Chi tiết tin tức Như Ý Thông của đức Phật trong Lý Hoặc Luận 15:29:00 - 15/09/2022
(PGNĐ) - Qua tác phẩm Lý hoặc luận, chúng ta thấy được một đức Phật siêu nhiên trước và sau khi khi đản sinh, rồi các thần thông biến hóa mà Ngài thị hiện, cụ thể là các phép biến hóa của như ý thông.
Dẫn nhậpPhật giáo đã và đang có sức ảnh hưởng rất lớn ở Việt Nam ta, bởi hệ thống học thuyết giáo lý không chỉ mang tính tâm linh tôn giáo, mà còn mang tính triết lý và thực nghiệm sâu mầu. Lời dạy của kinh Phật đã trở thành giá trị sống và truyền thống của cộng đồng các cộng dân tộc ở nước ta và nhiều dân tộc trên thế giới. Phật giáo được truyền vào nước ta từ rất sớm, cho nên trong quá trình hình thành và phát triển, những giá trị cao đẹp của đạo Phật đã hòa cùng với nhân sinh quan, thế giới quan của truyền thống để trở thành đời sống tinh thần và tín ngưỡng tâm linh, niềm tin tôn giáo của đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời kỳ mới truyền vào nước ta, đạo Phật được cha ông ta tiếp nhận như là một tôn giáo, hình ảnh đức Phật được các tầng lớp nhân dân nhận biết đến như là một vị thần, một vị cứu tinh trong đời sống. Điều này chúng ta có thể thấy rõ thông qua hình ảnh đức Phật được khắc họa trong Lý hoặc luận bởi Mâu Tử – một người Giao Châu đương thời. Qua tác phẩm Lý hoặc luận, chúng ta thấy được một đức Phật siêu nhiên trước và sau khi khi đản sinh, rồi các thần thông biến hóa mà Ngài thị hiện, cụ thể là các phép biến hóa của như ý thông. Khái quát về thần thông như ýHiểu một cách khái quát, thần thông là từ dùng để miêu tả những năng lực siêu nhiên, bất khả tư nghị của con người, của quỷ thần hoặc những vị có khả năng phi thường; nó vượt ra khỏi khả năng hiểu biết, tư duy thông thường của con người, được thể hiện thông qua các khả năng siêu việt như có thể biến hóa hình dạng, vượt qua không gian và thời gian một cách nhanh chóng và tự do mà không bị bất cứ trở ngại nào, hoặc những năng lực phi thường không bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên, nhận thức của con người. Trong Phật giáo, “thần thông” là thuật ngữ được dịch nghĩa từ chữ Phạn Abhijñā. Nó còn được dịch là “thần thông lực”, “thần lực”. Thần thông là từ gọi cho pháp thuật thần bí đạt được thông qua việc tu thiền định của các bậc Bồ-tát, A-la-hán và đức Phật. [1] Do đó thần thông được hiểu là những năng lực đặc biệt, siêu việt mà các tu sĩ có thể đạt được thông qua thiền định. Thần thông trong Phật giáo thường được biết đến với tên gọi là “lục thông”, nghĩa là sáu loại thần thông, theo Đại Tát-già Ni-kiền tử Sở thuyết Kinh: “Thần thông của Sa-môn Cù-đàm có sáu thứ: 1. Thiên nhãn thông; 2. Thiên nhĩ thông; 3. Tha tâm thông; 4. Túc mạng thông; 5 Như ý thông; 6. Lậu tận thông.” [2] Tương tự theo phần 2 của phẩm 7: Phân biệt trí, quyển 27 A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận thần thông cũng có sáu loại: “1. Thần cảnh trí chứng thông; 2. Thiên nhĩ trí chứng thông; 3. Tha tâm trí chứng thông; 4. Túc trụ tùy niệm trí chứng thông; 5. Thiên nhãn trí chứng thông; 6. Lậu tận trí chứng thông.” [3] Thần túc thông (tiếng Phạn: Ṛddhi, Iddhi; tiếng Pāli: Iddhi-vidhā) còn có một số tên gọi khác như: Thần cảnh trí chứng thông, biến hóa thông, như ý thông; đây là năng lực hiện thân, biến hóa thân hình, đi lại tùy ý một cách tự do, nghĩa là có thể tức thời vượt qua mọi trở cách như núi non sông biển mà không bị bất cứ trở ngại nào về thời gian và không gian. Theo Đại trí độ luận: “Như ý thông có ba loại là: Năng đáo, Chuyển biến và Thánh như ý. Có bốn loại năng đáo: 1. Thân có thể bay như chim, không bị trở ngại; 2. Dời xa lại gần, không đi mà đến; 3. Lặn ở chỗ này hiện ở chỗ kia; 4. Một khi nghĩ đến là có thể tới được nơi cần đến. Chuyển biến là lớn biến thành nhỏ, nhỏ biến thành lớn; một biến thành nhiều, nhiều biến thành một; có thể chuyển biến mọi vật. Chuyển biến của hàng ngoại đạo không quá bảy ngày, chư Phật và đệ tử chuyển biến tự tại, không hạn định lâu mau. Thánh như ý là có thể tác động đến sáu trần bên ngoài, đối với vật bất khả ái, bất tịnh, có thể quán làm cho nó tịnh; vật khả ái thanh tịnh, có thể quán làm cho nó bất tịnh. Phép Thánh như ý này, chỉ riêng có ở Phật.” [4] Thần tích của đức Phật qua góc nhìn của Mâu TửKhi bị hỏi về nơi sinh, nguồn gốc, xuất thân, hành trạng của đức Phật, Mâu Tử đã trả lời và khắc họa cho người nghe một vị đức Phật như thần, thánh toàn năng và đầy huyền thoại qua các sự tích đản sinh, thần thông biến hóa v.v. Sự tích đản sinhNgay từ đoạn mở đầu, Mâu Tử đã cho chúng ta khắc họa rằng việc đức Phật Đản sinh hoàn toàn là sự lựa chọn có chủ đích như thời điểm và địa điểm Đản sinh như: nơi thác sinh ở Thiên Trúc là vì đó là “chỗ trung hòa trong trời đất” [5]. Ngài “mượn hình nơi vợ vua Bạch Tĩnh” [6] và khi “Bà ngủ ngày, mộng thấy cưỡi voi trắng, thân có sáu ngà, hớn hở thích thú, bèn xúc cảm mà có thai.” [7] ‘Sở dĩ Ngài sinh vào tháng tư mùa hạ, đó là lúc không nóng không lạnh, cây cỏ đơm hoa, cởi áo lông chồn, mặc áo thưa mỏng, là tiết trung lữ vậy.” [8] Đến mồng Tám tháng Tư, khi vừa mới chào đời, Ngài đã biết “đặt chân xuống đất, đi bảy bước giơ tay phải lên, nói: “Trên trời dưới trời không có gì hơn Ta!”. Bấy giờ trời đất rung mạnh, trong cung sáng ngời.” [9] Việc chọn lựa nơi sinh, giờ sinh, cũng như hình thức thụ thai và ngay sau khi Đản sinh đã biết đi, biết nói … đã khắc họa cho chúng ta sự một hình ảnh đức Phật huyền diệu, siêu nhiên của Ngài. Đạo hạnh thần thôngNăm mười bảy tuổi, sau khi lấy vợ theo lệnh vua cha, Ngài vẫn giữ đạo hạnh với vợ như “ngồi thì dời chỗ, nằm thì riêng giường.” [10] Nhưng đạo trời mầu nhiệm làm cho âm dương giao cảm và có được một người con trai. Tuy vua cha luôn muốn giữ Ngài ở lại kế thừa ngai vàng bằng nhiều cách như: dựng cung điện, cho kỹ nữ đến hầu hạ, thu hút bằng đồ chơi châu báu, nhưng Ngài không ham thú vui ở đời, chỉ chú tâm vào học đạo đức, vào năm 19 tuổi Ngài đã quyết tâm ra đi tìm đường học đạo để độ thoát chúng sinh vì cho rằng “Muôn vật vô thường, có rồi phải mất. Nay muốn học đạo, độ thoát mười phương” [11] Sau sáu năm tầm đạo thì Ngài thành Phật, và đi hóa độ khắp thiên hạ nhằm cứu vớt giải thoát nhân dân, “kinh do Phật viết gồm đến 12 bộ hợp tám ức bốn ngàn vạn quyển. Quyển lớn vạn lời trở xuống, quyển nhỏ ngàn lời trở lên. Nhân ngày 15 tháng 2 nhập tịch mà đi. Kinh điển và giới luật tiếp tục tồn tại, noi theo mà làm, cũng đạt vô vi, phúc đến đời sau.” [12] Phật là thần, thánhĐể trả lời cho câu hỏi vì sao gọi là Phật? Phật có nghĩa gì? Để trả lời cho các nhân sĩ chống đối Phật giáo đương thời, Mâu Tử đã mượn hình ảnh của các vị thần, thánh mà những Nho sĩ luôn tôn sùng làm cơ sở so sánh. Cụ thể, Mâu Tử đã đáp: “Phật là hiệu thụy vậy, như gọi ba vua thần, năm đế thánh.” [13] Hiệu thụy là một dạng tên hiệu được đặt cho những vị có nhiều công trạng sau khi qua đời, như vua chúa của một nước, một triều đạị hoặc các vị thần hoặc thánh. Còn ba vua thần chính là “Tam Hoàng”, theo truyền thuyết ba vị vua này là thần tiên hoặc nữa thần nữa người có nhiều phép màu, đã giúp dựng lên nhà nước và dân tộc Trung Hoa. Năm đế thánh chính là năm vị vua hiền thánh tiếp nối “Tam Hoàng” trị vì thiên hạ, có nhiều công trạng như khai hóa dân tộc, giúp người dân thoát khỏi tình trạng mông muội. Tam Hoàng, Ngũ Đế chính là vị vua huyền thoại có công khai hóa đất nước và dân tộc như chế ra lửa, chỉ cách xây nhà, may mặc, chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra chữ viết, chế định luật lệ, lễ nghi giúp dân tộc Trung Hoa bước sang nền văn minh nông nghiệp. Vì vậy khi mô tả tên gọi Phật là thụy hiệu của Tam Hoàng, Ngũ Đế đã giúp người đương thời hiểu rằng Phật là danh hiệu của Ngài sau khi nhập diệt, và công trạng của Phật ngang tựa như ba vua thần, năm đế thánh. Còn về việc du nhập của Phật giáo là thông qua sự tích vua Hán Minh Đế như sau: “Xưa hoàng đế Hiếu Minh (58-74sdl) mộng thấy thần nhân, thân có ánh sáng mặt trời bay vào trước điện, bèn hớn hở mừng vui. Hôm sau rộng hỏi quần thần: “Đó là thần gì?” Có thông nhân Phó Nghị nói: “Thần nghe Thiên Trúc có người đắc đạo tên hiệu là Phật, bay trên không trung, thân có tia sáng mặt trời. Có lẽ là vị thần ấy vậy”. Do thế vua hiểu, sai trung lang Thái Hâm, vũ lâm lang trung Tần Cảnh, bác sĩ đệ tử Vương Tuân, tất cả 18 người đến xứ Đại Nguyệt Chi chép kinh Phật 42 chương, cất tại gian 14 nhà đá Lan Đài. Bấy giờ bắt đầu xây chùa Phật ở ngoài cửa Tây Ung thành Lạc Dương, trên tường vẽ ngàn xe, vạn ngựa quanh tháp ba vòng. Lại ở Nam cung, đài Thanh Lương và trên cửa thành Khai Dương tạo tượng Phật. Bấy giờ, Minh đế định sửa xây thọ lăng, gọi là Hiển tiết, cũng tạo tượng vẽ Phật lên trên. Thủa ấy nước giàu, dân yên, mọi xa mộ nghĩa, kẻ học Phật do đấy mà nhiều lên.” [14] Tích này cho chúng ta thấy người đương thời nhận biết đức Phật qua các thần tích vua mơ thấy thần nhân “thân có ánh sáng mặt trời bay vào trước điện”, và bề dưới đáp rằng “Thiên Trúc có người đắc đạo tên hiệu là Phật, bay trên không trung, thân có tia sáng mặt trời. Có lẽ là vị thần ấy vậy”, vì vậy trong tâm thức của những người lúc bấy giờ đức Phật là vị thần có hình tướng phi thường, hơn nữa về tướng mạo thì Ngài còn “có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mình cao trượng sáu, thân đều sắc vàng, đỉnh đầu có nhục kế, má như sư tử, lưỡi che được mặt, tay có ngàn xoáy, cổ sáng chiếu vạn dặm.” [15] Không những vậy, Mâu Tử còn khẳng định rằng Phật là thủy tổ của phép thần thông cũng như đầu mối của các thần linh (nguyên văn chữ Hán “Phật nãi đạo đức chi nguyên tổ佛乃道德之元祖[16]”, khi dịch ra tiếng Việt, Lê Mạnh Thát giữ nguyên cụm từ “đạo đức” và không chú thích gì thêm; tuy nhiên ngoài cái nghĩa là những chuẩn mực xã hội về thiện và ác, về cái được và không được làm cũng như nghĩa vụ phải làm, phẩm hạnh v.v. để điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng; trong tiếng Hán cổ “đạo đức” còn có nghĩa là pháp thuật, công phu tu hành của Đạo sĩ, Tăng sĩ [17], hơn nữa trong những câu tiếp theo của cả đoạn văn đều mô tả về các dạng thần thông biến hóa của đức Phật, do đó chúng tôi đã mạo muội chuyển nghĩa “đạo đức” thành “phép thần thông” cho phù hợp với ngữ cảnh). “Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn được, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy.” [18] Qua đoạn văn trên Mâu Tử đã cho chúng ta biết thêm đức Phật chính là đấng giác ngộ, có được các phép thần thông biến hóa như “Năng đáo”, “Chuyển biến” của Như ý thông được mô tả trong Đại trí độ luận. Năng đáo của đức Phật“Năng đáo” được thể hiện qua các hình ảnh của đức Phật như: “muốn đi thì bay” là phép thần thông có thể bay như chim, không bị bất kỳ cản trở nào. “Ẩn được hiện được”, “hoặc còn hoặc mất” là thần lực giúp Ngài có thể hiển hiện hoặc ẩn thân ở bất cứ nơi nào mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Những điều này chính là năng lực huyền diệu giúp đức Phật có thể hiện thân hoặc ẩn hình nhanh chóng, biến hóa thân hình tùy ý, đi lại di chuyển tức thời một cách tự do. Chuyển biến của đức PhậtPhép lạ “Chuyển biến” được thể hiện qua các tình tiết như: “phân thân tán thể” là khả năng giúp Ngài biến một thành nhiều hoặc ngược lại; “nhỏ được lớn được” cũng là khả năng biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành lớn;“tròn được vuông được, già được trẻ được” là phép thuật chuyển biến mọi vật như ngoại hình của con người và các đồ vật v.v. Ngoài ra, “đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc” cũng là thuật chuyển biến đồ vật từ ngọn lửa gây bỏng, lưỡi dao bén có thể gây hại thân thể thành vô hại hoặc được hiểu rằng Ngài có thần lực hộ thân, không có bất cứ vật gì có thể gây tổn hại đến thân thể. Kết luậnTrong quá trình hình thành và phát triển của đạo Phật, hình tượng đức Phật không ngừng được thần thánh hóa, từ một con người có thật trong lịch sử như Phật giáo Nguyên thủy, sang thời kỳ Phật giáo Bộ phái Ngài đã không ngừng được thần hóa, và cho tới giai đoạn Phật giáo Đại thừa, hình tượng đức Phật thật sự đã trở thành đấng thần linh có đầy đủ các loại thần thông, điển hình là “lục thông”. Nhưng qua những nội dung mô tả trong Lý hoặc luận, chúng ta chưa thấy được sự mô tả năm thần thông khác ngoài “Như ý thông”, và nhất là “Lậu tận thông” – loại thần thông riêng có của Phật giáo nói chung và đức Phật nói riêng. Ngay cả phép “Thánh như ý” riêng có của đức Phật trong “Như ý thông” cũng chưa thấy Mâu Tử đề cập. Điều này có lẽ vì hoàn cảnh lịch sử cũng như giới hạn về tiếp cận kinh điển của thời kỳ Phật giáo sơ truyền, vì vậy Mâu Tử chưa thể tìm hiểu và trình bày một cách tường tận những thần thông đó. Qua sự mô tả về hình ảnh đức Phật nêu trên của Mâu Tử cũng cho chúng ta thấy rằng khía cạnh tôn giáo và chiến lược truyền giáo của tăng sĩ lúc bấy giờ là tiếp cận theo chiến lược dân dã, họ truyền bá hình ảnh đức Phật siêu nhiên có các phép lạ, mầu nhiệm, nhằm thu hút tín đồ mộ đạo từng tầng lớp đại đa số quần chúng nhân dân, chứ không phải thông qua các triết lý Phật học sâu xa chỉ có thể dành cho giới tinh hoa trí thức lúc bấy giờ.
Tác giả: Lin Vĩ Tuấn *** Chú thích:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |