Chi tiết tin tức

Không có gì bền chắc

16:26:00 - 23/03/2017
(PGNĐ) -  Đức Phật nói nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển, nghĩa là các pháp hữu vi như chiêm bao, như giọt sương, như làn chớp. Người tu phải quán như thế. Nhiều người hiểu sai ý này. Phải xác định rằng pháp vô vi đối lập với pháp hữu vi. Người hiểu được pháp vô vi mới là người tu thực sự. 

 

tuongphat.jpg
Đức Phật nói nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển - Ảnh: Pixabay

Pháp hữu vi là những gì chúng ta nắm bắt được, hiểu được đều nằm trong sanh diệt pháp. Kinh Niết-bànnói chư hạnh vô thường thị sanh diệt pháp, tức cái gì chúng ta nắm bắt, hiểu được là vô thường, là pháp hữu vi sanh diệt. Nhưng, còn mặt sau phải biết rằng sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc. Phật dạy lý này để chúng ta chấm dứt sanh diệt mới chứng Vô sanh.

Cũng ý này, Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng sơn cùng thủy tận, hay tuyệt mạng tuyệt thể. Nghĩa là người tu phải đi ngược dốc, lên tận đỉnh núi, hay đi ngược về tận nguồn sông, tức về nguồn chơn tâm.

Trong dòng chảy sinh tử luân hồi, chúng ta từ nguồn chơn tâm theo vọng tưởng điên đảo mà xuất hiện trên cuộc đời này, kinh Hoa nghiêm gọi là vô minh duyên khởi. Thật vậy, từ nguồn nước trong, chúng ta theo vọng tình trôi ra dòng sông mê sẽ dẫn ra biển khổ, đó là con đường mà chúng ta đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp luân hồi do mê mờ dẫn chúng ta đến cuộc sống hiện tại khổ đau không có lối thoát gọi là biển khổ, hay địa ngục. 

Và trong biển khổ này, chúng ta gặp được Phật pháp ví như con rùa mù gặp bộng cây nổi trên biển cả mà chui vào, là chúng ta nương vào Phật pháp, trở về nguồn thì bớt khổ, cho đến hết khổ. Như vậy là cắt được hữu vi pháp. 

Pháp hữu vi sanh từ vô minh, mới khởi lên nghiệp. Nghiệp có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, Ý nghiệp là chính. Vô minh phát xuất từ ý là tham lam, bực tức, sai lầm dẫn đến quả khổ và từ quả này lại tạo nhân khác khổ hơn. Thí dụ người mới trưởng thành do vô minh sanh nghiệp ái là nghiệp đáng sợ nhất trong tất cả các nghiệp. Chàng trai hay cô gái khởi ái nghiệp dẫn họ vào mê hồn trận, nên nhìn không chính xác. Người Việt thường nói thương thì trái ấu cũng tròn, thiệt nó méo nhưng si mê thấy nó tròn, tốt. Đến khi đeo bám nó, mới thấy nó không còn tốt. Thầy có người bạn, anh này mê cô bán hàng đến trốn học, đứng gốc cây me để ngắm cô ta. Nhưng cưới được cô rồi, anh ta lại nói bây giờ con thấy bả con sợ! Mê thấy khác, tỉnh thấy khác, cứ như vậy mà người ta lún sâu vào vũng bùn nghiệp. Thấy cô gái họ cưới được đáng sợ, nên lại nghĩ đến cô khác rồi mê cô khác, làm gia đình tan nát. Đó là biển khổ mênh mông sóng ngập trời. 

Tất cả pháp hữu vi không có gì bền chắc. Chúng ta thấy toàn ảo giác, vì mê nên ta thấy sai, rồi chạy theo nó; nhưng Phật dạy nó không thực bền chắc. Như Ma Đăng Già mê A Nan, dùng bùa để mê hoặc A Nan. Phật dùng thần chú Lăng Nghiêm cứu A Nan. A Nan tỉnh lại, chạy về chùa. Ma Đăng Già đuổi theo, gặp Phật, bảo Phật trả A Nan cho bà. Phật hỏi Ma Đăng Già mê A Nan cái gì. Bà nói ổng có con mắt đẹp quá. Phật dùng thần lực biến mắt A Nan đỏ chảy máu khiến bà thấy khiếp sợ. 

Phật thấy sự thật, nói rằng thân người là cái túi da đựng đồ hôi thối. Nhìn bằng tuệ giác thấy chẳng những không có gì bền chắc mà còn gớm ghiếc. Với người mê sắc, Phật dạy ra thi lâm nhìn xác chết mà ghê sợ và đoạn được ái dục. Nghĩa là tu đi ngược về nguồn, chuyển cái thấy si mê thành thấy theo thật trí. Không phải thấy không bền chắc làm chúng ta chán đời, buông bỏ tất cả là sai. 

Biết các pháp hữu vi không bền chắc thì hướng suy nghĩ và việc làm của mình theo con đường đúng đắn của Phật. Những gì không bền chắc chúng ta sẵn lòng buông bỏ, vì biết không giữ được, cuối cùng sinh mạng của chúng ta là nghiệp thân cũng phải bỏ. Có thân vì do nghiệp tạo, nhưng ta lại chấp thân là ta, nên phải khổ.

Huệ Tư thiền sư có thân xấu xí, ai cũng ghét và chê ngài. Nếu là phàm phu bị người chê, ghét, thì ức lắm và nói tại nghèo, nên bị khi dể, tại xấu nên bị chê. Ngài Huệ Tư nhận thấy rõ xấu xí, nghèo  nàn, ngu dốt là cái nghiệp của mình. Nên ngài nói rằng người ta khinh chê, ghét bỏ là khinh chê, ghét bỏ cái nghiệp của mình, không phải khinh chê, ghét bỏ mình. Nhờ người chê mà biết được nghiệp của mình, từ đó, tu hành phải phá nghiệp, còn chấp nghiệp là mình thì cứ khổ thêm.

Biết nghèo bị khi dể thì cũng biết nghèo là do nghiệp, Phật dạy do nhiều đời gian tham trộm cắp, nên đời này làm gì cũng thất bại. Cải tạo nghiệp này, không gian tham, trộm cắp, mới thoát được cái nghèo. Vì vậy, Phật tử phải tập sống chân thật, nhờ đó lần lần có uy tín. Chính tâm chân thật, không gian tham, trộm cắp, người ta mới chấp nhận hợp tác với mình. Thực tế nhìn tướng, nghe giọng nói, hay thấy nét mặt cũng biết họ tham. Tuy muốn giúp, nhưng sợ cho vô nhà thì họ ăn cắp, thương muốn cho họ vô ở chung, nhưng sợ họ quậy phá. Khắc phục nghiệp này là tập tánh nghèo không tham.

 Tướng trung thực, lời nói trung thực, hiền lành, người ta cho vô ở nhà, nhưng biết thân phận không dám vô là kinh Pháp hoa nói gã cùng tử làm công cho trưởng giả vẫn ở am tranh. Riêng thầy, tự biết thân phận nghèo, nên không dám gần ai, vì gần người có nhiều tiền, không khéo họ nghi mình làm thân để nhờ vả, hay ăn cắp. Vì vậy, thời thầy đi tu, giữ kỹ điều này lắm, tức không tới nhà giàu, vì làm thân với người giàu, họ xem thường mình. Phật cũng dạy vị Sa-môn điều này, gần người giàu, họ sợ  mình ăn cắp. Trên bước đường tu, tránh gần người giàu, người quyền thế, chỉ lo tu và gạn lọc tâm cho đến tâm và lời nói mình trong sạch thì họ không sợ mình ăn cắp.

Huệ Tư dạy rằng họ chê, hay nói xấu là chê cái nghiệp, nói xấu cái nghiệp của mình. Hiểu như vậy, chúng ta tu, cám ơn người nói xấu ta, cám ơn người hại ta. Ta này là nghiệp và tu hành, biết ta từ chân tánh, hay ta và Phật đồng nhau theo kinh Hoa nghiêm. Tuy nhiên, trên thực tế, ta khác với Phật vì bị vô minh vọng tưởng bao bọc tầm nhìn, khiến mình thấy sai lầm, mới tạo vô số nghiệp ác. 

Con người trong sáu đường sinh tử đều do nghiệp tạo. Nếu tạo thiện nghiệp sẽ có thân người tốt đẹp, cuộc sống sung sướng. Và tạo được cùng tột điều thiện sẽ có thân chư Thiên tốt đẹp nhất. Tạo cùng tột việc ác là ác ma. Vì vậy, Phật nói địa ngục hay thiên đường cũng do nghiệp tạo. 

Chư hạnh vô thường do nghiệp và nghiệp là ảo. Vì vậy, nghiệp mất là đáng mừng, vì chúng ta cũng muốn bỏ nghiệp. Thi hào Nguyễn Du nói dễ thương rằng đã mang lấy nghiệp vào thân thì đừng trách trời, trách đất. 

Mang nghiệp vô thì phải bỏ nghiệp được. Phật dạy xả uẩn, hay xả chấp. Bỏ được, nhưng vì chúng ta không chịu bỏ, sợ khổ, nhưng cứ ôm cái khổ. Bỏ nghiệp hết khổ liền. Thực tế có anh bị vợ bỏ, nếu không biết tu thì thấy khổ; nhưng anh biết tu, thấy nhẹ quá, khỏi lo nữa, được tự do làm công quả. Biết được nghiệp, mình chấp nhận thực tế này sẽ cắt được lòng tham ái, tham dục, hết khổ. Và kế tiếp, cắt luôn tham tài, tham danh. Phải biết nghiệp mình chỗ nào để cắt. Phước đến đâu hưởng đến đó. Theo thầy, Phật tử nên hưởng dưới mức mình có thì càng được an lạc hơn.

Người thương mình, mình thương họ là tình bạn đạo, nhưng mình thương mà họ không thương là nghiệp, là duyên hợp tan mà Phật nói vô  thường, không bền chắc, thấy đó rồi mất. Thầy thấy biết bao người bạn mình quý trọng, nhưng nhìn lại không còn ai, đó là vô thường. 

Tuy nhiên, nhìn xa trong vô thường có chơn thường là con người thực và thấy điều thực này thì mình và bạn đang hiện hữu trong thế giới tâm linh là Tịch Quang chơn cảnh. Như vậy, thầy mình và bạn mình đang ở thế giới này và khi mình mãn duyên trần sẽ đi vô đây. 

Còn mình tiếc thân tứ đại mỗi ngày già yếu, bệnh hoạn, hoàn cảnh khó khăn hơn là khổ chồng chất khổ, nhưng chúng ta theo Phật, sống với chân tánh của chúng ta thì không có tướng già, không có tướng bệnh, không có tướng chết. 

 

Từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa, kinh nào cũng chỉ vô thường sanh diệt để chúng ta hướng đến bất sanh bất diệt là thế giới của Phật, Bồ-tát. Trong kinh Hoa nghiêm, Đức Phật dạy từ khởi thủy đến chung cuộc. Khởi thủy là gì. Người tu đi tìm nguồn gốc coi mình từ đâu tới đây và tương lai chết về đâu. 

Tu Hoa nghiêm cứ đi ngược về nhiều kiếp trước để chứng Túc mạng minh. Nhờ đi ngược về quá khứ, mình mới thấy hiện tại. Nói rõ hơn, nếu quá khứ chúng ta trồng căn lành ở Phật pháp, thì hiện tại mới gặp thầy hiền bạn tốt. Vì vậy, thầy tâm đắc câu kinh trong Phổ Hiền hạnh nguyện rằng: “Những người cùng tôi đồng một hạnh. Cầu được sanh chung các cõi nước. Thân khẩu ý nghiệp đều đồng nhau. Tất cả hạnh mầu cùng tu tập…” Đây là thiện tri thức quá khứ của chúng ta tái sanh gặp lại thành bạn tâm giao, hiểu nhau, quý nhau, giúp nhau.

Thầy gặp Hòa thượng Ito. Ông đón thầy và nói rất dễ thương: Xin chào bạn. Hỏi bạn hồi nào. Nói bạn ở hội Linh Sơn. Lúc đó thầy trẻ, còn ông là Hòa thượng lớn tuổi. Như vậy, quý vị có dám nhận là bạn hay không. Bạn này là bạn tâm linh, bạn tâm giao, nên gặp là tự nhiên thương, quý trọng liền. Họ nói gì mình cũng dễ chấp nhận. Đây là thầy, là bạn quá khứ gặp lại, tự quý trọng nhau. Còn người mà mình nói gì, họ liền nói ngược lại. Thầy gặp người như vậy là thầy chấm dứt câu chuyện, không nói nữa. Phật cho biết Đề Bà Đạt Đa nhiều đời trước đã là bạn luôn chống đối Ngài. 

Trên bước đường tu, quán chiếu quá khứ để biết hiện tại. Thấy người ghét mình, tự biết đó là oan gia đời trước gặp lại. Thấy người thương mình, tự biết họ đã từng là thiện tri thức đời trước. Thầy thường nói đường đi của mình đến quả vị Phật còn xa, việc làm còn nhiều, nên tránh phiền phức để đi cho nhanh. Không phải là Bà-la-môn mà ở đó tranh cãi. Còn nghe, còn cãi, còn góp ý chi cho khổ. 

Nhờ thấy hiện tại mà biết quá khứ, biết ai làm bạn đồng tu, đồng hạnh, đồng nguyện. Ai nghịch hạnh thì tránh. Như vậy, mình tu nhẹ nhàng, không hơn thua tranh cãi, miễn sao sống an lạc, giải thoát. Đạo Phật là đạo tìm ra sự thật và sống với sự thật, biết nó cố cãi để hơn mình, thì mình chịu thua để cho mình được nhẹ. 

Nhìn kỹ người làm đạo được nhờ duyên quá khứ là người bạn trong quá khứ tái sanh gặp lại, hỗ trợ nhau, như Khương Tăng Hội xuất gia ở Luy Lâu (Hà Nội), nhưng ngài qua Thượng Hải xây chùa Kim Sơn. Ngài nói sang Trung Hoa để gặp Ngô Tôn Quyền. Lúc đó Trung Hoa chưa có đạo Phật, dù kinh từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa rồi, nhưng người Trung Hoa chưa tin đạo Phật, nên đạo Phật không phát triển được.

Khương Tăng Hội sang Trung Hoa truyền đạo vì ngài biết có bạn ở đó và ngài cũng biết rằng bạn ngài sanh lại làm vua, ngài làm sư, hai người kết hợp để phát triển đạo Phật. Khương Tăng Hội là nhà sư đầu tiên đến Thượng Hải. Ngài không đi bình thường, nhưng đi trên chiếc nón lá. Mọi người thấy hình tướng của ngài kỳ lạ, nên tâu với vua Ngô Tôn Quyền. Ông nghĩ phải chăng Hán Minh Đế mơ thấy bạn là người này chăng. 

Vua cho mời ngài tới. Ngài trả lời vua bằng tiếng Trung Hoa thông thạo như người Trung Hoa, làm vua nể phục. Vua hỏi Khương Tăng Hội khi Phật Niết-bàn, có gì để lại để thấy sự linh nghiệm. Ngài nói Phật Niết-bàn còn để lại xá-lợi là kết tinh công đức tu hành của Phật. Vua nói muốn xem công đức tu hành của Phật như thế nào mà kết tinh thành xá-lợi. 

Khương Tăng Hội nói vì là công đức tu hành, người thụ đắc xá-lợi cũng phải do công đức tu hành mới được, không phải ai cũng có được. Và người có công đức mới thấy xá-lợi Phật, không phải ai cũng thấy xá-lợi hay giữ được xá-lợi.

Vua hỏi trẫm có thể thấy xá-lợi không. Khương Tăng Hội nói rằng làm vua là có phước thì thấy được xá-lợi, nhưng phải có niềm tin. Thực tế vua Ngô Tôn Quyền được coi là vua hiền đức, nhưng ông vua con là Tôn Hạo rất dữ. 

Bệ hạ có phước nên thấy được xá-lợi, còn bần tăng phải nỗ lực tu mới có công đức, nhưng ngài cũng không dám nói mình có xá-lợi. Ngài bảo vua dựng thảo am để ngài tu một tuần nhằm hồi phục công đức thì mới thụ đắc xá-lợi. Nhưng thực sự ngài đã có bình xá-lợi rồi.

Trong một tuần ngài tu miên mật Thiền quán, không ăn ngủ. Qua một tuần, Ngô Tôn Quyền hỏi xá-lợi đâu. Ngài nói cho thêm một tuần tiếp tục Thiền quán. Sau đó, ngài lại xin thêm một tuần nữa. Vua nói nếu lần này không có xá-lợi thì là yêu ma, sẽ bị giết.

Tới đúng 21 ngày, am tranh ngài tỏa hào quang ngũ sắc rực sáng. Ngài bưng xá-lợi vào triều. Ngô Tôn Quyền hỏi ngoài hào quang như thế, xá-lợi còn gì linh nghiệm không. Ngài nói xá-lợi thật cứng đến chày kim cương giã không bể. Ngô Tôn Quyền bảo giã thử xem và để xá-lợi lên khối sắt cho lực sĩ giã. Xá-lợi không bể, mà lực sĩ dội té và cái cối lún xuống. Vua sụp lạy, cho xây chùa Kiến Sơ để thờ xá-lợi.

Tất cả vật là vô thường, không bền chắc, nhưng xá-lợi Phật là công đức tu của Phật thì bền chắc đến chày kim cương của Bát bộ chúng đánh không bể, tiêu biểu cho công đức tu của Phật trường tồn miên viễn.

 Tu theo Phật đúng như pháp, khi xả huyễn thân, chân thân tức phước đức và trí tuệ của hành giả bền chắc. Ý thức như vậy, chúng ta bỏ giả thân không bền chắc để được cái không hư hoại, bỏ sinh mạng ngắn ngủi này để có sinh mạng vô cùng. Đó là ý Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm rằng chúng ta tu ngược về nguồn để gạn lọc vọng tâm tham đắm mà nhiều kiếp bám chặt mình. Cần sám hối cho tiêu nghiệp mới đem Phật pháp vào tâm. Tu đúng từng bước đi lên. Tu hình thức mà thực chất không có sẽ dễ bỏ cuộc. 

Tóm lại, trên bước đường tu, ban đầu chúng ta chấp chặt thân vô thường sanh diệt nên khổ với nó. Trải qua quá trình tu Thanh văn, cởi bỏ được pháp sanh diệt, tức trần lao nghiệp chướng, được giải thoát và tiến lên hành Bồ-tát đạo. Lần lần Pháp thân Bồ-tát của chúng ta hiện ra và lớn lần theo mỗi kiếp tu hành, thì tái sanh, phước đức, trí tuệ chúng ta tăng trưởng, cho đến khi đầy đủ 32 tướng tốt, trí giác và tâm đại bi viên mãn, thành tựu quả vị Phật.

 

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin