Chi tiết tin tức

Dừng lại và nhìn sâu – Thiền tập trong Phật giáo

17:17:57 - 24/07/2013
(PGNĐ) -  Nhìn hình tướng của Phật, bạn thường thấy người được vẽ hay tạc ở trong tư thế tọa thiền. Thiền tập vì thế chắc hẳn rất là quan trọng. Vậy Phật ngồi như thế để làm gì? Ðiều gì trong Tứ diệu đế đã thúc đẩy ta ngồi trong tĩnh lặng để thiền tập? Nói khác đi, làm sao ngồi trong tĩnh lặng lại có thể làm cho ta hiểu Tứ diệu đế sâu sắc hơn và đưa ta đến thực hành?
image

Nhìn hình tướng của Phật, bạn thường thấy người được vẽ hay tạc ở trong tư thế tọa thiền. Thiền tập vì thế chắc hẳn rất là quan trọng. Vậy Phật ngồi như thế để làm gì? Ðiều gì trong Tứ diệu đế đã thúc đẩy ta ngồi trong tĩnh lặng để thiền tập? Nói khác đi, làm sao ngồi trong tĩnh lặng lại có thể làm cho ta hiểu Tứ diệu đế sâu sắc hơn và đưa ta đến thực hành?

Giáo lý nhân quả (karmaleer) bao hàm trong Tứ diệu đế cho rằng chúng ta là tác giả và là người thừa kế những hành xử của chính mình. Vì thế, rất hợp lý khi ta không đi tìm ở [thế giới] bên ngoài những giải đáp cho các vấn đề và sự khổ đau của mình, mà bắt đầu tìm kiếm và lưu ý ở ngay nơi mà những hành động được khởi sinh, đó chính là tâm thức của chúng ta. Ðối với Phật, làm sao để thực hiện việc đó không hề đơn giản. Ðó là kết quả của một cuộc tìm kiếm lâu dài.

Phật ngồi đó để làm gì?

Trong kinh tạng Pali, Phật đã kể lại rất chi tiết cuộc tìm kiếm của người, từ lúc khởi đầu cho đến chung cuộc, tới khi người trở nên tỉnh thức (Danh từ Boeddha có nguyên nghĩa là “tỉnh thức”). Ở đây thiền tập đóng một vai trò rất quyết định. Cuộc đời của Phật mà ta thường được nghe kể lại thuộc dạng huyền thoại cổ điển, trong đó chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng. Trong bài này chúng ta chỉ trưng dẫn những tài liệu tiểu sử tự thuật (autobiografisch) tìm được trong kinh điển Pali mà không động đến những huyền thoại vẫn được nhiều người biết đến hơn về Phật.

Phật kể người đã lớn lên như thế nào trong sự xa hoa (tên thật của người là Siddharta Gautama, là người thuộc giòng tộc Sakyans). Người được thừa hưởng ba tòa lâu đài, một tòa cho mùa mưa, một cho mùa đông và một cho mùa hè. Ði đến đâu người cũng được một đoàn vũ công ca nhạc toàn là phụ nữ tháp tùng (một hình thức walkman trước thời đại). Thế nhưng người vẫn không hài lòng. Lòng người thường xuyên bị xâm chiếm bởi một nhận thức sâu sắc về sự hoại diệt và ngắn ngủi của cuộc sống. Vì phải đối diện không thể tránh né với khổ đau nên tâm hồn của người tràn ngập một niềm bi phẫn. Cha mẹ người vô cùng buồn rầu (khác với huyền thoại cổ điển, ở đây [kinh tạng Pali] không thấy nhắc tới một người vợ và một đứa con), khi người quyết định bỏ nhà ra đi, để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của mình.

Ðầu tiên, cuộc tìm kiếm đã đưa người đến gặp hai vị đạo sư dạy thiền tập. Thiền tập ở Ấn Ðộ thời bấy giờ có vẻ đã là một phép hành trì phổ biến. Siddharta là một đệ tử đặc biệt thông minh, nhưng người không hài lòng với những điều gặt hái được. Người từ chối lời thỉnh cầu trở thành người truyền thừa của hai vị thầy. Ðiều mà người học hỏi được là những kỹ thuật vượt thoát ra khỏi hiện thực một cách có hệ thống để bước vào một thế giới khác, nơi mà cuối cùng mọi kinh nghiệm chấm dứt sự hiện hữu của nó. Ðiều phải thừa nhận, trong những giây phút đại định sâu sắc này, khổ đau cũng chấm dứt hiện hữu. Nhưng một khi thiền giả xuất ra khỏi trạng thái đó, thì tất cả cũng xuất hiện trở lại, kể cả khổ đau. Ðiều này không phải là điều người tìm cầu.

Phương pháp mà người chú tâm hành trì sau đó là phép tu khổ hạnh nghiêm nhặt (ascese). Ở đây người cũng đi đến mức tận cùng. Các kinh điển xưa cũ ghi lại sự kiện thân thể người còm cõi đến mức khi đứng trên cát, dấu chân gầy rạc của người để lại trên đó trông tựa như dấu móng của con lạc đà. Cũng thế, con đường khổ hạnh này không đem đến cho người kết quả mong đợi. Người ý thức rằng không thể tiến xa hơn được nữa trên con đường này. Một bước tới nữa chỉ có thể đồng nghĩa với cái chết. Người bắt đầu ăn uống trở lại và chăm sóc thân thể của mình. Người lang thang và không biết phải tiếp tục như thế nào.

Kinh điển kể lại, khi đó người chợt nhớ đến lúc còn nhỏ, vào một ngày đẹp trời, khi ngồi dưới một gốc cây ngắm nhìn người dân làm việc trên một cánh đồng, người tự dưng nhập vào một trạng thái của sự tỉnh giác đầy tĩnh lặng và trí huệ. Vì thế cho nên người quyết định hành trì con đường thiền tập. Ðiều người đã làm lúc đó chính là một trực giác thiên tài. Thay vì thoát ra khỏi hiện thực, người dùng sự minh mẫn của tâm thức được nuôi dưỡng trong khi thiền tập, để hướng sự chú tâm của mình vào chính hiện thực. Bằng tâm tỉnh giác và sự cẩn trọng, người nghiệm ra rằng trong một quá trình liên tục, cách thế của tham ái và tư duy nối đuôi nhau xuất hiện, cũng giống như cách thế mà tâm thức nắm giữ và từ chối, tạo tác và hoại diệt. Cứ như thế mà quá trình liên tục này của sinh thành và hoại diệt, khi xảy ra không ngừng nghỉ cho chính người và cho người khác, đã tạo ra vô vàn những thế giới, những vọng tưởng. Nguyên nhân khiến cái này tạo tác ra cái kia bỗng hiển lộ thật rõ ràng đối với người. Cuối cùng, không phải không bất ngờ, người khám phá ra trong sự tỉnh giác đó (heldere aanwezigheid) và trong chính sự trong suốt của nó (doorzichtigheid) tiến trình này đã tan biến và dừng lại như thế nào. Vào lúc đó người thực sự chứng nghiệm rằng: đây là điều mình tìm kiếm lâu nay. Chính ở đây khổ đau không còn hiện hữu nữa.

Khám phá này đối với người còn quá mới mẻ, khiến người thoạt đầu chưa biết phải chia sẻ với người khác như thế nào. Bằng một cách thức đặc biệt Ấn Ðộ, các kinh điển đưa ra hình ảnh của một vị thần đến thỉnh cầu Phật chia sẻ khám phá này với người khác vì “những kẻ có ít bụi trong mắt sẽ nhìn thấy được”.

Ðầu tiên, Phật đi tìm hai vị thầy đầu tiên đã dạy người thiền tập, nhưng hai vị đã qua đời. Vì thế người mới đi tìm các người bạn đã cùng tu khổ hạnh. Khi các vị này thấy Phật từ xa đi đến, họ hẹn với nhau rằng sẽ làm như họ không trông thấy người. Trong mắt họ, Phật là một kẻ thất bại, một kẻ đã không chịu nổi sự từ bỏ kham khổ của phép tu khổ hạnh. Cho tới khi Phật tiến tới gần… Khuôn mặt của Phật rạng rỡ… Các vị tu sĩ không thể nào làm gì khác là đỡ lấy áo khoác và bình bát cho Phật, mời người ngồi xuống và hỏi thăm: điều gì đã xảy đến cho bạn? Phật thuật lại những gì người đã làm trong thời gian qua. Cuộc nói chuyện này đã được ghi lại như bài thuyết pháp đầu tiên, trong đó Phật lần đầu tiên giảng giải về giáo pháp Tứ diệu đế.


Dừng lại và nhìn sâu

Về thiền tập, có hai giai đoạn được nhắc đến trong bài giảng của Phật:

1 Samatha [chỉ]:

Các vị thầy đã chỉ dạy cho Phật một hình thức thiền tập đưa tới sự chấm dứt tất cả các hoạt động tâm ý (mentale activiteit). Ðó là sự thiền tập nhắm tới sự dừng lại (samatha). Kỹ thuật đưa tới kết quả này là sự tập trung. Ðây cũng là một phương pháp mà chúng ta vẫn thấy trong các kỹ thuật thiền tập và thư giãn không nằm trong Phật giáo.

Cho dù Phật đã là một bậc thầy trong kỹ thuật này, người vẫn không hài lòng và đã từ bỏ phương pháp tu tập này.

2 Samatha-vipassana [chỉ-quán]:

Sau khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả mong muốn, Phật quay lại với phương pháp thiền tập nhưng đó không chỉ là sự thiền tập đơn thuần. Phương pháp thiền tập mà người đã sáng chế ra là một tổng hợp của dừng lại (samatha) và nhìn sâu (vipassana). Với sự tỉnh giác của tâm thức, người hướng sự chú tâm vào hiện thực và đạt được tuệ giác. Tất cả những gì mà chúng ta đã bàn đến trong bài viết thứ hai ‘Giải thoát khỏi ảo tưởng – Phật giáo, một hệ thống triết học’ trở nên thật trong suốt rõ ràng đối với Phật.

Dừng lại đề cập đến sự ngưng nghỉ các tập quán máy móc của tâm thức, bằng cách tập trung sự chú tâm vào một đối tượng nhất định nào đó. Với nhìn sâu, chúng ta muốn nói đến việc hướng sự chú tâm vào điều đang xảy ra. Nhìn sâu không phải chỉ bằng đôi mắt, mà bao gồm tất cả các giác quan, kể cả tâm [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý] (Trong Phật giáo, tâm được coi là giác quan thứ sáu, có chức năng ghi nhận những suy tưởng của chúng ta).

Như thế, cả hai phương thức samatha và vipassana hợp lại thành một tổng thể hữu cơ. Samatha và vipassana tương quan với nhau và được học hỏi như thể là sợi chỉ điều xuyên suốt các kinh điển thiền tập Phật giáo trong 2500 năm qua. Vì những lý do giáo khoa, một số truyền thống đã thực tập ‘dừng lại’ trước tiên rồi mới chuyển sang những thực tập nhắm nhiều hơn vào tuệ giác, vào nhìn sâu. Những truyền thống khác lại chú tâm từ lúc bắt đầu với những thực tập bao gồm cả hai phương thức.


Không lý thuyết suông

Không có ích lợi gì để tìm hiểu một cách lý thuyết về những điều thật thực tiễn. Thiền tập ngoài ra còn là một phương pháp rất dễ áp dụng. Tất cả những gì bạn cần chỉ là thân và tâm. Gối và nệm ngồi thiền, và những dụng cụ khác có thể có ích lợi nhưng không nhất thiết phải cần. Ngoài ra, bạn có thể thực hành thiền tập bất cứ lúc nào. Vài ba phút cũng đủ để học cách thực tập thiền.

Bây giờ, tôi xin độc giả tạm thời để bài viết này qua một bên và thử thực tập trong tư thế bạn đang có. Nếu bạn khám phá tư thế đang có chưa được thoải mái lắm thì hãy thay đổi tư thế cho thật thoải mái.

Hãy đặt sự chú tâm của bạn vào hơi thở. Bạn không cần phải thay đổi cách thở. Chỉ theo dõi, cảm nhận hơi thở vào như thế nào, hơi thở ra như thế nào. Khi nào cảm thấy mình đang đánh mất sự chú tâm, thì bạn lại đặt sự chú tâm vào lại nơi hơi thở. Bạn hãy thử thực tập như thế trong vòng vài phút.


*


Bài tập vừa rồi mà bạn đã làm, trước hết, có thể được xem như một thực tập của dừng lại. Lời hướng dẫn là đặt sự chú tâm vào hơi thở. Nếu nói đó đơn thuần là một thực tập samatha thôi thì có lẽ bạn cũng đã không thành công rồi. Trong vòng hai phút, gần như tất cả mọi người đều khám phá rằng sự chú tâm của chúng ta đã bị thất tán. Vào lúc này có thể kể ra hai cạm bẫy:

Cạm bẫy thứ nhất là sự khó chịu. Khả năng cụ thể là qua sự thực tập thường xuyên bạn trải nghiệm được sự tĩnh lặng, dễ chịu và tính trị liệu của phép hành trì theo dõi hơi thở này. Nhưng có một khả năng lớn hơn nữa là bạn hoàn toàn không trải nghiệm điều gì giống như thế cả ở lần thực tập đầu tiên. Rất nhiều người đã cảm thấy thật khó chịu vì liên tục đánh mất sự chú tâm. “Thấy chưa, tôi đâu có thể làm được…”. Sự khó chịu tự nó không phải là một vấn đề lớn. Nó chỉ làm lộ ra một cung cách phản ứng (reactiepatroon) cũ kỹ bình thường. Cạm bẫy nằm ở kết luận sai lầm, là mình không làm được bài tập này. Nhưng kinh nghiệm khó chịu là chuyện thông thường xảy ra và tự chúng không phải là những lý do để ta bỏ cuộc.

Như thế lòng nhẫn nại là một điều kiện tuyệt đối phải có để thực hành thiền tập.

Cạm bẫy thứ hai, thật kỳ lạ, lại chính là sự tập trung. Một sự tập trung trong chừng mực nào đó là điều tốt nhưng sự thực tập sẽ hoàn toàn rời xa mục đích của nó nếu người hành thiền, trong suốt thời gian thực tập, thành công trong việc chỉ biết chú ý đến giòng chảy lên xuống của hơi thở với sự dễ dàng thoải mái. Bởi vì nếu đi xa hơn theo phương pháp này, chúng ta sẽ bị kẹt trong cái mà Phật đã học được của các vị thầy dạy thiền tập, đó là sự thực tập samatha đơn thuần.

Điều mà lời khai thị muốn hành giả đạt được là làm hiển lộ những điều đang xảy ra. Trong khi theo dõi hơi thở và sự thất bại kèm theo, chúng ta thấy được sự vận hành của tâm thức. Ở đây không chỉ là samatha mà là kết hợp của samatha và vipassana, dừng lại và nhìn sâu. Cho một thực tập samatha đơn thuần, hơi thở không phải là một đối tượng tập trung thật thích hợp. Hơi thở của chúng ta luôn chuyển động và ngoài ra còn phản ứng theo với mọi thứ xảy ra ở trong và xung quanh ta. Cũng chính vì lý do đó mà phép theo dõi hơi thở là một cách dẫn nhập tuyệt hảo để thực tập samatha-vipassana.

Ðã nói thế, bây giờ xin mời bạn thử làm lại bài tập vừa rồi một lần nữa, bắt đầu bằng cách theo dõi hơi thở và sau đó cứ quan sát điều gì đang xảy ra. Với một sự chú tâm nhẹ nhàng, rộng mở, bạn hãy để cho những điều gì đến cứ đến, không bám víu vào đó cũng không từ chối nó, không đi sâu vào cũng không ngăn chặn. Cứ mỗi khi biết mình đang mất sự chú tâm hoặc đánh mất mình trong những điều đang xảy ra, bạn lại trở về với hơi thở và với sự chú tâm nhẹ nhàng, rộng mở.


*



Samatha-vipassana là dừng lại và nhìn sâu những điều đang xảy ra, với sự chú tâm nhẹ nhàng, rộng mở. Lời khai thị này thật hết sức đơn giản. Ðơn giản nhưng không phải dễ dàng. Ðể có thể ứng xử [tốt] với những điều đang xảy ra, bạn nên tìm một vị thầy nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Cho tới giai đoạn này, tôi đã chỉ nhắc chừng bạn về hai cạm bẫy vừa kể. Cạm bẫy thứ ba là sự khởi tâm (suggestie). Lời khai thị thật rõ ràng: bạn hãy quan sát bất kỳ điều gì đang xảy ra. Nhưng bởi vì là con người, chúng ta có thể biết khá chắc chắn rằng những điều đang xảy ra [trong tâm thức] không hoàn toàn đẹp đẽ và tốt lành. Mối nguy to lớn ở đây nằm chính ở chỗ chúng ta tìm cách sắp đặt (manipuleren) kinh nghiệm của mình theo chiều hướng nào đó mà chúng ta thấy thích hợp với mình và với việc thiền định. Hậu quả thường là sự tỉnh ngộ, vì cuối cùng ta đành phải chịu thú nhận rằng những điều ta mong cầu không xảy ra, và như thế những điều [thật sự] xảy ra đã vượt thoát ra khỏi sự chú ý của ta.

Cạm bẫy thứ tư là lòng say mê với nội dung mà những điều đang xảy ra mang đến. Bằng cách học hỏi tâm thức qua cách [quan sát] này mà Phật giáo, qua thời gian, đã trở thành một ngành tâm lý học rất có hệ thống. Tâm lý học đương đại Tây phương, hãy còn trong giai đoạn phát triển, đã bắt đầu có ý thức về sự hữu dụng của hệ thống [tâm lý học Phật giáo] này. Nhưng cần ghi nhớ rằng tâm lý học trong bối cảnh này chỉ là một sản phẩm phụ. Ðiều quan trọng nhất vẫn là sự giải thoát, chứ không phải là một ngành tâm lý học.


Nhìn sâu điều gì?

Tất cả những điều được nói trong bài trước (“
Giải thoát khỏi ảo tưởng – Phật giáo, một hệ thống triết học”), có thể trước đây còn như một mớ triết lý trừu tượng, bỗng trở nên sinh động dưới tác động tài tình của samatha-vipassana. Chỉ mới trong vòng hai phút thử chú tâm theo dõi hơi thở, đã đủ cho phần đông chúng ta thấy được sự hỗn loạn của tâm thức. Nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy được sức mạnh của si mê, sân hận và những khuôn mẫu mù quáng (blinde patronen) hợp lại xô đẩy tâm thức. Những gì xảy ra ngay lúc này trong tâm thức và điều mà bạn có thể cảm nhận được ngay lúc này chính là những quy luật (wetmatigheid) của nguyên nhân và hậu quả và sự hình thành của khổ đau. Ðể có thể thấy được điều đó, điều duy nhất bạn phải làm là chịu đứng yên và nhìn cho kỹ.

Trong khi dõi theo những xuất nhập của ấn tượng, tình cảm và ý tưởng, bạn nhận chân được tính vô thường của tất cả những điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Không có điều gì cố định. Không có gì đủ vững chãi để ta có thể bám víu vào. Tiến trình [nhận thức] này có thể đôi lúc làm ta đau khổ. Nếu không nhẹ nhàng và từ bi với chính mình, chúng ta sẽ khó chấp nhận được. Một thái độ nhẹ nhàng nhưng quyết tâm và lòng từ bi không những làm cho tiến trình [nhận thức] này khả dĩ thành công mà còn tạo nên liều thuốc giải độc tốt lành (heilzaam antidotum) cho những tình trạng tâm lý không lành mạnh xuất hiện trong lúc chúng ta thiền tập. Cho tới khi chúng ta nhận thức rằng bám víu vào bất kỳ một cái gì cũng chỉ là một cố gắng hoàn toàn vô ích, và chỉ có sự chú tâm rộng mở, nhẹ nhàng và không thỏa hiệp là đủ và [điều này] có nghĩa là một sự giải phóng vĩ đại.

Ðây là bối cảnh của hiện thực tột cùng. Sự tỉnh ngộ càng trọn vẹn chừng nào thì sự ám ảnh của những vọng tưởng chế ngự ta càng lúc càng nhỏ đi chừng nấy. Ðiều còn lại là một sự rộng mở trọn vẹn, vắng bóng vọng tưởng (totale, gedesillusioneerde openheid). Một sự rộng mở không còn trông mong bất cứ điều gì nữa, không còn nhu cầu để thêm thắt chút gì vào hiện thực, kể cả những ý niệm mà chúng ta vẫn thường dùng để xoay chuyển hiện thực theo ý mình (naar onze hand te zetten) và [qua đó] tạo ra ảo tưởng rằng hiện thực rất quen thuộc.

Trạng thái này của sự rộng mở vốn là một trạng thái rất tự nhiên, được nhiều người biết đến. Kể cả Phật cũng đã nhớ lại lúc còn nhỏ, ngồi dưới bóng mát của một gốc cây, người cũng đã tự nhiên cảm nhận được. Sự rộng mở tự nhiên của tâm thức này trên nguyên tắc, luôn luôn có mặt. Không có sự rộng mở này, chúng ta khó lòng có thể sinh hoạt được. Nhưng sự rộng mở này thường xuyên bị lấp đầy bởi những ý niệm, suy tưởng, mong chờ, dự định… cho đến mức chúng ta gần như không còn ý thức được sự có mặt của nó nữa. Trong khi thiền tập, chúng ta học giữ cho sự rộng mở này được thênh thang trong khi theo dõi trò chơi của những thứ lấp đầy tâm thức chúng ta tiếp tục đi đến và lại ra đi.

Như thế, ở đây hoàn toàn không nói đến một thứ kinh nghiệm “huyền bí” đặc biệt (‘mystieke’ ervaring) nào cả. Nhận thức về sự rộng mở có thể đôi lúc được cảm nhận thật mãnh liệt, nhất là khi nó được thể nghiệm trong tương phản với sự khép kín cứng nhắc (krampachtige afgeslotenheid) mà chúng ta thường có trong đời sống. Sự mãnh liệt của kinh nghiệm này đôi khi trở thành một thứ cạm bẫy. Sự rộng mở [có thể] bị lấp đầy ngay tức khắc bằng một ước ao giữ chặt và sống lại [kinh nghiệm về] sự mãnh liệt này. Nó dễ trở thành một thứ kinh nghiệm mà chúng ta muốn xem như một đạo bùa được may chặt vào cổ, để không bao giờ có thể đánh mất được. Sự dụng công bám víu cứng nhắc này có thể là một cản trở cho những cảm nhận về sự rộng mở cần được tiếp tục xảy ra. “Gặp Phật, giết Phật”, đó là câu tuyên bố bất hủ của Thiền sư Lâm Tế về cạm bẫy này.


Xuống núi

Trong ngành hội họa Phật giáo Trung Hoa, Phật Thích Ca Mâu Ni (vị Phật lịch sử) vẫn thường được minh họa trong tư thế đang đi, trong khi người xuống núi, chứ không phải trong tư thế tọa thiền. Cái nguyện vọng được an trú mãi trong trạng thái của thực tại tột cùng tự nó đã là một mâu thuẫn nội tại (contradictio in terminis). Nhận thức về thực tại tối hậu tức khắc đưa chúng ta trở về với thế giới qui ước, thế giới của ý niệm và suy tưởng, của quan hệ và mơ ước, nhưng lần này với một số ảo tưởng ít hơn hẳn. Như Mark Epstein đã diễn tả: vấn đề không nằm ở chính sự ước ao mà ở sự kiện chúng ta chờ đợi nơi đối tượng của sự ước ao hơn quá cái mức mà đối tượng của sự ước ao có thể cung cấp cho chúng ta.

Dừng lại làm hiển lộ. Qua nhìn sâu mọi sự trở nên sáng tỏ. Sự minh bạch rõ ràng này đưa đến giải thoát. Câu chuyện [đời] không chấm dứt nơi chiếc gối tọa thiền. Với sự tự tại này, chúng ta sống đời sống hàng ngày bằng một thái độ khác. Và như thế, đương nhiên trong bài viết tiếp, chúng ta sẽ nhận định về đạo đức.

Nguyễn Thanh Hùng (dịch)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin