ VESAK 2014 lần này là " Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”.
 
Tháng 9 năm 2000, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ gọi tắt theo tiếng Anh là MDGs (Millennium Development Goals). Cho đến nay gần 190 quốc gia thành viên đã ký vào bản cam kết thực hiện mục tiêu này.
 
Các mục tiêu này đi kèm với 21 chỉ tiêu cụ thể đã lượng hóa cần đạt được trong thời gian nhất định, giúp cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng đo được các tiến triển của mình đến thời điểm hiện tại. Theo đó, các mục tiêu sẽ phải đạt được vào năm 2015 bao gồm:
 
Mục tiêu 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo khổ và thiếu đói
Mục tiêu 2: Đạt phổ cập giáo giục tiểu học cho trẻ em
Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội
Mục tiêu 4: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em
Mục tiêu 5: Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ
Mục tiêu 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác
Mục tiêu 7: Đảm bảo bền vững về môi trường
Mục tiêu 8: Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển
 
Trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ trên đây thì 6 mục tiêu đầu tiên từ mục tiêu thứ 1 đến mục tiêu thứ 6 đều liên quan đến cuộc sống của con người, đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em – những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
 
Phật giáo có triết lý bao quát nhất là vì con người. Phật giáo ra đời trên thế gian này nhằm mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc trong an lạc. Vậy nên Phật giáo không thể đứng ngoài những vấn đề quan tâm sống còn của toàn nhân loại.

Ngày nay thế giới đã phát triển với mức độ chóng mặt dưới tác động của khoa học và công nghệ. Con người đã bước ra khoảng không vũ trụ bao la và đặt chân lên các hành tinh xa xôi. Thế nhưng, thật là nghịch lý khi nhân loại vẫn chưa giải quyết được những vấn đề thiết thực hàng ngày của chính bản thân mình.

Thảm họa thiên tai, chiến tranh sắc tộc và tôn giáo vẫn thường xuyên sảy ra. Chưa bao giờ trên hành tinh này lặng im tiếng súng. Và cũng chưa bao giờ lặng im tiếng khóc của trẻ thơ bởi đói rét, khổ đau và bệnh tật khốn cùng !

Hàng năm vẫn có trên nửa triệu bà mẹ tử vong trong khi mang thai và sinh nở bởi những biến chứng có thể phòng ngừa. Tổng số người chết vì bệnh AIDS hàng năm đã lên tới con số gần 3 triệu. Năm 2005, có 15 triệu trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai vì AIDS.

Một nửa dân số của các nước đang phát triển thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản. Để đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong giai đoạn đến năm 2015, có đến 1,6 tỷ người cần được tiếp cận thường xuyên với những điều kiện vệ sinh an toàn.

Trái với những gì mà tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển mạng lại, sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ngày càng gia tăng. Tình trạng này đặc biệt thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Cảnh báo về khí hậu đã trở nên rõ ràng, khí thải dyoxide carbon, tác nhân chính gây ra sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã tăng từ 23 tỷ m³ năm 1990 lên 29 tỷ m³ năm 2004. Tác động của sự thay đổi khí hậu đã không còn là một cái gì quá xa vời mà mọi người đã có thể cảm nhận được bởi những cơn bão triền miên có sức tàn phá ghê gớm, trong chốc lát có thể biến những thành phố đông vui thành bình địa hoang tàn.

Đứng trước những vấn đề như vậy, Đại lễ VESAK 2014 với chủ đề Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ chính thức tuyên bố với thế giới sự gắn bó số phận và sự đồng hành của Phật giáo với toàn nhân loại trong việc tìm giải pháp cho những vấn đề mang tính toàn cầu.

Căn cứ vào những mục tiêu trên đây, theo thông báo thư mời viết bài của Ban tổ chức thì Đại lễ VESAK 2014 sẽ hướng đến các chủ đề chính:
 
1- Phật giáo góp phần vào mục tiêu Phát triển bền vững và tiến bộ xã hội

2- Phật giáo đối với vấn đề nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường

3- Phật giáo đóng góp xây dựng một đời sống lành mạnh

4- Phật giáo trong xây dựng hòa bình và tái thiết

 5- Giáo dục Phật giáo

Vì VESAK 2014 được tổ chức ở Việt Nam nên ngoài 5 chủ đề chính trên đây thì chủ đề Phật giáo Việt Nam góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của đất nước sẽ chính thức khẳng định trên một diễn dàn quốc tế những đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay.

Theo đánh giá của LHQ thì Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đã hoàn thành một số mục tiêu.

Mục tiêu 1: Trong tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở mục tiêu 1 về giảm nghèo. Việt Nam đã giảm được 75% tỉ lệ nghèo, từ 58.1% năm 1990 xuống còn 14.5% năm 2008. Tỉ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24.9% năm 1993 xuống còn 6.9% năm 2008.
 
Mục tiêu 2: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2009, tỉ lệ nhập học tiểu học là 97% và 88.5% trẻ em đi học đã hoàn thành 5 năm tiểu học. Trong số này, hơn 90% tiếp tục học trung học cơ sở, và không có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn.
 
Mục tiêu 3: Việt Nam đã rất thành công trong việc nâng cao tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh nữ bậc tiểu học là 48,2%, bậc trung học cơ sở là 48,1% và trung học phổ thông là 49,1%. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong khu vực về tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội với 25.8% đại biểu Quốc hội là nữ.
 
Mục tiêu 4: Việt Nam đã đạt được các mục tiêu về giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới năm tuôi và trẻ sơ sinh, cả hai tỉ lệ này đều giảm một nửa từ năm 1990 đến 2006. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 44,4 trên 1.000 ca sinh năm 1990 xuống còn 16 trên 1.000 ca sinh năm 2009.
 
Mục tiêu 5: Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong bà mẹ đã giảm một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca tử vong trên 100.000 ca sinh vào năm 1990 xuống còn 69 ca tử vong trên 100.000 ca sinh vào năm 2009, giảm khoảng 2/3 số ca tử vong.
 
Mục tiêu 6: Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách trong những năm gần đây. Việt Nam có một chiến lược quốc gia tốt và 9 kế hoạch để ứng phó với HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong tất cả các nhóm tuổi vào năm 2010 ước tính là 0,28%. Độ bao phủ của dịch vụ điều trị kháng virus đã tăng từ khoảng 30% năm 2007 lên đến 53,7% vào năm 2009.
 
Mục tiêu 7: Việt Nam cam kết giải quyết các vấn đề môi trường ở cấp quốc tế và chính sách, và đã đạt được những thành tích đáng kể. Diện tích rừng bao phủ tăng từ 27,8% năm 1990 lên khoảng 40% năm 2010.
 
Mục tiêu 8: Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển kể từ năm 2000, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mở rộng hợp tác với ASEAN và tham gia trong một số hiệp định thương mại tự do mới.
 
Trong sự thành công này của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của hàng triệu Tăng Ni và Phật tử nước nhà. Đặc biệt Phật giáo đã phát huy được thế mạnh của mình trong các lĩnh vực từ thiện và nhân đạo, giáo dục đạo đức, lối sống cũng như giải quyết các vấn nạn tiêu cực trong xã hội.
 
Ở tầm quốc gia, trên diễn đàn Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, một đại biểu Phật giáo là Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm đã có bài phát biểu chính thức về giải pháp Phật giáo cho việc giải quyết các vấn nạn của tuổi trẻ đang gây nhức nhối cho toàn cả xã hội.
 
Các hoạt động nhân đạo và từ thiện đã diến ra hàng ngày, các lớp học tình thương giành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở khám chữa bệnh cho các cụ già không nơi nương tựa được thực hiện trong hàng ngàn ngôi chùa của đất nước.
 
Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên được Phật giáo đặc biệt quan tâm. Hàng trăm khóa tu giành cho tuổi trẻ và sinh viên các trường đại học đã được các nhà chùa trong cả nước tổ chức trong mỗi dịp hè về.
 
Với tấm lòng nhân đạo và vị tha, Phật giáo còn quan tâm đến những đối tượng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Thượng tọa Thích Nhật Từ đã vào tận trong nhà tù giáng Pháp cho các tù nhân bị trọng án với chủ đề quay lại là bờ mang lại cho họ niềm tin và quyết tâm cải tạo thành người lương thiện để sớm được hòa nhập với xã hội. Cũng vậy, Đại đức Thích Thanh Huân đã tổ chức cơ sở cưu mang chăm sóc cho nhiều người có HIV/ AIDS ở Hà Nội.
 
Giải pháp Phật giáo góp phần thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ sẽ không đi sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật hay đường lối chính sách quốc gia mà đề cập nhiều hơn đến khía cạnh con người vì chính con người là nguyên nhân trực tiếp gây ra những hiểm họa ấy bởi lòng tham lam của chính mình.
 
Đức Phật đã dạy "Người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp”.
 
Theo Hòa Thượng Thích Minh Châu thì " nghiệp ở đây là hành động có chủ ý. Con người là chủ nhân của nghiệp, nghĩa là con người làm chủ các hành vi của mình; là kẻ thừa tự của nghiệp, tức con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Đức Phật quan niệm con người là sinh vật hành động và đánh giá cao hành động của con người, xem hành động là yếu tố quyết định vận mệnh của con người "
 
Chúng tôi cho rằng, các giải pháp Phật giáo sẽ góp phần giải quyết tận gốc các hiểm họa của nhân loại. Nói như cụ Pháp chủ Thích Phổ Tuệ : ”Nếu tinh thần lục hòa của Phật giáo mà được đem áp dụng vào đời thì trên từ quốc gia dưới đến gia đình khắp nơi đều an lạc vui vầy, làm gì còn có tranh chấp nhau. Nếu giữa các nước mà cũng tôn trọng nhau theo tinh thần lục hòa thì sẽ là thế giới đại đồng”.
 
Và lời dạy sau đây của Đức Phật sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho những ai muốn thành tâm giải quyết các vấn đề Thiên niên kỷ từ các nhà lãnh đạo quốc gia đến những người dân bình thường nhất:
 
"Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham
Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân
Vui thay chúng ta sống, không chấp giữa cuộc đời đầy tranh chấp”

 

PGS.TS Hàn Viết Thuận - Đại học Kinh tế Quốc dân

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin