Chi tiết tin tức

Chuyển hóa bạo lực bằng cách gieo trồng hạt giống thiện

18:23:00 - 08/04/2018
(PGNĐ) -  Theo Tâm lý học Phật giáo, trong tâm mỗi người vốn sẵn có hạt giống (chủng tử) nghiệp thiện và hạt giống nghiệp ác. Những hạt giống này được huân tập (gieo trồng, xông ướp) và lưu trữ trong Tàng thức (Alaya) từ vô lượng kiếp cho đến nay.

 

 

lapdia thanhPhat.jpg
Nương tựa Tam bảo, gieo hạt lành


Nghiệp thiện là những suy nghĩ, hành động, lời nói và những thói quen tốt. Ngược lại, nghiệp ác là những suy nghĩ, hành động, lời nói cùng những thói quen xấu ác, có hại cho mình và người. Sở dĩ gọi là chủng tử nghiệp vì chúng làm nhân, làm duyên đưa đến kết quả, cũng giống như hạt giống có khả năng sinh ra cây trái.

Những hạt giống nghiệp đã được huân tập từ trước, có sẵn trong tàng thức gọi là Bản hữu chủng tử, những hạt giống mới được huân tập vào gọi là Tân huân chủng tử.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy những đứa trẻ sinh ra đời đã mang theo những đặc điểm tâm lý riêng. Dù nhân cách chưa hình thành đầy đủ, nhưng phần nào biểu hiện của trẻ cho thấy tính tình mỗi đứa mỗi khác: Đứa thì lanh lợi, đứa lại khù khờ; đứa thì nhanh nhẹn, hiếu động nhưng có đứa lại chậm chạp, lười hoạt động; đứa tỏ ra mạnh mẽ, đứa lại tỏ ra yếu đuối; có đứa tính khí dữ dằn nhưng có đứa lại hiền lành, nhút nhát… Quá trình nuôi dưỡng đến khôn lớn, trẻ trưởng thành phải trải qua một thời gian dài để huân tập chủng tử nghiệp - tức những nhận thức, suy nghĩ, nói năng, hành động rồi dần dần tạo thành thói quen, và bộc lộ rõ thành tính cách cá nhân. Vì thế môi trường sinh sống, giáo dưỡng, học tập, văn hóa, tập quán… (tân huân) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người.

Trong mỗi con người vốn đã có sẵn những hạt giống tốt như yêu thương, nhân ái, vị tha… lẫn những hạt giống xấu như sân hận, tham lam, ích kỷ, tranh đua, đố kỵ… Tuy nhiên, có người hạt giống tốt nhiều hơn hạt giống xấu và ngược lại, có người hạt giống xấu nhiều hơn hạt giống tốt. Khi những hạt giống này gặp điều kiện thuận lợi, đủ duyên thì nó sẽ sinh sôi nảy nở. Một người tiềm tàng nhiều phẩm chất xấu như tham lam, ích kỷ, hiếu thắng, bạo lực… khi sống trong môi trường không lành mạnh như gia đình thường xảy ra bất hòa, gây gổ đánh đập, thường chứng kiến những hành vi thiếu văn hóa của người xung quanh… thì những phẩm chất xấu, xu hướng bạo lực trong người đó sẽ gặp điều kiện sinh khởi.

Môi trường sống, hoàn cảnh bên ngoài tác động làm trỗi dậy những phẩm chất xấu. Sự hấp thu, tiếp nhận thêm những phẩm chất xấu cũng làm tăng thêm những hạt giống xấu vốn có trong người đó. Có nghĩa là Tân huân chủng tử (hạt giống mới huân tập vào) làm cho Bản hữu chủng tử (hạt giống đã sẵn có) sinh khởi. Hai loại chủng tử này làm nhân làm duyên cho nhau, nương nhau sinh khởi và phát triển. Những Tân huân chủng tử này dần dần cũng trở thành Bản hữu chủng tử, và nó lại tiếp tục sinh khởi, phát triển khi gặp điều kiện thuận lợi.

Dù trong mỗi con người ai cũng có hạt giống thiện, những phẩm chất tốt, nhưng nếu các hạt giống bất thiện, những phẩm chất xấu nhiều hơn thì người đó dễ dàng nhiễm những thói hư tật xấu. Còn nếu trong người đó có phẩm chất tốt nhiều hơn thì những tác động xấu từ bên ngoài không đủ sức làm cho những hạt giống bất thiện, những phẩm chất xấu tiềm tàng trong người đó sinh khởi. Tuy nhiên, nếu có sự tiếp xúc và huân tập những thói hư tật xấu một cách thường xuyên, liên tục hoặc kéo dài thì những hạt giống bất thiện, những phẩm chất xấu sẽ được tiếp sức, sẽ được nuôi dưỡng làm cho lớn mạnh và đủ điều kiện sinh khởi.

Chúng ta dễ dàng nhận ra điều này trong hiện thực cuộc sống. Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình thường xảy ra bạo hành: Ông bà cha mẹ gây gổ với nhau, cha mẹ chửi mắng đánh đập con cái, khi lớn lên có nhiều khả năng đứa trẻ ấy tái diễn lại cuộc sống của cha mẹ mình. Hoặc những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh thiếu sự chăm sóc và thương yêu, không được quan tâm dạy dỗ, gần gũi bạn bè hư hỏng và hàng xóm có nhiều thói hư tật xấu thì đứa trẻ ấy khó có thể trở thành một người tốt. 

Tuy nhiên, cũng có số ít trường hợp đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một môi trường không tốt nhưng sau này lại trở thành người tốt. Đó là trường hợp người ấy có sẵn trong tàng thức nhiều hạt giống thiện, nhiều phẩm chất tốt, năng lực này quá mạnh khiến cho những cái xấu không đủ sức xâm nhập vào. Thậm chí người đó có phản ứng mạnh mẽ ngược lại những cái xấu của môi trường xung quanh, không tiếp nhận cùng không tập nhiễm những cái xấu đó, và biểu hiện mà ta có thể thấy rõ là người đó có thái độ, cử chỉ không thích những điều bất thiện, xa lánh điều bất thiện, thậm chí có hành vi tích cực chống lại cái xấu cái ác.

Tóm lại, hạt giống thiện và bất thiện đều có sẵn trong mỗi con người, nếu gặp điều kiện thuận lợi thì nó sẽ sinh khởi và phát triển. Chúng ta dễ dàng nhận thấy những đứa trẻ có hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật thường là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương, thiếu sự giáo dục và nhất là chịu ảnh hưởng rất nhiều sự tác động của bạo lực gia đình và bạo lực bên ngoài xã hội.

Do vậy, muốn xây dựng một con người tốt cần phải làm sinh khởi và phát triển nhiều hạt giống thiện, đồng thời triệt tiêu hoặc vô hiệu hóa những hạt giống bất thiện trong con người đó. Tạo môi trường sống lành mạnh, giáo dưỡng tốt chính là làm phát triển những hạt giống thiện, những phẩm chất tốt có sẵn trong người đó, đồng thời khiến cho những hạt giống bất thiện, những phẩm chất xấu trong người đó không có điều kiện sinh khởi. Sự gia tăng điều thiện, yêu thương và sẻ chia trong cuộc sống là phương cách triệt tiêu hoặc vô hiệu hóa những hạt giống bất thiện, bạo lực. 

Phan Minh Đức

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin