Chi tiết tin tức Tại sao có đạo Phật? – 3 09:59:00 - 21/06/2015
(PGNĐ) - Phật giáo lúc nào cũng khuyến khích con người đối mặt với những sự kiện của đời sống, chấp nhận sự thật dù nó thế nào, không hành động như người đạo đức giả.
Ðối mặt với hiện thực Phật giáo lúc nào cũng khuyến khích con người đối mặt với những sự kiện của đời sống, chấp nhận sự thật dù nó thế nào, không hành động như người đạo đức giả. Cho nên, người Phật Tử không bác bỏ những sự kiện thuộc về những vấn đề vật chất khám phá ra bởi những nhà tư tưởng và khoa học gia vĩ đại. Mặc dù Ðức Phật chú ý nhiều đến việc phát triển tinh thần, Ngài chẳng bao giờ chểnh mảng sự tiến bộ vật chất của con người trên thế giới. Trong giáo lý của Ngài, chúng ta có thể thấy vang vọng lời khuyên thực tiễn có cơ sở cho con người hoạt động thích đáng không phí phạm thì giờ và nỗ lực quý báu, đồng thời hành động khôn ngoan cho sự tiến bộ của loài người. Ngài dạy con người phải chu toàn nhiệm vụ đối với gia đình, thân quyến, bè bạn, cộng đồng, xứ sở và cả toàn cầu. Cho nên, người Phật Tử không nên quên nhiệm vụ và bổn phận làm cho thế giới hạnh phúc và hòa bình bằng cách đóng góp trong phạm vi khả năng của mình. Đức Phật chẳng bao giờ can thiệp vào những công việc của chính phủ hay những luật lệ hợp lý đặt ra bởi chính phủ. Ngài cũng chẳng bao giờ chống lại tập tục xã hội và truyền thống nếu những điều ấy vô hại và có lợi ích cho xã hội. Ðồng thời Ngài cũng chẳng bao giờ tìm đến quyền lực chính trị hay quân sự để giới thiệu giáo pháp về đời sống của Ngài mặc dù vua chúa và các quan đại thần là đệ tử của Ngài. Phật giáo dạy chúng ta phục vụ tha nhân, hy sinh tiện ích riêng tư để cứu nhân loại đang đau khổ, tôn trọng các giới cấm đạo lý hay kỷ luật tự giác, mà không bị áp đặt của điều răn của một quyền năng vô hình nào đó. Tôn trọng nguyên tắc thiện theo nhận thức riêng của mình không những chỉ giúp cho chính ta có cơ hội được toàn hảo mà cũng giúp đỡ người khác sống trong hòa bình. Sự toàn bích này là mục tiêu cao nhất một con người phải đạt cho được để rồi đạt giải thoát. Việc này không thể đạt được nhờ ảnh hưởng của bất cứ một thượng đế nào hay một tác nhân trung gian nào. Theo Phật giáo, hạnh phúc thiên đường hay Niết Bàn có thể chứng nghiệm ngay trong đời này. Theo tôn giáo này, chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của những hành động xấu hay tốt ngay trong đời này. Hạnh phúc thiên đường hay Niết Bàn có thể chứng nghiệm ngay trong đời này. Không cần thiết phải chờ đợi đến sau khi chết mới biết kết quả như thường được dạy ở nhiều tôn giáo khác. Cho nên tại sao Ðức Phật khuyên ta đến và xem giáo lý của Ngài chứ không phải đến để tin suông. Ngài cũng khuyên ta nên chọn một tôn giáo thích hợp bằng cách nhận xét kỹ và điều tra nghiên cứu bằng mọi cách chứ không chấp nhận bằng xúc cảm hay niềm tin mù quáng. Do đó tại sao người ta gọi Ðạo Phật là một học thuyết về phép phân tích. Ở nơi tôn giáo này, chúng ta thấy học thuyết về phép phân tích và tâm lý về tâm và vật mà những nhà tư tưởng hiện đại đánh giá cao. Luật vũ trụ Ðức Phật là người thầy khám phá ra bản chất thực sự của luật vũ trụ vạn năng và khuyên ta nên sống phù hợp với định luật này. Ngài ghi nhận, những kẻ vi phạm luật này, như chống lại thiên nhiên, sống cuộc đời vô luân, phải đương đầu với những hậu quả. Ngày nay chúng ta có thể thấy nhiều bằng chứng về điều này. Từ khi có cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ vừa qua, nhiều vùng đất rộng lớn trên trái đất bị tàn phá, dòng sông bị ô nhiễm đến mức không sao có thể phục hồi vì sự thiệt hại gây nên cho tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp gây nên là do sự tham dục quá mạnh của cải vật chất, và sự thiếu hiểu biết về sự quân bình tốt đẹp giữa con người và thiên nhiên. Không thể nào thoát khỏi được phản ứng của định luật vũ trụ đơn giản bằng cầu nguyện thượng đế vì lẽ luật vũ trụ vô tư. Nhưng Ðức Phật đã dạy chúng ta cách ngăn chặn một số phản ứng của một số việc làm xấu bằng cách càng làm nhiều hành vi thiện, rèn luyện tâm trí và loại bỏ những tư tưởng xấu trong tâm. Sau khi phá vỡ trật tự vũ trụ không có phương pháp nào có thể tránh dược phản ứng ngoại trừ bằng cách phối hợp với qui luật vũ trụ này. Ích kỷ phải nhường bước cho rộng lượng. Tham lam phải nhường bước cho hào phóng. Nghiệp mà Ðức Phật giải thích được nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới Carl Jung chấp nhận như mộttập hợp của thức. Nó chẳng là gì cả mà là sự tồn trữ hạt giống Nghiệp trong năng lượng tinh thần. Chừng nào mà tập hợp thức và “ý muốn sống còn” còn trong tâm như ghi nhận bởi các triết gia, thì tái sanh sẽ xảy ra dù ta tin hay không tin. Những yếu tố của xác thân có thể tan biến nhưng dòng tinh thần cùng với “ý muốn sống” sẽ được truyền thừa và một đời sống khác được quyết định theo sự tập hợp của thức ấy. Lực hấp dẫn và luật bảo toàn năng lượng được khám phá bởi các khoa học gia hiện đại như Newton xác minh học thuyết Nghiệp hay hành dộng và phản ứng trình bày bởi Ðức Phật. Theo Ðức Phật, con người có thể trở thành một thượng đế nếu ngưới ấy sống đứng đắn và chính đáng bất chấp họ có niềm tin tôn giáo ra sao, nhưng các tôn giáo khác chỉ khuyên con người cầu nguyện thượng đế để được phước. Các tôn giáo ấy cũng thuyết giảng chỉ có sau khi chết con người mới có thể lên thiên đường mà hạnh phúc hay chứng nghiệm thiên đường không có nghĩa là con người có thể có đặc quyền để trở thành một thượng đế. Tuy nhiên, khái niệm Phật Giáo về Thượng Ðế khác hẳn khái niệm của các tôn giáo khác. Không có một vị khai sáng ra tôn giáo nào nói là các tín đồ của mình một ngày nào đó có thể đạt được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và giải thoát giống như vị khai sáng ra tôn giáo ấy. Nhưng Ðức Phật nói bất cứ ai cũng có thể trở thành Phật nếu người ấy tu tập toàn hảo, theo phương pháp mà Ngài tu tập. (còn tiếp) Nguyên tác: Hòa thượng Tiến sĩ K. Sri Dhammananda – Dịch: Thích Tâm Quang Theo Pháp Bảo
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |