Chi tiết tin tức Cỏ Kusa và ý nghĩa thiêng liêng đối với người con Phật 21:39:00 - 13/07/2020
(PGNĐ) - Cho đến tận ngày nay, cỏ Kusa luôn là phẩm vật vô cùng quý giá đối với chúng Phật tử. Theo phong tục trong một số lễ hội, chư Tăng thường phát cỏ Kusa cho các Phật tử để họ trải dưới đệm ngủ, sau đó họ có thể giải nghĩa những giấc mơ hoặc linh kiến trong đêm.
Sau khi giải minh năm linh kiến trong đêm, Thái tử Siddhattha thấy lòng hân hoan, hỉ lạc. Chàng đi kinh hành một lát rồi xuống sông tắm. Dòng nước ban mai mát lạnh, Siddhattha tiếp nhận từ làn da, từ lỗ chân lông cảm giác dễ chịu ấy. Tai chàng nghe được cả âm thanh lao xao của từng làn sông nước... Mũi chàng ngửi được cả mùi hương của rong rêu, của cả thiên nhiên hoang sơ... Ngũ quan và nhận thức đã trở nên tinh tế. Không thể rời bỏ thế giới hiện tượng, sự sống mà phải lắng nghe, cảm nhận hiện tượng, sự sống một cách trọn vẹn, sâu sắc... Từ cơ sở ấy, cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức cũng phải được lắng nghe một cách chân thực. Như dòng sông này, các giọt nước kế tục trôi chảy như thế nào thì cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức của ta cũng trôi chảy như thế... Khi nàng Sujātā và cô bé Puṇṇā mang lễ vật đến gốc cây cúng thần linh thì họ thấy một vị thần hào quang sáng rực đang tĩnh tại tọa thiền. Ngay cả cô bé Puṇṇā cũng cảm nhận khác lạ. Đây đúng là vị sa-môn gầy khô sắp chết đói mấy bữa trước - nhưng dường như đã hóa sinh thành một con người khác. Đúng là có thần linh rồi! Đúng là thần linh mới có dung sắc và hào quang như vậy. Nàng Sujātā sai Puṇṇā sắp đặt lễ phẩm trên chiếc mâm vàng gồm cơm sữa và bánh trái khác, quỳ xuống, đội lên đầu rồi thành kính nói: - Thưa ngài, thưa vị thọ thần uy linh! Con là Sujātā, ngài đã theo lời ước nguyện của con, ban cho con một tấm chồng đẹp đẽ, giàu sang và tốt bụng; lại còn ban cho con một bé trai có tướng mạo, dung sắc như một tiểu thiên thần. Vậy là con đã hoàn toàn mãn nguyện. Hôm nay, con đến đây để tạ lễ, mong ngài chứng giám cho lòng thành của con... Siddhattha tự nghĩ: “Tất cả đều có nhân và duyên. Ta hãy thọ nhận vì lợi ích cho nàng và cũng lợi ích cho cuộc chuyển hóa vĩ đại đang ở nơi ta”. Khi nàng Sujātā và cô bé Puṇṇā dâng nguyên cả mâm bằng vàng cho trọn lễ ra về rồi, Siddhattha Gotama đứng trầm tư, quán tưởng giây lát... rồi chậm rãi từng bước một, ra bờ sông. Lựa một đám cỏ sạch, Siddhattha ngồi xếp bằng, vo tròn cơm sữa thành bốn mươi chín vắt to bằng trái thốt nốt. Chính niệm, tỉnh giác, Siddhattha chú nguyện rồi độ thực hết bốn mươi chín vắt cơm ấy. Cầm mâm vàng, đứng lên, Siddhattha phát nguyện rằng: - Nếu dưới cội cây Assattha kia mà ta đắc thành quả vị Chính Đẳng Giác thì xin mâm vàng này trôi ngược dòng sông. Nếu không thể đắc quả Phật thì mâm vàng này sẽ trôi xuôi. Nguyện xong, Siddhattha thảy mâm vàng ra giữa sông. Lạ lùng thay, chiếc mâm vàng như tấm thia lia băng băng trôi ngược nguồn, lên phía thượng lưu, khoảng chừng tám mươi hắc tay thì chìm xuống. Ngay lúc ấy, trên thế gian thì không có chuyện gì, nhưng dưới thủy cung có chuyện lạ. Nguyên dưới cung điện của Long vương đã có ba chiếc mâm vàng của ba vị Phật quá khứ, đó là đức Phật Kakusandha, đức Phật Koṇāgamana, đức Phật Kassapa. Khi chiếc mâm vàng của Siddhattha chìm xuống, trôi về thủy cung, đụng phải ba chiếc mâm vàng trước, tiếng ngân vang lên. Long vương Kāḷānaga lúc ấy đang ngủ, nghe âm thanh của mâm vàng chạm nhau, thức dậy, mỉm cười nói rằng: “Chà! Mới hôm qua một vị Phật xuất hiện, hôm nay lại một vị Phật khác nữa ra đời!”. Siddhattha biết nguyện mình sẽ đạt, lòng hân hoan, thư thái; và còn biết rõ rằng: Sự chuyển hóa của mình, cái nhìn mới mẻ của mình về sự tu tập là chính xác, đúng đắn! Bước về cội cây Assattha, Siddhattha rất tự tin khi thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc hạ thủ công phu mà không còn sợ phải lầm lạc nữa. Bắt chước cô bé Puṇṇā, Siddhattha bẻ lá quét dọn rồi ôm một ôm lá khác sắp xếp lên nhau để làm một chỗ ngồi. Khi đang mải mê với công việc, một cậu bé chăn bò đội một bó cỏ lớn đi ngang. Cậu ta dừng lại, tò mò nhìn một lát rồi nói: - Này ông sa-môn! Đám lá ấy không thể trải chỗ ngồi được đâu, chỉ vài ba hôm là bầm dập, hư nát. Phải là cỏ này. Cỏ kusa này để lâu nó sẽ khô và bốc mùi thơm dễ chịu. Con biếu tặng ông sa-môn đây. Nói xong, cậu bé chăn bò đặt bó cỏ xuống. Nó gồm có tám bó nhỏ đều đặn mà bề dài lại vừa khít, vuông vức một chỗ ngồi. Một lát, cậu bé chăn bò đã làm xong, trông rất đẹp đẽ. Siddhattha Gotama cất giọng thiện cảm: - Cảm ơn bạn nhiều lắm! - Dạ, không có chi. - Bạn tên gì? Ở có xa đây không? - Dạ, con tên là Sotthiya. Con thuộc giai cấp Sudra, ở cũng gần đây thôi! - Sotthiya biếu cho ta bó cỏ quý này thì lấy gì để mang về nhà? - Dạ, không sao, con sẽ kiếm bó khác. Chỉ có một con bò sữa què chân thôi mà! Tuy chỉ là tấm nệm cỏ tầm thường làm tọa cụ, nhưng dưới con mắt nghiệp cảm của phi nhân, chư thiên, ma vương thì đấy là cả một bồ đoàn quý báu, tên là Ratanapallaṇka, cao mười bốn cùi tay, xung quanh đều được chạm khắc công phu, đính bảy báu - là phước báu trang nghiêm của ngài được tích lũy Ba la mật từ vô lượng kiếp. Lúc Sotthiya vừa đi khỏi, Siddhattha lên ngồi trên nệm cỏ, thấy êm ái và thoáng mát; Ngài quay mặt về hướng đông, thấy khí và lực của mình thuận hợp với khí và lực của vũ trụ. Toàn thể tế bào, máu huyết như được tiếp thêm năng lượng. Nhiếp tâm thanh tĩnh, điều hòa hơi thở, Siddhattha phát lời đại nguyện: “Dù máu huyết khô cạn, dù chỉ còn gân, xương và da; ta quyết không rời khỏi nệm cỏ này nếu ta chưa đắc thành quả Phật”. Thái tử Sidddhattha vừa phát nguyện xong thì không gian như chao đảo, quả địa cầu rung chuyển dữ dội. Tấm nệm cỏ tầm thường bây giờ đã biến thành bồ đoàn chiến thắng (aparājata panllaṅka) sừng sững, bất động như thách thức muôn ngàn bóng đêm của vô minh và si mê. Cho đến tận ngày nay, cỏ Kusa luôn là phẩm vật vô cùng quý giá đối với chúng Phật tử. Theo phong tục trong một số lễ hội, chư Tăng thường phát cỏ Kusa cho các Phật tử để họ trải dưới đệm ngủ, sau đó họ có thể giải nghĩa những giấc mơ hoặc linh kiến trong đêm. Người ta còn dùng cỏ này quấn bông bên ngoài làm tim đèn bơ, nêu biểu cho ngọn lửa trí tuệ đốt cháy mọi ám chướng. Cỏ Kusa còn được dùng để lót bên trong các tôn tượng và Bảo Tháp. (Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt” Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh NXB Văn Học, 2014)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |