Chi tiết tin tức

Nội hàm chúng diệu, ngoại ứng quyền cơ

12:05:00 - 16/12/2015
(PGNĐ) -  Thành hội Phật giáo TP.HCM được thành lập sớm nhất so với các tỉnh, thành khác, sau khi Đại hội Phật giáo toàn quốc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), năm 1981.

Trong suốt thời gian dài, Phật giáo thành phố chưa tổ chức được khóa bồi dưỡng trụ trì, vì cần phải có thời gian để ổn định lại sinh hoạt tu học của Tăng Ni, tự viện. Thật vậy, ở TP.HCM, khi GHPGVN mới thành lập, Tăng Ni tập trung quá đông, tự viện quá nhiều. Riêng miền Nam có 8 tập đoàn Phật giáo đều có trụ sở Trung ương tại TP.HCM. 

HT.Thich Tri Quang.JPG
HT.Thích Trí Quảng

Thành hội Phật giáo đã cố gắng tập hợp Tăng Ni và kiểm tra tự viện để quản lý. Công tác này rất nặng, cần có thời gian để ổn định. Hơn nữa, việc thống nhất và điều hợp được sinh hoạt của các hệ phái Phật giáo khác nhau là điều không đơn giản.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, phải trải qua thời gian dài, Phật giáo thành phố chúng ta mới thống kê gần đầy đủ, có trên 1.000 ngôi chùa trong toàn TP.HCM, gồm các tự viện đã gia nhập Giáo hội và những tự viện nằm ngoài sự quản lý của Giáo hội. Đồng thời, Ban Tăng sự GHPGVN TP cũng đã thống kê tất cả Tăng Ni tu học trong thành phố, gồm Tăng Ni hợp pháp và chưa hợp pháp.

Chính vì những lý do nói trên, Ban Tăng sự thành phố, chưa có điều kiện để tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì cho Tăng Ni TP.HCM. Tuy nhiên, khóa trụ trì đầu tiên của TP.HCM năm nay đã có Tăng Ni tham dự đông đảo, cũng là điều đáng khích lệ. Chúng tôi mong rằng tuy thời gian học ngắn, quý vị cũng cảm thông được với nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm tu tập, cũng như hoằng pháp lợi sanh.

Khóa học này chia thành nhiều mảng, có đặc thù riêng về quản lý Tăng Ni, tự viện, về sinh hoạt Thiền môn và về giới luật, đó là ba phần chính yếu.

Sau buổi học, có phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Qua đó, có thể thuyết trình viên chưa nắm được một số vấn đề thực tiễn, nhưng nhờ các vị học viên đóng góp ý kiến mà vấn đề được sáng ra. Tôi hy vọng quý vị sẽ học được những điều quý báu để áp dụng trong việc tu học, cũng như trụ trì tự viện.

Tôi được phân công đề tài Vai trò của Thầy trụ trì trong giai đoạn hiện tại. Điều này cần hiểu thêm rằng vai trò của Thầy trụ trì trong các thời đại có thể khác nhau, nếu chúng ta chia ra thời kỳ thần quyền, hay thời kỳ nguyên thủy, tiến lên thời kỳ quân quyền và nay là thời kỳ dân quyền, đặc biệt ở nước chúng ta thuộc xã hội chủ nghĩa.

Ở thời đại chúng ta, quyền của người dân được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, các nước trên thế giới có thể chia làm ba nhóm sinh hoạt khác nhau, một là các nước tư bản, hai là các nước không liên kết và ba là các nước thuộc xã hội chủ nghĩa.

Riêng đối với Phật giáo Việt Nam, chúng ta sinh hoạt trong thời hiện đại, chủ yếu là ở xã hội chủ nghĩa, làm sao chúng ta tồn tại và phát triển được.

Thực tế cho thấy Phật giáo có lúc thạnh, lúc suy và khi chúng ta giữ vai trò trụ trì, tức phụ trách cơ sở Phật giáo, thì trách nhiệm của chúng ta trong việc thạnh, suy như thế nào.

Nghiên cứu lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy trong thời Chánh pháp, hay thời Phật tại thế, không phải không có hiện tượng suy đồi làm Phật giáo đi xuống. Quan sát hiện tượng khiến Phật giáo suy vi để chúng ta cân nhắc và tránh đi. Hiện tượng đó là gì. Nói cách nào đó, Tăng Ni thiếu tu, vì đời sống phạm hạnh của chúng ta được đặt lên hàng đầu. Nhưng ở thời kỳ Phật giáo hưng thạnh nhất, mầm mống suy đồi là vì Tăng Ni mất phạm hạnh, nên người tu bị xã hội chi phối, bị vật chất chi phối.

Lịch sử cho thấy điều này, trong thời Phật tại thế, có nhóm xuất gia gây rối, gọi là lục quần Tỳ-kheo, hay rải rác ở chỗ này chỗ kia, đã có những tu sĩ chỉ nghĩ đến quyền lợi, đánh mất phạm hạnh và giải thoát, làm cho Phật giáo suy đồi, mặc dù có Phật tại thế. Nhưng dù sao, còn có Phật, việc tu hành cũng dễ dàng được ổn định, nên gọi đó là thời Chánh pháp, tức có nhiều người tu sống phạm hạnh.

Nhưng đến thời kỳ kế tiếp là thời quân chủ, quyền hạn tập trung vào vua chúa. Bấy giờ, Phật giáo vẫn tồn tại, nhưng có khác thời kỳ đầu, Tỳ-kheo tu hành nghiêm túc, chỉ có ba y, một bát thôi.

Thật vậy, ở thời kỳ quân chủ, sinh hoạt xã hội hoàn toàn đổi khác, vì được vua chúa ủng hộ, thì người tu lại có trách nhiệm với xã hội và vua chúa. Vì vậy, vấn đề được đặt ra là mối quan hệ giữa Tăng Ni và Phật tử, giữa Tăng Ni và chính quyền để thỏa hiệp, tồn tại.

Lúc đó, nếu Tăng Ni có trình độ tu chứng, hay Nội minh, thấy được mối quan hệ giữa ta và xã hội, giữa ta và chính quyền, giữa ta và Phật tử và nếu giải quyết hợp lý, thì Phật giáo tồn tại và phát triển.

Phải nói thời kỳ Phật giáo được vua chúa bảo hộ, thậm chí nâng lên quốc giáo, thì trách nhiệm của tu sĩ càng lớn hơn. Thật vậy, ở Trung Hoa, vào thời vua Lương Võ Đế, vua Đường Thái Tông, vua Tống Nhân Tông, hay vua Khang Hy, Càn Long, Phật giáo được Nhà nước bảo hộ, coi là quốc giáo, dù Trung Hoa đã có truyền thống đạo Lão, đạo Nho.

Nhưng Lão giáo và Nho giáo phải nép một bên, để Phật giáo lên quốc giáo, vì thời bấy giờ, chư Tăng đạt Nội minh cao tột, thông cả tam giáo. Chư Tăng vừa hiểu rõ cốt tủy đạo Phật và cả đạo Lão, đạo Nho, đặc biệt là kết hợp lại, Phật giáo đóng vai trò cao nhất. Nổi tiếng nhất ở thời kỳ này là Thanh Lương đại sư, Trí Giả đại sư, Huyền Trang pháp sư là các vị cao tăng. Các vị này thông cả tam giáo, dựng lên tư tưởng mới gọi là Tam giáo đồng nguyên, vì các ngài đã thông suốt và kết hợp được Nho giáo, Lão giáo đưa vào đạo Phật.

Có điểm đặc biệt là thời Lục tổ Huệ Năng, ngài là nhà sư không có học, không biết chữ, không đọc được sách, nhưng về Nội minh tu chứng bên trong, ngài đạt đến độ cao, là điều mà chúng ta mơ ước. Ngài không đọc được sách, nhưng bất cứ tác phẩm nào đọc cho ngài nghe, ngài có thể giải thích nghĩa lý tường tận. Đó là Nội minh, sự tu chứng  quan trọng, tức trí tuệ do thể nghiệm giới, định, huệ đến độ cao nhất. Khi huệ được khai rồi, có thể tổng nhiếp tất cả các pháp. Huệ chưa khai, chúng ta còn mắc kẹt nhiều thứ lắm.

Theo tôi, Tăng Ni phải học, nhưng việc tu hành cho đạt được trí tuệ phải được đặt lên hàng đầu. Nếu tam vô lậu học mà không học, thì tất cả các pháp khác, chúng ta dễ mắc kẹt, đi vào thế gian sẽ kẹt thế gian, đi vào việc tu hành, cũng bị vướng mắc, không thể giải quyết cho bản thân ta, nói gì làm được cho người.

Tôi nhớ có Hòa thượng Đức Thanh, hay còn có tên là Hư Vân sống đến 120 tuổi, tức ngài hành đạo tự tại, trải qua thời nhà Thanh, đến thời Tôn Dật Tiên và đến thời Mao Trạch Đông. Đó là nhờ Nội minh tu chứng, hay trí tuệ của ngài.

Đọc lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tôi thấy điểm đặc biệt mà ta cần học ở ngài. Các kinh điển được ngài giải thích theo kiểu mới, để thích hợp với thời nhà Thanh, thích hợp thời Tôn Dật Tiên và sau cùng cũng thích hợp với thời Mao Trạch Đông.

Thiết nghĩ với Nội minh mà chúng ta tu chứng được, chắc chắn sẽ hành xử thích ứng với tất cả mọi hoàn cảnh. Thật vậy, ngài Hư Vân dạy rằng một vị trụ trì tự viện, điều quan trọng là: “Nội hàm chúng diệu. Ngoại ứng quyền cơ”. Còn Nội hàm không có, bên ngoài không làm được gì.

Vấn đề nội bộ của chúng ta rất quan trọng. Tôi làm được một số việc, nhờ Tăng Ni, Phật tử thương, hợp tác với tôi. Nếu các vị không ủng hộ, dù có ba đầu, sáu tay, tôi cũng không làm được.

Làm được việc, ngài nói nhờ Nội hàm. Chúng ta ở chùa được đại chúng thương quý, mới nói đến việc đối ngoại.

 

anh dep.jpg

đối nội là từ tâm của chúng ta an lạc, giải thoát thực sự; bấy giờ mối liên kết giữa ta với đại chúng là một, đó là điều quan trọng.

Tôi nhớ khi còn là học tăng ở Ấn Quang, đời sống tuy đạm bạc, nhưng chư tăng khắp nơi về đó sống, tu được. Đó là nhờ Hòa thượng Thiện Hòa trụ trì. Ngài rất hiền lành, không rầy la, nhưng đặc biệt, chúng rất thương ngài. Không phải sợ ngài la, nhưng sợ ngài buồn, ngài lo, không muốn để thầy buồn, không muốn để thầy lo, vì thầy lo nhiều quá rồi. Vì đại chúng thương và quý Hòa thượng, nên chúng tôi chịu được kham khổ, đời sống vật chất tuy thiếu thốn, nhưng tình người, tình đạo không thiếu, là chất liệu gắn kết chúng tôi cùng sống, cùng tu chung thời đó.

Trong chùa mà đại chúng lộn xộn, đừng nói làm gì khác cho mất công, vì tất cả sẽ bị đổ vỡ. Làm trụ trì, cần phải suy nghĩ điều này.

Tôi sang Hàn Quốc, gặp Hòa thượng Bồ Thành. Ngài nói với tôi rằng muốn làm trụ trì, phải có tâm, có cái bụng như Bồ-tát Di Lặc. Bụng lép xẹp không chứa được ai. Mở lòng chúng ta rộng bao nhiêu, đại chúng được thu nhiếp bấy nhiêu.

Sở dĩ ngài Di Lặc được như thế, nhờ ngài siêng năng tu tập Từ tâm tam muội. Đương nhiên có nhiều tam muội, nhưng Di Lặc có đặc biệt là Từ tâm tam muội, nghĩa là ở bất cứ tình huống nào, ngài cũng tươi vui.

Nói đến Di Lặc gợi tôi nhớ Hòa thượng Thiện Hoa. Làm đạo trong hoàn cảnh khó nhất, ngài vẫn mỉm cười. Mỗi khi gặp việc khó, nan giải, tôi thường nhớ đến Hòa thượng Thiện Hoa và nhớ đến Bồ-tát Di Lặc.

Có cái bụng Di Lặc, thì nhiếp chúng được. Vị trụ trì phải có tâm rộng, không phải rộng ở hình thức, ở bề mặt bên ngoài, nhưng từ thâm tâm sâu kín tận đáy lòng, nghĩa là từ chánh định. Còn chúng ta học và làm theo là giả dối.

Bồ-tát Di Lặc thực tập chánh định là việc chính yếu, nên ngài chứng được Từ tâm tam muội, đó là Nội minh. Chỉ đắc một tam muội như vậy đã nhiếp được đại chúng.

Phật Thích Ca nói Bồ-tát Di Lặc đủ điều kiện làm Phật, vì đã nhiếp được đại chúng, nhưng vì chúng chưa thuần thục, nên ngài chưa làm Phật. Ngài phải dùng tâm đó để cảm hóa chúng thuần thục lần.

Nhiếp chúng bằng cách nào. Chính từ tâm đó ảnh hưởng đại chúng, khiến họ tự tu, tự sửa lần, cho đến khi họ hoàn thiện. Vì vậy, khi đại chúng chưa đạt tâm chứng giải thoát Nội minh, mà tập hợp họ lại là sẽ có vấn đề nữa.

Trên bước đường tu, khi tâm chúng ta đạt được Từ tâm tam muội, tức là có nội hàm, thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Nói cách khác, cuộc sống chúng ta thể hiện rõ nét nội tâm mình. Vì vậy, chúng ta nói thương chúng, nhưng tình thương đó phát xuất từ vọng tưởng điên đảo, không phải từ nội tâm thực sự, thì cũng chẳng có tác dụng tốt đẹp nào đối với chúng. Quý thầy trụ trì nên nghĩ lý này. Nếu thương chúng sanh thiệt, chúng ta chưa làm gì, người cũng thương quý chúng ta.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, nếu một vị trụ trì cất thảo am, rồi tiến lên chùa và tập hợp chúng cùng tu, như vậy tương đối ổn. Nhưng vị trụ trì qua đời, vị kế nghiệp lên, vấn đề liền được đặt ra. Các thầy đang trụ trì tổ đình, hay chuẩn bị làm trụ trì sẽ thấy rõ điều này. Khi chùa được xây dựng, đại chúng tập hợp tới, vì họ có nhân duyên, hay thương ta mà tìm đến học với ta. Như vậy thì khó, nhưng thành dễ.

Thật vậy, cuộc đời hành đạo của các vị Tổ khai sơn đã thể hiện rõ nét điều này. Gần chúng ta là Tổ Thiên Thai ở Bà Rịa. Vị Tổ này chuyên tu trong hang đá. Ngài quán sát nội tâm, đạt đến  giải thoát, giác ngộ. Lúc đó, ngài làm hai câu thơ:

Tá thạch vi tường, Thục Thức lão Tăng cùng đáo để

Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương.

Đạt đến đại đạo lạc vô cương, trở thành lẽ sống của ngài, thì sống với tu chứng đó, gọi là ngộ đạo. Và từ sự ngộ đạo này, các học tăng quyết lòng tu hành, đều tìm đến Tổ. Họ cuốc đất, trồng khoai, làm ruộng, rất cực khổ, nhưng đều một lòng một dạ với Tổ.

Nhưng đến khi chùa trở thành tổ đình, bắt đầu thành lập Ban Thừa kế. Bấy giờ, nói cách nào đó, khó thoát khỏi sự tranh chấp. Vị nào trụ trì tổ đình đều có kinh nghiệm này.

Lúc trước, người tới với ta, vì họ có tấm lòng với ta, nhưng nay họ ở chùa, lại tranh chấp với ta, họ không cùng chung tấm lòng với ta nữa, nên họ nghĩ thế này thế kia, mà ta thường nói là chín người mười ý. Đến tình trạng này, chỉ còn cách xách gói đi thôi.

Thực tế cho thấy trụ trì chùa càng lớn càng khó. Vào ở tổ đình không đơn giản, vì có tranh chấp. Tại sao tranh chấp. Vì những người ở đó, thấy sự nghiệp vật chất quan trọng hơn là tu chứng.

Nội hàm là tìm được người nhiếp chúng rất khó. Hóa giải được tất cả những mâu thuẫn, gút mắc giữa đại chúng với nhau là vấn đề nan giải nhất của vị trụ trì. Và đại chúng theo mình là việc đối ngoại, thầy trụ trì phải “Ngoại ứng quyền cơ”, bằng cách lấy bất biến ứng vạn biến, nghĩa là ứng vào lòng người, ứng vào thời đại, để phát triển được sinh hoạt đạo pháp.

Và khi đại chúng hết lòng với ta, mới có thể ứng phó với bên ngoài được. Ngài Đức Thanh trụ trì chùa Nam Hoa của Tổ Huệ Năng vào thời kỳ Dân quốc. Thời này, chùa suy sụp, vì trong chùa, chư Tăng thấy có ruộng đất, tiền của, quyền lợi nhiều, tha hồ mà dùng. Sống với khối lượng vật chất đồ sộ này, mới nghĩ làm sao mình nắm được quyền hành để hưởng lợi.

Tu sĩ ở chùa nghĩ hưởng lợi, thì dân bên ngoài cũng nhắm vô việc hưởng lợi của chùa. Họ nói các thầy tu không làm gì, nhưng hưởng nhiều, vì chùa có nhiều ruộng, cho người ta làm, rồi họ đóng tô cho chùa. Chùa mới có sẵn lúa gạo ăn.

Trước tình trạng đó, ngài Hư Vân đã nhận thấy triệu chứng Phật giáo suy đồi, nếu không chấn chỉnh kịp thời. Ngài chủ trương đưa chư Tăng ra làm việc với nông dân. Điều này thể hiện tinh thần “Ứng quyền cơ”, vì ngài biết rõ Mao Trạch Đông lên cầm quyền, mà chùa chiền bị quần chúng chống đối, làm sao tồn tại.

Bấy giờ, người dân cho rằng chư Tăng chẳng làm được gì. Họ nghĩ như vậy, quả là nguy hiểm cho người tu. Ngài Hư Vân mới đích thân làm ruộng, dù lúc đó ngài đã 90 tuổi. Trong thời kỳ đó, chư Tăng trên một triệu người, nhưng khi Mao Trạch Đông lên, thì Tăng sĩ chỉ còn mấy vạn và dân bắt đầu chiếm chùa, chia phòng ở chùa và chiếm ruộng đất của chùa. Các thầy chỉ còn cách hoàn tục.

Từ chỗ Phật giáo thịnh đưa đến suy sụp, vì chư Tăng không sống thích hợp với xã hội, nên không thể tồn tại. Vì vậy, “Ứng quyền cơ” là quan trọng, tức phải thích hợp với xã hội, quần chúng chấp nhận, thương ta được, thì chính quyền phải chấp nhận ta.

Trong lúc chư Tăng hoàn tục, nhưng ngài Hư Vân lại được Mao Trạch Đông mời về Bắc Kinh thành lập Phật giáo Trung Quốc. Đó là vì ngài biết ứng quyền cơ, nghĩa là ngài có nội minh sáng bên trong, nên biết thời cuộc bên ngoài như vậy, thì phải có cách sống thích nghi, mới tồn tại. Nếu cứ nghĩ rằng ta là sư thì phải như vầy vầy mới được, chắc chắn không thể tồn tại. Xã hội thế này, quần chúng thế này, nhưng mình nói khác, làm khác, ai chấp nhận mình.

Thực tế cũng cho thấy khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, sang Việt Nam, Phật giáo Nguyên thủy đã đến trước, nhưng không phát triển, vì không thích nghi với phong tục, tập quán của người Trung Hoa, người Việt Nam, nên không được tiếp nhận.

Nhưng Phật giáo Đại thừa truyền qua Trung Hoa và Việt Nam, thì Phật giáo mới phát triển, vì thích nghi với xã hội. Thật vậy, Phật giáo Nguyên thủy thực hiện việc khất thực là chính, nhưng việc này không thích hợp với xã hội Trung Hoa, nên không tồn tại.

 

 

trutri 1.JPG
Lễ bế giảng khóa bồi dưỡng trụ trì tại TP.HCM - năm 2015

 

Chúng ta còn nhớ ở Việt Nam, ngài Khương Tăng Hội là vị Tổ của Phật giáo Việt Nam. Ngài nói rằng cơ duyên đã tới, phải sang Trung Hoa truyền đạo. Ngài cũng biết rõ ở Trung Hoa thời bấy giờ, vua chúa còn đang kính nể các ông Đạo giáo có thần thông biến hóa và xem tinh tú đoán thời cuộc.

Trong khi ngài Khương Tăng Hội có nội minh là chính, nghĩa là tâm ngài sáng, có thể biết tất cả mọi việc sẽ diễn ra, mà không phải bói toán, hay mê tín. Trí tuệ soi sáng, ngài biết lòng người, biết thời cuộc, nên khéo ứng quyền cơ, khéo vận dụng các pháp thích hợp lòng người.

Ngài Khương Tăng Hội sang Trung Hoa, mang hình thức thầy tu, lúc đó, họ gọi ngài là rợ Hồ, nghĩa là man rợ, không có văn hóa. Tương truyền ngài đi sang Trung Hoa trên chiếc nón lá. Vào đầu Công nguyên, ngài đã đến Thượng Hải là thủ đô thuộc quyền lãnh đạo của vua Ngô Tôn Quyền. Ông này cai trị đất Giao Châu, tức nước ta ngày xưa. Ông đã cho mời ngài Khương Tăng Hội sang Thượng Hải. Với nội minh tu chứng, ngài biết Ngô Tôn Quyền là người có căn lành và có nhân duyên với ngài, nên đến đó hành đạo. Còn chúng ta chưa có nội minh, việc làm dễ thất bại.

Xưa kia, sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài nhận thấy năm anh em Kiều Trần Như thật tâm cầu đạo, Ngài mới đến giáo hóa họ đắc quả vị A-la-hán. Sau đó, Phật mới tới thôn Ưu-lầu-tần-loa độ ba anh em Ca Diếp. Mọi người nghĩ rằng Sa-môn Cù Đàm đến đó là thí mạng, vì Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp làm giáo chủ một tu viện lớn có đến năm trăm tu sĩ, ở đó ông nuôi toàn rắn hổ mang và luyện bùa chú để sát hại người.

Với nội minh cao tột của một bậc đại giác, Đức Phật biết rõ mặc dù những người ngoại đạo này khao khát giải thoát, nhưng lại rơi vào đường tà và đặc biệt họ có nhân duyên với Phật. Vì vậy, Ngài đã đến đó độ họ, chỉ trong một đêm, Phật đã cảm hóa được ba anh em Ca Diếp và năm trăm đệ tử của họ, xuất gia theo Ngài.

Phật dạy rằng trên bước đường tu, chúng ta phải thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Như Lai. Nếu về trụ trì, nhưng không thấy nhân duyên giữa ta và chùa, giữa ta và quần chúng, mà vô đó, chỉ có tranh chấp là tự sát. Các vị trụ trì nên suy nghĩ xem mình đến, họ trải chiếu rước, hay họ bỏ đói. Chỗ làm đạo không thích hợp, chúng ta tránh, chỗ làm được thì tới.

Nội minh tu chứng bên trong cao dày, dễ dàng cảm hóa bên ngoài. Đức Phật đã thể hiện lý này và Khương Tăng Hội cũng được như vậy, vì thấy Ngô Tôn Quyền có duyên với ngài, nên ngài đến đó làm đạo. Ngô Tôn Quyền đặt nhiều câu hỏi với ngài và ngài đã nói tiếng Trung Hoa thông thạo đến mức họ phải kính sợ. Đây là điều mà người làm trụ trì phải suy nghĩ.

Nhớ lại xưa kia, Tổ Tông Viên Quang đến chùa Giác Lâm. Người hỏi đạo đầu tiên là ông Tổng trấn Gia Định Trịnh Hoài Đức. Tổ đã trả lời thông suốt, khai thị cho ông sáng tỏ nhiều gút mắc, khiến ông kính nể, là giữa ngài và ông có nhân duyên.

Thấy nhân duyên thì thấy đúng chỗ làm đạo của mình, chúng ta tới, chỗ đó phát lên. Nhưng không thấy nhân duyên, chỉ có tham vọng mà vô ở, sẽ chết.

Ngày xưa, người ta cúng chùa Bà Sàng ở Sa Đéc. Hòa thượng Thiện Hòa nói với Hòa thượng Giác Ngạn coi chùa ra sao, có ở tu được không. Xuống đó, Hòa thượng Giác Ngạn thấy chùa rộng lớn, đất nhiều, chắc làm đạo được. Hòa thượng Huệ Hưng dẫn đi tới đó, để các vị này ở lại và ngài về tổ đình Kim Huê. Tối đến, có người đến bắt các vị này đi mất tích luôn. Vô cửa tử, làm sao sống được.

Vì vậy, việc quan trọng của chúng ta đi hoằng hóa lợi sanh, phải ứng quyền cơ. Có chỗ mình đến, người kính trọng, nhưng nếu lỡ đến cửa tử, thì phải tìm cách sống chứ. Điển hình như Hòa thượng Quảng Minh ngày xưa làm Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt. Hòa thượng xuống Cần Thơ, tới cầu Cái Vồn, bị lính của Năm Lửa bắt. Ở ngoài, ai thấy Hòa thượng cũng chắp tay, bạch thầy, nhưng vô đến Năm Lửa, Hòa thượng biết mình phải chắp tay bẩm quan lớn, tha cho con về, vì đã lọt vô chỗ chết, thì phải biết ứng quyền cơ để sống còn. Năm Lửa gằn giọng ở đây cấm không cho thuyết pháp, lần này tha cho, nhưng về Sài-gòn, nhớ đừng xuống đây nữa.

Cũng vậy, ngày xưa, Tổ Huệ Năng sống với đám thợ săn trong rừng, ngài cũng phải ứng quyền cơ, luộc rau trong nồi thịt, để được yên thân.

Người hiểu đạo phải biết chỗ nào hoằng pháp được, lúc nào phải ẩn tu, đó là ứng quyền cơ mà thầy trụ trì cần thực hiện. Nếu chúng ta tới chỗ quần chúng không ủng hộ, chính quyền không ủng hộ, làm sao tồn tại.

Các thầy làm đạo, quần chúng ủng hộ, là được một chân. Và chính quyền ủng hộ, được thêm một chân. Các trụ trì làm nên việc đều nhờ như vậy. Hòa thượng Huệ Đăng được ủng hộ, đọc lại các bản văn ngày xưa, ghi rằng ngài cũng bẩm quan lớn. Hoặc đem đơn ra chính quyền Pháp, ngài cũng phải có thái độ kính cẩn giống như người dân thường.

Thiết nghĩ trong mọi tình huống, phải ứng xử thích nghi để tồn tại. Tôi thấy các thầy trụ trì làm được việc, đều được quần chúng và chính quyền ủng hộ, ví như con chim có hai cánh mới bay được, còn giỏi dở chưa nói. Nếu không được như vậy, nên ẩn tu tốt hơn.

Các vị hành đạo được là thấy nhân duyên chỗ nên tới, nơi nào nên tránh. Điển hình như Tổ Đạt Ma quán thấy Phật giáo không thể tồn tại ở Ấn Độ, ngài đã sang Trung Hoa dựng ngọn cờ Thiền. Hoặc Tổ Khương Tăng Hội thấy đất Giao Châu là thuộc địa của Trung Hoa không thể phát triển Phật giáo, ngài đi qua Trung Hoa, là chỗ gốc mà Phật giáo được vua chúa kính nể.

Đọc lịch sử, thấy ngài Khương Tăng Hội sang Trung Hoa, có đem theo tháp xá-lợi Phật. Vua Ngô Tôn Quyền hỏi ngài xá-lợi là gì và linh nghiệm thế nào. Ngài nói đó là công đức tu hành của Đức Phật, sau khi trà tỳ, kết tinh lại thành xá-lợi.

Vua hỏi xương của Phật có linh nghiệm gì. Ngài trả lời xá-lợi cứng như kim cương, không gì có thể phá vỡ. Vua hỏi cho trẫm xem xá-lợi được không. Ngài nói người có phước đức mới xem được xá-lợi, không phải ai cũng thấy được. Và có thiền định mới thủ đắc được xá-lợi. Thủ đắc xá-lợi mà xá-lợi không linh nghiệm là vị Tăng này chưa có đạo lực.

Xá-lợi linh nghiệm là phải phóng hào quang. Ngài Khương Tăng Hội nói muốn xá-lợi phóng hào quang, ngài phải nhập chánh định. Và ngài đã nhập định trong am tranh 21 ngày không ăn, người ta thấy am tranh tỏa ánh sáng.

Vua mời ngài đem xá-lợi vô cung điện cho vua coi. Vua hỏi còn gì linh nghiệm nữa không. Ngài nói xá-lợi cứng, đập không vỡ. Vua bảo lấy chày đồng cho lực sĩ đập xá-lợi, nhưng đập mạnh, cái cối lún xuống đất, mà xá-lợi không vỡ. Vua nói lần đầu tiên thấy xá-lợi và sự linh nghiệm của xá-lợi. Vua mới lập chùa Kiến Sơ thờ xá-lợi. Tôi có đến chùa này chiêm bái, nhưng thực sự tôi chưa thấy hào quang xá-lợi.

Lịch sử cho thấy đạo hạnh của ngài Khương Tăng Hội làm cho vua phải kính nể, mà Phật giáo được truyền sang Trung Hoa.

 Khi Phật giáo suy yếu, chính quyền không ủng hộ, quần chúng tranh chấp, chúng ta cảm thấy mình thiếu phước, kém tu, phải nỗ lực tu miên mật. Còn để phiền não nổi dậy, đạo lực đã bị sút giảm, mà còn để hình tướng bại hoại nữa.

Đối với tôi, nội minh quan trọng, vì thích ứng được với xã hội một cách tốt đẹp, giống như ngài Hư Vân làm đạo từ đời vua Quang Tự nhà Thanh, cho đến thời Tôn Dật Tiên và kéo dài đến thời Mao Trạch Đông, ngài vẫn ung dung tự tại hoằng hóa lợi sanh, phát triển đạo pháp, cho đến khi ngài 120 tuổi mới nhập Niết-bàn.

Thiết nghĩ thầy trụ trì có đức hạnh cao quý, có nội minh soi sáng, thì ở thời kỳ nào cũng thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, làm Phật giáo hưng thạnh, lợi lạc quần sanh.

 

 

HT.Thích Trí Quảng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin