Chi tiết tin tức

Khởi Nguyên Tư Tưởng Tịnh Độ và Tha Lực

13:53:00 - 17/07/2014
(PGNĐ) -  Các kinh về Tịnh độ đều dạy không chỉ có niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc Tịnh độ, mà còn dạy hành giả thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, phát Bồ đề tâm, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp, tu tạo các công đức phước lành như hộ trì Tam Bảo, hoằng truyền Chánh pháp, cúng dường, từ thiện-bố thí, phóng sinh v.v..

*Khởi nguyên tư tưởng Phật quốc độ và tha lực

Vào thời kỳ đầu của Phật giáo Phát triển, yếu tố tha lực (lực khác ngoài lực của tự thân-tự lực, như Phật lực, Bồ tát lực v.v..) được đề cập đến đầu tiên trong kinh Na Tiên Tỳ kheo (Kinh Na Tiên Tỳ kheoxuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I Tây lịch. Bản kinh này được truyền sang Tích Lan và các nước Nam phương Phật giáo với tên gọi là Milindapanhà (Di Lan Đà vấn kinh, thuộc văn hệ Pàli); Sau đó bản kinh được truyền sang Trung Hoa và dịch sang chữ Hán khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa chưa bao lâu, bản hiện lưu hành có tên là Na Tiên Tỳ kheo kinh). Nội dungkinh Na Tiên Tỳ kheo (Nagasena) là giáo nghĩa của Phật giáo Nguyên thủy, tuy nhiên kinh có đề cập đến vấn đề tha lực, nên được xem là tư tưởng chuyển tiếp giữa thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy (từ thời Đức Phật còn tại thế cho đến sau khi Phật Niết bàn 100 năm) và Phật giáo Phát triển (khoảng từ đầu thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ VIII Tây lịch. Từ khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch, tư tưởng Phật giáo Phát triển hưng khởi, nhưng đến thế kỷ thứ III Tây lịch, thời đại ngài Long Thọ, mới hưng thịnh, mở ra thời kỳ Phật giáo Phát triển).

 

 

Sau Na Tiên Tỳ kheo kinh còn nhiều bản kinh của Phật giáo Phát triển đề cập đến cảnh giới của chư Phật (các cõi Tịnh độ) và tha lực mà hành giả tu tập có được nhờ dựa vào tín tâm, công phu tu tập và nguyện lực của mình (tự lực). Nhờ chí nguyện của hành giả tương ưng với bản nguyện của chư Phật, nhờ tự lực kết hợp với tha lực (sự hộ trì, tiếp dẫn của chư Phật), hành giả có thể vãng sinh về cõi Tịnh độ của chư Phật.

Vào khoảng cuối thế kỷ thứ II Tây lịch, sau khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa chưa bao lâu (Phật giáo đến Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ I Tây lịch), có Đại sư Chi Lâu Ca Sấm (Lokasema 147-?), còn gọi là Chi Sấm, người nước Đại Nhục Chi đến kinh thành Lạc Dương nhà Đông Hán (Hậu Hán 25-220), khoảng từ năm 178-189 tham gia vào công việc phiên dịch kinh điển, đã dịch nhiều bản kinh thuộc hệ Bản Duyên, Bát Nhã, Hoa Nghiêm và hệ Bảo Tích, trong đó có bản dịch A Súc Phật Quốc kinh (2 quyển), Phật Thuyết Ban Chu Tam Muội kinh (1 quyển) và Ban Chu Tam Muội kinh (3 quyển). Với hai bản dịch Phật Thuyết Ban Chu Tam Muội kinh và Ban Chu Tam Muội kinh, Đại sư Chi Lâu Ca Sấm được xem là người đầu tiên phổ biến tư tưởng niệm Phật A Di Đà và thế giới Tây phương Cực Lạc, làm cơ sở cho tín ngưỡng Tịnh độ sau này (Theo Phật Quang Đại từ điển, 1988, tr.1416B-C).

Đến đời Tào Ngụy (220-265 T.L), Đại sư Khương Tăng Khải (Samghavarman) dịch kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ (2 quyển); Đời Ngô Tôn Quyền (222-280) cư sĩ Chi Khiêm dịch bộ Đại A Di Đà kinh; Đời Hậu Tần (384-417), Pháp sư Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva 344-413) dịch Phật Thuyết A Di Đà kinh (1 quyển), còn gọi là tiểu kinh A Di Đà, kinh Tiểu bổn A Di Đà; Đời Lưu Tống (420-478), Đại sư Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas, 383-442) dịch Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh (1 quyển); Đời Tuyên Võ Đế (499-515), ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci, ?-527) dịch Vãng Sinh Tịnh Độ luận (tức Vô Lượng Thọ kinh luận, 1 quyển do ngài Thế Thân trước tác) v.v..

Trên là một số kinh về tư tưởng Cực Lạc Tịnh độ và Đức Phật A Di Đà ở phương Tây được dịch từ Phạn văn sang Hán văn sau khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa.

Ở Ấn Độ vào thời đại của ngài Long Thọ (thế kỷ thứ III Tây lịch) đã phổ biến ba dòng tư tưởng về vãng sinh Tịnh độ: Thứ nhất là cầu sinh về cõi trời Đâu Suất, nơi Bồ tát Nhất sinh bổ xứ là Di Lặc (Maitreya-Từ Thị) đang giáo hóa chúng sinh; Thứ hai là cầu sinh về cõi Tịnh độ Diệu Hỷ của Đức Phật A Sơ (Aksobhya-Bất Động Phật) ở phương Đông; Thứ ba là cầu sinh về cõi Tịnh độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà (Amitabha, Amitayus Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ) ở phương Tây.

*Tư tưởng tha lực trong kinh Na Tiên Tỳ kheo:

Tư tưởng Phật lực trong kinh Na Tiên Tỳ kheo được xem là khởi nguyên tư tưởng tha lực trong giáo nghĩa các kinh của Phật giáo Phát triển sau này. Ở đây chúng ta cũng nên xem qua tư tưởng tha lực mà kinh Na Tiên Tỳ kheo đề cập đến như thế nào.

Nội dung kinh Na Tiên Tỳ kheo ghi lại những lời vấn đáp giữa Tỳ kheo A la hán Na Tiên (Nàgasena-người Trung Ấn, có nơi nói Tây Bắc Ấn Độ, vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ II trước Tây lịch) và vua Di Lan Đà (Milinda) tại thủ đô Sa Yết La (Sàkalà, cũng viết là Sàgala) thuộc vùng thượng lưu Ngũ Hà. Trong phần nói về “Nhân ít, quả nhiều”, vua Di Lan Đà hỏi Tỳ kheo Na Tiên như sau:

-Bạch Đại đức, các sa môn trong hàng ngũ của Đại đức bảo rằng những kẻ có quá khứ không tốt, đã từng làm ác, nhưng đến khi lâm chung biết nghĩ tưởng đến Phật thì được sinh lên các cõi trời. Quả thật trẫm không tin được điều đó.

Tỳ kheo Na Tiên hỏi ngược lại nhà vua:

-Giả sử có kẻ cầm một hòn đá nhỏ ném xuống nước, hòn đá ấy nổi hay chìm?

- Thưa chìm.

-Bây giờ, có kẻ đem một trăm hòn đá lớn chất vào một chiếc ghe lớn đủ sức chở hàng ngàn tảng đá lớn thì trăm hòn đá ấy có chìm không?

-Thưa không?

-Đá không chìm là nhờ ghe chở. Cũng giống như thế, người làm ác khi chết biết tưởng nhớ đến Phật, được Phật lực nâng đỡ nên không đọa vào địa ngục mà lại sinh lên các cõi trời. Hễ ai tin Phật và tưởng nhớ đến Phật thì khi lâm chung đều được Phật tiếp độ (Kinh Na Tiên Tỳ kheo, Cao Hữu Đính soạn thuật, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế ấn hành, 1996).

Nếu người học Phật không hiểu rõ bản ý kinh, qua mẫu đối thoại trên có thể dẫn đến sự ngộ nhận: Một người cho dù không sống đời sống đạo đức, chẳng tu tập gì, chẳng tạo công đức phước báo gì, thậm chí làm ác (nghiệp bất thiện), nhưng trước khi chết nhớ đến Phật, nghĩ tưởng đến Phật, sẽ được Phật lực nâng đỡ, chẳng những người đó không đọa vào cảnh khổ, địa ngục, mà còn được sinh lên cõi trời. Như thế thì chỉ cần có Phật lực hộ trì, tiếp dẫn là được, còn cần chi kinh giáo, cần chi tu tập, rèn tâm dưỡng tính. Chắc chắn là không phải vậy. Chúng ta phải xét kỹ mới thấy được ý nghĩa thâm sâu của lời kinh dạy để có niềm tin và sự thực hành đúng đắn. Đức Phật đã dày công thuyết giảng mấy mươi nghìn bài kinh, điều đó cho thấy việc tu hành không đơn giản. Đức Phật cho biết chúng sinh có rất nhiều căn cơ trình độ, có rất nhiều “bệnh” (có chúng sinh có nhiều bụi trong mắt, có chúng sinh ít bụi trong mắt, các chúng sinh không giống như nhau), cho nên không có một loại thuốc duy nhất dành cho mọi chúng sinh và trị tất cả bệnh. Về phương diện tu tập, chúng ta hãy thử đặt vấn đề. Liệu một người không thường nghĩ đến điều thiện, không thường làm việc thiện, không từng niệm Phật, tưởng nhớ Phật, lại còn làm việc ác, quá khứ tạo nghiệp bất thiện, khi đến giờ phút lâm chung, tâm người đó có thể bình an không? người đó có dễ dàng nhớ tưởng đến Phật không? (hay chỉ nhớ đến những việc xấu, việc ác đã làm?).

Theo thuyết Cận tử nghiệp thì thật sự có những người đến giờ phút lâm chung họ thay đổi ý niệm. Có người cả đời làm nhiều việc lành, nhưng trong giờ phút lâm chung lại sinh tâm hối tiếc, hoặc sinh tâm sân hận, nghĩ đến điều ác; Có người cả đời làm ác, nhưng trong giờ phút lâm chung lại phát khởi tâm lành, nghĩ tưởng điều lành, nghĩ tưởng đến Phật. Những trường hợp trước lúc lâm chung sinh tâm ăn năn sám hối sẽ giảm được phần nào tội nghiệp; nếu khi ấy nhớ tưởng đến Phật, Pháp, Tăng, nhớ đến các thiện pháp thì có thể sinh về cõi lành. Có những trường hợp người sắp lâm chung nhớ đến Phật, niệm Phật do đã có lúc nào đó trong quá khứ gần hoặc lâu xa, họ đã từng gieo nhân duyên lành với Phật pháp, cho nên chủng tử thiện (hạt  giống lành) sinh khởi. Khi ấy, tùy theo Cận tử nghiệp thiện hay ác mà họ tái sinh về cõi lành hay dữ. Tuy nhiên việc đó không có nghĩa là trong tương lai họ sẽ không thọ lãnh quả báo của những nghiệp bất thiện mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Dù họ có được tái sinh vào nhàn cảnh, lạc cảnh nhờ Cận tử nghiệp lúc lâm chung, nhưng khi đủ điều kiện nhân duyên sinh khởi thì các bất thiện nghiệp mà họ đã tạo lại trổi dậy, quả báo của những nghiệp xấu, ác sẽ kéo đến và làm cho họ sa đọa (Dù có nhờ nghiệp thiện trước lúc lâm chung mà được sinh về cõi trời, họ cũng chỉ hưởng phước ở cõi trời trong một thời gian, đến khi hết phước báo, khi nghiệp cũ trổi dậy thì ngũ tướng suy hiện ra, họ có thể đọa lạc vào cõi người hoặc tệ hơn nữa là làm các loài súc sinh- Điều này kinh điển Phật giáo đã nói rất nhiều) . Vì thế cần phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tâm trí, cả cuộc đời phải là những ngày tháng sống tốt, chăm tạo nghiệp lành, tránh tạo nghiệp bất thiện; Phải thường nhớ tưởng đến hình ảnh của Đức Phật và những công đức, hạnh nguyện của Ngài, phải noi theo gương sáng đó và tu tập theo giáo pháp mà Ngài đã chỉ dạy. Đừng đợi đến lúc lâm chung mới hồi đầu.

Các kinh về Tịnh độ đều dạy không chỉ có niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc Tịnh độ, mà còn dạy hành giả thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, phát Bồ đề tâm, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp, tu tạo các công đức phước lành như hộ trì Tam Bảo, hoằng truyền Chánh pháp, cúng dường, từ thiện-bố thí, phóng sinh v.v..

Tha lực, lực gia trì, hộ niệm của chư Phật chỉ có khi có sự tinh tấn, nỗ lực hành trì, tu tập của hành giả. Bất cứ lúc nào hành giả có sự tu tập, tâm tưởng nhớ đến Phật, đến giáo pháp, đến các bậc tu hành, noi theo hạnh nguyện của chư Phật, thì khi ấy hành giả có được lực gia trì, có được sự hộ niệm của chư Phật. 

                                                                                   Đức Minh

                                                                             (Phan Minh Đức)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin