Chi tiết tin tức

Hạt Của Chúa Và Chủng Tử Phật

09:43:00 - 05/09/2014
(PGNĐ) -  Vũ trụ, con người hình thành như thế nào và tương lai sẽ ra sao? Câu hỏi chưa bao giờ được xếp lại. Vật lý lượng tử là ngành khoa học luôn tiên phong trong việc mở hướng nhìn ra ngoài thế giới. Nhiều định luật đúc rút từ những công trình khám phá vũ trụ đã làm thay đổi nhận thức về vạn vật. Đơn cử để kết luận nước có tri giác, hiểu được ý nghĩ con người, tiến sĩ Masaru Emoto đã thí nghiệm hàng trăm nghìn mẫu nước, mà không mẫu nào ở dạng “vô trí”.

Dẫu rất nông cạn, song tiếp cận với nhiều thành quả khoa học công bố mới nhất, chúng tôi thấy rất gần với Kinh điển Phật giáo. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Chân lý tương đối thì nhiều, chân lý tối thượng chỉ có một. Đó là điều mà khoa học hiện đại đang hướng đến.

Nguyên văn câu trong kinh Hoa Nghiêm (Phật thuyết vào thời điểm mới chứng ngộ): "Ưng quán Pháp-giới tánh, Nhất thiết duy tâm tạo". Nghĩa làNên quán tánh của pháp giới, tất cả do tâm tạo. Diễn rộng [để khỏi hiểu nhầm]: TÂM này không phải theo nghĩa giản đơn như tâm tình, tâm tưởng... mà là bản thể của vũ trụ, như ngôn ngữ của các nhà vật lý lượng tử gọi: Trường Thống nhất, Trường Siêu dây, Trường Hợp nhất. Đã gần 1 thế kỷ, Max Plank (Nobel vật lý 1918 - thầy của A. Einstein) từng phát hiện: "Vũ trụ này vốn không có cái gọi là vật chất, vật chất thật ra là hiện tượng do ý niệm tích lũy tạo thành". Ngày nay đồng nghiệp của ông đã chứng minh một cách thuyết phục, nó trái ngược với lối suy nghĩ nhìn nhận thông thường: “Trong phần lớn vũ trụ, kể cả vật chất, là rỗng không” (Stuart Hameroff). Tuy nhiên khoa học lượng tử mới phát hiện vũ trụ ảo do VỌNG TÂM (a-lại-da biến hiện), còn cách khoảng rất xa với CHÂN TÂM của Phật giáo. Một cục sắt đặc, trên sự chứng nghiệm khoa học, trong nó vẫn có khoảng trống để các hạt dao động không ngừng. Nếu ta chẻ cục sắt đó ra, ra mãi, sẽ tạo nên các loại hạt như proton, neutron, electron, hạt quarkhạt của Chúa (Hạt Higgs, được tìm thấy vào tháng 3 năm 2013). Gần ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật đã thấu suốt những “tiểu quang tử” với cách gọi và hình ảnh biểu hiện khác nhau. Bắt đầu là Ngưu mao trần (hạt bụi ở trên đầu lông trâu), mắt thường khó thể nhìn thấy; Ngưu mao trần chia làm bảy phần sẽ được Dương mao trần (hạt bụi trên lông dê); chia làm bảy thì sẽ được Thố mao trần (hạt bụi trên lông thỏ); chia tiếp làm bảy thì thành Thủy trần (bụi [trong] nước), nhục nhãn không thể thấy, tức trong nước cũng có khoảng không dành cho các hạt; Thủy trần tiếp tục chia làm bảy sẽ thành hạt Kim trần - loại hạt dao động trong cục sắt đặc ta lấy thí dụ ở trên. Kim trần phân làm bảy sẽ là Vi trần; phân tiếp làm bảy là Sắc tụ cực vi; phân tiếp làm bảy thì gọi là Cực vi chi vi. Đây là áo mật trong kinh Hoa Nghiêm được Master ChinKung - tiến sĩ, giáo sư danh dự của 2 trường đại học danh tiếng ở Úc là Queensland và Griffith đưa ra giảng giải, khuyên người đời tin nhận giáo lý Đức Phật.

Nhỏ đến hạt Sắc tụ cực vi, chỉ bậc A la hán mới thấy được. Xét ngang ở hạt Kim trần, Sắc tụ cực vi đã cho thấy vật chất vốn là sự giả hợp từ cái không. Điều này khế hợp với Bát Nhã Tâm Kinh: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Không - không có nghĩa là không có. Sắc - không có nghĩa là có. Cũng như lúc ta nhìn mây thấy hình người và muôn vật rõ ràng, nhưng lên tới gần sẽ thấy là sự hội tụ lượng tử. Fred Alan Wolf: “Không phải vật chất sản sinh vật chất khác, nhưng chính ý tưởng, quan niệm, thông tin tạo ra vật chất. Từ góc độ Phật pháp, hết duyên, thân[tứ đại này (đất, nước, gió, lửa), đất trở về với đất, nước lại về với nước; nhưng “thẻ nhớ” là a-lại-da và Phật tánh (chưa hiển lộ) thì vẫn nguyên vẹn, rồi tùy vào duyên sẽ khoác lên mình một thân/kiếp mới... Duyên cũng có vô vàn. Quy luật nhân quả vận hành trong vũ trụ mà Đức Phật phát hiện, nhân xấu tạo ra quả xấu và ngược lại. Điều này còn phụ thuộc vào duyên, giáo lý gọi “trùng trùng duyên khởi”. Nhân ác nếu chưa hội đủ duyên sẽ chưa trổ quả; có loại nhân tốt song kẻ thừa tự vẫn gặt quả xấu mọc từ [nhân] quá khứ. Hiểu điều này sẽ không còn thấy rằng, con người ngay lúc sinh ra (lành lặn, đui què mẻ sứt, trong gia đình giàu sang hay bần cố) là bất công. Nhiều người do cái nhìn hạn hữu “1 đời” đã không thể tin nhân quả. Nhưng, tin hay không thì quy luật đó vẫn vận hành. Giả như ai muốn bóp méo chân lý tối thượng, đúng ra họ đang tự bóp méo vận mạng của mình, còn cái bị “bóp méo” dĩ nhiên vẫn thường hằng bất biến. John Hagelin: “Cơ học lượng tử thực sự là cuộc chơi và trình diễn thông tin, cuộc chơi và trình diễn tiềm năng, sóng thông tin, sóng tiềm năng electron. Và thật là quan trọng, thế giới tiềm năng, đó không phải là thế giới electron mà là thế giới tiềm năng electron. Nhưng bạn phải hỏi câu này: Sóng thực sự là của cái gì? Trường là gì mà có dạng như sóng? Nó có phải là đại dương không? Không, nó là đại dương vũ trụ, một đại dương thuần túy tiềm năng, một đại dương trừu tượng có tiềm năng hiện hữu, chúng tôi gọi nó là Trường Thống nhất hay Trường Siêu dây. Và đó là cái đã làm ra chúng ta”.

Con người là một dạng vật chất giả hợp (huyễn tướng). Cái tạo nên vật chất chính là ý niệm được huân tập, tích tụ trong tàng thức (a-lại-da); lúc lìa xác theo cách gọi của đạo Nho là du hồn bồng bềnh trôi dạt. Trừ những [hồn] người tu tập cao thâm, còn lại đúng hơn phải gọi là mê hồn, mê nên không có quyền tự quyết lựa chọn tương lai [kiếp kế tiếp] mà tùy vào nghiệp dẫn. Dạng “vật chất” mắt trần không nhìn thấy này nhà Phật gọi chung là thần thức (thần thức đi đầu thai). Còn thức mà khoa học đang bàn, họ gọi là “sóng lượng tử chức năng”, “sóng tư tưởng”, vô hình. Giáo sư Amit Goswami: "Chúng ta có thể ý thức về thế giới chỉ khi chúng ta xây dựng nền tảng của thế giới trên Thức"; "Thức là cái nó chọn lựa một vài tần số sóng cụ thể từ sóng khả năng vô hạn của Trường và tải chúng xuống não người để tạo ra kinh nghiệm toàn ảnh của nó". Diễn theo Kinh điển, con người khi lục căn (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sẽ tạo nên trường ý niệm đem vào “so sánh” với những gì có trong tàng thức (gom thâu từ nhiều đời), nếu tương hợp với cái có trong a-lại-da sẽ tạo nên cảm giác thích thú, bám víu, và ngược lại... Ý niệm - là lý cao tột trong giáo lý nhà Phật. Vũ trụ nhận sự ảnh hưởng từ ý niệm của vô số loài trong trời đất có mối liên hệ mật thiết với nhau. Mối liên hệ vô hình này được các nhà vật lý học gọi là "tính đồng biến". Xin trích lời dẫn từ phim khoa học What the bleep do we know?: “Trong những góc nhỏ của không gian và thời gian các nhà khoa học đã khám phá một nguồn năng lượng vô tận và những bí ẩn gây chấn động. Nó cho thấy rằng tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với nhau và cái vũ trụ vật chất bản chất lại là phi vật chất. Thời gian và không gian chỉ là những khía cạnh tạo nên tính phi vật chất”. Thượng sư Kim cang Hoàng Niệm Tổ (từng là Giáo sư vật lý đại học) trong tuyệt tác chú giải kinh Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang nghiêm Thanh tịnh Bình đẳng Giác đã viết: “Ta nên biết: Thời gian sanh từ chuyển động. Xét về cội gốc, chuyển động phát sanh từ ý niệm. Do vọng niệm tiếp nối nên có thời gian”. Đại đức ChinKung lúc giảng cuốn chú giải này lại dùng hình ảnh một tấm lưới vĩ đại trong vũ trụ mà mỗi mắt lưới là một sinh mệnh. Theo đó khi một cá thể đọa lạc, nó sẽ kéo mắt lưới ấy xuống, làm ảnh hưởng đến cả tấm lưới. Mới hay không cứ tại gia hay xuất gia, ai giữ tâm trong lặng chính là giữ cho “tấm lưới nhân sinh” trụ ở cõi thanh khiết, là ân nhân của muôn loài. Hàng ngày con người thoải mái phát xuất ý niệm, không hề có một sự kiểm soát nào trừ phi họ muốn xoay chuyển đề tài hoặc không gian đột ngột thay đổi. Ngay cả khi nghỉ ngơi, vô số ý niệm tiếp tục được phóng ra. Theo khoa học ý niệm là dạng “hạt siêu vị trí” - cùng một thời điểm có mặt ở vô vàn vị trí khác nhau. Bạn gọi điện cho tôi, nhưng thông tin ấy sẽ có khắp địa cầu, bất cứ ai có vệ tinh tần số cao đều bắt được. Hoặc nếu bạn tha thiết một lòng phát ý niệm liên tục đến tôi, tần số dao động bao trùm tận hư không trọn pháp giới chỉ trong sát na. Trường thông tin này có tên gọi khoa học là tín tức, còn danh từ Phật học là chuyển tướng của a-lại-da. Nếu là ý niệm tiêu cực, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến không những không gian quả địa cầu này mà phủ trùm Tam giới. Nhà khí tượng học Edward Norton Lorenznêu lên “Hiệu ứng cánh bướm” khiến giới khoa học ngạc nhiên tột độ, tuy nhiên đó mới chỉ là cái nhìn phần ngọn. Cội gốc của bão tố chủ yếu phát xuất từ ý niệm xấu ác trong tâm chúng sanh. Xã hội càng phát triển, những cơn bão lại đột ngột tăng cường độ gió? Phật giáo lý giải ấy là do niệm lực xấu ác và hận thù của các loài tăng lên. Dạng ý niệm ấy phát xuất từ những cái đầu lạnh, máu lạnh và trái tim băng giá cùng chuỗi hành động sau đó như khí thải độc hại, tàn hoại môi trường rừng biển sẽ là nhiên liệu chiêu cảm bão tố, sóng thần, động đất. Thế nên thiên tai, cũng chính là nhân tai.

Siêu sóng từ tâm ý con người nếu ai nhận diện được cũng ở dạng thô phù. “Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng tỏ rằng khi chúng ta bắt đầu di chuyển hay chuẩn bị nói điều gì đó, các tế bào thần kinh ở não đã thật sự hoạt động ngay cả trước khi chúng ta thật sự ý thức mình sắp làm gì” (Andrew Newberg). Khoảnh khắc trong đầu ta vụt hiện một ý tưởng, thực tế nó đã biến dạng, chuyển đoạn thành hiện thực. Như ta đang xây nhà, từ điểm phát xuất cho đến hình thành dự án thiết kế, chỉnh sửa v.v, nó trải qua vô số ý niệm vi tế (cũng như thời gian từ đơn vị giây được chia thành một phần trăm, một phần nghìn giây). Khoa học gia Joseph Dispenza phát hiện: “Lượng thông tin vô tận não bộ xử lý trong mỗi giây cho chúng ta biết về thế giới nhiều hơn gấp bội những gì chúng ta nhận thức được. Tuy vậy mỗi phút giây chúng ta lại chìm đắm trong những trải nghiệm từ các giác quan đem lại: nhìn, ngửi, nghe, cảm giác… và thế là chúng ta chìm đắm trong thực tại của mình, chúng ta chẳng biết gì về thực tại cả và tất cả cảm nhận về cái gọi là thực tại ngoài kia đều đã được sàng lọc qua các giác quan của con người. Não bộ xử lý 400 tỷ bit thông tin trong 1 giây nhưng chúng ta chỉ nhận biết được 2000 bit”. Trong kinh Bồ Tát Xứ Thai có chép cuộc đối thoại: Thế Tôn hỏi trong một niệm có mấy niệm [vi tế], Bồ tát Di Lặc trả lời trong một khảy móng tay có "ba mươi hai ức trăm ngàn niệm". Dựa vào đơn vị đo lường ở mức thấp nhất thời đó, tính ra trong một giây có hàng tỉ ý niệm vi tế. Cảnh giới này chỉ bậc A la hán, Bồ tát trở lên mới bắt được. Câu “Bồ tát sợ nhân” chính là cái nhân ý niệm này. Chúng sanh không bắt được ý niệm, để ý niệm kết thành cảnh giới, tức ý niệm sai khiến thân tạo nghiệp. Bồ tát biết xóa ngay ở ý niệm vi tế, không để ý niệm đề khởi, do đó chân tay miệng sẽ không trở thành nô lệ. Dễ hình dung hơn, ta lấy máy ảnh làm thí dụ. Lúc chụp ở tốc độ chậm, nếu vật di chuyển, bức ảnh sẽ bị nhòe; còn chụp ở tốc độ nhanh, dẫu vật di chuyển ống kính vẫn bắt được rõ ràng. Viên đạn với tốc độ lên tới hàng nghìn mét trên giây mà ống kính với công nghệ nanô vẫn chụp được viên đạn [bay ra từ nòng súng] không bị nhòa; đó tạm hiểu là tâm bắt được ý niệm vi tế. Thiền chính là ở đây; là lúc tâm kiểm soát tất cả mọi ý niệm móng khởi từ nội tâm phát xuất. Quán chiếu mà không bám víu, tạm hiểu là Thiền Minh Sát. Có một dạng thiền khác đầy vi diệu, bên Mật tông hành giả trì niệm lục tự đại minh chân ngôn Án ma ni bát di hồng (Aum mani padme hum); bên Tịnh tông trì niệm lục tự hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Tỉnh thức trong từng giây phút. Một khi tâm khởi ý niệm, hành giả lập tức niệm niệm nối tiếp ba câu, năm câu, mười câu kết lại thành khối khiến chúng không có cơ hội kết tinh. Tỉ như ai đó vừa muốn chửi mắng đánh đập kẻ khác, họ lập tức trì niệm hồng danh Đức Phật, niệm câu nào tai nghe rõ câu đó (dẫu là niệm thầm), tâm và khẩu hợp nhất, ai từng thực hành thuần thục, cơn bực tức sẽ lắng xuống, cảnh giới xấu biến mất. Miệng niệm Phật, trì chú, tai nghe rõ từng âm tiết tức tâm tạo sóng siêu thiện lan truyền, làm lợi lạc quần sanh. Ngược lại miệng niệm tai không nghe tức tâm loạn động. Chẳng hạn lúc ta chăm chú xem thời tiết hòng sắp xếp việc đại sự ngày mai, nhưng thời tiết qua rồi lại không có một mẩu thông tin. Chăn trâu để trâu lạc mất. Như vậy điều tối yếu của con người nằm ở Tâm, chứ không phải Thân. Niệm Phật mà tâm nghĩ tham - sân - si - mạn - nghi, dĩ nhiên đang tạo nghiệp, lâm nguy trong cảnh giới đầy ma chướng. Niệm Phật tâm khẩu hợp nhất tức hành giả thời khắc đang tạo nên cảnh giới Phật an lành tuyệt tĩnh. Ở đời, cũng như lúc ta nghe một bài hát qua loa không ấn tượng, nó là một dạng “trung tính”, còn nếu tâm ta dội lên niềm thương cảm qua âm thanh và lời ca thì lập tức tần sóng thiện ấy được cộng hưởng dao động. Hoặc xem phim đồi trụy, bạo lực, tâm “lên máu” với cảnh tượng trong phim, loại từ trường xấu này nhân lên, góp phần khiến thiên tai thêm khủng khiếp. Xem cảnh giả nhưng lại tạo nghiệp thật. Rất nhiều diễn viên nổi tiếng thế giới lãnh tội giết người, đâm xe cùng nhiều cảnh tượng ghê rợn khác; giống như họ đang “kết tinh” các trường đoạn mà họ từng đóng trong phim. Nhiều thiên tài và triết gia trở nên điên loạn hoặc tìm đến cái chết cũng vì nhầm lẫn về sự hiểu biết hữu hạn của mình so với vô tận thế giới. Điều này theo cách gọi khoa học là tín tức (ý niệm) chuyển thành cảnh giới tướng (vật chất). Xin dẫn lời Dean Radin: “Trong môi trường này, những gì tôi nghĩ và cách tôi hành xử sẽ gây ra những tác động lớn hơn, không chỉ cho chính bản thân mà ảnh hưởng phần còn lại của cả thế giới hơn hẳn so với quan điểm trong thế giới truyền thống. Vì thế, theo cách nhìn cơ bản nhất về đạo đức và luân lý, những suy nghĩ của tôi sẽ tác động đến thế giới, vì vậy thay đổi thế giới quan là rất quan trọng”. Câu “Nam mô A Di Đà Phật” như than hoạt tính [lọc nước đục thành trong], nếu được đưa vào tâm “cài đặt” thành công và tịnh niệm tiếp nối, sẽ có năng lực hút tất thảy bụi bặm trần ai, trả lại Phật tánh vốn dĩ. Quá rõ để khẳng định: Tịnh độ tông thù thắng, thậm thâm. Là vậy, cái gì vi diệu thường đơn giản, dễ hành. Song chính vậy nó không dễ tin đối với cái gọi là ngã chấp tri chướng.

Tâm lắng đọng mới tạo nên điều vi diệu cho toàn pháp giới, mà trước hết nó tạo nên không gian [cảnh giới] thuần khiết. Thực tế cảnh giới Niết Bàn trước hết là trạng thái tâm an lạc tuyệt đối; tâm ấy trụ trong cõi uế trược cũng là Niết Bàn. Khoa học đã minh định lý thuyết trong Kinh Phật, rằng con người tiêu hao năng lượng chủ yếu do tâm quá nhiều vọng tưởng. Do vậy nếu một vị sư ngưng bặt vọng tưởng, năng lượng trong cơ thể họ không bị tiêu hao, họ sẽ không cần ăn vẫn minh mẫn khỏe mạnh hàng tháng, hàng năm trời. Lạm xét về mặt y học: Bắt đầu là ý niệm về bệnh, sau đó đi khám biết mình có khối u, ý niệm về nỗi lo dồn dập, được phát liên tục khiến cho khối u thêm lớn và nguy hại. Người tu có định lực cao sẽ xé toang ý niệm về khối u bằng công khóa tụng kinh, niệm Phật, trì chú, bằng quán sát giữ tâm tuyệt tĩnh; rất nhiều hành giả lành bệnh nan y chỉ với việc hành trì “đơn giản” như vậy. Loại âm thanh/từ trường siêu thiện này là một dạng sóng hóa giải nghiệp lực và bệnh tật, điều này khoa học lượng tử rất dễ chứng minh. Tác động của tập thể luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, nhất là với con bệnh. Càng nhiều người phát ý niệm vô phương cứu chữa, con bệnh càng ít cơ hội lằn lặn. Dẫu rành rành máy móc chẩn đoán về căn bệnh giai đoạn cuối, bác sĩ cũng không nên với ý niệm bệnh này hết chữa, vì như vậy nó sẽ dội ngược lại mình. Nghĩa là, khi ta phán điều xấu tệ đến với ai, thì ý niệm đó đã lưu giữ trong a-lại-da, tương đương với việc mình tự gieo một nhân xấu cho chính bản thân. Mở ra niềm hy vọng trước cửa tử của bất cứ ai không bao giờ là thừa. Lý thuyết này không được thực hành sẽ thật dễ hiểu khi sác xuất bác sĩ chuyên về bệnh [nan y] nào sẽ có nguy cơ mắc bệnh đó khá cao!(*) Từ đây có thể nhìn nhận ra mọi phương diện đời sống. Khoa học đã “giải ngộ” bí mật: “Quan sát của chúng ta tác động trực tiếp tới thế giới của ta”. Nhưng họ không tìm ra cách khiến tư tưởng tập trung, tụ lại, hay cao hơn là vắng bặt vọng tưởng, gọi theo nhà Thiền là định tâm. Điều này ngoài Phật pháp ra, không gì thay thế! Lời khai thị của một vị Hòa thượng đương thời: “Thân thể này giống như một đài phát xạ vậy, đem ý niệm chúng ta phát ra bên ngoài, đồng thời cũng là đài tiếp thu. Tin tức của toàn bộ vũ trụ, chúng ta đều nhận được, nhận được tại sao chúng ta không biết? Phiền não làm chướng ngại. Nếu phiền não nhẹ, tâm địa thanh tịnh, họ có thể tiếp thu được, càng thanh tịnh nhận được càng nhiều”. Phiền não chính là do con người tự tư tự lợi, kể cả làm thiện thì đa phần ý nghĩ phát xuất đầu tiên (và mục tiêu cuối cùng) vẫn là có lợi cho mình. Theo Duy thức học (được xem là môn Tâm lý học Phật giáo): trong 52 tâm sở thì tâm sở thiện chỉ 11, tâm sở bất thiện chiếm 26; cho thấy nếu không giữ chánh niệm (tiến tới quân bình hai dạng tâm sở, rồi tâm sở thiện vượt lên xóa sạch tâm sở bất thiện), nghiễm nhiên sẽ gây tội nghiệp dẫu người ấy chưa động chân tay. Ai cũng có chân tâm (chủng tử Phật hay còn gọi hạt giống Bồ đề) bị vùi sâu trong vọng tâm. Nếu nghĩ xấu thì ý nghĩ ấy lập tức làm nhiễu loạn thời không và đó chính là nghiệp lực mạnh mẽ bậc nhất lại không dễ gì được nhận ra và thừa nhận. William Tiller lý giải,nếu tính giải phóng lượng năng lượng tiềm tàng ở trong một nguyên tử Hydro, việc nó tạo ra vụ nổ Big Bang chỉ là chuyện cỏn con. Có thể ví ý niệm xấu như ngọn lửa hàn xì, nhìn chỉ thấy chân không nhưng nó kết tinh múi hàn sẽ khó lòng gỡ ra, khó lòng cứu vãn. Trong nhà Phật, hành giả chuyên tu xuất thế gian, họ chỉ ủng hộ cái thiện chứ không chống cái ác, mới được gọi là chánh tri chánh kiến. Tham sẽ chiêu cảm cảnh giới ngạ quỷ ở kiếp sau, sân hận chiêu cảm địa ngục, si (trước hết không tin nhân quả vốn là nền tảng căn bản trong Phật pháp) sẽ chiêu cảm cảnh giới loài vật. Ai tìm cách thoát khỏi vòng cương tỏa của danh vọng tiền tài, chuyên niệm hồng danh A Di Đà Phật sẽ nắm cơ hội lên Tây phương thế giới muôn phần vượt trỗi Ta bà uế trược. (Các thế giới mà Đức Phật từng nêu lên giới thiệu: Hoa tạng thế giớiCực Lạc thế giới duy chân tâm tạo; Thập pháp giới,Lục đạo luân hồi duy vọng tâm tạo; Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh duy "sân tâm, tham tâm, si tâm" tạo). Chớ bao giờ nghĩ con người nhỏ bé. Đức Phật từng nói trong kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng Như Lai”. Phật thấu triệt về vũ trụ, vũ trụ nằm trong lòng bàn tay Ngài. Chúng sanh nào cũng có năng lực này, chỉ do vọng tưởng quá nhiều như mặt nước gợn sóng không thể soi trăng viên mãn. Những gì phát xuất từ tâm một cá nhân thật không ngờ ảnh hưởng đến toàn vũ trụ, rồi nó trả về nghiệp hoặc phước tùy theo ý niệm thiện hay ác. Phật dạy “nhất tức nhất thiết” (một là tất cả), câu này được khoa học thực nghiệm bằng tấm ảnh cắt ra trăm mảnh, mỗi mảnh vẫn chứa nguyên hình ảnh gốc ban đầu. Hay có thể dẫn thêm lý thuyết của nhà vật lý David Bohm: Cục nam châm đập vỡ thành nhiều mảnh, mảnh nào cũng có hai cực âm và dương. Có người lại bảo, tin điều này làm gì, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi! Đúng vậy, có thể do “biệt nghiệp” trong căn mạng nên nó chưa ảnh hưởng đến đời sống của họ lúc này và trong đời này, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn vũ trụ. Rồi lúc phước tồn lưu trong mạng bị họ tiêu xài phung phí, dung nhan xuống cấp, thân thể suy kiệt, ấy là lúc nghiệp tìm đến.

Khi khoa học khám phá ý niệm tạo cảnh giới, chân lý tối thượng bao trùm bởi mê tín và thần quyền lên Đức Phật được phần nào gỡ bỏ. Đạo Phật xét ở cội gốc, một tí cũng chẳng dính đến tôn giáo. Những ai ngày nay hiểu và hành đúng giáo lý của Ngài cũng thấy rõ điều này. Từ lâu ngay cả danh từ tôn giáo cũng bị người đời hiểu lệch. Một vị cao tăng giảng rõ nguyên ủy của từ này gồm những nghĩa: Giáo dục điều trọng yếu nhất; Giáo huấn điều tôn quý nhất; Giáo hóa điều chánh yếu nhất (chánh ở đây là không ). Tiếng Pháp chữ tôn giáo religion (tiếng Anh cũng từ này) hẳn có nguồn với động từ relier, nghĩa là nối liền, kết nối, hợp nhất v.v, chẳng hề liên quan đến thần thánh. Mở Kinh Phật ra toàn thầy giáo dạy học trò. Thích Ca Mâu Ni Phật đã gửi đến xã hội hiện đại thông điệp trọng yếu về giáo dục: “Chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong Kinh điển hay sách vở; chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết”. Ngài muốn mọi người hãy áp dụng sự học vào thực tế rồi chứng nghiệm; như cách mà khoa học đang làm.

Khoa học lượng tử hé lộ chân tướng vũ trụ, cũng là điều Đức Phật nhìn thấy hàng ngàn năm trước. Đó là sự gặp gỡ cao nhất giữa Phật và các nhà khoa học. Dẫu vậy, cái biết của Phật dựa trên sự chứng ngộ, còn cái biết của khoa học thông qua tri kiến. Một bên là chân lý hiện lên trong Tâm thanh khiết (thấy Tánh), một bên thông qua luận giải và máy móc. Sự biết của một số ít nhà khoa học và các bậc tri thức trên thế giới cũng là sự biết của rất nhiều những người tu hành theo Chánh pháp (chưa đắc Đạo). Còn sự biết của Phật chỉ có thể có ở những vị chứng quả thánh bên Tiểu thừa, tức từ quả Tu đà hoàn lên đến A la hán, và hàng Bồ tát bên Đại thừa. Kinh Kim Cang có câu: “Nhất thiết pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Ngày nay giới khoa học có cụm từ tương ưng gần như trùng khít: “Vũ trụ toàn ảnh”, tức toàn thể vật chất đều là sự phóng chiếu cái thật từ a-lại-da. "Thực tại hữu hình của cuộc sống đời thường của chúng ta, thực sự là một loại ảo ảnh, giống như một toàn ảnh. Phía dưới nó là một trật tự sâu hơn của hiện hữu, một mức độ rộng lớn và cơ bản hơn của thực tại, nó làm phát sinh tất cả sự vật và hiện tượng của thế giới vật chất trong cách thức rất giống một cuốn phim toàn ảnh sản sinh ra một hình toàn ảnh" (David Bohm). Như thật. Ai từng xem cổ vật qua công nghệ 3D sẽ biết: người ta chiếu vật thật ra hình ảnh, nếu không sờ tay vào không ai nghĩ đó là ảnh. Vũ trụ này cũng vậy, nó được chiếu ra từ vọng tâm. Cái biết của Phật đã hoàn toàn ra khỏi khổ não luân hồi; cái biết của khoa học vẫn nằm trong lục đạo. Cái biết của các nhà khoa học giả như ngang với cái biết của Đức Phật (điều này là ảo tưởng), nhưng muốn được an lạc như Phật họ cũng phải quay lại từ đầu trên đường Đạo, từ con số không tròn trĩnh!

Phật có 84 ngàn pháp môn nhằm hợp với căn cơ từng người nhưng cùng mục đích khôi phục, tìm lại tự tánh; là trạng thái tâm vắng bặt vọng tưởng, đạt định, sinh trí huệ, giải thoát khỏi sanh tử. Pháp môn vốn hợp căn, song nếu chiếu theo “di chúc” của Phật, thì thời nay pháp dễ thành tựu nhất là Tịnh độ tông, còn gọi là pháp môn Niệm Phật (Thời mạt Pháp, Tịnh độ thành tựu). Chiếu theo khoa học, đây là con đường sáng nhất, ngắn nhất đưa mỗi vận mạng đến với Chân Lý Tối Thượng. Một vị cao tăng dùng hai ngọn đèn làm thí dụ, ngọn đèn của Đức Phật sáng chói và ngọn đèn phàm phu tắt lịm. Học Phật là làm sao dùng ánh sáng từ ngọn đèn Đức Phật thắp sáng ngọn đèn của mình, chứ không phải chúi đầu dùi mài kinh sử đến độ hỏi đâu biết đó nhưng tuyệt không có công phu hành Pháp, ấy là học Thiền mà không tọa thiền, học Tịnh lại không niệm Phật, học Mật cũng không trì chú miên miên mật mật; công phu ít cũng vài ba năm trở lên và nhận thấy rõ lợi ích mới có thể bàn đến, còn không chỉ là lời nói suông sáo rỗng. Ngước đầu nhìn Phật là dõi theo “ngón tay chỉ trăng”, sự ngưỡng vọng ấy dẫu sao cũng dừng lại ởPhật học. Cúi đầu trước Đức Phật chiêm nghiệm bổn tánh mới là học Phật. Hai sự này cách nhau cả đại dương!

N.N

---------------

Độc giả có thể tham khảo thêm bài viết Khi khoa học nhìn thấy Đức Phật trên Thuvienhoasen.org

(*) Xem thêm Thấy bệnh & Thấy tánh”, Trường sinh & Giải thoát” trên Thuvienhoasen.org

 

 

NHỮNG NHÀ KHOA HỌC ĐÃ TRÍCH DẪN TRONG BÀI VIẾT:

 

John Hagelin, Ph.D: Tiến sĩ, nhà Vật lý lượng tử; Giáo sư vật lý Đại học Maharishi; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quốc gia toàn cầu của hòa bình thế giới.

Stuart Hameroff: Bác sĩ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ý thức tại Đại học Arizona.

Andrew Newberg, Ph.D: Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Thần học và Khoa học thần kinh, Đại học Pensylvania.

Dean Radin, Ph.D: Tiến sĩ, Giám đốc của viện Khoa học thần trí (Noetic), California; Giáo sư Trường Tốt nghiệp Saybrook, San Francisco.

William Tiller, Ph.D: Tiến sĩ, Giáo sư danh dự đại học Stanford.

Fred Alan Wolf, Ph.D: Tiến sĩ Vật lý lý thuyết tại UCLA; tác giả "Ứng dụng Bước nhảy lượng tử và Vũ trụ song song".

Amit Goswami: Giáo sư danh dự môn Vật lý lý thuyết tại đại học Oregon; học giả lão thành cơ hữu tại Viện Khoa học Tâm linh.

Joseph Dispenza, D.C: Bác sĩ chỉnh hình học tại Đại học Life ở AtlantaGeorgia.

David Bohm, Ph.D: Tiến sĩ, Giáo sư Đại học  Princeton

, phát triển lý thuyết lượng tử mang tên De Broglie-Bohm.

Nguồn: Theo Thư Viện Hoa Sen

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin