Chi tiết tin tức Cõi Phật – Cõi tâm 22:21:00 - 02/02/2022
(PGNĐ) - Sự đa dạng về pháp môn tu tập cho thấy được tính khế cơ, khế lý của đạo Phật. Nhằm thích ứng với từng quốc độ và căn tính của mỗi chúng sanh, giúp cho mọi người đều có thể tu tập để tiến dần đến giác ngộ, giải thoát. Trải qua hơn nghìn năm định hình và phát triển, Tịnh độ tông đã trở thành một trong mười Tông phái lớn của Phật giáo Trung Quốc và là một trong các Tông phái nổi bật của Phật giáo Việt Nam.
Pháp môn Tịnh độ y cứ vào ba bản Kinh để thành lập nên Tông phái, đó chính là Phật thuyết A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh và Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Trong đó, Kinh A Di Đà được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng tại Tịnh xá Kỳ Viên, thuộc nước Xá Vệ. Ngài giới thiệu vị giáo chủ và cõi báu trang nghiêm ở cõi Cực lạc nhằm khuyến hoá chúng sinh phát nguyện về thế giới ấy bằng cách trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà [1]. Đồng thời, dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm gia tăng niềm tin tưởng cho người niệm Phật. Kinh Vô Lượng Thọ được Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết tại núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của Tỳ kheo Pháp Tạng (được xem là tiền thân của Phật A Di Đà) trong khi tu nhân đã đối trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai mà dõng mãnh phát 48 lời đại nguyện để trang nghiêm Phật độ và nhiếp hoá chúng sanh. Ngoài ra, còn nói về công đức tu hành và trí tuệ của Thánh chúng cõi ấy, làm cho chúng sanh khát ngưỡng phát nguyện quay về [2]. Tại Vương cung của vua Tần Bà Sa La nơi thành Vương Xá, dưới sự thỉnh cầu của Hoàng hậu Vi Đề Hy, Đức Phật Thích Ca cũng đã tuyên thuyết Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm cơ sở cho việc vãng sanh cảnh giới Tịnh độ [3]. Vì vậy, Tịnh độ tông hay pháp môn Tịnh độ hoặc pháp môn Niệm Phật, là một pháp môn y cứ vào việc trì niệm hồng danh của Đức Phật A Di Đà để mong cầu sau khi chết được vãng sanh về cảnh giới Tây phương. Về mặt chiết tự, chữ “Niệm – 念” trong “Niệm Phật – 念佛 ” bao gồm hai bộ phận: chữ Kim – 今 nghĩa là hôm nay hay mang ý nghĩa là hiện tại và chữ Tâm – 心 ý chỉ cho tâm ý. Như vậy, chữ Niệm có nghĩa là tâm có mặt trong giây phút hiện tại, là buộc tâm vào một đối tượng trong hiện tại, mà đối tượng ở đây chính là chư Phật. Niệm Phật là giây phút hiện tại có sự hiện diện của Phật trong tâm. Ý nghĩa của việc niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức, thân tướng và trí tuệ của chư Phật và với Tịnh độ tông thì niệm Phật chính là niệm danh hiệu, công đức, trí tuệ của Đức Phật A Di Đà. TÍN – HẠNH – NGUYỆN – LÀ NÈN TẢNG CĂN BẢN Có một số Phật tử cho rằng pháp môn Tịnh độ là một pháp môn đơn giản, dễ hành trì, phù hợp với căn cơ của những Phật tử bình dân, vì chỉ cần trì niệm hồng danh của Phật A Di Đà thì sẽ được vãng sanh về cảnh giới Cực lạc và không cần học tập quá nhiều về giáo lý. Nhưng thật ra, việc niệm Phật chỉ mới là một phần rất nhỏ của việc tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Yếu tố đầu tiên để việc niệm Phật cầu vãng sanh về cõi giới Cực lạc được thành tựu là hành giả phải xây dựng được cho mình nền tảng vững chắc từ 3 yếu tố: “Tín – Hạnh – Nguyện”. Tín là niềm tin; là sự tin tưởng chân chính, bất diệt, không thối chuyển đối với Tam bảo. Tin ở chư Phật là các bậc giác ngộ sáng suốt, đầy đủ trí tuệ và từ bi. Tin nơi giáo pháp của chư Phật có đầy đủ công năng hướng dẫn chúng ta thoát khỏi khổ đau, phiền não, nếu tu tập tinh tấn, đúng phương pháp thì sẽ đưa tới giải thoát, giác ngộ. Đấy còn là niềm tin nơi Tăng bảo khi tin rằng Tăng đoàn là một đoàn thể tập hợp những vị xuất gia chân chính, sống chánh hạnh, hoà hợp và thanh tịnh; có thể hướng dẫn chúng ta trong việc học tập và hành trì một pháp môn nào đấy. Ngoài ra, còn tin rằng có sự tồn tại của một cõi nước ở phương Tây với Đức Phật A Di Đà là giáo chủ của cõi ấy; đã được Đức Phật Thích Ca giới thiệu qua kinh A Di Đà. Tín còn là niềm tin vào 48 lời đại nguyện của Phật A Di Đà và nếu ai mong cầu về đó thì sẽ được tiếp dẫn. Nhưng đấy chỉ là yếu tố tha lực từ chư Phật, chúng ta còn phải xây dựng được niềm tin nơi chính bản thân mình. Tin vào tự tánh thanh tịnh, vào chính khả năng giác ngộ sẵn có nơi bản thân; tin rằng nếu chúng ta gia công hành trì chánh nhân niệm Phật này, thì sẽ gặt được chánh quả là được Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn về cảnh giới Cực lạc Tây Phương. Nguyện chính là phát nguyện, là sự khát khao mong cầu sau khi chết đi được Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng phóng quang tiếp dẫn mình về cõi giới Cực lạc. Nguyện có tha thiết thì sự thành tựu mới viên mãn. Theo Đại sư Trí Giả, nguyện được sinh về cõi Tịnh độ bao gồm hai điều là Yểm ly và Hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm nhàm chán mà xa lìa, là trạng thái tâm không còn tham thích đối với những dục lạc của thế gian, bao gồm cả thân xác và vạn pháp; vì biết chúng là những thứ giả tạm, chịu sự chi phối của quy luật vô thường, gây nên sự khổ đau nếu ta bám víu vào nó. Từ đó, chỉ có một chí nguyện duy nhất là cầu vãng sanh ở cõi Tịnh độ, đó chính là Hân nguyện [4]. Tín và Nguyện đã có, nhưng thiếu đi phần Hạnh, thì việc tu tập cũng khó bề thành tựu. Đại sư Ngẫu Ích nói rằng:“Được vãng sanh đều do ở Tín và Nguyện, phẩm vị cao hay thấp là bởi ở chỗ hành trì có cạn hay sâu” [5]. Hành giả nương tựa vào hồng danh của Phật, niệm thầm hay ra tiếng với tâm tha thiết, chí thành, không để cho tạp niệm xen vào, đạt được nhất tâm thì gọi là “Trì danh niệm Phật”. Nhưng đây chỉ mới là bước ban đầu. Quán tượng niệm Phật là nhiếp tâm vào thân tướng của Phật A Di Đà cho tới khi có đối trước hay không đối trước tôn tượng của Ngài thì hình tướng oai nghi của Ngài vẫn hiện ra trước mắt. Quán tưởng niệm Phật là sự quán tưởng về Chánh báo và Y báo của cõi Cực lạc được mô tả trong Kinh A Di Đà, cho đến khi nhắm mắt hay mở mắt đều thấy cảnh giới ấy một cách rõ ràng. Cuối cùng là Thật tướng niệm Phật, là sự thể nhập vào chính bản tâm vốn thanh tịnh, vắng lặng, không bị khách trần phiền não phủ mờ. Phật tử Tịnh độ, trụ tâm vào tánh Phật nơi đấy, không bị vọng tưởng chi phối, không chạy theo cảnh trần, dần dần tâm trong sáng thể nhập vào cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”. GIỚI – ĐỊNH – TUỆ LÀ TRỢ HẠNH Nếu như Phật tử Thiền tông, lấy sự tĩnh toạ để quán chiếu tự tâm, hay Phật tử Mật tông sử dụng các câu thần chú để định ý, thì Phật tử Tịnh độ tông lại nương vào danh hiệu của Đức Phật A Di Đà để loại trừ đi những tạp niệm, phiền não, cấu uế ở trong tâm. Dù khác biệt về phương thức hành trì giữa các pháp môn, nhưng tựu chung lại vẫn không nằm ngoài giáo lý cơ bản; chính là Tam vô lậu học “Giới – Định – Tuệ”. Hành giả tu tập Tịnh độ ngoài xây dựng ba trụ cột Tín – Hạnh – Nguyện ra thì cần phải có sự phụ trợ thêm của Tam vô lậu học “Giới – Định – Tuệ.” Hồng Danh của Đức Phật A Di Đà theo tiếng Sanskrit là Amita hay Amitābha hoặc Amitāyus, nghĩa là Vô Lượng Công Đức, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Vô Lượng có nghĩa là không thể đo lường được, vượt ngoài phạm trù tư duy, suy nghĩ và diễn đạt của thế gian. Vô Lượng Thọ là không thể đo lường được tuổi thọ, Vô Lượng Quang là không thể nào đo lường được ánh sáng và Vô Lượng Công Đức là không thể nào đo lường được công đức. Ở đây, Vô Lượng Quang mang ý nghĩa biểu tượng của trí tuệ giải thoát (Tuệ). Vô Lượng Thọ là biểu trưng cho đại định, tức là tâm giải thoát, ở ngoài các vọng tưởng phân biệt (Định) và Vô Lượng Công Đức là biểu tượng của Thánh giới uẩn giải thoát (Giới). Như vậy, danh hiệu của Phật A Di Đà chỉ là ý nghĩa biểu trưng cho tự tánh giác ngộ giải thoát của chúng sanh. Niệm Phật A Di Đà chính là Niệm Giới – Niệm Định – Niệm Tuệ, là niệm tự tánh giải thoát của chính bản thân. Vì vậy, người Phật tử không thể nào niệm suông danh hiệu của Phật A Di Đà trên hình thức mà có thể mong cầu được vãng sanh ở cõi Tây phương được. Niệm Giới không ngoài việc nhớ nghĩ về những điều đạo đức mà mình đã thọ trì. Người Phật tử tại gia thì vâng giữ 5 giới, 8 giới hay 10 giới. Người xuất gia nam thì vâng giữ 250 giới, người xuất gia nữ thì 348 giới và đều được gọi là giới Thanh Văn, mang tính chất tự độ. Ngoài ra, cả hàng ngũ xuất gia và tại gia đều có thể thọ Bồ tát giới mang tâm nguyện lợi tha cho vạn loài chúng sinh cũng được giác ngộ. Nhưng tất cả đều không ngoài thúc liễm ba nghiệp: Thân – Khẩu – Ý. Nhớ nghĩ về Thánh giới làm cho hành giả dần khép mình vào trong thiện pháp, khi từ bỏ được những điều ác từ ba nghiệp và phát triển được công đức thông qua việc thực hành những việc thiện lành cũng chính từ nơi ba nghiệp ấy. Niệm Định có nghĩa giữ tâm ý luôn thanh tịnh thông qua Hồng danh chư Phật. Hành giả quán sát từng thay đổi nhỏ trong tâm, niệm ác lẫn niệm thiện, không bám víu vào bất cứ ý niệm nào, mà chỉ chuyên chú vào danh hiệu Phật. Người hành trì phải giữ chánh niệm, tỉnh giác trong từng oai nghi như: đi, đứng, nằm, ngồi và trong mọi hành động thường ngày kể cả việc ăn uống, vệ sinh,… Làm bất cứ việc gì cũng duy trì hồng danh của Phật A Di Đà trong tâm. Việc giữ Chánh niệm thông qua niệm Phật, làm cho ác pháp không thể sinh khởi được trong tâm, vì thế dần dần thanh lọc được tâm ý. Niệm Tuệ chính là quán sát sự vật, hiện tượng “đúng như nó đang là” (Như lý tác ý) phù hợp với lý Duyên sinh, Nhân – Quả, có cái nhìn Chánh kiến về mọi hiện tượng, sự vật. Hành giả Tịnh độ thấy rõ được bản chất không có chủ thể cố định của vạn pháp (Vô ngã), luôn luôn thay đổi (Vô thường) và đều mang tính chất đau khổ nếu chúng ta bám chấp vào nó (Khổ). Cái cốt lõi của việc niệm Phật là phải giữ tâm thật thanh tịnh, có như vậy mới đạt được đến trạng thái nhất tâm. Để được như vậy, người hành trì pháp môn Niệm Phật phải trụ tâm vào từng chữ trong câu niệm Phật, vọng cảnh tình trần có khởi lên trong tâm liền nhận biết, rồi xả bỏ, tiếp tục an trú vào danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Có như vậy, từ từ hành giả Tịnh độ đạt được Chánh định, tiến dần lên thì chứng được “Niệm Phật tam muội”. BA NGHIỆP THANH TỊNH, CÙNG PHẬT ĐẾN TÂY PHƯƠNG Nội dung của Kinh A Di Đà nên được hiểu theo ý nghĩa biểu tượng, từ danh hiệu các Đức Phật ở mười phương tán thán cõi giới Tịnh độ cho tới vật liệu cấu tạo nên cõi giới đều mang hàm nghĩa của Giới – Định – Tuệ. Vì thế, Tịnh độ không chỉ gói gọn trong khái niệm là một cõi nước thanh tịnh, mà ở đây nên hiểu chính là một cõi Tâm thanh tịnh. Sự thanh tịnh này có được là do Giới – Định – Tuệ và Tín – Hạnh – Nguyện tạo thành. Vì vậy, về Sự thì chúng ta một mặt phát nguyện về cõi giới Tịnh độ của Phật A Di Đà bằng Tín – Hạnh – Nguyện. Về Lý là một mặt xây dựng cõi Tịnh độ ngay trong tâm thức của chính mình thông qua việc tu tập Giới – Định – Tuệ. Chúng ta hiểu rằng trì niệm không chỉ là việc xưng tên của Ngài một cách suông trên hình thức; mà còn là sự nhiếp niệm, nhiếp tâm vào Giới – Định – Tuệ trên nền tảng của Tín – Hạnh – Nguyện để từ đó hàng phục những cấu uế phiền não trong tâm thức của mỗi hành giả. Biến các chất liệu của sự nhiễm ô, phiền não trong tâm thành bảy báu trang nghiêm nơi cõi Tịnh độ trong tự tâm. Cầu nguyện không phải chỉ là hướng về tôn tượng của Đức Phật A Di Đà để mong cầu tha lực từ Ngài tiếp dẫn, mà chính bản thân mỗi hành giả phải tự thân thực hành Tam vô lậu học trong từng sinh hoạt thường nhật để gieo chánh nhân giải thoát ngay khi còn sống và tự trang nghiêm cõi Tâm Tịnh độ. Vãng sanh Cực lạc không chỉ là việc được tiếp dẫn về cõi giới phương Tây sau khi chết, mà là sự rời bỏ các uế nhiễm trong tâm, hướng về thiện tâm và giải thoát tâm, lấy công đức của sự thanh tịnh và diệu dụng thanh tịnh nơi Thân – Khẩu – Ý để trang nghiêm cõi Tịnh độ ngay khi còn sống [6]. Kinh Duy Ma Cật dạy rằng: “Tâm tịnh thì độ tịnh”, nghĩa là khi tâm thanh tịnh, dứt bặt đi các phiền não của thế gian, thì ở đâu cũng là đạo tràng, ở đâu cũng là Tịnh độ. Cho nên, ngay tại cõi Ta bà uế trược này, vẫn có thể trở thành cõi Tịnh độ khi tâm của mỗi hành giả trở nên thanh tịnh. Làm được những việc như vậy, thì ta đang sửa soạn những điều kiện tốt nhất để được vãng sanh về cõi Cực lạc và sự tiếp dẫn của Phật A Di Đà cùng Thánh chúng vào lúc lâm chung chỉ là trợ lực thêm cho giây phút cận tử nghiệp của chúng ta mà thôi. Vì vậy mà nói: “Giới – Định – Tuệ thoát Ta bà Tín – Hạnh – Nguyện sinh Tịnh độ”. Đức Phật đã từng dạy: “Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỳ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác” [7] và Ngài cũng nói rõ: “Các Ông phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là bậc Đạo sư” [8] (Kinh Pháp Cú, kệ 276). Vì vậy, chúng ta chính là người phải bước đi trên lộ trình hướng về Tịnh độ, bắt đầu bằng việc thiết lập một cõi Tịnh độ từ trong tâm ngay giây phút hiện tại, với nền tảng của Giới – Định – Tuệ và Tín – Hạnh – Nguyện, thông qua việc tự nỗ lực hành trì, thanh lọc tự tâm, làm vô số công đức thiện lành, kết thiện duyên với thiện hữu tri thức. Có như vậy, chúng ta mới mong được hoá sinh trong hoa sen giữa ao Thất bảo của cõi Cực lạc. Khi một danh hiệu của Đức Phật được hiển hiện trong tâm, có nghĩa một chúng sinh của phiền não vọng tưởng được đưa về Cực lạc và ta lại bước thêm được một bước nữa trên lộ trình hướng về Tịnh độ. Khi ấy, trong tâm ta chính là cõi Phật, như lời của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã viết trong bài phú Cư trần lạc đạo: “Tịnh độ là lòng trong sạch Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương Di Đà là tính sáng soi Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”.
Thích Đức Kiên/ VĂN HOÁ PHẬT GIÁO 382
Chú thích: (*) Thích Đức Kiên, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh [1] HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh A Di Đà nghĩa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. [2] HT. Thích Đức Niệm – CS. Minh Chánh dịch, Phật thuyết Đại thừa Vô lượng thọ Trang nghiêm Thanh tịnh Bình đẳng giác Kinh, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2018. [3] Thích Hưng Từ dịch, Kinh Quán Vô lượng thọ Phật, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2018. [4] HT.Thích Thiền Tâm dịch, Quê hương Cực lạc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.25. [5] Đại sư Ấn Quang, Ấn Quang Đại sư gia ngôn lục, Như Hoà dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2014, tr.94. [6] Thích Chơn Thiện, Tư tưởng Kinh Đại thừa, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.54 – 55. [7] HT. Thích Minh Châu dịch; Kinh Tương Ưng Bộ I , V. Phẩm Tự Mình Làm Hòn Đảo; Nxb. Tôn Giáo; Hà Nội; 2013; tr.673. [8] HT. Thích Minh Châu dịch; Kinh Tiểu Bộ I, Pháp Cú; Nxb. Tôn Giáo; Hà Nội; 2015; tr.81.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |