Chi tiết tin tức

Bồ Đề Đạt Ma và giá trị siêu việt của Thiền tông Việt Nam

08:31:00 - 23/04/2015
(PGNĐ) -  Khi đề cập đến Thiền Tông người ta hay liên tưởng đến Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) người đã mang sứ mệnh cao cả truyền trao cho con người. Cuộc đời của Bồ Đề Đạt Ma tựa như ánh sáng rực rỡ quét sạch bóng đêm phủ xuống cuộc đời chớp nhoáng như điện xẹt và phong thái lạ lùng quái đản đó đưa tên tuổi của người đi vào huyền thoại. Cho đến bây giờ hình ảnh và âm vang vô tận của những lời thuyết pháp vẫn còn chấn động cả thiền môn, rung chuyển trong tận cùng tâm thức, hình bóng của người đã ngả dài trong suốt lịch sử nhân loại, vươn lên tìm một sinh lộ cho sự trở về uyên nguyên giác ngộ, không nhất thiết và giới hạn ở phương vị nào cho sự trở về ấy.
 

bo-de-dat-ma-pb

        Chính những huyền thoại đã tạo nên con người vốn quái đản của Bồ Đề Đạt Ma lại càng quái đản và lạ lùng hơn, những huyền thoại đó đưa Bồ Đề Đạt Ma trở thành một kẻ phi thường nhất trong tất cả những kẻ phi thường. Những huyền thoại này như chiếc dép cỏ mà Bồ Đề Đạt Ma từng hùng dũng xách nó vượt suối băng ngàn phi hành trên ngọn thông lãnh, sự ngạo nghễ và những trận cười đinh tai, nhức óc rung chuyển cả núi đồi chập chùng, những âm vang đó vẫn còn phảng phất vang vọng đâu đây trong mỗi con người, trong mỗi thời đại theo sự chuyển vần của thời gian, không gian vô tận.

Hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma có phải là một nhân vật lịch sử hay một nhân vật huyền thoại do đời sau ngụy tạo và dựng lên? Có hai nhóm rõ rệt trong việc truy tìm, nghiên cứu tư liệu về cuộc đời của nhân vật hoang đường này. Nhóm thứ nhất, những nhà học giả như P.Pelliot, Conze v.v… đưa ra nhiều tư liệu nghi ngờ về lịch sử Bồ Đề Đạt Ma, họ cho đó là cách gây uy tín cho việc hình thành phát triển của Thiền Tông – bằng cách ngụy tạo ra dòng tổ bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Nhóm thứ hai học giả Prabodh Chandra Bagchi, Hồ Thích v.v… lại cho rằng Bồ Đề Đạt Ma có mặt ở Trung Hoa khoảng 420 hay 486. Theo tài liệu viết vào khoảng 547 in trong Tripitaka do giáo sư Takakusu xuất bản có nói gặp một vị sư tên Bodhidharma trong một ngôi chùa ở Loyang.

Tất cả những dữ kiện về lịch sử không hẳn là một chứng cớ để chúng ta có thể tin tưởng được, hãy trả tất cả những nghi vấn về lịch sử cho những nhà khảo cổ. Với chúng ta điều quan trọng sự hiện hữu của Bồ Đề Đạt Ma dù huyền thoại hay không huyền thoại có giúp được gì trong hành trình đi đến giác ngộ hay không? Và cuộc đời của Bồ Đề Đạt Ma đã ảnh hưởng như thế nào trong tư tưởng của nhân loại?Những câu hỏi chúng ta đã đặt ra cũng chỉ là câu hỏi để trả lời và cũng để hỏi với chính ta.

Có những lúc ngôn ngữ không thể diễn tả trọn vẹn được ý tưởng thâm sâu mà con người cần phải nói. Tự nó vốn đã tuyệt lộ khi chính nó đã không lý giải được cho nó, ngôn ngữ vẫn có đường cùng của nó, nên đó chỉ là một phương tiện chuyên chở cái bóng dáng mờ mờ của tư tưởng và nhiều khi đã tạo nên những rắc rối và ngộ nhận đáng tiếc. Và trên hết nó đã không chuyên chở được sự thâm sâu, toàn triệt trong tận cùng của tâm thức.Chỉ có sự cảm nhận trong vô ngôn cửa miệng đóng mốc mới hiển lộ nên. Sự yên lặng của con người không có nghĩa là không có ngôn từ để diễn tả mà phải hiểu rằng chính ngôn từ đã không lý giải được sự cảm nhận sâu xa ấy.

Trên phương diện bình thường mà ngôn ngữ đã phải dừng lại, huống gì trên phương diện vượt thoát bùng vỡ của giác ngộ hay lập nguyện dấn thân ngôn ngữ càng bế tắc.Hễ mở miệng ra là bị kẹt và hễ mở miệng ra là rơi vào đối đãi, chấp trước ngay, vì thế các vị Thiền Sư đã từng dạy “Để miệng, đóng mốc” Và đó chỉ là quá trình để chuẩn bị nhìn ngắm về đối tượng ở góc cạnh phê phán. Con người vốn đã không chủ động được tâm thức của mình, bị sai sử và tác động do những phân hóa, đố kỵ và động cơ chính là không sáng suốt, nên hầu hết những quan niệm đều đồng nghĩa với sự sai sử, vì thế những phê phán nhận định dễ trở thành sản phẩm phi lý của trí thức ô nhiễm.

Và không khéo nó sẽ trở thành công cụ đày đọa, dày xéo chính kẻ đã và đang xử dụng nó như một quyền năng mà con người đang phải đối diện, ghê tởm, lắc đầu.

Vì vậy những luận cứ về một con người và nhất là một con người giác ngộ phải chăng ngôn ngữ đã phải cúi đầu?

Huyền thoại về Bồ Đề Đạt Ma cũng chỉ là huyền thoại và sự ca ngợi về Bồ Đề Đạt Ma cũng chỉ là ca ngợi, tất cả những điều ấy không đủ để dệt nên một con người tuyệt diệu như Bồ Đề Đạt Ma.

Một con người được mệnh xưng là kẻ phi thường trong lịch sử cổ kim của nhân loại, một kẻ đã đi trong cô đơn mang cả một tâm hồn nghệ sỹ và đã tung những chưởng lực mà cả triều đình Lương Võ Đế khiếp vía bay hồn, không tài nào hiểu được và cảm nhận lấy một chữ thâm hậu đó.

- Lương Võ Đế hỏi: Từ ngày tôi làm vua đến nay lập nhiều chùa, in kinh, độ tăng rất nhiều không thể kể hết, như vậy có được công đức không?

- Bồ Đề Đạt Ma đáp: Không có công đức gì cả.

- Vua hỏi: Tại sao không?

- Công đức ấy chỉ được tiểu quả ở cõi nhơn thiên mà thôi, vì còn thuộc nhơn hữu lậu, tuy có mà không thực.

- Làm thế nào mới gọi là chân công đức?

Bồ Đề Đạt Ma trả lời:

- Trí thanh tịnh, thể vốn vắng lặng nhiệm mầu, công đức như vậy không thể lấy thế pháp mà cầu được.

Vua hỏi: Thánh Đế đệ nhất nghĩa là gì?

Bồ Đề Đạt Ma: Trống rỗng, không gì gọi là Thánh (Quách nhiên vô thánh).

Vua hỏi: Vậy chứ ai đang đối diện trước mặt trẫm đây?

Bồ Đề Đạt Ma trả lời:

- Không biết (Bất thức)

Lương Võ Đế đã không vứt bỏ những gì do chính mình tạo, nên đã không trực nhận được những gì Bồ Đề Đạt Ma đáp, lời nói ấy quả như một chưởng lực siêu phàm làm cho Lương Võ Đế chới với không biết phải bám vào đâu. Và nếu Võ Đế cảm nhận đi chăng nữa thì sự cảm nhận đó vẫn chưa là dấu hiệu của một cảm thông tương quan, có thể nói đó chỉ là một thoại ngữ và họ Lương cần phải tốn cả tâm huyết mới hoàn thành được. Nó tựa như dòng sông trong xanh sâu thăm thẳm công năng của nó có thể cuốn phăng đi tất cả cặn bã của cuộc đời và ngược lại làm cho kẻ đứng ngắm hoảng kinh, dòng tâm của Ngài sâu hun hút không một lối đi vào nếu, không bằng vào cửa ngõ đi là vào cõi chết để biến dạng thành một con người hoàn toàn vượt thoát ra khỏi tử sinh, và Lương Võ Đế là một con người đã không muốn chết theo nghĩa đó, như vậy dĩ nhiên họ Võ đã không tìm thấy sinh lộ cho tiến trình giác ngộ ấy nơi Ngài.

Bồ Đề Đạt Ma lặng lẽ rời bỏ triều đình, Ngài đến chùa Thiếu Lâm quay mặt vào vách, trầm hùng chín năm nhìn vách đá yên lặng không nói một lời. Sự yên lặng ấy như là sự khinh bỉ cuộc đời đã không một ai có thể hiểu nổi con người của Bồ Đề Đạt Ma, và sự yên lặng ấy cũng là cách trắc nghiệm sự đi vào của kẻ khác bằng cách chấp nhận sự yên lặng của yên lặng và chờ đợi sự yên lặng để bùng vỡ. Và yên lặng ấy đã bùng vỡ khi Huệ Khả tìm đến trong một đêm mưa tuyết phủ đầy cả mặt đất, Huệ Khả đứng đó với tâm nguyện chờ đợi cánh cửa yên lặng chợt mở thì sẽ xông vào quỳ xuống đảnh lễ và dâng lên cả một sự cầu mong.

Có lẽ lúc đó Bồ Đề Đạt Ma thừa hiểu đã đến lúc không yên lặng.Tuy nhiên Ngài lại thích kéo dài sự yên lặng ấy càng lâu thì càng có công năng và biết đâu sẽ tuyệt diệu hơn.Và rồi Ngài đã đạt được như ý.

- Nhà ngươi mong cầu gì mà đứng mãi trong tuyết như thế?

Huệ Khả bạch: “Con đến để mong cầu giáo pháp vô thượng xin Ngài dũ lòng từ bi ban bố cho.”

Bồ Đề Đạt Ma bảo: “Giáo lý vô thượng của Phật khó có thể thành tựu ngay, phải trải qua một thời gian dài cần khổ, nhẫn những việc khó nhẫn, làm những việc khó làm. Tâm trí người thấp kém, lòng khinh mạn thì làm sao thành Phật được, chỉ luống công nhọc sức mà thôi.”

Huệ Khả một lòng cầu đạo, quên cả thân mạng của mình nên dùng dao chặt đứt cánh tay để tỏ lòng thành.

“Tâm con chưa an xin thầy an cho.”

Bồ Đề Đạt Ma nói: “Đem tâm ngươi ra đây ta an cho.”

Huệ Khả bạch sau một phút lưỡng lự:

“Con tìm mãi nhiều năm mà không thấy.”

Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”

I. THEN CHỐT QUAN TRỌNG CỦA THIỀN        

Yếu chỉ của Thiền được qui tụ trong 4 câu:

        Giáo ngoại biệt truyền

        Bất lập văn tự

        Trực chỉ nhân tâm

        Kiến tánh thành Phật

Tạm dịch:

        Truyền riêng ngoài giáo

        Chẳng lập văn tự

        Chỉ thẳng tâm người

        Thấy tánh thành Phật

Tất cả sự quyết định cho sự nghiệp giải thoát đều bắt nguồn từ Tâm, Tâm có thể là một chủ lực mạnh nhất trong việc đưa chính con người ấy đạt được an lạc, và cũng chính Tâm biến thành công cụ đạp đổ con người rơi xuống vũng sâu của tử sinh. Những thiền sư đã xử dụng phương pháp “Dĩ tâm truyền tâm” đẩy thẳng ánh sáng giác ngộ đi qua kẻ đối diện. Dĩ nhiên miếng đất tâm của người đối diện ấy đã được cày bừa kỹ lưỡng và trải qua mọi nhân tố để cho hạt giống được nẩy mầm một khi ánh sáng mặt trời sưởi ấm nó. Nó không nằm trong kiến giải, so đo tính toán được nữa.

Bởi lẽ những kiến giải chỉ là cách đo lường và tách xa giác ngộ hơn. Tâm ấy tựa như một luồng điện đi qua và ánh sáng bùng vỡ ngay, nó không còn nằm trong trạng thái chờ đợi để ấn nút xuống, nút ấy phải được mở sẵn chỉ chờ luồng điện đi qua là mọi tối tăm nơi tâm vén mở – hiển bày cả càn khôn và cả một vũ trụ tinh nguyên mà mấy mươi năm trời hành giả đã phải lận đận, bương chải và tìm phương vượt thoát.

Bất lập văn tự: Không có nghĩa là vất bỏ văn tự nếu áp dụng phương cách “dĩ văn tải đạo” thì không dính mắc nào trong chính ngôn từ đó. Con người luôn thích lý luận và căn cứ nơi ngôn từ để phán quyết. Điều đó không hẳn và thực sự đã trói buộc rơi vào làm kiếp con mọt đọc sách. Phải xoay những tư liệu ấy quán chiếu thẳng vào thể tánh mới thấy được đàng sau những ngôn từ đó hiển lộ những gì mà cổ đức đã trao truyền lại.

Văn tự vẫn là văn tự và không giúp được gì thật sự nếu con người không vứt nó vào hố thẳm, phải tiêu hóa ngay khi đã đọc một cách tuyệt diệu.Nó chỉ là tiến trình của kẻ khác và cũng chỉ là cánh cửa để người đọc biết dấu tìm vào.Và trên hết đó cũng chỉ là của kẻ khác. Hành trình đi tới để vào căn nhà uyên nguyên nhất định không còn mở sách ra để tìm cách đi vào. Bởi lẽ phải vứt bỏ tất cả ngay cả cái cần phải vứt đi cũng chưa chắc đi vào được, một ý niệm còn hưng khởi theo chiều hướng tôi, sẽ, đang, chuẩn bị vứt còn ngự trị, thì còn, sẽ, phải trôi lăn. Những gì được kể như vắng lặng, tròn đầy trong đó vẫn còn một chút vi tế thì hành giả phải bật tung ra khỏi đỉnh cao và rơi vào hố thẳm ngay.

Buông xả tất cả ngay cái buông xả đó, và buông xả không có nghĩa là không nắm bắt vì buông xả được hình thành cũng do tương quan đối đãi với nắm bắt mà lập, nên buông xả cũng có nghĩa là nắm bắt nên mới buông mà càng không có nghĩa là xả hết. Thiền không khéo trở nên phức tạp và mâu thuẫn chính nó. Tuy nhiên Thiền đã đạp tung và vượt lên trên tất cả những gì phức tạp nhất và mâu thuẫn cùng cực nhất. Nó cởi tung tất cả những triền phược trói buộc mà con người tạo nên. Thiền là một cái gì tươi mát không một ngôn từ nào có thể diễn tả được cái yếu nghĩa của nó như đói thì ăn cơm, khát thì uống nước. Thiền là phải hành hoạt, uyển chuyển, linh động tươi mát ngay trong cuộc sống thường nhật – Trong tất cả mọi động tác như: gánh nước, bửa củi, ăn uống làm việc v.v… đều phải hạ thủ công phu kiểm chứng nội tâm trong từng niệm niệm tương tục. Không phải lúc ngồi bất động trên giường thiền rơi vào trạng thái chết cứng lặng thinh (theo nghĩa gỗ đá) mà có thể đạt được yếu chỉ của Thiền. Cần phải dụng công trong mọi chiều hướng.Không một ai có thể cho chúng ta một ít khái niệm về Thiền và nếu có cho đó cũng chỉ là diệu dụng tùy nghi chứ không hẳn là Thiền.Thiền là vậy đó được bao phủ trong mâu thuẫn nhưng, không một mâu thuẫn nào có thể trói buộc được Thiền – và chính mâu thuẫn cũng có thể là Thiền.

Chủ trương của Thiền chỉ thẳng không quanh co, trực nhận ngay.Một khi thấy được bản lai diện mục mới có thể thành Phật.

II. AI LÀ VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG VIỆT NAM?

Thiền vốn không phân biệt, thấp cao, cung kính hay không, theo trạng huống thường tình – ngay cả vị Tổ Sư tuyệt diệu như Bồ Đề Đạt Ma mà các vị Thiền Sư thường gọi “Bích Nhãn Hồ” nghĩa là “Tên Rợ mắt xanh” dù dưới bất cứ một danh xưng có vẻ phạm thượng đi nữa thì Bồ Đề Đạt Ma cũng là ngài không vì thế mà tổn thương hay hoen ố được. Và đó cũng chính là sự độc đáo của những Thiền Sư biểu lộ cả một sự kính thành, quy ngưỡng nhất.Hình tượng của Bồ Đề Đạt Ma trông rất dữ tợn, mắt luôn trợn trắng, mày quặm và râu phủ cả mặt.Nhưng không một ai lại không thích chiêm ngưỡng quy phục sự dữ tợn đó.Phải chăng bóng dáng ấy đã ẩn chứa bên trong cả một chân trời huyền nhiệm.

Riêng Việt Nam theo Thuyền Uyển Tập Anh ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) là vị Tổ Sư đầu tiên mang thiền đến Việt Nam. Ngài đến vào năm 580 đời Hậu Lý Nam Đế trú ở chùa Pháp Vân. Ngài vốn là người Nam Thiên Trúc đến Trung Hoa vào năm 574, gặp nạn Võ Đế nhà Bắc Chu tàn phá Phật Giáo đến Hà Nam ngài gặp Tam Tổ Tăng Xán và được truyền Tâm ấn dạy ngài đi về phương nam hóa đạo Ngài là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam và là sơ tổ. Dù vậy những ngôi chùa ở Việt Nam thường tôn kính hình ảnh của Tổ Sư Thiền Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma?Phải chăng Bồ Đề Đạt Ma tuyệt diệu hơn ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi?Và phải chăng người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, lễ nghi của người Tàu? Lý do này có lẽ tương đối đúng hơn vì thế ngay cả những ngôi chùa và ngay cả những kinh văn trì tụng cũng là chữ Tàu. Vì vậy đạo Phật khó hiểu lại càng khó hiểu hơn.Chưa có một cuộc cách mạng toàn triệt nào để thay đổi lại sự lệ thuộc một cách vô lý này, dù điều này đáng được thực hiện một cách triệt để.Đạo Phật Việt Nam vốn là một tôn giáo lớn tiêu biểu cho đặc thù văn hóa dân tộc, nhưng đâu đó vẫn còn phảng phất một chút gì của ngoại lai. Đối với chúng ta vị Tổ Sư nào cũng đáng kính cả dù đó là Tổ Sư của Trung Hoa hay Việt Nam. Tuy nhiên trên phương diện duy trì bản chất độc đáo của một dân tộc điều ấy phải được phát huy truyền thừa tiêu biểu cái mà gọi là Dân Tộc. Hầu hết chúng ta phó mặc theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”. Làm thế nào tất cả những ngôi chùa trở thành một tiền đồn phát huy và bảo tồn Văn Hóa? Những tăng sĩ trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa như vậy chúng ta mới có thể tự hào sự có mặt Đạo Phật ở Việt Nam là một biểu trưng sáng ngời nhất trong lĩnh vực Văn Hóa Nghệ Thuật. Dù rằng Thiền được kể như một nghệ thuật tuyệt diệu nhất trong việc thấy tánh thành Phật (kiến tánh) một nghệ thuật đánh phá nội tâm và hoán chuyển từ mê sang ngộ mà không gây một khủng hoảng trầm trọng nào. Hành giả hướng tâm của mình đi theo dòng nước không bao giờ có ý định phong tỏa ngăn chận dòng nước vì như thế nước sẽ vỡ tung bờ, chỉ theo đó biết nước sẽ đến đâu những ngõ ngách nào nước ở ngoài chảy vào v.v… đòi hỏi hành giả nếu không có một nghệ thuật cao khó có thể duy trì được sự tĩnh lặng trong chính cái luân lưu mà không vọng động. Một nghệ thuật tinh vi và chỉ có những nhà nghệ thuật phi thường mới có thể tìm thấy. Một đóa hoa đẹp không có nghĩa là đóa hoa ấy đẹp với bóng dáng ở ngoài, sự hoàn hảo của cái đẹp phải kể đến hương vị ngọt ngào tỏa ra từ đóa hoa ấy.Phải có một cái nhìn thoát ra khỏi nhãn quan thường tình thì vẻ đẹp mới hiển lộ một cách toàn diện vượt thoát, một nghệ thuật điêu luyện phải kể như phi nghệ thuật mà là nghệ thuật, vượt trên tất cả những gì gọi là nghệ thuật.

Ngoài dòng Thiền của Ngài  Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn một dòng thiền đến Việt Nam nữa, đó là Thiền Phái Vô Ngôn Thông, khoảng thế kỷ thứ 9, ngài đến Việt Nam vào năm 820 trú ở chùa kiến sơ, Bắc Ninh đắc pháp với ngài Bách Trượng Thiền Sư bên Tàu. Sở dĩ gọi Ngài là Vô Ngôn Thông vì ngài vốn ít nói dù rằng thông hiểu tất cả mọi lý sự.Sự yên lặng là một dấu hiệu cảm thông trong tất cả mọi tương quan trong cuộc đời.Yên lặng không có nghĩa là không biết mà phải hiểu rằng không việc gì là không rõ.Mặc nhiên trong trạng thái tuyệt diệu của sự vắng lặng và yên lặng chỉ là động tác xuất phát từ “sự yên lặng nơi tâm thức.Thiền Sư Vô Ngôn Thông được người đời tôn xưng với danh hiệu như thế hẳn chắc Ngài phải là nhân vật có một phong thái khó hiểu. Mà thật có gì để phải hiểu khi chính con người đã không có được một phút giây nào dừng lại để cho sự yên lặng ngự trị trong tâm. Đó là cách khuyên nhủ người đời bằng sự yên lặng sống động nhất. Nhiều lúc cả trăm ngàn câu trả lời tuy nhiên nhiều lúc gây ngộ nhận cho kẻ hỏi và sự trả lời này không bằng một nụ cười tươi mát, chừng đó cũng đủ cho kẻ đối diện thức tỉnh, càng đặt vấn đề thì càng rơi vào khủng hoảng khúc mắc. Không một sự trả lời nào của kẻ khác làm cho ta thỏa mãn, nếu chúng ta không tự hỏi và trả lời cho chính mình.

III. THIỀN CÔNG ÁN

Công án là lối hạ thủ độc đáo mà thiền sư đã dồn Thiền sinh rơi vào thế bí nơi chân tường phải đánh phá, tác động, gõ một cách liên tục vào nội tâm mới mong bùng vỡ lên được, những lúc căng thẳng đầu óc như vỡ tung ra từng mảnh mới tìm thấy được chút ánh sáng len lỏi vào.

Công án đầu tiên là mẫu đối thoại giữa Bồ Đề Đạt Ma và Lương Võ Đế “Rỗng suốt không có thánh gì hết” đã trở thành một công án độc đáo nhất trong lịch sử Thiền Tông. Tuy nhiên mãi đến nhà Tống công án mới trở nên thịnh hành thường dụng trong tất cả những tra vấn về Thiền và trở thành cửa ngỏ then chốt đi vào Thiền. Trong Thiền Quan Sách Tấn của Chu Hoằng và Ngữ Lục của Đại Huệ đời Tống có ghi lại nhiều công án.

Khi một Thiền Sư muốn trắc nghiệm kẻ đối diện bằng những câu hỏi hắc búa, quái lạ nhiều khi trái ngược mâu thuẫn, nghịch lý nhưng tất cả những khúc mắc ấy mới trở thành diệu dụng của Thiền. Những nghịch cảnh theo quan niệm của con người thì đó là nghịch cảnh, nhưng với công năng của Thiền là phá tan và san bằng tất cả những gì chận đứng lại. Chúng ta đọc Phó đại sỹ để thấy cái phi lý và cũng là có lý của Thiền.

        Tay không nắm cán mai
        Đi bộ lưng trâu ngồi
        Theo cầu qua bến nước
        Cầu trôi nước chẳng trôi

        Những gì phi lý nhất lại là có lý nhất, cũng có thể những gì có lý lại là phi lý trong Thiền thuật ngữ nầy, tràn ngập như nước đã đầy ly nhưng vẫn cứ rót tràn mãi ra mới thôi. “Lông rùa rừng thỏ”“Hoa không đỏ liễu không xanh” Thiền công án không phải là một lâu đài kỳ bí khiến cho kẻ đứng ngắm khởi lên một sự nghi ngờ, hoang mang. Với Thiền không có hoang mang mà là đi thẳng không quanh co uốn nắn. Nếu như vậy sẽ bị đạp tung ra khỏi cửa thiền và bị phất trần đánh tới tấp. Chưa kịp mở miệng mà rơi vào trạng thái so đo thì bị ngay tiếng hét đinh tai nhức óc của Lâm Tế Nghĩa Huyền gây chấn động cả thần kinh hệ rồi. Lối xảo thuật diệu dụng này nhằm để phát huy và phục hồi nguyên ủy mà hành giả vốn đã lẩn quẩn trong sự mê ngộ – ngộ là ngộ tức khắc không chần chờ so đo tính kỹ và hễ không ngộ là không chứ không có kiểu mở miệng để rơi vào ngõ bí không lối thoát. Thiền là một thực thể linh động trong mọi chiều hướng ngập tràn và làm hưng thịnh những gì vọng động. Và chính những linh động thực tiễn ấy mới hé mở cho sự giác ngộ bùng lên, linh động một cách nhịp nhàng ăn khớp với tâm thức giác ngộ của Thiền Sư hòa đồng và tác động vào chính dòng tâm thức của Thiền Sinh. Và chỉ có sự khơi mở đúng lúc thì ngọn đuốc mới rực lên ánh sáng và bóng đêm bị quét sạch ngay tức khắc, không còn cơ may hưng khởi được nữa một khi ánh sáng này ngự.

Thiền Sư Đức Sơn đã từng xử dụng cây trượng mỗi khi hỏi đồ chúng:

“Nói được ba chục hèo”

        “Nói không được ba chục hèo”

Chân lý vốn đã không nằm trong thế đối đãi của nhị nguyên lý hễ còn nói được và không được thì phải lãnh đủ ba chục hèo.Thiền Sư Đức Sơn chỉ đưa ra cách nói được và nói không được nghĩa là phải mở miệng chứ ngài đâu bảo nếu yên lặng hành động cũng ba chục hèo đâu?

Và cũng một lần Nam Tuyền nắm lấy con mèo dơ lên cao bảo: “Nói được thì mèo sống, nói không được ta giết chết con mèo” Tăng chúng không ai đáp được và Nam Tuyền giết chết con mèo.

Khi Triệu Châu trở về Nam Tuyền thuật lại sự việc Châu bèn cởi chiếc giầy cỏ đội lên đầu rồi ung dung ra đi. Nam Tuyền nói: “Tiếc thay không có Triệu Châu ở nhà để cứu mạng con mèo”.Hành động của Triệu Châu chỉ có Nam Tuyền mới cảm thông được. Và chỉ có Triệu Châu mới có thể cứu được con mèo lúc ấy.

Thiền phải kể đến tiếng hét của Lâm Tế Nghĩa Huyền. Lâm Tế xử dụng nó như một ngón tuyệt kỷ, kẻ nào bị phải đinh tai nhức óc ngay. Những tuyệt kỷ này đã từng gây chấn động trong Thiền Môn cho đến bây giờ tiếng hét ấy vẫn còn đeo đuổi.

IV. NHỮNG THIỀN SƯ DẤN THÂN ĐI VÀO CUỘC ĐỜI

Thiền lưu truyền và cất giữ trong nhân gian một cách lâu đời và bền bỉ nhất khi thiền đã tách rời khỏi những hình thức khuynh hướng quyền thế.Thiền phải là một sự phổ cập đa dạng trong mọi lãnh vực và là nguyên tố cơ bản trong mọi tầng lớp. Thiền Việt Nam dung hòa và tìm thấy sự giác ngộ ngay trong cuộc đời. Ngoài cuộc đời này ra sẽ không có giác ngộ, quên mình để phụng sự cho kẻ khác đó là lý tưởng dấn thân của Phật Giáo. Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã lưu lại những vị Thiền Sư đi vào cuộc đời như Thiền Sư Định Không (729-808) La Quý An (851-936) Khuông Việt (931-1011) Pháp Thuận (915-991) và Vạn Hạnh (mất 1025) nổi bật Thiền Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (dòng Vô Ngôn Thông) được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm vị Tăng Thống đầu tiên của Việt Nam. Và điểm nổi bật nhất là Thiền Sư Vạn Hạnh với sự nghiệp xây dựng nhà Lý mà cho đến bây giờ công nghiệp ấy hãy còn bàng bạc trong nhân gian.

Một hành động dấn thân khác nữa đó là Thiền Sư Trần Nhân Tông dòng Vô Ngôn Thông ngài đổi thành danh hiệu khác đó là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Là một vị thượng hoàng nhưng ông từ bỏ tất cả để làm một sơn tăng tu theo hạnh đầu đà. Ông đã chuẩn bị đi tu bằng cách tập sự xuất gia nhiều năm khi còn là một ông vua. Ngài một mình chống tích trượng đi du hóa khắp nơi khuyên dân chúng bỏ ác làm lành, tạo tình liên bang với Chiêm Thành ông đã gả con gái Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân để duy trì nền hòa bình giữa hai dân tộc.

Hình ảnh của một Thiền Sư khác là “Chí Thành Thiền Sư, con của Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành sinh năm 1861 tại Quảng Nam”.Ông tham gia phong trào văn thân khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông vào tu ở chùa Giác Viên Chợ Lớn, ba năm tròn lo việc công quả: gánh nước, bửa củi, giã gạo. Sau đó ông nhập thất và tịnh khẩu trong ba năm. Năm 1892, ông đi cứu trợ bão lụt tại Gò Công và năm 1895 ông lại đi cứu trợ bão lụt ở Châu Đốc. Một mình ông độc suất cứu vớt được hơn 500 người đem về chùa nuôi cho đến khi nước rút. Ông thu thập tẫm liệm, mai táng không biết bao nhiêu là thi hài không thừa nhận. Ông lại còn bị mật thám Pháp bắt giam gần một năm trời vì những hoạt động xã hội trong “Tương Lai Thiền Học” của Nhất Hạnh trang 31.

Chính những hạnh nguyện dấn thân nầy mà thiền len lõi trong quần chúng, có những lúc không nhất thiết vị Thiền Sư phải đăng đàn thuyết pháp mà ngay hành động của quý Ngài trở thành bài pháp không lời và chỉ có những bài pháp sống động này mới tồn tại lâu bền và hiệu quả thâm sâu nhất. Đi vào cuộc đời để rồi xoa dịu và chuyển hóa những thống khổ đang bao phủ con người, Đạo Phật vốn đã không tách rời ra khỏi những đau khổ mà hình thành và càng không có nghĩa đạt được giải thoát ra ngoài cuộc đời nầy ra. Dấn thân nhưng không bị cuộc đời vùi lấp hay làm hoen ố được.Phải duy trì liên tục lý tưởng phụng sự kẻ khác trong cương vị xuất thế của mình. Các Thiền Sư đã trở về ung dung thanh thoát sau khi đã hoàn thành đại nguyện độ sanh.

V. CHẤN CHỈNH LẠI NỀN THIỀN HỌC VIỆT NAM

Từ thế kỷ thứ 14 trở đi nền Thiền Học Việt Nam bị Mật Tông và Tịnh Độ lấn áp. Hai buổi công phu ở chùa đều ảnh hưởng Mật và Tịnh. Dù rằng Thiền được bao phủ và tác động lên trên tất cả Mật và Tịnh bởi lẽ hành giả phải ngưng tất cả những vọng động để tìm sự thanh thoát nơi tâm hồn, không để tâm tư dong ruổi theo trần thế, kiểm soát nội tâm bằng ánh sáng giác ngộ. Chiếu soi liên tục trong mọi tình huống. Nếu niệm Phật trăm ngàn câu mà tâm không niệm có ích gì đâu trên lối về giác ngộ, chỉ đạt được chút phước báo ở tiểu quả nhơn thiên. Vẫn còn phải dụng công trên đường tìm về giải thoát.

Thiền chỉ còn trong sự bàng bạc bao phủ không còn là then chốt trong hai thời công phu ở chùa nữa. Hầu hết các tự viện và chúng ta đều xuất phát từ Thiền “Lâm Tế” nhưng điều này đã không được phát huy đúng mức, nên có sự pha trộn giữa Tịnh hoặc Mật. Tịnh độ tông chỉ là sự biến dạng của Thiền nên sự dung hòa khó mà tìm thấy. Với đa số quần chúng hẳn nhiên không như vậy Tịnh và Thiền là hai chứ không phải là một.

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam phần lớn là Thiền Tông, nó đã bám rễ và ảnh hưởng sâu đậm trong quần chúng bằng sự tỉnh thức, kiên nhẫn và hy vọng. Nếu tất cả những hành động đều được ngự trị bởi thức tỉnh, sáng suốt hẳn nhiên chúng ta đã không gây khổ đau cho mình và kẻ khác. Con người không có được sự tỉnh thức con người đó trở thành một nguy cơ cho chính họ và cả loài người. Họ có thể xử dụng quyền thế, ưu điểm để lừa dối, và đưa con người đi vào cõi chết không một chút tiếc thương.

Trong sự khổ đau cùng cực nhất của Dân Tộc hiện tại phải chăng đều xuất phát từ những kẻ không có được một phút giây tỉnh thức nào?Và đã không có được một ý nghĩ về kết quả mà chính họ đang tạo nên. Chỉ khi nào ý thức về con người đang chơi vơi trên hố thẳm may ra họ mới tìm thấy được giá trị của sự tỉnh thức.

Cần phải phát huy duy trì nền Thiền Học Việt Nam trong mọi chiều hướng mới có thể vơi đi những phiền trược cho con người. Thiền là yếu tố cơ bản nhất trong việc đi thẳng đến giải thoát.Sự giải thoát không nằm trong tương lai mà nó có ngay trong hiện tại nầy. Một khi con người thực sự tĩnh lặng bình an,  và kết quả này luôn ngự trị tác động liên tục thì may ra con đường đi đến giải thoát mới hiển lộ. Còn nếu sóng sau dồn sóng trước thì uổng phí cả một đời, sự giải thoát được quyết định ngay trong hiện tại và đó là nền móng xây dựng sự an lành, và một nụ cười bất diệt. Ngoài lãnh vực nầy ra, thiền còn là yếu tố cơ bản trong tất cả những lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị, dấn thân v.v…

Những hành hoạt thường dụng nếu có sự tỉnh thức, quán chiếu thì không việc gì mà chẳng thành, không gì làm hoen ố được. Lập chí như núi cao, nguyện lực thâm hậu, dụng công trong vi tế thì sá gì những trì trệ ứ đọng. Tâm tư trùm kín cả vũ trụ không một mảy may nào động tới được, vứt bỏ tất cả những gì đối đãi, tham trước. Chỉ còn lại một hạnh nguyện cao cả đi vào cuộc đời để chuyển hóa mọi thống khổ của con người vơi đi, để linh động mang dòng nước thanh lương tưới mát lửa phiền của chúng sanh, để hát những khúc ca chứng đạo truyền giảng cho hữu tình, và để vươn lên chọc thủng màn đen bao phủ cuộc đời.

Một khi hạnh nguyện hoàn xong phải buông xả tất cả, thong dong tự tại trở về từ nơi khởi điểm. Để không còn thấy điểm xuất phát và nơi đến, thì cuộc đời vẫn là cuộc đời, khổ đau cũng chỉ là khổ đau, hạnh phúc Niết Bàn như cơn lốc, như gió thoảng mây bay. Tất cả chỉ còn lại lối về trước mặt không còn mờ mờ hoang lộ và đàng sau không còn gò núi chập chùng muôn lối.

Thênh thang trên đoạn đường không dài cũng không ngắn từng bước đi là cả một cung đàn tuyệt diệu, hoa vẫn nở trên đường, lối đi chuyển về đâu!

 

Như Hùng

(Trích từ sách Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ, xuất bản 1987)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin