Niết Bàn Trong Lòng Sanh Tử
21:46:00 - 14/09/2013
(PGNĐ) - Ngày xưa ông đã từng khổ đau, khổ đau vì tình cảm, khổ đau vì vật chất, khổ đau vì danh vọng, nhưng sau đó ông nhận ra một điều nếu không kẹt vào tình cảm thì khổ đau không còn, không kẹt vào vật chất thì khổ đau không còn, không kẹt vào danh vọng thì khổ đau không còn. Nhờ khổ đau mà ông khám phá ra con đường hạnh phúc, cho nên khổ đau có thể nói là chất liệu làm nên hạnh phúc. Ông biết ơn khổ đau.
Chiếc là xanh mơn mởn vừa mới nhú lên từ cành cây vẫn còn non. Một giọt sương trong vắt đậu trên vai chiếc lá. Chiếc lá không xua đuổi giọt sương vì nó biết giọt sương cũng sẽ tự tan đi. Mặt trời vừa lên, từng tia nắng ấp áp ôm lấy vạn vật. Giọt sương biết mình sắp chết và chiếc lá biết mình sắp chia tay giọt sương. Hơi nóng lan tỏa, giọt sương bay lên cao trong hình dáng của hơi nước. Trước khi đi vào không gian bao la, giọt sương vẫy chào chiếc lá, Tạm biệt nhé, bạn thân yêu, cám ơn bạn cho mình nương tựa. Chiếc lá nhìn theo giọt sương bay đi nhưng nó không buồn vì nó biết giọt sương đã được tiếp nối và sáng sớm mai, nó sẽ làm bạn với giọt sương khác. Vài tháng sau, chiếc lá xanh mướt ngả sang màu vàng, sự bám víu vào cành cây yếu dần. Chiếc lá biết nó sắp chết, nó sắp được tiếp nối như giọt sương.
Buổi chiều, một cơn gió nhẹ thoảng qua, chiếc lá lìa cành, rơi nhẹ nhàng trên mặt đất. Chiếc lá không sợ hãi vì đã sống trên cành đủ lâu. Nó đã có khoảng thời gian bình an khi còn ở trên cây và giờ đây nằm trên mặt đất, nó bỗng chốc vẫn thấy bình an, nó bình an trong sự tiếp nối, nó đang trở về mặt đất, nơi nương tựa mới của nó. Từng hạt mưa rơi trên sườn núi. Các giọt mưa kết tinh lại thành dòng suối mát trong. Suối róc rách chảy trong những khe núi. Nước từ trong khe núi được gọi là nước trong nguồn, chảy ra từ nơi không ô nhiễm, nên trong trắng và tươi mát. Theo quy luật, nước chảy từ cao xuống thấp. Nước cứ đi như vậy, không dừng lại một chỗ, nó chảy qua những khu rừng trên cao, rồi ra dòng thác đổ xuống sông. Từ xa nhìn nước trắng xóa, chảy xuống những phiến đá. Khói sương bốc ra đẹp như chốn thần tiên. Ra đến sông, làn nước không thương nhớ con suối vì nó trở nên thênh thang hơn, dòng sông thênh thang hơn. Mọi thứ đều mừng vui vì sự góp mặt của dòng suối. Nước từ nguồn suối cao, nước từ lòng đất sâu, đều đi ra sông.
Những con cá bơi tung tăng đủ màu sắc, vài chiếc ghe chở hoa ngược xuôi vào mỗi buổi sáng. Hạt mưa không còn ở trên trời cao, không còn ở suối trong khe nguồn, hạt mưa đã trưởng thành, hạt mưa đã là dòng sông. Hạt mưa không thấy mình chết đi cũng không thấy mình sinh ra, hạt mưa chỉ đi trong tiến trình sự sống của nó. Nó chỉ biết lúc thì là hạt mưa, lúc thì là dòng suối, lúc thì là con sông, nó mừng vui vì có nhiều sự thay đổi như vậy. Và rồi dòng sông của ngày hôm nay không còn là dòng sông của ngày hôm qua nữa. Dòng sông trôi ra biển cả, nhìn thấy bầu trời xanh, lúc này hạt mưa nhỏ bé đã trở nên vĩ đại, đã trở thành dòng sông. Hạt mưa mừng vui nên biển cả cũng mừng vui. Nó mừng vui trong mọi hoàn cảnh, nó không sợ hãi khi bản thân không còn là hạt mưa nữa, nó đã là biển cả rồi, trong biển cả nó thấy mình là hạt mưa. Con gà mái trong vườn kêu cục ta cục tác, một hồi sau nó sinh ra quá trứng. Quả trứng trông đẹp đẽ, nhỏ bé nhưng mầu nhiệm. Ngày nào nó cũng ngồi ấp trứng, làm cho quả trứng ấm áp. Nó biết sự tiếp nối của nó đang nằm trong quả trứng đó. Vài tuần lễ sau, quả trứng nở ra thành gà con. Gà con nhỏ xíu, kêu chim chip rất dễ thương. Gà mẹ đi kiếm đồ ăn về mớm cho con. Con chó con mèo nào mà tới gần gà con, gà mẹ xù lông lên. Có con diều hâu nào bay tới gần, gà mẹ giang rộng đôi cánh che chở cho gà con. Gà con lớn lên, tự đi kiếm ăn, tự bảo vệ trước kẻ thù thì cũng là lúc gà mẹ già đi, nhưng gà mẹ không có buồn lòng, nó biết nó đã có sự tiếp nối. Gà con ra đời tiếp nối cho gà mẹ và gà mẹ ra đi là chuyện đương nhiên nhưng gà mẹ đâu có chết, gà mẹ vẫn ở trong gà con đó thôi. Một ngày nó ra đi thiệt, nhưng nó vui lắm, nó không có chút sợ hãi nào, nó chỉ thầm mong con của nó đi tiếp con đường. Đứa trẻ chạy ra vườn sen chơi đùa. Nó ngắt một đóa sen rồi đưa lên mũi ngửi. Mọi người đang hái sen. Mọi thứ của sen đều có thể sử dụng được. Cánh sen chưng trên bàn thờ Phật, hạt sen nấu chè rất ngon, lá sen dùng để gói thức ăn. Sen mọc lên từ bùn nhơ. Bùn xấu xí vậy đó, dơ bẩn vậy đó mà sinh ra một thứ sen đẹp đẽ và diệu kì. Hoa sen mọc nhô lên hẳn mặt bùn và không dính một chút bùn nào. Nếu có vết bùn nào văng lên thì nó cũng chảy xuống, nhường chỗ cho sự trinh trắng của cánh sen. Phải nói sen đẹp là nhờ bùn nhơ. Không thể trồng sen trên mặt đất khô cằn, trên cát hay trên nền xi măng. Phải có bùn thì mới có sen được. Biết vậy, sen rất biết ơn bùn, bùn dơ nhưng nó không ghét bùn, bùn đen đủi nhưng nó không xua đuổi bùn, nó vẫn sống chung với bùn đấy thôi, bùn đang nuôi dưỡng nó và nó sống trong lòng của bùn. Sen đẹp là nhờ có bùn nhơ. Đôi khi sen nghĩ nhiều khi bùn hi sinh, bùn cống hiến, bùn ban tặng cho sen vẻ đẹp mà đáng lẽ bùn phải có, nên trong sen có bùn. Sen đẹp thì bùn cũng đẹp vì bùn là tinh túy của sen, không có bùn, sen đã chết từ lâu, nên sen chọn sống trong bùn. Bùn hôi tanh nhưng cái hôi tanh này làm nên sự sống. Sen không chút sợ hãi bùn, sống trong bùn, sen vẫn bình an. Vị tu sĩ đi vào chợ mua ít thức ăn. Số là hôm nay có người nhà đến thăm, ông ra chợ mua rau, củ, đậu phụ, dưa giá về làm vài món đãi người thân. Trong chợ ồn lắm nhưng ông vẫn im lặng. Mọi người đang hối hả, tất bật nhưng ông vẫn đi nhẹ nhàng, không vội vã gì. Ai nói gì thì nói, ai làm gì thì làm, ông vẫn con đường mình mình đi. Một chiếc xe chạy bắn nước vào chiếc áo tràng của ông, ông dùng tay phủi vết nước rồi lại đi chợ tiếp. Đi ngang qua quầy bán thịt cá, mùi tanh nồng nặc xông vào mũi, ông vẫn thản nhiên. Đến chỗ người ta cãi vã, ông cầu nguyện cho họ mau chóng được hòa giải, biết yêu thương nhau.
Mua đủ đồ dùng, ông đi về chùa. Trên đường về, một đám tang có tiếng cò tây vang lên, ông mong cho người chết được mau chóng siêu thoát. Bữa cơm hôm đó khá ấm cúng, người thân kể mấy chuyện khổ đau của họ, nào là chuyện nhà cửa, chuyện tiền bạc, chuyện ăn học của con cái, chuyện danh lợi địa vị. Ông ngồi nghe bằng tấm lòng thông cảm. Ông biết mình có may mắn, có con đường để đi, không bị dính mắc, không bị trôi lăn. Ông vẫn sống giữa chốn phồn hoa đô hội, vẫn đi chợ, vẫn tiếp xúc với mọi người, nhưng những bon chen và kỳ vọng đã chấm dứt. Do chấm dứt nên ông bình an, bình an như chiếc lá, như giọt sương, như hạt mưa, biết đến và biết đi. Ông tiếp xúc với hạnh phúc trong giây phút hiện tại vì đã buông bỏ. Ngày xưa ông đã từng khổ đau, khổ đau vì tình cảm, khổ đau vì vật chất, khổ đau vì danh vọng, nhưng sau đó ông nhận ra một điều nếu không kẹt vào tình cảm thì khổ đau không còn, không kẹt vào vật chất thì khổ đau không còn, không kẹt vào danh vọng thì khổ đau không còn. Nhờ khổ đau mà ông khám phá ra con đường hạnh phúc, cho nên khổ đau có thể nói là chất liệu làm nên hạnh phúc. Ông biết ơn khổ đau. Hạt mưa trong lòng đám mây Lá cây trong lòng mặt đất Thế gian có gì được mất Như người hành khất tha phương. Bồ đề trong lòng phiền não Đường đạo trong lòng cuộc đời Thảnh thơi trong bao lận đận Đêm ngày cần mẫn tâm tu. Hạnh phúc trong lòng khổ đau Mắt thương thấy đạo nhiệm mầu Niết bàn trong lòng sinh tử Bao nhiêu đường dữ cũng qua Đàm Linh Thất
Nguồn: vuonhoaphatgiao.com
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|