Chi tiết tin tức Linh Sơn cốt nhục 21:10:00 - 11/10/2018
(PGNĐ) - Theo nguyên tắc, mỗi năm an cư, chúng ta có thêm một tuổi hạ, nhưng chúng ta học được gì và thực tập có kết quả đến mức độ nào mới là điều quan trọng.
Chúng ta được xuất gia làm Tăng Ni, hay được làm Phật tử tại gia, đó là may mắn lớn mà nhiều người không được. Nếu ở Việt Nam có gần 100 triệu dân, số Tăng Ni xuất gia độ 50.000 và số Phật tử tại gia chỉ khoảng 40 triệu, có thể cho là con số lớn. Nhưng nếu đem so với dân số toàn cầu là 5 tỷ dân thì 40 triệu Phật tử tại gia và 50.000 Tăng Ni là con số khiêm tốn. Vì vậy, chúng ta được sanh ra ở Việt Nam và trở thành đệ tử xuất gia, tại gia của Đức Phật là việc hiếm có và khó được. Nhưng nếu chúng ta sanh ở Việt Nam vào 100 năm trước là thời Pháp thuộc thì chắc chắn không có những điều mà chúng ta được hôm nay. Phải nói đó là điều phước đặc biệt cho Tăng Ni ngày nay và hơn thế nữa chúng ta còn có môi trường rất tốt để tu học. Nhưng nếu không học, không tu được quả là uổng phí cuộc đời và không biết đời sau sẽ thế nào. Điều này quan trọng nhất mà Phật luôn nhắc nhở chúng ta. Trong kinh Nguyên thủy, hay kinh Hoa nghiêm, Phật dạy thuyết Duyên khởi. Phật nói khởi đầu từ không kiếp thì ở trong vũ trụ tất cả những gì hiện hữu đều trải qua bốn thời kỳ là thành, trụ, hoại, không. Và Phật quan sát nhân duyên thấy ở giai đoạn hoại kiếp, tất cả vũ trụ không còn gì gọi là biến thành mây khói. Nhưng trong cái không còn đó, Phật quán thấy vẫn còn. Vì vậy có thuyết chơn không diệu hữu. Đạt đến chơn không là người tu phá bỏ được phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Phiền não, nghiệp chướng, trần lao từ đâu sanh ra. Phật nói ba thứ này từ vô minh sanh ra, nghĩa là chúng ta không biết, không thấy, rồi chúng ta tự tưởng tượng ra mọi việc và chấp vào đó, cứ chấp hết cái này đến chấp cái khác. Tưởng tượng tất nhiên sai lầm và sai lầm này dẫn đến vô số sai lầm khác nữa mới tạo thành phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Vì vậy, kinh Pháp hoa nói thực sự không có phiền não, nghiệp chướng, trần lao, nhưng vì vô minh mà con người tạo ra phiền não, nghiệp chướng, trần lao cho mình; không khổ nhưng nghĩ khổ và thấy khổ. Nhận ra lý này, trên bước đường tu thực sự là diệt khổ. Nhưng để làm được như vậy phải áp dụng giới, định, tuệ. Có trí tuệ mới phá được vô minh. Thật vậy, Phật đã trải nghiệm rằng sanh ra một phần trí tuệ thì phá được một phần vô minh giúp chúng ta sáng lần, thấy đúng sự việc như nó là thì phiền não sẽ giảm và từ đó trần lao cũng giảm theo. Có thể khẳng định rằng giáo pháp thực tập đúng sẽ nhận được kết quả tốt đẹp như Phật dạy. Trên bước đường tu, phá bỏ lần phiền não sẽ nhận thấy nghiệp chúng ta không có, chỉ tại chúng ta tưởng tượng ra, đó là ảo giác. Phật nói do vô minh, vọng kiến ngăn che mà tạo nghiệp, nên tự mình làm khổ và thấy khổ. Dừng nghiệp lại thì khổ không có Thật vậy, khi Phật thành đạo, Ngài về thăm Ca-tỳ-la-vệ và thuyết pháp giáo hóa. Một số vương tôn công tử đã nhận ra vọng tưởng từng làm họ đau khổ, nên họ sẵn lòng từ bỏ vinh hoa phú quý của thế nhân. Trong số đó, có một quan Tổng trấn phía Bắc thành Ca-tỳ-la-vệ đã xuất gia theo Phật. Ông một mình tọa thiền dưới cây trong rừng nhưng cảm thấy thiệt là hạnh phúc. Còn khi làm Tổng trấn tưởng hạnh phúc, nhưng thiệt bất hạnh. Tưởng hạnh phúc vì họ giỏi, thi đỗ làm quan Tổng trấn, đứng trên thiên hạ, nhưng hồi tưởng lại, ông thấy dù có nhiều người hầu hạ, canh gác, vậy mà lúc nào cũng lo sợ, tính toán. Ban đầu thấy giặc bên ngoài, lo phòng thủ, nhưng sau lo phòng thủ cả với người bên cạnh. Khi theo Phật, biết cắt ảo giác, tức không nghĩ đến giặc bên ngoài, không nghĩ đến kẻ thù bên cạnh phải đối phó; nhưng nghĩ làm sao hiểu được họ, xây dựng được tình người là có vòng đai an toàn nhất. Ông thấy Phật tuy từ bỏ tất cả, nhưng vị trí của Phật thì trên đời này không có người nào so sánh được. Vì vậy, ông hỏi Phật tu thế nào để thành tựu Phật quả. Đó cũng là khởi niệm của chúng ta về Phật, về Thánh chúng để chúng ta quyết tâm tu. Người nào thấy và quyết tâm như vậy, tôi tin họ tu phải gặt hái được kết quả tốt đẹp. Khi người ta đi theo con đường vô minh, luôn nghĩ phải giàu có, quyền thế, nên thường sống trong thế cạnh tranh giành giựt đưa đến nói xấu và tiêu diệt nhau. Ngược lại, ta tu, hiểu đạo, Phật dạy đầu tiên tập hạnh buông xả trước, tức những gì không phải của ta đương nhiên ta buông trước. Và ta buông được khiến lòng ta an thì tâm sáng được, còn càng cố giữ tâm càng tối. Buông được, tâm sáng, thấy được sự thật là không phải họ xấu ác như ta nghĩ. Điển hình Phật độ ông Sunita mà mọi người đương thời coi ông thuộc hạng ngoại cấp, vì ở Ấn Độ có 4 giai cấp, nhưng ông này không ở trong giai cấp nào. Nghĩ như vậy dẫn đến mọi người tự loại trừ nhau. Phật nói với tuệ giác thấy không có giai cấp, nhưng mọi người lại quy cho Thượng đế sắp đặt. Nếu có Thượng đế thì vô minh của con người, kiến chấp của con người, hiểu lầm của con người chính là Thượng đế xếp đặt vận mạng của họ. Phật dạy muốn biết quá khứ, hãy xem hoàn cảnh hiện tại của chúng ta và muốn biết tương lai, xem việc làm hiện tại. Với cái thấy đúng đắn như vậy, Phật thấy từ thời không kiếp và trải qua quá trình tu, Phật chuyển hóa từng bước một mà Phật thường kể chuyện tiền thân của Ngài. Phật nói Ngài từng làm gió, làm mây, làm đất đá, làm rong rêu, cỏ cây, cho đến làm muông thú, sau cùng Ngài chuyển thân làm người và tu đắc đạo làm Phật. Đó là quá trình tu hành để phát huy trí tuệ và sắp xếp tương lai của mình mà Phật gọi là nhân duyên. Vì vậy, Phật nhắc chúng ta phải quan sát nhân duyên. Ai thấy nhân duyên là thấy pháp, vì nhân duyên tạo nên vạn pháp, có pháp thiện và pháp ác. Nếu kết hợp nhân duyên thiện sẽ tạo nên pháp thiện là tạo nên con người và chư Thiên. Con người này nói rõ là con người hiền lành biết giữ tam quy, ngũ giới. Con người không gian tham, trộm cắp, không sát hại, không tà dâm, không nói dối là người thiện. Nếu phạm những tội lỗi này thì sau khi chết, tính chất thiện sẽ mất. Vì vậy, được làm người rồi, nhưng tính chất người có đủ hay không, hay là thú tánh vẫn còn, vì từ thú vật mới chuyển thành người. Thực sự là người, phải giữ tam quy, trì ngũ giới. Để trở thành Phật tử, chúng ta quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Trước tiên chúng ta phải nghĩ đến Phật là nghĩ tới đấng giác ngộ, nghĩ tới trí tuệ. Vì vậy, người quy y Phật luôn nghĩ vấn đề giác ngộ, trí tuệ. Nói cách khác, ta nghĩ những gì tốt nhất để chúng ta hướng lời nói, hành động, ý nghĩ theo đó thì chúng ta trở về tự tâm có Phật, tức tuệ sanh rồi, Phật có trong lòng, đó là quy y Phật bên trong. Chúng ta thường nghĩ Phật bên ngoài, nhưng theo kinh Hoa nghiêm mới có Phật bên trong. Theo kinh Nguyên thủy chỉ có Phật Thích Ca, nên chúng ta quy y với Phật này. Nhưng Phật vào Niết-bàn, Ngài để lại giáo pháp thì pháp và Phật là một, nên ta tôn thờ pháp Phật. Tuy nhiên, Phật nói pháp của Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng và chúng ta nương theo đó tu để thành Phật. Từ đó đem Phật bên ngoài, đem pháp bên ngoài vào tâm mình. Quy y pháp và pháp là chân lý thì chúng ta sống theo chân lý được Phật chỉ dạy, chúng ta không phạm sai lầm, nên ở đâu cũng được bình yên. Không bình yên vì phạm pháp luật Nhà nước, bị bỏ tù. Thứ hai là phạm pháp do lòng tham, nghĩa là chúng ta không thực tế, đến chỗ không nên đến, làm việc không nên làm, nói điều không nên nói. Vì vậy, tuân thủ luật pháp của Nhà nước, giữ được nguyên tắc của tự nhiên, tức sống hài hòa với thiên nhiên và sống đúng Chánh pháp Phật dạy, chắc chắn có được cuộc sống an lạc. Quy y Tăng. Thực chất của Tăng là tập thể. Phật dạy rằng không thể sống riêng một mình. Theo nhân duyên, người này ảnh hưởng đến người khác. Một người tốt sẽ ảnh hưởng người khác tốt, một người xấu cũng ảnh hưởng cái xấu đến người khác. Vì vậy, chúng ta tu trở thành người tốt thật thì người xấu đến với ta cũng trở thành tốt. Vì mọi người ghét bỏ Sunita là ngoại cấp, nên ông sanh tâm đối nghịch với mọi người. Nhưng Phật độ Sunita thì ông nói chỉ có Phật thương ông, nên ông hết lòng tu, sống chết với Phật. Với quyết tâm cao như vậy, được Xá Lợi Phất chỉ dạy, chỉ trong ba tuần ông đắc quả A-la-hán. Vua Ba Tư Nặc nghe nói Phật độ người ngoại cấp, vội đến hỏi Phật cho ra lẽ. Sunita ra trước Kỳ Hoàn tịnh xá ngồi nhập định. Tu hành việc này quan trọng. Thầy Tỳ-kheo có định thì có huệ khác với Tỳ-kheo không có định huệ và cũng khác xa Tỳ-kheo còn tham sân phiền não. Sunita cấp tốc tu, rửa sạch phiền não, trần lao, nghiệp chướng, nên hảo tướng hiện. Khi vua Ba Tư Nặc hầm hầm đi vô thấy Sunita có hào quang liền đảnh lễ mà không biết đó là Sunita. Hào quang chúng ta khó thấy, nhưng thầy nào an lạc thì mặt sáng. Tôi gặp thầy Quảng Hương về chùa Ấn Quang nộp đơn xin tự thiêu năm 1963. Nét mặt thầy này trông rất sáng cho đến bây giờ, ấn tượng đẹp về thầy vẫn còn trong đầu tôi. Tôi nghe kể thầy Quảng Hương tự thiêu cũng ngồi trang nghiêm bất động như Hòa thượng Quảng Đức. Hòa thượng Trí Thủ rất thương thầy này, nên đã đề tên chùa là Quảng Hương già-lam. Thiết nghĩ người tu có sở đắc nào thì đều hiện tướng hảo tương ưng. Chúng ta tu cũng được như vậy nếu thành tựu sở đắc. Đáp lại sự bực tức vô cùng của vua Ba Tư Nặc vì Phật đã dám độ người hốt phân, một việc phải nói là gây sốc cho toàn dân Ấn Độ thời bấy giờ, chứ không riêng gì vua, Đức Phật thản nhiên nói rằng Ngài có độ người ngoại cấp xuất gia thật. Người này chưa dám ở trong Tăng đoàn, đang ngồi ngoài cửa. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này khác với kinh Nguyên thủy là đưa ra hình ảnh cùng tử ở am tranh bên ngoài, không dám vô nhà trưởng giả. Cùng tử làm việc hốt dọn phân nhơ, nghĩa là nỗ lực tu, sống đúng với pháp Phật dạy tất nhiên phải khác với người hốt phân cả đời vẫn là người hốt phân. Trở về cái nhìn của Phật khác hơn người là nhìn theo nhân duyên, Phật từng làm đất đá, cỏ cây, muông thú rồi chuyển thành con người. Qua những câu chuyện tiền thân Phật, chúng ta nhận thấy rõ rằng bất cứ làm gì, ở trong loài nào, Đức Phật cũng thể hiện Bồ-tát hạnh. Tôi nhắc các vị xuất gia cũng như Phật tử tại gia rằng chúng ta đã tu thì quyết tâm ở hoàn cảnh nào, dù đọa địa ngục cũng quyết tâm làm tốt, làm con quỷ tốt không sân si mới ra khỏi địa ngục. Đó mới là con đường Phật đã đi và thành đạt. Nếu ta nhân danh là đệ tử Phật thì tại sao không làm theo Phật. Tôi tu hành và thăng hoa đến ngày nay, vì ở bất cứ cương vị nào, tôi luôn nghĩ đi theo con đường Phật, phải làm người tốt. Làm tốt như vậy, lần lần chúng ta có khả năng cảm hóa người xấu trở thành người tốt, người thù trở thành bạn. Nhưng không biết như vậy, chúng ta chuyển bạn thành thù. Họ thiệt tốt, nhưng họ có điều gì sai lầm, chúng ta luôn nghĩ đến cái xấu của họ mà không nghĩ đến cái tốt của họ, nên muôn đời họ vẫn xấu dưới mắt ta và vẫn là người thù của ta. Thể hiện yếu lý này, Phật dạy Địa Tạng Bồ-tát vào địa ngục thấy người chỉ có một điều tốt thôi thì cũng nghĩ đến việc tốt đó để cứu họ. Còn kinh Nguyên thủy nói người sống chung với ta, họ phạm lỗi, ta cố gắng giúp đỡ họ. Ví như người bị hư một con mắt, ta ráng giữ con mắt còn lại của họ là con mắt của niềm tin ở Phật, ở huynh đệ để giúp họ cũng có cơ hội trở lại tu. Vì vậy, chúng ta có bạn tốt, cố gìn giữ sự tốt đẹp này, để mất tình bạn tốt thì khó tu. Kinh Nguyên thủy ghi rằng Phật đến thăm Tỳ-kheo A Nâu Lầu Đà và hỏi các thầy ở đây có hòa hợp, an vui không. Ngài đáp tụi con rất hòa hợp, rất an vui. Phật lại hỏi thầy làm sao giữ chúng hòa hợp. Tôi suy nghĩ nhiều về điều này. Ngài nói với Phật ở đây tất cả huynh đệ tụi con thường lập hạnh không bao giờ nói xấu người vắng mặt. Trước khi con nói điều gì về người nào, con nghĩ nếu người đó có mặt ở đây, con có dám nói không. Trong chúng không làm mất lòng ai là lập trường của A Nâu Lầu Đà. Nếu thấy có họ mà nói làm họ buồn, nhất định không nói. Vì vậy, huynh đệ chỉ nói điều gì làm người vui, nói làm người buồn thì không nói; đó là bài học của A Nâu Lầu Đà, về sau trở thành pháp Lục hòa. Tôi nhớ có lần một thầy nào đó nói xấu tôi với Hòa thượng Trí Thủ. Ngài gọi tôi tới nói rằng người ta nói thầy như thế đó. Thầy hãy suy nghĩ nếu có thì sửa, nếu không có thì coi như gió thoảng mây bay. Việc đó Hòa thượng nói riêng với tôi và tôi cám ơn Ngài. Hòa thượng dạy có lỗi thì sửa, không có lỗi thì bỏ qua lời nói xấu, nghĩa là bỏ phiền não, tâm mình an vui thì mới thanh tịnh được. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là hoa Mạn-đà-la và hoa Mạn-thù-sa. Vì vậy, người tu không an vui, không thanh tịnh không thể gặt hái được kết quả tốt đẹp. Các huynh đệ nhớ giữ tâm mình luôn an vui, thanh tịnh để lần tiến lên quả vị Hiền Thánh. Mình được xuất gia làm Tỳ-kheo rồi thì có điều kiện tu tốt hơn các cư sĩ ngồi phía sau, họ rất cực khổ để có miếng cơm và còn phải lo lắng cho gia đình, vậy mà họ còn cố gắng dành thì giờ nghe pháp, tụng kinh, cúng dường, bố thí… Điển hình như Cấp Cô Độc có công lớn nhất trong việc hộ đạo. Ông làm phước rất nhiều, nhưng càng làm phước bao nhiêu, chắc chắn phiền muộn xảy ra cũng nhiều, nên thời gian tu không có. Một hôm ông ngã bệnh. Phật bảo Xá Lợi Phất đến thuyết pháp cho Cấp Cô Độc, nhắc ông rằng chuyện tốt đã làm, còn những chuyện không tốt và chướng ngại trên bước đường kinh doanh cần phải loại bỏ khỏi tâm ông. Và tiếp theo, việc quan trọng là tu quán Tứ niệm xứ thì tâm mới an vui, giải thoát và nhập vào dòng Thánh. Tức tốc thực hành được lời dạy của Xá Lợi Phất, ông nhắm mắt về trời. Được làm Tỳ-kheo, có điều kiện học giáo lý, thực hành giáo lý, đắc thiền, đắc định, đắc quả A-la-hán là mục tiêu tất cả chúng ta phải làm, vì quyết chí xuất gia phải thăng tiến trên đường giải thoát. Đắc thiền, đắc định, mới thấy thế giới nội tâm đẹp hơn bên ngoài nhiều. Trước kia bị cái đẹp bên ngoài quyến rũ, nên quên cái đẹp bên trong. Niềm vui và cái đẹp trong thiền định mới mang đi đời sau được. Tu hành được an vui, thanh tịnh thì quả Dự lưu mới có và đắc quả A-la-hán, các thầy mới yên tâm. Chưa tới quả vị này, chúng ta còn ngại, vì thọ thân sau, chúng ta còn bị nghiệp chi phối, đẩy chúng ta đi thọ sanh trong sáu đường sinh tử. Nhưng đắc La-hán, có thọ sanh, chúng ta cũng tự tại là chọn được chỗ thọ sanh theo ý nguyện của mình. Vì vậy, đối với Thanh văn, phải đạt được giải thoát đầu tiên. Hỏi những chuyện của Bồ-tát, Phật không nói. Phật dạy phải lo nhổ mũi tên độc, chữa lành vết thương rồi mới nghĩ chuyện khác. Chưa độ được mình, chưa ra khỏi sinh tử, chưa nghĩ đến những việc khác. Các thầy nhớ đừng để mũi tên độc là tham, sân, si cắm sâu vào tim chúng ta. Lòng tham nói chung, hay tham ngũ dục sẽ dẫn chúng ta vào sinh tử luân hồi, chất độc thấm sâu vào tim là chết. Mũi tên độc ở ngoài da cũng nguy hiểm, cố gắng nhổ nó và dùng thuốc của Phật là 37 Trợ đạo phẩm để tống hết chất độc, tẩy sạch chất độc trong tâm chúng ta thì các thầy sừng sững đứng trên Bát chánh đạo, có cái thấy chính xác. Trước còn thấy sai lầm, nên việc làm sai lầm. Nhưng đắc La-hán, thấy chính xác. Điều này Hòa thượng Trí Tịnh nhắc tôi rằng quan trọng là thầy tu thấy chính xác rồi, còn phải suy nghĩ; nghĩa là Phật khuyên các vị đắc A-la-hán rồi thì nên xuống núi, đi giáo hóa chúng sanh, hay nên ẩn tu. Thật vậy, trong kinh Pháp hoa ghi rằng Đức Phật Đại Thông Trí Thắng đắc quả Vô thượng Bồ-đề rồi, Ngài còn ngồi 10 kiếp không thuyết pháp. Phật Thích Ca đắc quả vị Toàn giác còn ngồi yên 49 ngày. Nghĩa là thấy nhân duyên rồi thì khác với người chưa thấy làm càn, làm liều, quả báo tới, chẳng những việc hư, thậm chí còn mất mạng. Thấy chính xác rồi, Hòa thượng Trí Tịnh dạy phải cân nhắc kỹ xem thực sự chính xác chưa, vì sai lầm một lần là mất một kiếp, nên đắc đạo rồi, vẫn phải ngồi chờ. Và thực sự thấy chính xác rồi, nhưng có nên nói hay không. Lý này trong kinh Pháp hoa dạy rằng Phật Thích Ca thành đạo, thấy chân lý, nhưng Ngài tự nghĩ có nên nói chân lý hay không. Vì chân lý chỉ nói được với chư Phật mà thôi, bởi các Ngài đã thấy chân lý. Nhưng với các người không thấy chân lý mà chỉ chân lý, họ không thể chấp nhận. Thật vậy, người nông dân nói với Phật rằng họ cày cuốc cực khổ mới có ăn. Phật không làm mà cứ đi xin ăn. Cuộc đời Phật giáo hóa độ sanh đã gặp trường hợp này. Phật nói Ngài cũng cày cuốc, gieo giống, gặt quả. Ông nông dân lại hỏi vậy cái cày, hạt giống và ruộng của ông ở đâu. Phật nói việc này khó chỉ cho ông thấy được. Đất của tôi là tâm. Vì vậy, học Phật, mình cày xới trên mảnh đất tâm của mình, hay các thầy làm ruộng tâm; cho nên thấy các thầy bề ngoài giống nhau, nhưng thầy nào làm ruộng thiệt, tức tu thiệt mới gặt hái được kết quả, thầy nào tu giả, không thể có kết quả. Làm ruộng ở mảnh đất tâm rất quan trọng. Thể hiện ý này, về sau Phật chế y từng mảnh gọi là phước điền y, tức người tu làm ruộng, nhưng là ruộng phước. Phật nói với người nông dân rằng ông làm ruộng cực khổ, tay lấm chân bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng trả cái nợ miệng cùng kiếp cũng không hết. Thầy tu làm ruộng tự tại nhưng có thừa. Các thầy mới tu chỉ có một mảnh ruộng là y Sa-di. Thọ Tỳ-kheo cao nhất là y 9 điều. Hòa thượng có y 25 điều tiêu biểu cho ruộng đất bao la của đại điền chủ. Chúng ta ngày đêm cũng làm ruộng là tinh tấn tu hành, quán sát thấy các pháp thiện thì chúng ta tạo, thấy pháp ác chúng ta không tạo. Vì vậy, người tu phải quán tưởng pháp thiện chưa sanh thì làm cho sanh; pháp thiện đã sanh, chúng ta nuôi cho lớn hơn; pháp ác đã sanh, chúng ta phải dứt trừ; pháp ác chưa sanh, chúng ta ngăn chặn. Pháp thiện đã sanh rồi nghĩa là chúng ta có một người bạn đồng tu tốt, huynh đệ ráng giữ, đừng làm mất lòng. Riêng tôi quen Hòa thượng người Nhật từ năm 1963, tôi quý trọng ông, vì ông dám đắp ca-sa ngồi trước tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa để phản đối Chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo. Sang Nhật tu học, tôi vẫn giữ tình bạn tốt đẹp này. Chúng ta giữ tình bạn tốt trong đời này cho đến nhiều đời sau. Thể hiện điều này, chúng ta có câu “Linh Sơn cốt nhục” là pháp lữ trong đạo quý hơn ngoài đời. Với người đời thì chấm dứt xác thân, tình bạn cũng hết. Tôi nhớ Hòa thượng Trí Thủ thường nói rằng đời này chí những đời sau, chung lo Phật sự biết bao nhiêu tình. Ráng giữ mối tương quan với người bạn tốt, vì không có bạn tốt, chúng ta khó làm được việc. Việc thiện đã sanh phải giữ gìn và nuôi lớn. Việc thiện chưa sanh phải làm cho sanh. Thí dụ trước khi vào Học viện này, tất cả huynh đệ không quen biết nhau, mỗi người sanh một chỗ, tu một pháp môn. Nhưng vô đây học, ở chung với nhau suốt bốn năm, lần lần hiểu nhau, có cảm tình với nhau, đó là thiện chưa sanh ráng làm cho sanh. Vì trường là nơi có nhiều bạn tốt có thể hỗ trợ nhau trên bước đường hoằng pháp lợi sanh sau này. Khi tôi nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, Hòa thượng Trí Thủ nói thầy Trí Quảng làm việc này được, vì từ miền Nam ra miền Bắc, thầy không làm mất lòng ai. Ở trường không làm mất lòng bạn thì đi đâu cũng có bạn. Các thầy muốn hoằng pháp phải có bạn. Hành đạo mỗi thầy ở một tỉnh, nhưng gặp lại người bạn cùng học chung có thiện cảm thì mình đến đó làm việc dễ dàng. Nhưng oan gia gặp lại, nguy hiểm, vì ở trường, ai mình cũng gây thì sau đến đâu mình cũng gặp người thù. Niệm ác chưa sanh, không cho sanh. Trước khi vào trường, không biết nhau nên không giận hờn; nhưng ở chung, học chung mà giận hờn cho đến nói xấu nhau. Như vậy là ác đã sanh, phải làm thiện để xóa bỏ cái ác này. Xưa kia, Phật bảo Mục Kiền Liên vào ngục thăm vua Tần Bà Sa La, nói với vua rằng vì đời trước ông đã giết A Xà Thế, nên nó sanh lại làm con rất ghét ông và giết ông để trả mối oán thù ông đã tạo. Vua hãy vui vẻ trả món nợ này và xóa mối thù trong lòng mình thì sau này A Xà Thế quy y Phật làm rất tốt việc hộ pháp hơn ông. Quả thật, vì hối hận tội giết cha, A Xà Thế đã nói với Phật rằng xin Thế Tôn thương xót con như đã thương phụ hoàng con. Và sau Phật diệt độ 45 ngày, vua A Xà Thế đã bảo trợ đại hội kiết tập kinh điển đầu tiên. Tóm lại, Đức Phật đã chuyển hóa ác nghiệp của A Xà Thế thành thiện nghiệp, nghĩa là việc tốt chưa sanh, ông đã làm cho sanh. Thiện nghiệp đã sanh, ông làm nhiều hơn. Ác nghiệp chưa sanh thì hạn chế, không cho phát triển và ác nghiệp đã sanh, cương quyết dứt trừ, không tái phạm.
HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |